Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Bất thiện tâm trong Vi Diệu Pháp

 

Nội dung lấy từ bộ Nền tảng Phật giáo của Tỳ kheo Hộ Pháp

I. Giảng Giải Về 12 Bất-Thiện-Tâm

Bất-thiện-tâm (akusalacitta) có 12 tâm, tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm gọi là 12 bất-thiện-nghiệp (akusalakamma) phát sinh do nương nhờ 3 nơi: thân, khẩu, ý.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh nơi thân gọi là thân-bất-thiện-nghiệp (akusalakāyakamma) hoặc gọi là thânác-nghiệp có 3 loại nghiệp là:

1- Pāṇātipāda: Ác-nghiệp sát sinh,

2- Adinnādāna: Ác-nghiệp trộm cắp,

3- Kāmesumicchārāra: Ác-nghiệp tà dâm.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh nơi khẩu gọi là khẩu-bất-thiện-nghiệp (akusalavacīkamma) hoặc

gọi là khẩu-ác-nghiệp, có 4 loại nghiệp là:

1- Musāvāda: Ác-nghiệp nói dối,

2- Pisuṇavācā: Ác-nghiệp nói lời chia rẽ,

3- Pharusavācā: Ác-nghiệp nói lời thô tục,

4- Samphappalāpa: Ác-nghiệp nói lời vô ích.

* Bất-thiện-nghiệp phát sinh nơi ý gọi là ý-bất thiện-nghiệp (akusalamanokamma) hoặc gọi là ý-ác-nghiệp, có 3 loại nghiệp là:

1- Abhijjhā: Ác-nghiệp tham lam của cải của người khác,

2- Byāpāda: Ác-nghiệp thù hận người khác,

3- Micchādiṭṭhi: Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Bất-Thiện-Tâm Tạo Ác-Nghiệp

* 8 tham-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, có 7 loại ác-nghiệp:

– Thân-ác-nghiệp có 2 loại: trộm-cắp, tà-dâm,

– Khẩu-ác-nghiệp có 3 loại: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời vô ích,

– Ý-ác-nghiệp có 2 loại: tham lam, tà-kiến.

* 2 sân-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, có 7 loại ác-nghiệp:

– Thân-ác-nghiệp có 2 loại: sát-sinh, trộm-cắp,

– Khẩu-ác-nghiệp có 4 loại: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích,

– Ý-ác-nghiệp có 1 loại: thù hận.

* 2 si-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý có 10 loại ác-nghiệp:

– Thân-ác-nghiệp có 3 loại: sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm,

– Khẩu-ác-nghiệp có 4 loại: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích,

– Ý-ác-nghiệp có 3 loại: tham lam, thù hận, tà-kiến.

Ác-Nghiệp Với Ác-Tâm

* 3 ác-nghiệp: ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp nói lời thô-tục, ác-nghiệp thù-hận phát sinh do năng lực của sân-tâm, có sân tâm-sở dẫn đầu.

* 3 ác-nghiệp: ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp tham lam, ác-nghiệp tà-kiến phát sinh do năng lực của tham-tâm, có tham tâm-sở dẫn đầu.

* 4 ác-nghiệp: ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp nói dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời vô ích phát sinh khi do năng lực của tham-tâm ham muốn lợi lộc; khi do năng lực của sân-tâm như trộm-cắp đem vất bỏ, vì ghét người chủ nhân, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời vô ích để gây thiệt hại cho người khác.

Thật ra, 10 ác-nghiệp này phát sinh trực-tiếp do nương nhờ tham-tâm và sân-tâm. Còn si-tâm tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, có 10 loại ác-nghiệp chỉ là cách gián-tiếp mà thôi, bởi vì 10 ác-nghiệp phát sinh đều do vô-minh làm nhân.

* Tham-tâm phát sinh có tham tâm-sở dẫn đầu, có si tâm-sở hỗ-trợ,

* Sân-tâm phát sinh có sân tâm-sở dẫn đầu, có si tâm-sở hỗ-trợ,

* Si-tâm phát sinh chỉ có si tâm-sở dẫn đầu mà thôi.

Nhân Sinh Bất-Thiện-Tâm

Bất-thiện-tâm gồm có 12 tâm phát sinh do ayonisomanasikāra: do si-mê biết sai lầm trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp.

Đức-Phật dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy pháp nào khác làm nhân của bất-thiện-pháp chưa phát sinh thì phát sinh, thiện-pháp đã phát sinh, thì bị suy thoái như ayonisomanasikāra.

– Này chư tỳ-khưu! Người nào có ayoniso-manasikāra, bất-thiện-pháp chưa phát sinh thì phát sinh, thiện-pháp đã phát sinh, thì bị suy thoái.”([13])

Ayonisomanasikāra phát sinh do 5 nhân:

1- Pubbe akatapuññatā: Không tích luỹ phước-thiện trong kiếp trước,

2- Appaṭirūpadesavāsa: Sống ở nơi không  thuận lợi (không có Phật-giáo).  

3- Asappurisupanissaya: Không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo,

4- Asaddhammassavana: Không lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,

5- Attamicchāpanidhi: Tâm biết sai lầm trong các pháp.

Ayonisomanasikāra phát sinh do 5 nhân này, nhân đầu tiên là không tích luỹ phước-thiện trong những kiếp trước, nên kiếp-hiện-tại sinh sống nơi chốn không thuận lợi, không có Phật-giáo, không được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không có cơ-hội lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí. Cho nên, người ấy có si-mê biết sai lầm trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp, làm nhân cho bất-thiện-tâm chưa sinh thì phát sinh, thiện-tâm đã sinh thì bị suy thoái.

Vì vậy, ayonisomanasikāra là nhân phát sinh bất-thiện-tâm.

Diệt Bất-Thiện-Nghiệp  

Bất-thiện-nghiệp là ác-nghiệp nên diệt bằng 3 cách:

1- Tadaṅgapahāna: Diệt-từng-thời,

2-Vikkhambhanapahāna:Diệt bằng cách chế-ngự,

3-Samucchedapahāna:Diệt bằng cách đoạn-tuyệt,

.

Diệt từng thời như thế nào?

Bất-thiện-tâm gồm có 12 tâm tạo 10 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, khẩu, ý.

* Thân-ác-nghiệp có 3 loại: Sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm,

* Khẩu-ác-nghiệp có 4 loại: Nói dối, nói lời chia-rẽ, nói lời thô-tục, nói lời vô-ích.

* Ý-ác-nghiệp có 3 loại: Tham-lam, thù-hận, tà-kiến

Hành-giả thực-hành pháp-hành-giới có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với dục-giới đại-thiện-tâm diệt từng thời 3 loại thân-ác-nghiệp: tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm; và diệt từng thời 4 loại khẩu-ác-nghiệp: tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích.

Như vậy, hành-giả pháp-hành-giới có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgapahāna) được thân-ác-nghiệp và khẩu-ác-nghiệp.

Diệt bằng cách chế-ngự như thế nào?  

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định có định-tâm trong đối-tượng-thiền-định, nên diệt bằng cách chế-nghự (vikhambhanapahāna) được tham-lam, thù-hận, tà-kiến ở trong tâm.

Diệt bằng cách đoạn-tuyệt như thế nào?  

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, tiếp đến

1- Chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 5 loại ác-nghiệp là sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói dối, tà-kiến không còn nữa.

2- Chứng đắc Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 3 loại ác-nghiệp loại thô là nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, thù-hận không còn nữa.

3- Chứng đắc Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 3 loại ác-nghiệp loại vi-tế là nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, thù-hận không còn nữa.

4- Chứng đắc A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại ác-nghiệp còn lại là tham-lam, nói lời vô-ích không còn nữa.

* Diệt Bất-Thiện-Tâm

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế tiếp đến

1- Chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 5 loại bất-thiện-tâm là 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài-nghi không còn nữa.

2- Chứng đắc Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại bất-thiện-tâm là 2 sân-tâm loại thô không còn nữa.

3- Chứng đắc Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại bất-thiện-tâm là 2 sân-tâm loại vi-tế không còn nữa.

4- Chứng đắc A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả và Niết-bàn, có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được 5 loại bất-thiện-tâm còn lại là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm không còn nữa.

Tâm Với Tâm-Sở

Tâm (citta) gồm có 89 hoặc 121 tâm và tâm-sở (cetasika) gồm có 52 tâm-sở. Tâm với tâm-sở không thể tách rời nhau được, hễ khi có tâm nào phát sinh, ắt hẳn có một số tâm-sở tương xứng đồng sinh với tâm ấy, bởi vì tâm-sở có 4 trạng-thái là đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm.

Bất-Thiện-Tâm Với Tâm-Sở

12 bất-thiện-tâm có 2 loại tâm-sở đồng sinh:

1- Aññasamānācetasika: đồng-sinh-toàn-tâm, đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở, có 13 tâm-sở, và

2- Akusalacetasika: bất-thiện-tâm-sở có 14 tâm-sở

Như vậy, chỉ có 27 tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm mà thôi.

* Tham-tâm có 8 tâm: Trong 8 tham-tâm, mỗi tham-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với tâm như sau:

1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có 19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này là 13 aññasamānā-cetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobha-cetasika + 1 diṭṭhicetasika, gồm có 19 tâm-sở.([14])

2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 21 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānācetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 diṭṭhicetasika + 2 thīduka-cetasika, gồm có 21 tâm-sở.

3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānācetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika gồm có 19 tâm-sở.

4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 21 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 13 aññasamānā-cetasika + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika + 2 thīdukacetasika gồm có 21 tâm-sở.

5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động, có 18 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) +4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 diṭṭhicetasika gồm có 18 tâm-sở,

6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động, có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 1 lobha- cetasika + 1 diṭṭhicetasika + 2 thīdukacetasika, gồm có 20 tâm-sở.

7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động có 18 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatuka- cetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika, gồm có 18 tâm-sở,

8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 1 lobhacetasika + 1 mānacetasika + 2 thīdukacetasika, gồm có 20 tâm-sở.

* Sân-tâm có 2 tâm:

Trong 2 sân-tâm, mỗi sân-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với tâm như sau:

1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động, có 20 tâm-sở đồng sinh với sân-tâm này đó là 12 aññasamānā-cetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika + 4 docatukacetasika, gồm có 20 tâm-sở.

2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động, có 22 tâm-sở đồng sinh với sân-tâm này đó là 12 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika) + 4 mocatukacetasika+4 docatuka- cetasika+2 thīdukacetasika, gồm có 22 tâm-sở.

* Si-tâm có 2 tâm:

Trong 2 si-tâm, mỗi si-tâm có một số tâm-sở đồng sinh với tâm như sau:

1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi, có 15 tâm-sở đồng sinh với si-tâm này đó là 10 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika adhimokkha, chanda) + 4 mocatukacetasika + 1 vicikicchācetasika, gồm có 15 tâm-sở,

2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm, có 15 tâm-sở đồng sinh với si-tâm này đó là 11 aññasamānācetasika (trừ pīticetasika, chanda) + 4 mocatukacetasika, gồm có 15 tâm-sở.

* Diệt 14 Bất-Thiện Tâm-Sở

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, nếu chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được 12 bất-thiện-tâm thì chắc chắn cũng diệt-đoạn-tuyệt được 14 bất-thiện tâm-sở đồng thời với 12 bất-thiện-tâm ấy.

Để biết mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được bất-thiện tâm-sở nào như sau:

1- Nhập-lưu-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 4 bất-thiện tâm-sở là tà-kiến tâm-sở, hoài-nghi tâm-sở, ganh-tị tâm-sở, keo-kiệt tâm-sở không còn nữa.  

2- Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 2 bất-thiện tâm-sở loại thô là sân tâm-sở, hối-hận tâm-sở không còn nữa.  

3- Bất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 2 bất-thiện tâm-sở loại vi-tế là sân tâm-sở, hối-hận tâm-sở không còn nữa.

4- A-ra-hán-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 8 bất-thiện tâm-sở là tham tâm-sở, ngã-mạn tâm-sở, si tâm-sở, phóng-tâm tâm-sở, buồn-chán tâm-sở, buồn-ngủ tâm-sở, không biết hổ-thẹn tội-lỗi tâm-sở, không biết ghê-sợ tội-lỗi tâm-sở không còn nữa.

*Trong 14 bất-thiện tâm-sở có 10 loại phiền-não (kilesa) là tham, sân, si, tà-kiến, ngã-mạn, hoài-nghi, buồn-ngủ, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, đó là 10 loại phiền-não làm cho tâm ô-nhiễm, thân tâm nóng nảy khiến tạo mọi ác-nghiệp, rồi cho quả khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Để biết mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt-đoạn-tuyệt được phiền-não nào như sau:

1- Nhập-lưu-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại phiền-não là tà-kiến, hoài-nghi không còn nữa.  

2- Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 1 phiền-não là sân loại thô không còn nữa.  

3- Bất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 1 phiền-não là sân loại vi-tế không còn nữa.

4- A-ra-hán-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 7 loại phiền-não là tham, si, ngã-mạn, buồn-

ngủ, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi không còn nữa.

.

Dục-Giới Tịnh-Hảo-Tâm (Kāmāvacarasobhaṇacitta)

Dục-giới tịnh-hảo-tâm (Kāmāvacarasobhaṇa-citta) là tâm thường phát sinh trong cõi dục-giới, thuộc về tâm-tịnh-hảo bởi vì có tịnh-hảo tâm-sở (sobhaṇacetasika) đồng sinh.

Dục-giới tịnh-hảo-tâm có 24 tâm chia 3 loại tâm:

1- Dục-giới đại-thiện-tâm có 8 tâm,

2- Dục-giới đại-quả-tâm có 8 tâm,

3- Dục-giới đại-duy-tác-tâm có 8 tâm.

Dục-giới tịnh-hảo-tâm có 24 tâm hợp với thiện nhân (kusalahetu) là vô-tham (alobhahetu), vô-sân (adosahetu), và vô-si (amohahetu) gọi là trí-tuệ, chỉ hợp với tâm có trí-tuệ mà thôi.

Giảng Giải:

Kāmāvacarakusalacitta: Dục-giới đại-thiện-tâm còn gọi là mahākusalacitta: đại-thiện-tâm.

Định-nghĩa kusalacitta rằng: Kucchite pāpadhamme salayati kampeti viddhaṃsetīti kusalaṃ,

Tâm nào làm cho rung động hoặc tiêu diệt ác-pháp mà chư bậc thiện-trí ghê tởm, tâm ấy gọi là thiện-tâm (kusalacitta). Thiện-tâm là tâm tốt, không bị ô nhiễm, không nóng nảy, không có lỗi, cho quả an lạc.

Kusalacitta có 5 ý nghĩa:

1- Arogayattha: nghĩa không có bệnh là không có phiền-não tham, sân, si,… làm khổ tâm. Phiền-não tham, sân, si, … gọi là bệnh, vì làm khổ tâm, khổ thân đối với chúng-sinh,

2- Sundarattha: nghĩa tốt lành là sự lợi-ích, sự an lạc đối với chúng-sinh,

3- Chekattha: nghĩa khôn ngoan, người có thiện-tâm nói năng hành động đàng hoàng tử tế,

4- Anavajjattha: nghĩa không có lỗi đáng chê trách nào cả,

5- Sukhavipāka: có quả an lạc đáng hài lòng.

II.Bất thiện tâm – Tham

Akusalacitta: Bất-Thiện-Tâm

Bất-thiện-tâm có 12 tâm chia ra 3 loại tâm:

1- Lobhamūlacitta: Tâm có nhân tham (lobha-hetu) gọi là tham-tâm, có 8 tâm

2- Dosamūlacitta: Tâm có nhân sân (dosa-hetu) gọi là sân-tâm, có 2 tâm

3- Mohamūlacitta: Tâm có nhân si (mohahetu) gọi là si-tâm, có 2 tâm

1- Lobhamūlacitta:Tâm có nhân tham (lobha-hetu), hoặc tâm có tham tâm-sở (lobhacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, nên gọi là tham-tâm (lobhacitta).

Tham-tâm (lobhacitta) này có tham tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh theo mình. Tham tâm-sở (lobhacetasika) có 4 pháp riêng biệt lakkhaṇācatuka:

1- Ārammaṇagahaṇalakkhaṇo có trạng-thái chấp thủ trong đối-tượng

2- Abhisaṅgaraso có phận sự giữ chặt trong đối-tượng

3- Aparicāgapaccuṭṭhāno không buông bỏ đối-tượng là quả hiện hữu

4- Saṅyojaniya dhammesu assādadassana padaṭṭhāno thấy các pháp ràng buộc đáng hài lòng là nhân-duyên gần phát sinh tham tâm-sở.

Lobhacitta: Tham-tâm phát sinh do nương nhờ 3 pháp là vedanā: thọ trong đối-tượng, diṭṭhi: tà-kiến, saṅkhāra: tác-động, nên tham-tâm phân chia ra làm 8 tâm như sau:

1- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ   asaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

2- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ   sasaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

3- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ     asaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

4- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

5- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ  asaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

6- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ  sasaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

7- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ   asaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

8- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ   sasaṅkhārikaṃ. Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

Giải Nghĩa Từ Pāḷi Trong 8 Tham-tâm

* Somanassasahagata: Somanassa+sahagata

– Somanassa: Thọ hỷ: Tham-tâm tiếp xúc với đối-tượng tốt đáng hài lòng nhiều, nên phát sinh thọ hỷ

– Sahagata: đồng sinh với

– Somanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ hỷ.

* Upekkhāsahagataṃ: upekkhā+sahagata

– Upekkhā: thọ xả: Tham-tâm tiếp xúc với đối-tượng không tốt không xấu, hài lòng ít, nên phát sinh thọ xả.

– sahagata: đồng sinh với

– upekkhāsahagataṃ: đồng sinh với thọ xả

* Diṭṭhigatasampayutta:diṭṭhigata+sampayutta

– diṭṭhigata: theo tà-kiến thấy sai, chấp lầm

– sampayutta: hợp với

– diṭṭhigatasampayuttaṃ: hợp với tà-kiến.

* Diṭṭhigatavippayutta: diṭṭhigata+vippayutta:

– diṭṭhigata: theo tà-kiến

– vippayutta: không hợp với

– diṭṭhigatavippayuttaṃ: không hợp với tà-kiến.

* Asaṅkhārikaṃ: a+saṅkhārika

– a = na: không

– saṅkhārika: tác-động

– asaṅkhārikaṃ: không cần tác-động

* Sasaṅkhārikaṃ: (sa= saha)+saṅkhārika- saha: cùng với

– saṅkhārika: tác-động

– sasaṅkhārikaṃ: cần tác-động

Tham-tâm có 8 loại tâm do căn cứ vào 3 pháp: vedanā: thọ, diṭṭhi: tà-kiến, saṅkhāra: tác-động.

* Tham-tâm có 8 tâm chia theo thọ:

– 4 tham-tâm đồng sinh với thọ hỷ,

– 4 tham-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Tham-tâm có 8 tâm chia theo tà-kiến:

– 4 tham-tâm hợp với tà-kiến,

– 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.

* Tham-tâm có 8 tâm chia theo tác-động:

– 4 tham-tâm không cần tác-động,

– 4 tham-tâm cần tác-động.

* Nhân Phát Sinh 8 Tham-Tâm

8 tham-tâm phát sinh do 4 nhân:

1- Lobhaparivārakammapaṭisandhikatā: Sự tái sinh của người với đại-quả-tâm có ảnh hưởng đến tham-tâm,

2- Lobha ussannabhavato cavanatā: Sự chuyển kiếp (chết) của chúng-sinh từ cõi giới có tham nhiều,

3- Iṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng tốt đáng hài lòng

4- Ussādadassanaṃ: Thấy đối-tượng thật đáng hài lòng ham thích.

Nếu hội đủ 4 nhân này thì tham-tâm phát sinh.

Nhân Phát Sinh Tham-Tâm Đồng Sinh Với Thọ Hỷ

Tham-tâm đồng sinh với thọ hỷ do 4 nhân:

1- Somanassapaṭisandhikatā: Sự tái sinh của người với đại quả-tâm đồng sinh với thọ hỷ,

2- Agambhīrapakatikā: không có tâm suy xét sâu sắc trong đối-tượng,

3- Iṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng tốt đáng hài lòng,

4- Byasanamutti: Không gặp 5 điều tai hại:

* Ñātibyasana: Sự thiệt hại về thân quyến,

* Bhogabyasana: Sự thiệt hại về của cải tài sản,

* Rogabyasana: Sự tai hại do bệnh nặng,

* Diṭṭhibyasana: Sự tai hại do tà-kiến,

* Sīlabyasana: Sự tai hại do phạm giới.

Nếu hội đủ 4 nhân này thì tham-tâm đồng sinh với thọ hỷ phát sinh.

.

Nhân Phát Sinh Tham-Tâm Đồng Sinh Với Thọ Xả

Tham-tâm đồng sinh với thọ xả do 5 nhân:

1- Upekkhāpaṭisandhikatā: Sự tái sinh của người với đại quả-tâm đồng sinh với thọ xả

2- Gambhīrapakatikā: Có tâm suy xét sâu sắc trong đối-tượng

3- Majjhattārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng không tốt không xấu, (bậc trung)

4- Byasanamutti: Không gặp 5 điều tai hại

5- Mūgadhātukatā: người có tính si-mê

Nếu hội đủ 5 nhân này thì tham-tâm đồng sinh với thọ xả phát sinh.

* Nhân Phát Sinh Tham-Tâm Hợp Với Tà-Kiến

Tham-tâm hợp với tà-kiến do 5 nhân:

1- Diṭṭhijjhāsayatā: Tâm tính hay có tà-kiến

2- Diṭṭhivippannapuggalasevanatā: Thường hay gần gũi thân cận với người có tà-kiến

3- Saddhammavimukhatā: Không thích nghe chánh-pháp

4- Micchāvitakkabahulatā: Hướng tâm nghĩ sai lầm nhiều về tà-kiến

5- Ayoniso ummajjanaṃ: Phát sinh suy nghĩ điều không hợp pháp.

Nếu hội đủ 5 nhân này thì tham-tâm hợp với tà-kiến phát sinh.

Nhân Phát Sinh Tham-Tâm Không Hợp Với Tà-Kiến

Tham-tâm không hợp với tà-kiến do 5 nhân:

1- Sassata ucchedadiṭṭhi anajjhāsayatā: Thường-kiến và đoạn-kiến không có trong tâm tính từ tiền kiếp

2- Diṭṭhivippannapuggala asevanatā: Không gần gũi thân cận với người có tà-kiến

3- Saddhammasammukhatā: Ham thích nghe chánh-pháp

4- Sammāvitakkabahulatā: Hướng tâm đúng đắn về chánh-kiến

5- Ayoniso na ummajjanaṃ: Không phát sinh suy nghĩ điều không hợp pháp

Nếu hội đủ 5 nhân này thì tham-tâm không hợp với tà-kiến phát sinh.

Nhân Phát Sinh Bất-Thiện-Tâm Không Cần Tác Động

Bất-thiện-tâm không cần tác động phát sinh do 6 nhân:

1-Asaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Sự tái sinh của người từ nghiệp không cần tác động

2- Kalalakāyacittatā: Thân và tâm được an lạc

3- Sītuṇhādīnaṃ khamanabahulatā: Có đức tính nhẫn nại chịu đựng sự nóng, sự lạnh, v.v… trở thành thói quen

4- Kattabbakammesu diṭṭhānisaṃsatā: Đã từng thấy rõ hiệu quả trong công việc nên làm

5- Kammesu ciṇṇavasitā: Có tính chuyên môn trong công việc làm ấy

6- Utubhojanādisappāyalābho: Có được đầy đủ thuận lợi về thời tiết, vật thực, v.v…

Nếu hội đủ 6 nhân này thì bất-thiện-tâm không cần tác động phát sinh.

* Nhân Phát Sinh Bất-Thiện-Tâm Cần Tác Động

Bất-thiện-tâm cần tác động phát sinh do 6 nhân:

1- Sasaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Sự tái sinh của người từ nghiệp cần tác động

2- Akalalakāyacittatā: Thân và tâm không được an lạc

3- Sītuṇhādīnaṃ akhamanabahulatā: Không có đức sự nhẫn nại chịu đựng sự nóng, sự lạnh, v.v… trở thành thói quen

4-Akattabbakammesu diṭṭhānisaṃsatā: Không từng thấy hiệu quả trong công việc nên làm

5- Kammesu aciṇṇavasitā: Không có tính chuyên môn trong công việc làm ấy

6- Utubhojanādi asappāyalābho: Không có được đầy đủ thuận lợi về thời tiết, vật thực, v.v..

Nếu hội đủ 6 nhân này thì bất-thiện-tâm cần tác động phát sinh.

Giảng Giải Về 8 Tham-Tâm

Do nguyên nhân nào gọi là tham-tâm?

Tâm nào có nhân tham (lobhahetu), hoặc có tham tâm-sở (lobhacetasika) nhiều năng lực dắt dẫn các tâm-sở khác đồng sinh với tâm ấy biết đối-tượng tốt đáng hài lòng, gọi tâm ấy là tham-tâm (lobhacitta).

Tham-tâm có nhân tham (lobhahetu) và chắc chắn cũng có nhân si (mohahetu) hoặc có tham tâm-sở (lobhacetasika) và chắc chắn cũng có si tâm-sở (mohacetasika) che phủ thật-tánh của đối-tượng, nên tham-tâm mù quáng muốn được đối-tượng tốt đáng hài lòng ấy, để mong đem lại sự an lạc cho mình.

Lobhacitta (Tham-tâm) phát sinh do nương nhờ 3 pháp căn bản:

1- Vedanā (Thọ tâm-sở) đó là somanassa-sahagata (đồng sinh với thọ hỷ) và upekkhā-sahagata (đồng sinh với thọ xả)

2- Diṭṭhi (Tà-kiến tâm-sở) đó là diṭṭhigata-sampayutta (hợp với tà-kiến) và diṭṭhigatavippa-yutta (không hợp với tà-kiến)

3- Saṅkhārika (tác-động) đó là asaṅkhārika không cần tác-động và sasaṅkhārika cần tác-động. Cho nên, tham-tâm chia ra làm 8 loại tâm.

Somanassasahagata: đồng sinh với thọ hỷ: Khi 4 tham-tâm biết đối-tượng tốt thật đáng hài lòng nhiều, nên đồng sinh với thọ hỷ

Upekkhāsahagata: đồng sinh với thọ xả: Khi 4 tham-tâm biết đối-tượng không tốt, không xấu, hài lòng vừa phải, không đến nỗi hoan hỷ, nên chỉ đồng sinh với thọ xả mà thôi

Diṭṭhigatasampayutta: hợp với tà-kiến: Khi 4 tham-tâm hợp với tà-kiến nghĩa là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng và chủ thể (tâm biết đối-tượng) cho là ta (ngã), tà-kiến này gọi là micchādiṭṭhi.

Tà-kiến thấy sai, chấp lầm như thế nào?

Micchādiṭṭhi: Tà-kiến

Tà-kiến có nhiều loại:

* Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhi-kathā có 20 loại tà-kiến trong ngũ-uẩn.

* Trong kinh Brahmajālasutta ([2]) có 62 loại tà-kiến và kinh Sāmaññaphalasutta có 3 loại tà-kiến cố-định.

Tà-kiến nghĩa là gì?

Định nghĩa: Micchā passatī’ti micchādiṭṭhi

Trạng thái thấy sai, biết sai sự thật gọi là tà-kiến, đó là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.

Như vậy, tà-kiến là thấy sai, biết sai sự thật, rồi chấp lầm cho là ta, người, chúng-sinh, v.v…

* Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhi-kathā trình bày tà-kiến chấp ngũ-uẩn sakkāya-diṭṭhi ([3]) có 20 loại, bởi vì tà-kiến chấp lầm mỗi uẩn có 4 loại:

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta.

Ngũ-uẩn có 5 uẩn:

1- Sắc-uẩn đó là 28 sắc-pháp thuộc về sắc-pháp

2 – Thọ-uẩn đó là thọ tâm-sở thuộc về danh-pháp

3- Tưởng-uẩn đó là tưởng tâm-sở thuộc về danh-pháp

4- Hành-uẩn gồm có 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) thuộc về danh-pháp

5- Thức-uẩn gồm tất cả các tâm thuộc về danh-pháp

Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong mỗi uẩn cho là ta như sau:

1- Tà-kiến chấp sắc-uẩn có 4 loại:

1.1- Sắc-uẩn là ta, hoặc ta là sắc-uẩn,

1.2- Ta có sắc-uẩn,

1.3- Sắc-uẩn ở trong ta,

1.4- Ta ở trong sắc-uẩn.

2- Tà-kiến chấp thọ-uẩn có 4 loại:

2.1- Thọ-uẩn là ta, hoặc ta là thọ-uẩn,

2.2- Ta có thọ-uẩn,

2.3- Thọ-uẩn ở trong ta,

2.4- Ta ở trong thọ-uẩn.

3- Tà-kiến chấp tưởng-uẩn có 4 loại:

3.1- Tưởng-uẩn là ta, hoặc ta là tưởng-uẩn,

3.2- Ta có tưởng-uẩn,

3.3- Tưởng-uẩn ở trong ta,

3.4- Ta ở trong tưởng-uẩn.

4- Tà-kiến chấp hành-uẩn có 4 loại:

4.1- Hành-uẩn là ta, hoặc ta là hành-uẩn,

4.2- Ta có hành-uẩn,

4.3- Hành-uẩn ở trong ta,

4.5- Ta ở trong hành-uẩn.

5- Tà-kiến chấp thức-uẩn có 4 loại:

5.1- Thức-uẩn là ta, hoặc ta là thức-uẩn,

5.2- Ta có thức-uẩn,

5.3- Thức-uẩn ở trong ta,

5.4- Ta ở trong thức-uẩn.

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta (ngã) này có ảnh hưởng thế nào đối với tất cả mọi chúng-sinh?

Tà-kiến chấp ngũ-uẩn đó là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, đối với tất cả mọi chúng-sinh còn là phàm-nhân trong tam-giới đều có loại tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta (ngã). Cho nên, tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta này không có ảnh hưởng nào, không có trở ngại nào đối với tất cả chúng-sinh trong tam-giới cả.

Trong tam-giới, tất cả mọi phước-thiện như bố-thí, giữ giới, pháp-hành-thiền-định, v.v…) tà-kiến chấp ngũ-uẩn không có trở ngại nào đối với người tạo 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp (như bố thí, giữ giới,…) và cũng không có trở ngại nào đối với hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Cho nên, tà-kiến chấp ngũ-uẩn này hoàn toàn không cản trở 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi người, 6 cõi trời dục-giới; chắc chắn cũng không cản trở 5 sắc-giới thiện-nghiệp, 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên 16 cõi trời sắc-giới, 4 cõi trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Cản Trở Pháp-Hành Thiền-Tuệ

Tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta (ngã) này chắc chắn làm cản trở đối với các hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ. Bởi vì đối tượng của pháp-hành-thiền-tuệ là ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, … đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, … nhưng tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta (ngã), nên chắc chắn làm cản trở đối với hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ, nếu có tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta này thì làm cản trở trí-tuệ thiền-tuệ không thể phát sinh lên được, nên không thể thấy rõ, biết rõ được thật-tánh của danh-pháp, sắc-pháp là pháp vô-ngã; cũng không thể thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của danh-pháp, sắc-pháp; cũng không thể thấy rõ, biết rõ trạng-thái-vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái-vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp; cũng không thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, cũng không thể chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Cho nên, tà-kiến chấp ngũ-uẩn này làm cản trở hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ.

Đức Phật thuyết dạy rằng:

“Aniccā sabbe saṅkhārā,

dukkhānattā ca saṅkhatā.

Nibbānañceva paññatti,

anattā iti nicchayā.([4])

Tất cả các pháp hữu vi đều có 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái vô-ngã. Niết-bàn và chế-định-pháp đều thuộc về pháp vô-ngã.

“Sabbe dhammā anattā.”

Tất cả các pháp đó là các pháp-hữu-vi và pháp-vô-vi Niết Bàn đều là pháp-vô-ngã.

Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) chỉ có sắc-pháp (rūpa-dhamma), và danh-pháp (nāmadhamma) đều là pháp vô-ngã mà thôi, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh,…

Tất cả chỉ là các danh-pháp, các sắc-pháp, đều là pháp vô-ngã mà thôi.

Tà-Kiến Chấp Ngũ-Uẩn Cho Là Ta

* Tà-kiến chấp sắc-uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Khi thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân

nằm,… Thân thuộc về sắc-uẩn cũng thuộc về  sắc-pháp, nên gọi là sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm, … thế mà, tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm, … cho là ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, …  

Ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm,… vốn không có thật, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì chỉ có thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm,… hoặc sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,… thuộc về sắc-uẩn cũng thuộc về sắc-pháp mà thôi.

Sở dĩ gọi là ta đi, … là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-uẩn, cho là ta đi, …

* Tà-kiến chấp thọ-uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Thọ khổ, thọ lạc, thọ xả (không khổ không lạc), … Thọ tâm-sở thuộc về thọ-uẩn cũng thuộc về danh-pháp, thế mà tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ khổ, thọ lạc, thọ xả, … cho là ta khổ, ta an lạc, ta không khổ không an lạc.

Ta khổ, ta an lạc,… vốn không có thật, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì chỉ có thọ khổ tâm-sở, thọ lạc tâm-sở thuộc về thọ-uẩn cũng thuộc về danh-pháp mà thôi.

Sở dĩ gọi là ta khổ, … là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thọ-uẩn ấy, cho là ta khổ, …

* Tà-kiến chấp tưởng-uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Sắc-tưởng là tưởng trong sắc, thanh-tưởng là tưởng trong âm thanh, hương-tưởng là tưởng trong mùi hương, vị-tưởng là tưởng trong các vị, xúc-tưởng là tưởng trong xúc, pháp-tưởng

là tưởng trong các pháp.

Tưởng tâm-sở thuộc về tưởng-uẩn cũng thuộc về danh-pháp thế mà tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc-tưởng, thanh-tưởng, hương-tưởng, vị-tưởng, xúc-tưởng, pháp-tưởng, cho là ta tưởng trong sắc, ta tưởng trong thanh, ta tưởng trong hương, ta tưởng trong vị, ta tưởng trong xúc, ta tưởng trong pháp.

Ta tưởng vốn không có thật, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì chỉ có tưởng tâm-sở, tưởng trong đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thuộc về tưởng-uẩn cũng thuộc về danh-pháp mà thôi.

Sở dĩ gọi là ta tưởng trong sắc,… là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi tưởng-uẩn cho là ta tưởng trong sắc, …

* Tà-kiến chấp hành-uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Hành-uẩn có trạng-thái tạo-tác ác-pháp, thiện-pháp gồm có 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) thuộc về hành-uẩn cũng thuộc về danh-pháp, thế mà tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn cho là ta tạo-tác ác-pháp, thiện-pháp, …

Ta tạo-tác vốn không có thật, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì chỉ có 50 tâm-sở

(trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) tạo-tác ác-pháp, thiện-pháp thuộc về hành-uẩn cũng thuộc về danh-pháp mà thôi.

Sở dĩ gọi là ta tạo-tác ác-pháp, thiện-pháp… là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi hành-uẩn cho là ta tạo-tác ác-pháp, thiện-pháp.

*Tà-kiến chấp thức-uẩn cho là ta như thế nào?

Ví dụ: Nhãn-thức-tâm thấy đối-tượng sắc; nhĩ-thức-tâm nghe đối-tượng thanh (âm-thanh); tỷ-thức-tâm ngửi đối-tượng hương; thiệt-thức-tâm nếm đối-tượng vị; thân-thức-tâm xúc-giác đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, …); ý-thức-tâm biết các pháp, v.v…

6 thức-tâm thuộc về thức-uẩn cũng thuộc về danh-pháp, thế mà, tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thấy sắc cho là ta thấy sắc; nhĩ-thức-tâm nghe âm-thanh cho là ta nghe tiếng; tỷ-thức-tâm ngửi mùi hương cho là ta ngửi mùi thơm; thiệt-thức-tâm nếm vị cho là ta nếm vị ngon; thân-thức-tâm xúc-giác xúc cho là ta xúc-giác cứng mềm; ý-thức-tâm biết các pháp cho là ta biết pháp.

Ta thấy sắc, …. vốn không có thật, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì chỉ có nhãn-thức-tâm thấy sắc,… thuộc về thức-uẩn cũng thuộc về danh-pháp mà thôi.

Sở dĩ gọi là ta thấy sắc, … là vì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn ấy, cho là ta thấy sắc, ta nghe âm-thanh, …

.

Diệt ngã được hay không?

Ngã (Ta) vốn không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã.

Tà-kiến có thật, nên có phương pháp diệt tà-kiến. Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại phiền-não là tà-kiến  hoài-nghi, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu không còn tà-kiến, nên vĩnh viễn không còn chấp ngã là vĩnh viễn không còn chấp ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng-sinh nào nữa.

Vì vậy, sakkāyadiṭṭhi: tà-kiến chấp ngũ-uẩn cho là ta, (ngã) chỉ làm cản trở đối với các hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ mà thôi, bởi vì các hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ chỉ có đối tượng là ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, … thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là pháp-vô-ngã.

Niyatamicchādiṭṭhi: Tà-kiến cố-định là tà-kiến chấp thủ cố-định, không thay đổi.

Tà-kiến cố-định có 3 loại:

1- Natthikadiṭṭhi: Vô-quả-tà-kiến

2- Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân-tà-kiến

3- Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành-tà-kiến

1- Vô-quả-tà-kiến như thế nào?

Natthikadiṭṭhi: Vô-quả-tà-kiến cố-định là tà kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có quả của nghiệp.”

Người có vô-quả-tà-kiến cố-định này thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả khổ của ác- nghiệp, cũng không có quả an lạc của thiện- nghiệp. Người đã tạo ác-nghiệp hoặc thiện- nghiệp rồi đều không bị quả khổ của ác-nghiệp, hoặc không hưởng quả an lạc của thiện-nghiệp.

Tất cả chúng-sinh chết rồi là hết, không có nghiệp nào cho quả tái sinh kiếp sau.”

Người có vô-quả-tà-kiến cố-định này còn gọi là đoạn-kiến (ucchedadiṭṭhi) chết là hết, không có kiếp sau.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([5]) vị Đạo sư ngoại-đạo Ajitakesakambala có tà thuyết Natthikadiṭṭhi: Vô-quả-tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp” như sau:

1- Natthi dinnaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước thiện bố thí không có quả tốt, an lạc.

2- Natthi yiṭṭhaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước thiện cúng dường không có quả tốt, an lạc.

3- Natthi hutaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước thiện cúng dường, đón rước, cũng không có quả tốt, an lạc.

4- Natthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, không có quả an lạc của thiện-nghiệp, không có quả khổ của ác-nghiệp.

5- Natthi ayaṃ loko: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi giới này nghĩa là không có chúng-sinh tái sinh đến cõi giới này.

6- Natthi paro loko: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi giới khác nghĩa là chúng-sinh chết rồi là hết, không có tái sinh kiếp sau trong cõi giới khác.

7- Natthi mātā: Tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với mẹ của mình, không có quả tốt, quả xấu.

8- Natthi pitā: Tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với cha của mình, không có quả tốt, quả xấu.

9- Natthi sattā opapātikā: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có các loài chúng-sinh hóa sinh to lớn ngay tức thì, như chư-thiên cõi dục-giới, chư phạm-thiên cõi sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, loài ngạ-quỷ, loài a-su-ra.

10- Natthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sammāpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchiktvā pavedenti: Tà-kiến thấy sai rằng: Trong đời này, không có các Sa-môn, Bà-la-môn thực-hành pháp-hành-thiền- định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc, chứng đắc các phép thần- thông; thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thấy rõ biết rõ cõi giới này, các cõi giới khác.

Người có vô-quả-tà-kiến cố-định này là người phủ nhận quả của thiện-nghiệp, quả của ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân là thiện-nghiệp, ác-nghiệp.

2- Vô-nhân-tà-kiến như thế nào?

Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân-tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.”

Người có vô-nhân-tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nghiệp sinh cho quả (janakahetu), cũng không có nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp. Nghĩa là không có thiện-nghiệp cho quả an lạc, không có ác-nghiệp cho quả khổ; cũng không có thiện-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp, không có ác-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp.”

Như vậy, người có vô-nhân-tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Tất cả mọi chúng-sinh hiện hữu trong cõi đời này theo tự nhiên, không do quả của thiện-nghiệp, không do quả của ác-nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, đến thời kỳ được trong sạch thanh tịnh tự nhiên. Cho nên, tất cả mọi chúng-sinh là người ác và người thiện; kẻ ngu và bậc trí, trải qua tử sinh luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.”

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([6]) vị Đạo sư ngoại đạo Makkhaligosāla có tà thuyết Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân-tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.” như sau:

– Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm. Tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

– Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh tịnh. Tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh tịnh tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

– Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác. Tất cả chúng-sinh sống tùy thuộc về vào sự may, sự rủi, thọ khổ tự nhiên, thọ lạc tự nhiên.

– Tất cả chúng-sinh là người ác, người thiện; kẻ ngu, bậc trí, trải qua tử sinh luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.”

Người có vô-nhân-tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nghiệp và quả của thiện-nghiệp, ác-nghiệp.

3- Vô-hành-tà-kiến như thế nào?

Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành-tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện.”

Người có vô-hành-tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác-nghiệp không có hành ác, người tạo thiện-nghiệp không có hành thiện. Hành chỉ là hành mà thôi. không có hành ác, không có hành thiện.”

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta ([7]vị Đạo sư ngoại đạo Puraṇakassapa có tà thuyết Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành-tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

– Tự mình hành ác, sai khiến hành ác đều không có hành ác như:

– Tự mình sát sinh, sai khiến người khác sát sinh đều không có hành ác sát sinh.

– Tự mình trộm cắp, sai khiến người khác trộm cắp đều không có hành ác trộm cắp, v.v…

– Tự mình bố thí, sai khiến người khác bố thí đều không có hành thiện bố thí.

– Tự mình cúng dường, sai khiến người khác cúng dường đều không có hành thiện cúng dường, v.v …

Người có vô-hành-tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của thiện-nghiệp, ác-nghiệp.

Ba loại tà-kiến cố-định này là ác-nghiệp cực kỳ nặng hơn 5 ác-nghiệp vô gián trọng tội là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, bởi vì, người có loại tà-kiến cố-định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp của họ.

Tuy người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng sự thật, người ấy đã tạo ác-nghiệp cực kỳ nặng, nên sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến ấy cho quả tái sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, khó mà thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục này.

Tà-Kiến (Micchādiṭṭhi)

Tà-kiến phát sinh do nhân nào?

Trong Chi-bộ-kinh, phần 2 chi pháp, Đức Phật thuyết dạy rằng:

“Dveme Bhikkhave, paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve? Parato ca ghoso, ayoniso ca manasikāro. Ime kho bhikkhave, dve paccayā micchā-diṭṭhiyā uppādāya.”([8])

– Này chư Tỳ-khưu! Hai nhân duyên phát sinh tà-kiến. Hai nhân duyên ấy là gì?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe tà pháp từ hạng người có tà-kiến.

2- Ayoniso ca manasikāro: Do si mê biết sai lầm trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp.

– Này chư Tỳ-khưu! Hai nhân duyên này phát sinh tà-kiến.

.

Chánh-Kiến (Sammādiṭṭhi)

Chánh-kiến phát sinh do nhân nào?

“Dveme Bhikkhave, paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?

Parato ca ghoso, yoniso ca manasikāro.

Ime kho bhikkhve, dve paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.”

– Này chư Tỳ-khưu! Hai nhân duyên phát sinh chánh-kiến. Hai nhân duyên ấy là gì?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe chánh-pháp từ Đức-Phật, chư Thánh-Thanh-văn đệ tử của Đức-Phật, các bậc thiện-trí.

2- Yoniso ca manasikāro: Do nhờ trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.

– Này chư Tỳ-khưu! Hai nhân duyên này phát sinh chánh-kiến.

Chánh-kiến có 5 loại:

1- Kammassakatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến- sở-nghiệp nghĩa là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình.

2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến-thiền- tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ danh-pháp, sắc-pháp là pháp vô-ngã, có sự sinh, sự diệt, có trạng thái vô-thường, trạng thái khổ, trạng thái vô-ngã.

3- Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến-Thánh-đạo-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo có Niết-bàn là đối-tượng.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến-Thánh-quả-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-quả có Niết-bàn là đối tượng.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến- quán-triệt nghĩa là trí-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn đã chứng đắc; quán-triệt phiền não đã diệt-đoạn-tuyệt và phiền não chưa diệt được.

*Diṭṭhigatavippayutta không hợp với tà-kiến:

* Đối với các hạng phàm-nhân khi 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến nghĩa là không có tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm này, nên không thấy sai, không chấp lầm, nhưng không có nghĩa là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thấy đúng, biết đúng, mà chỉ là không quan tâm, không liên quan đến tà-kiến thấy sai, chấp lầm mà thôi.

* Nếu có ngã-mạn tâm-sở (mānacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thì tự cho ta hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém thua người.

Thật ra, chỉ có bậc Thánh-Nhập-lưu đã diệt-đoạn-tuyệt được 4 tham-tâm hợp với tà-kiến rồi, nên vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi cả chủ-thể lẫn các đối-tượng mà thôi.

Asaṅkhārika không cần tác-động:

Khi 4 tham-tâm phát sinh không cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do chính tự mình tác-động, không cần nương nhờ đến người khác tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có nhiều năng lực.

Sasaṅkhārika cần tác-động:

Khi 4 tham-tâm phát sinh cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do nương nhờ đến người khác tác-động, chính tự mình không có khả năng tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có ít năng lực.

Tác-động có 3 cách:

1- Kāyapayoga: Thân-tác-động là tác-động bằng thân, như nắm tay, chỉ tay, vẫy tay, gật đầu, v.v…

2- Vacīpayoga: Khẩu-tác-động là tác-động bằng khẩu, dùng lời thuyết phục, nói lời ca tụng, nói lời động viên khuyến khích, v.v…

3- Manopayoga: Ý-tác-động là tác-động bằng tâm, tự mình tác-động mình, do suy nghĩ sâu sắc thấy rõ, biết rõ sự lợi ích, nên phát sinh tâm hài lòng trong công việc ấy. Trường hợp thực-hành pháp-hành-thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ luôn luôn cần đến ý-tác-động..

Nếu tự mình tác-động mình thì có đủ 3 cách là kāyapayoga, vacīpayoga và manopayoga.

Nếu có người khác tác-động thì chỉ có 2 cách là kāyapayoga và vacīpayoga mà thôi.

Quả Của Tham-tâm

Tham-tâm (lobhacitta) là tâm có nhân tham (lobhahetu), tham muốn, mong ước trong đối-tượng tốt đáng hài lòng.

Cho nên, tham-tâm là nhân sinh mọi sự khổ thật sự trong kiếp hiện tại.  

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với tham-tâm là ác-nghiệp nếu có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong cõi ngạ-quỷ, cõi a-su-ra, sinh trong cõi nào tuỳ theo năng lực của tham-tâm của chúng-sinh ấy.

Nhận Xét Về 8 Tham-Tâm

Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động

Tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ nhất có 19 tâm-sở, trong 19 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nặng nhất, bởi vì tham-tâm này đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động

Tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ tám có 20 tâm-sở, trong 20 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nhẹ nhất, bởi vì tham-tâm này đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

III.Bất thiện tâm – Sân

2- Dosamūlacitta Tâm có nhân sân (dosa-hetu), hoặc tâm có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, nên gọi là sân-tâm (dosacitta).

Sân-tâm (dosacitta) này có sân tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh theo mình. Sân tâm-sở (dosacetasika) có 4 pháp riêng biệt lakkhaṇādicatuka:

1- Caṇḍikalakkhaṇo có trạng-thái hung dữ,

2- Nissayadahanaraso có phận sự làm nóng nảy thiêu đốt trong tâm của mình và người khác,

3- Dūsanapaccuṭṭhāno gây tai hại đến đối-tượng là quả hiện hữu,

4- Āghātavatthupadaṭṭhāno có đối-tượng hận thù là nhân-duyên gần phát sinh sân-tâm.

Dosacitta: Sân-tâm phát sinh do nương nhờ 3 pháp là domanassa: thọ ưu, paṭigha: hận thù, saṅkhāra: tác-động, nên sân-tâm phân chia ra làm 2 tâm như sau:

1- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ,  

Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động,

2- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ,  

Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

Giải Nghĩa Từ Pāḷi Trong 2 Sân-Tâm

Domanassasahagata: Domanassa+sahagata:

* Domanassa: Thọ ưu: Sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm, nên phát sinh thọ ưu

– Sahagata: đồng sinh với

– Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu,

* Paṭighasampayutta: paṭigha+sampayutta:

– paṭigha: hận thù,

– sampayutta: hợp với        

– paṭighasampayuttaṃ: hợp với hận

* Asaṅkhārikaṃ: không cần tác-động

* Sasaṅkhārikaṃ: cần tác-động.

Dosacitta: Sân-tâm có 2 tâm:

1- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động,

2- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

* Nhân Phát Sinh 2 Sân-Tâm

2 sân-tâm phát sinh do 5 nhân:

1- Dosajjhāsayatā: Người có tính hay sân hận,

2- Agambhīrapakatitā: Thói quen không suy xét sâu sắc, không tế nhị,

3- Appassutatā: Người có ít học hỏi, kém hiểu biết trong các thiện-pháp,

4- Aniṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng xấu không hài lòng,

5- Āghātavatthusamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng hận thù với mình, hoặc người thân của mình.

Giảng Giải Về 2 Sân-Tâm

Do nguyên nhân nào gọi là sân-tâm?

Tâm nào có nhân sân (dosahetu), hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với tâm ấy biết đối-tượng xấu, phát sinh khổ tâm, gọi tâm ấy là sân-tâm (dosacitta)

Sân-tâm có nhân sân (dosahetu) chắc chắn cũng có nhân si (mohahetu) hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) chắc chắn có si tâm-sở (moha-cetasika) che phủ thật-tánh của đối-tượng, nên sân-tâm mù quáng gây tai hại đối-tượng.

Dosacitta (Sân-tâm) phát sinh do nương nhờ 3 pháp căn bản:

1- Vedanā (Thọ tâm-sở) đó là domanassa-vedanā: thọ ưu. Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu,

2- Paṭigha: Sân hận đó là sân tâm-sở, paṭighasampayutta: hợp với hận.

3- Saṅkhārika (tác-động) đó là asaṅkhārika không cần tác-động, sasaṅkhārika cần tác-động.

Cho nên, sân-tâm phân chia ra làm 2 loại.

Domanassasahagata: đồng sinh với thọ ưu:

Khi 2 sân-tâm biết đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm khó chịu, nóng nảy, sầu não, v.v… đó là domanassa: thọ ưu thuộc về vedanācetasika:thọ tâm-sở. Vedanā có 5 loại:

1- Dukkhavedanā: Thọ khổ,

2- Sukhavedanā: Thọ lạc,

3- Somanassavedanā: Thọ hỷ,

4- Domanassavedanā: Thọ ưu,

5- Upekkhāvedanā: Thọ xả.

* Domanassavedanā: Thọ ưu này chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với tâm nào khác cả. Cho nên, khi nào sân-tâm phát sinh thì khi ấy chắc chắn có domanassavedanā: thọ ưu đồng sinh.

Vì vậy, gọi là domanassasahagata: đồng sinh với thọ ưu.

Paṭighasampayutta: hợp với hận:

Khi 2 sân-tâm hợp với hận nghĩa là khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu thì paṭigha sân hận, khổ tâm khó chịu gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy, paṭigha này là dosacetasika: sân tâm-sở luôn luôn chỉ đồng sinh với domanassavedanā mà thôi, không đồng sinh với vedanā nào khác.

Domanassa và paṭigha có 2 tính chất thật-tánh khác nhau như sau:

* Domanassa là 1 trong 5 loại vedanā thuộc về vedanācetasika: thọ tâm-sở là vedanākkhandha: thọ-uẩn thụ hưởng đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm,

* Paṭigha đó là dosacetasika thuộc về trong saṅkhārakkhandha: hành-uẩn gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy.

Domanassa và paṭigha tuy có 2 tính chất thật-tánh khác nhau, nhưng do năng lực của dosa-cittuppāda các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm, cho nên khi sân-tâm phát sinh thì ắt có domanassa và paṭigha luôn luôn đồng sinh với sân-tâm ấy.

Asaṅkhārika không cần tác-động:

Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, quá bực tức, sân hận paṭigha có năng lực mạnh, sân-tâm tự mình phát sinh với asaṅkhārika không cần tác-động.

Cho nên, sân-tâm này có năng lực mạnh, ác-nghiệp của sân-tâm này rất nặng

Sasaṅkhārika cần tác-động:

Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, sân hận paṭigha có năng lực yếu, khi có người khác đến tác-động, nên sân-tâm mới phát sinh với sasaṅkhārika cần tác-động.

Cho nên, sân-tâm này có năng lực yếu, ác-nghiệp của sân-tâm này nhẹ.

* Nguyên Nhân Gần Để Phát Sinh Sân-Tâm:

Nguyên nhân gần để phát sinh 2 sân-tâm đó là aniṭṭhārammaṇa: đối-tượng xấu và āghāta-vatthu: đối-tượng hận thù.

Āghātavatthu: Đối-tượng hận thù có 10:

1- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đã từng gây tai hại cho ta,

2- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đang gây tai hại cho ta,

3- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy sẽ gây tai hại cho ta,

4- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đã từng gây tai hại cho người thân yêu của ta,

5- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đang gây tai hại cho người thân yêu của ta,

6- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy sẽ gây tai hại cho người thân yêu của ta,  

7- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đã từng làm lợi ích cho kẻ thù của ta,

8- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy đang làm   lợi ích cho kẻ thù của ta,

9- Hận thù do nghĩ rằng: người ấy sẽ làm lợi ích cho kẻ thù của ta,

10- Hận thù do gặp phải rủi như vấp ngã đau, đạp gai đâm vào bàn chân đau, v.v…

Quả Của Sân-Tâm

Sân-tâm (dosacitta) là tâm có nhân sân (dosahetu) gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm.

Cho nên, sân-tâm phát sinh làm cho khổ tâm, có thể ảnh hưởng làm cho khổ thân đối với các hạng phàm nhân trong kiếp-hiện-tại.  

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm là ác-nghiệp nếu có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong cõi địa-ngục, sinh trong cõi địa-ngục nào tuỳ theo năng lực của sân-tâm của chúng-sinh ấy.

Nhận Xét Về 2 Sân-Tâm

Sân-tâm có 2 tâm:

* Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động,

* Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhất có 20 tâm-sở, trong 20 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là ác-nghiệp, cho nên ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nặng nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động, có năng lực mạnh.

Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhì có 22 tâm-sở có 2 tâm-sở thina: buồn-chán và middha: buồn-ngủ, nên làm sân-tâm có năng lực yếu. Trong 22 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nhẹ nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động, có năng lực yếu.

Trình bày 2 sân-tâm tiếp theo sau 8 tham-tâm bởi vì tham-tâm là nhân, sân-tâm là quả, nếu không có tham-tâm thì chắc chắn cũng không có sân-tâm.

Thật vậy, bậc Thánh-Bất-lai diệt-đoạn-tuyệt được tham-ái trong 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc trong cõi dục-giới, cũng đồng thời diệt-đoạn-tuyệt được 2 sân-tâm không còn dư sót nữa.

Bậc Thánh-Bất-lai chỉ còn tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới, vô-sắc-giới, cõi trời sắc-giới (cõi trời vô-sắc-giới) mà thôi. Cho nên bậc Thánh-

Bất-lai không trở lại tái sinh kiếp sau trong cõi dục-giới, mà chỉ tái sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới mà thôi, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn tại cõi trời sắc-giới, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.  

IV.Bất thiện tâm – Si

3- Mohamūlacitta Tâm có nhân si (moha-hetu), hoặc tâm có si tâm-sở (mohacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, nên gọi là si-tâm (mohacitta).

Si-tâm (mohacitta) này có si tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh khác theo mình. Si tâm-sở (mohacetasika) có 4 pháp riêng biệt lakkhaṇādicatuka :  

1- Añāṇalakkhaṇo có trạng-thái không biết tứ Thánh-đế

2- Ārammaṇasabhāvacchādanaraso có phận sự làm che phủ thật-tánh của các đối-tượng

3- Andhakārapaccuṭṭhāno có tính chất làm tối tăm là quả hiện hữu

4-Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno do si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh si tâm-sở.

Mohacitta: Si-tâm phát sinh chỉ nương nhờ upekkhāvedanā: thọ xả, hợp với vicikicchā, hoặc uddhacca, cho nên si-tâm phân chia ra làm 2 tâm như sau:

1- Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ: Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi

2- Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ: Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

Giải Nghĩa Từ Pāḷi Trong 2 Si-Tâm

Upekkhāsahagata: upekkhā+sahagata:

* Upekkhā: Thọ xả

– sahagata: đồng sinh với

– Upekkhāsahagataṃ: đồng sinh với thọ xả.

* Vicikicchāsampayutta: vicikicchā+sampayutta

– vicikicchā: hoài-nghi,

– sampayutta: hợp với,

– vicikicchāsampayuttaṃ: hợp với hoài-nghi.

* Uddhaccasampayutta: uddhacca+sampayutta

– uddhacca: phóng-tâm,

– sampayutta: hợp với,

– uddhaccasampayuttaṃ: hợp với phóng-tâm.

Giảng Giải 2 Si-Tâm

1- Si-tâm đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài nghi,

2- Si-tâm đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

* Upekkhāsahagataṃ: đồng sinh với thọ xả:

Hai si-tâm đồng sinh với thọ xả có tính chất khác với 4 tham-tâm đồng sinh với thọ xả.

Si-tâm đồng sinh với thọ xả dù tiếp xúc với đối-tượng tốt hoặc xấu vẫn bình thản, bởi vì si-mê không biết nhận thức giá trị của đối-tượng ấy.

Còn 4 tham-tâm hợp với thọ xả là khi tiếp xúc với đối-tượng không tốt không xấu, 4 tham-tâm hài lòng ít, nên không đủ để phát sinh thọ hỷ.

* Vicikicchāsampayuttaṃ: hợp với hoài-nghi:

Hoài-nghi có 2 loại:

1- Nivaraṇavicikicchā: Hoài-nghi là pháp chướng-ngại của mọi thiện-pháp,

2- Paṭirūpakavicikicchā: Hoài-nghi về những môn học chưa hiểu rõ, hoài-nghi về người, vật, v.v… không gọi là hoài-nghi trong si-tâm.  

Si-tâm hợp với hoài-nghi đó là nivaraṇa-vicikicchā làm chướng-ngại chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, và Niết-bàn; có 8 loại hoài-nghi:

1- Buddhe kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Phật rằng: * Đức-Phật có thật hay không? có phải người ta chế-định Đức-Phật ra để tôn thờ,…

* Hoài-nghi về 9 ân-Đức-Phật rằng: Đức-Phật có 9 ân-đức là “Arahaṃ, Sammā-sambuddho,Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārathi, Satthā devamanus-sānaṃ, Buddho, Bhagavā.” có thật vậy hay không?

2- Dhamme kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Pháp rằng: Đức-Phật thuyết giảng 6 ân-Đức-Pháp là “Svākkhāto Bhagavato dhammo, sandiṭṭhiko, akāliko, ehipassiko, opaneyyiko, paccattaṃ veditabbo viññūhi.” có thật vậy hay không?

3- Saṃghe kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Tăng rằng: Chư Thánh-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có 9 ân-Đức-Tăng là “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, ujuppaṭipanno Bhagavato sāvaka- saṃgho, ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho, sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, āhuneyyo, pāhuneyyo, dakkhiṇeyyo, añjalikaraṇīyo, anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.” ([9]) có thật vậy hay không?

4- Sikkhāya kaṅkhati: Hoài-nghi về 3 sikkhā là adhisīlasikkhā: hành-giới bậc cao, adhicittasikkhā; hành-định bậc cao, adhipaññāsikkhā: hành-tuệ bậc cao trở thành bậc Thánh-nhân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài, có thật vậy hay không?

5- Pubbante kaṅkhati: hoài-nghi về ngũ-uẩn đã từng có trong kiếp trước thật hay không? Hoặc

kiếp trước có thật vậy hay không?

6- Aparante kaṅkhati: hoài-nghi về ngũ-uẩn sẽ có trong kiếp sau thật hay không? Hoặc kiếp sau có thật vậy hay không?

7- Pubbantāparante kaṅkhati: hoài-nghi về ngũ

uẩn kiếp trước, kiếp sau có thật hay không? Hoặc kiếp trước, kiếp sau có thật vậy hay không?

8- Paṭiccasamuppāde kaṅkhati: hoài-nghi về pháp thập-nhị-duyên-sinh:

“Avijjāpaccyā saṅkhārā, Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ. …” ([10])

(Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh, Do hành làm duyên, nên thức sinh, …)

Những pháp phát sinh theo nhân và quả liên hoàn với nhau, quả của pháp trước, rồi làm nhân của pháp sau, cứ như vậy diễn tiến không có pháp bắt đầu và cũng không có pháp cuối cùng, có thật vậy hay không?

Si-tâm hợp với 8 điều hoài-nghi này, ngoài ra, những điều hoài-nghi khác không phải là hoài-nghi trong si-tâm.

* Uddhaccasampayuttaṃ: hợp với phóng-tâm:

Si-tâm hợp với phóng-tâm là tâm bị động tiếp nhận lung tung các đối-tượng, chưa hết chuyện này đã sang qua chuyện khác, định-tâm các đối-tượng không rõ ràng. Cho nên ác-nghiệp trong si-tâm hợp với phóng-tâm có ít năng lực.

Phóng-tâm và hối-hận là 1 trong 5 pháp-chướng-ngại gây trở ngại cho mọi thiện-pháp không thể phát sinh được.

Nhân Sinh Hoài-Nghi

Hoài-nghi phát sinh do 2 nguyên-nhân là:

1- Ayonisomanasikāra: Si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp,

2- Hoài-nghi nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo; hoài-nghi kiếp trước, kiếp sau, …

Nhân Diệt Hoài-Nghi

Hoài-nghi diệt do 2 nguyên-nhân là:

1- Yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp,

2- Trí-tuệ hiểu biết rõ các pháp: thiện-pháp, bất-thiện-pháp, pháp nên hành, pháp không nên hành, pháp nên phát triển, pháp nên diệt, v.v…

Pháp Diệt Hoài-Nghi

Diệt hoài-nghi có 6 pháp là:

  • Bahussutā: Người nghe nhiều hiểu rộng,
  • Paripucchakatā: Người hay học hỏi,
  • Vinaye pakataññtā: Người tinh thông trong tạng Luật,
  • Adhimokkhabahulatā: Quyết định sáng suốt,
  • Kalyāṇamittatā: Người có bạn thiện trí tốt,
  • Sappāyakathā: Nghe lời giáo-huấn hay, hiểu rõ không còn hoài-nghi nữa.

Nhân Sinh Phóng-Tâm

Phóng-sinh phát sinh do 2 nguyên-nhân là:

1- Ayonisomanasikāra: Si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp,

2- Phóng-tâm là tâm tiếp nhận lung tung các đối-tượng, chưa hết chuyện này sang qua chuyện khác, không tự chủ được.

Nhân Diệt Phóng-Tâm

Phóng-tâm diệt do 2 nguyên-nhân là:

1- Yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp,

2- Thiện-tâm thanh-tịnh an trú trong đối-tượng.

Pháp Diệt Phóng-Tâm

1- Bahussutā: Người nghe nhiều hiểu rộng,

2- Paripucchakatā: Người hay học hỏi,

3-Vinaye pakataññtā: Người tinh thông trong tạng Luật,

4- Buddhasevitā: Thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật,

5- Kalyāṇamittatā: Người có bạn thiện trí tốt,

6- Sappāyakathā: Nghe lời giáo-huấn hay, tâm ổn định, thanh-tịnh.

Nhận Xét Về 2 Si-Tâm

Si-tâm có 2 tâm:

* Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi

* Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm

* Si-tâm có 2 tâm, không có tham tâm-sở đồng sinh, cũng không có sân tâm-sở đồng sinh, chỉ có si tâm-sở đồng sinh với 2 si-tâm mà thôi, khi tiếp xúc với đối-tượng tốt, không biết tốt, nên không đồng sinh với thọ hỷ; hoặc khi tiếp xúc với đối-tượng xấu, cũng không biết xấu, nên không đồng sinh với thọ ưu. Cho nên, 2 si-tâm này đồng sinh với thọ xả.

* Si-tâm thứ nhất hợp với hoài-nghi và si-tâm thứ nhì hợp với phóng-tâm.

Nếu si-tâm hợp với hoài-nghi trong đối-tượng thì dù không tác-động (asaṅkhārika) hoặc dù có tác-động (sasaṅkhārika) cũng không có gì đặc biệt.

* Nếu si-tâm hợp với phóng-tâm các đối-tượng thì tâm bị động, chưa hết chuyện này đã sang chuyện khác nên mất tự chủ, không có nhiều năng lực. Cho nên dù không tác-động (asaṅkhārika) hoặc dù có tác-động (sasaṅkhārika) cũng không có gì đặc biệt.

Vì vậy, 2 si-tâm đều không có asaṅkhārika và sasaṅkhārika. Còn 8 tham-tâm và 2 sân-tâm, nếu bất-thiện-tâm nào không có tác-động asaṅ-khārika thì có ác-nghiệp nặng, nếu bất-thiện-tâm nào có tác-động sasaṅkhārika thì có ác-nghiệp nhẹ.

* Si-tâm có 2 tâm, không hợp với tà-kiến (diṭṭhi) và hận (paṭigha), bởi vì 2 si-tâm vốn không biết tính-chất của đối-tượng đúng theo sự thật, vả lại, 2 si-tâm đồng sinh với thọ xả (upekkhā), nên không hài lòng cũng không bực tức trong đối-tượng. Còn tà-kiến (diṭṭhi) phát sinh do hài lòng nơi đối-tượng, và hận (paṭigha) phát sinh do bực tức trong đối-tượng. Cho nên, 2 si-tâm không hợp với tà-kiến (như 4 tham-tâm) hoặc không hợp với hận (như 2 sân-tâm).

Si tâm-sở (mohacetasika) gọi là vô-minh (avijjā) phát sinh do 4 pháp āsava: 4 pháp trầm-luân: ([11])

“Āsavasamudayā avijjāsamudayo.” ([12])

Do sự sinh của 4 pháp trầm-luân, nên có sự sinh của vô-minh.

Quả Của Si-Tâm

Si-tâm (mohacitta) là tâm có nhân si (moha-hetu) không chỉ không biết thật-tánh của các pháp, mà còn không biết tính-chất tốt xấu của các đối-tượng nữa.

Cho nên, si-tâm phát sinh làm cho tâm tăm tối si-mê không biết pháp nên hành và pháp không nên hành, v.v…

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi là ác-nghiệp nếu có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong cõi súc-sinh, sinh trong loài súc-sinh nào tuỳ theo năng lực của si-tâm của chúng-sinh ấy.

Si-tâm có 2 tâm:

* Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi,

* Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

Tâm-sở đồng sinh với si-tâm thứ nhất có 15 tâm-sở có hoài-nghi, tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) gọi là ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp này có cơ-hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau thì sinh trong loài súc-sinh.

Tâm-sở đồng sinh với si-tâm thứ nhì có 15 tâm-sở có phóng-tâm, tác-ý tâm-sở (cetanācesika) gọi là ác-nghiệp nhẹ không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả sau thời kỳ tái sinh mà thôi.

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 75

Post Views: 419