Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Pháp (DHAMMA) là gì ? Cách hiểu khái niệm pháp trong Đạo phật

 

Thế nào là Dhamma? Chúng ta thường dịch Dhamma là những lời dạy dỗ, giáo huấn của Đức Phật. Thật ra Dhamma có nghĩa là những gì Đức Phật đã Giác Ngộ, đã hiểu biết, đã thấu đáo vào thời điểm Giác Ngộ .

Dhamma cũng có nghĩa là những gì Đức Phật đã dạy cho chúng sinh. Như vậy Dhamma không chỉ có nghĩa là những gì chúng ta tìm thấy được trong sách vở mà Dhamma còn là những gì một thiền sinh kinh nghiệm trong lúc hành thiền. Nói cách khác, Dhamma có nghĩa là Đạo, Quả, Niết Bàn và những lời dạy của Đức Phật. Có bốn Đạo, bốn Quả, Niết Bàn, và những lời dạy của Đức Phật.

Như vậy, khi nói đến Dhamma chúng ta nói đến mười đặc điểm trên. Chữ Dhamma có rất nhiều nghĩa, là một chữ rất khó dịch, khó có thể dùng một chữ mà chỉ hết các đặc tính của Dhamma. Do đó, tùy theo từng trường hợp, tùy theo bản kinh mà ta hiểu chữ Dhamma theo đúng ý nghĩa của từng trường hợp, từng bản kinh đó.

Khi chúng ta nói Phật, Pháp, Tăng thì chữ Pháp (Dhamma) này có nghĩa là Đạo, Quả, Niết Bàn, và những lời dạy của Đức Phật. Nói cách khác, Dhamma là những gì Đức Phật đã chứng ngộ vào lúc Giác Ngộ và những gì Ngài đã dạy cho thế gian.

Kinh điển ghi lại Đức Phật thuyết pháp rất nhanh. Ngày nay cũng có nhiều người nói rất nhanh;mặc dù họ nói rất nhanh, nhưng chúng ta cũng hiểu. Trong bốn mươi lăm năm Đức Phật thuyết pháp hàng ngày thì số lượng những bài pháp của Ngài rất nhiều. Chỉ những điểm chính yếu trong lời dạy của Ngài cũng bao gồm bốn mươi cuốn sách, mỗi cuốn dài ba đến bốn trăm trang. Thật là một khối lượng rất lớn lao!

Nhìn thấy số lượng lớn lao của Giáo Pháp mà Đức Phật đã dạy, chúng ta có thể nghĩ rằng: với số lượng giáo pháp nhiều như vậy chúng ta không hy vọng hiểu nổi. Nhưng một lần nọ Đức Phật đã tóm lược giáo pháp của Ngài chỉ trong một bài kệ. Tôi nghĩ chúng ta cần phải biết bài kệ này. Nhiều người trong số các bạn ở đây đã từng biết bài kệ đó như thế nào. Bài kệ giản dị này đã tóm lược tất cả những lời dạy của Đức Phật:

Không làm các việc ác Vun bồi các hạnh lành Thanh lọc tâm ý

Đó là lời chư Phật dạy.

Như vậy, chỉ có ba điều rất đơn giản cần học, nhưng rất khó để thực hành.

Không làm việc ác nào: Có nghĩa là không làm điều xấu. Có người đôi lúc làm việc xấu, có người ít khi làm việc xấu, và cũng có người thường làm những việc xấu.

Vun bồi các hạnh lành: Đôi lúc chúng ta không muốn làm việc lành, không muốn vun bồi thiện tâm. Khi Đức Phật nói làm những việc lành, những điều tốt có nghĩa là phải thực hành hạnh bố thí, trì giới, và tham thiền.

Thanh lọc tâm ý: Tâm chúng ta luôn luôn bị ô nhiễm bởi những cấu uế, phiền não. Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta phải thanh lọc tâm mình. Khi tâm đã được thanh tịnh trong sạch, sẽ kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng. Như vậy, nếu chúng ta có thể thực hành ba điều khuyên dạy này của Đức Phật thì chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc nhất thế gian.

Đức Phật không chỉ nói rằng chúng ta thanh  lọc tâm ý mình suông thôi, mà Ngài còn dạy chúng ta phải làm cách nào để thanh lọc tâm ý nữa. Đức Phật dạy chúng ta ba bước tuần tự thực hành để đạt được thanh tịnh tâm ý. Đó là Giới, Định, Huệ.

Bước đầu tiên là Giới (sīla), giới trong sạch là căn bản cho mọi tiến bộ tâm linh. Giới trong sạch nghĩa là trong sạch thân và khẩu. Thân chúng ta không làm điều sai lầm, khẩu không nói điều sai lầm. Có nghĩa là thân thiền sinh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và các chất say; khẩu không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời nói dữ, không nói lời vô ích.

Bước thứ hai là Định (sāmadhi). Định là giữ tâm trong sạch. Giữ tâm trong sạch bằng  cách định tâm qua Thiền Định. Có nhiều đề mục thực hành Thiền Định. Chúng ta sẽ nói ở phần sau (xem chương 10).

Bước thứ ba là Huệ (pañña). Huệ hay Tuệ ở đây có nghĩa là hiểu biết bản chất của sự vật, thấy rõ thực tướng của Vật Chất và Tâm. Huệ ở đây cũng có nghĩa là trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu Đế.

Bước thứ ba (Huệ) đặt căn bản trên bước thứ nhì (Định). Và bước thứ nhì (Định) đặt căn bản trên bước thứ nhất (Giới). Nếu muốn đạt được tầng mức cao nhất của sự tiến bộ tâm linh thì bạn phải tuần tự thực hành ba bước trên.

Không đạt được bước thứ nhất là giới tịnh (Giới) thì không thể đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định).

Không đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định) thì không thể đạt được bước thứ ba là trí tuệ (Huệ), thấy rõ bản chất thật sự của sự vật, và do đó không thể hiểu rõ được Tứ Diệu Đế.

Như vậy, Đức Phật đã cho chúng ta bản đồ chi tiết về con đường phát triển tâm linh. Những ai theo ba bước của bản đồ này chắc chắn sẽ đạt được mục đích tối hậu.

Nguồn: Sư Khánh Hỷ – Soạn dịch Phật pháp căn bản (tập 1)

VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP l Chánh pháp là gì, Vì sao chánh pháp cần được hộ trì? 

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 51

Post Views: 438