Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, tư duy những điều thế gian tư duy[2]. Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa ngồi, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những điều thế gian tư duy. Vì sao? Vì những điều tư duy của thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn[3]. Các ông nên chân chánh tư duy, ‘Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Vì tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.
“Vào thời quá khứ có một người ra khỏi thành Vương xá, đến bên bờ ao Câu-hy-la[4], ngồi tư duy về sự tư duy của thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều vào trong một cái lỗ của ngó sen[5]. Thấy vậy, người đó liền nghĩ: ‘Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta thấy có.’
“Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ đám đông, nói rằng: ‘Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có mà tôi thấy có.’ Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có.”
Phật nói các Tỳ-kheo:
“Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chân thật. Vì sao? Vì lúc ấy cách ao Câu-hy-la không xa có các vị trời và A-tu-la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư không. Lúc ấy, các vị trời đắc thắng, quân A-tu-la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen trong hồ này.
“Cho nên, Tỳ-kheo, các ông hãy cẩn thận chớ nên suy nghĩ về thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế gian chẳng lợi ích gì cho nghĩa[6], chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 408. TƯ DUY (2)[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi Thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nên nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Các Tỳ-kheo ở đây tụ tập để bàn nói việc gì vậy?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này bàn luận, ‘Hoặc nói hữu thường, hoặc nói vô thường.’ Nói đầy đủ như trên.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông chớ bàn luận nghĩa như vậy.[8] Vì sao? Vì sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, nên luận nghị như thế này, ‘Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Vì luận nghị này có lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 409. GIÁC (1)[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, có người có giác tưởng tham giác, có người có giác tưởng sân giác, hoặc có người có giác tưởng hại giác[10]. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, nên đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông chớ khởi giác tưởng về tham giác, chớ khởi giác tưởng về nhuế giác, chớ khởi giác tưởng về hại giác[11]. Vì sao? Vì những giác tưởng này chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải chánh trí, chẳng phải chánh giác, không chánh hướng Niết-bàn. Các ông nên khởi giác tưởng về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì sự giác tưởng đối với bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, chánh trí, chánh niệm, tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 410. GIÁC (2)[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời… nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:
“Khởi giác tưởng về bà con thân thuộc; khởi giác tưởng về quốc thổ nhân dân; khởi giác tưởng về không chết, cho đến nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”
*
KINH 411. LUẬN THUYẾT[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy[14]: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ông tụ tập để bàn luận việc gì?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua…” Nói đầy đủ như trên.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua… cho đến, không hướng đến Niết-bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 412. TRANH[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, nói với nhau như vầy: ‘Tôi biết pháp luật, các ông không biết; những gì tôi nói là thành tựu, những gì tôi nói là hợp lý; những gì các ông nói là không thành tựu, không hợp lý; cái đáng nói trước thì lại nói sau, cái đáng nói sau thì nói trước. Thế rồi tranh luận nhau. Luận của tôi đúng; luận của các ông không bằng. Ai trả lời được thì trả lời đi!’
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng các Tỳ-kheo tranh luận… Nói đầy đủ như trên cho đến, “bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 413. VƯƠNG LỰC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Vua Ba-tư-nặc và vua Tần-bà-sa-la[16], vua nào có thế lực lớn, vua nào giàu có hơn?’
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ông đang bàn luận việc gì?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ với Thế Tôn.
Phật nói với các Tỳ-kheo:
“Các ông bàn những việc về thế lực lớn, về sự giàu sang của các vua làm gì? Này các Tỳ-kheo, chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại lợi ích gì cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết-bàn[17]. Các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 414. TÚC MẠNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đời trước các ông làm những thứ nghề nghiệp gì, công xảo gì và lấy gì để tự sống?’
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ông đang nói những gì?”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ông chớ bàn những việc đã làm đời trước. Vì sao? Vì việc này không đem lại nhiều lợi ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh[18], cũng chẳng phải trí, chẳng phải giác, chẳng đưa đến Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 415. ĐÀN-VIỆT[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đàn-việt mỗ giáp kia làm thức ăn thô sơ, chúng ta ăn xong không thấy ngon, không thấy khỏe. Chi bằng chúng ta bỏ thức ăn thô này mà đi khất thực. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo đi khất thực thường được thức ăn ngon, lại thấy sắc đẹp, có lúc lại nghe tiếng hay, có nhiều người quen biết, cũng được y phục, ngọa cụ, thuốc men.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền đi đến nhà ăn… Nói đầy đủ như vậy, cho đến, “hướng đúng Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 416. THỌ TRÌ (1)[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thọ trì bốn Thánh đế mà Ta đã dạy không?”
Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi thọ trì bốn Thánh đế đó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như lời Thế Tôn đã dạy: ‘Đây là Khổ Thánh đế’, con liền thọ trì; ‘đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy như vậy, con liền thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Ta đã dạy về Khổ Thánh đế, ngươi đã thọ trì chân thật. Ta dạy Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, ngươi đều thọ trì chân thật.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 417. NHƯ NHƯ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”
Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai phải, vì Phật mà làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi đã thọ trì như thế nào về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn nói khổ Thánh đế, con đều đã thọ trì, là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh[22]. Đó là Khổ Thánh đế. Thế Tôn dạy về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh. Đó gọi là bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Ông đã thọ trì chân thật về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo. Đó gọi là Tỳ-kheo thọ trì chân thật bốn Thánh đế của Ta.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 418. THỌ TRÌ (2)[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”
Khi ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật mà làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì. Bốn đế là gì? Như Thế Tôn đã dạy là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, con cũng đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Như những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế, ngươi đều đã thọ trì.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: ‘Như những gì mà Sa-môn Cù-đàm đã nói về Khổ Thánh đế, ta sẽ bỏ đi và sẽ lập lại Khổ Thánh đế khác.’ Điều đó chỉ có trên ngôn thuyết, nếu gạn hỏi đến thì họ sẽ không biết và càng làm tăng thêm sự nghi hoặc, vì đó không phải là cảnh giới. ‘Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế này ta sẽ bỏ đi, rồi sẽ lập lại bốn Thánh đế khác.’ Điều đó cũng chỉ có trên ngôn thuyết, nếu gạn hỏi đến thì họ chẳng biết và càng tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đó không phải là cảnh giới của họ.
“Cho nên, Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 419. NGHI (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào đối với Phật có nghi, đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu đối với Pháp, Tăng có nghi thì đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu người nào đối với Phật không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc. Nếu người nào đối với Pháp, Tăng không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 420. NGHI (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với Khổ Thánh đế có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi. Đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi. Nếu đối với Khổ Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi. Người đối với Tập, Diệt, Đạo Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 421. THÂM HIỂM[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông hãy đi cùng Ta đi đến vách núi sâu nguy hiểm[25].”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn.”
Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng đến vách núi sâu nguy hiểm[26], trải tòa ngồi, sau khi đi quan sát chung quanh hang núi sâu hiểm trở xong, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Hang núi này thật là sâu và nguy hiểm.”
Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vách núi này thật là sâu hiểm, nhưng còn có thứ gì sâu hiểm cùng cực và đáng sợ hơn nó không?”
Phật biết ý của Tỳ-kheo này nên đáp liền:
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, vách núi này rất sâu hiểm, nhưng đối với nó còn có thứ sâu hiểm đáng sợ hơn nữa, đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Những vị này hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự sanh[27]; hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, mà tạo tác các hành này, khiến cho các hành lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não càng ngày càng tăng trưởng, để rơi vào chỗ sâu hiểm của lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như vậy, Tỳ-kheo, cái này rất sâu hiểm; nguy hiểm hơn cả cái kia. Cho nên Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 422. ĐẠI NHIỆT[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có địa ngục Đại nhiệt[29]. nếu chúng sanh nào sanh vào địa ngục này thì chỉ một mực chịu nóng cháy.”
Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
“Như Thế Tôn đã dạy, địa ngục Đại nhiệt này vô cùng nóng bức. Bạch Thế Tôn, chỉ có đây là cực kỳ nóng, hay còn có thứ nóng bức nào đáng sợ hơn, không còn đâu hơn?”
“Như vầy, Tỳ-kheo, địa ngục này tuy thật là nóng bức, nhưng cũng có thứ nóng bức đáng sợ hơn địa ngục ấy và không còn gì hơn. Những gì được gọi là thứ nóng bức đáng sợ hãi hơn địa ngục Đại nhiệt? Đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Như vậy, cho đến sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não là sự nóng bức thiêu đốt bừng bừng. Này Tỳ-kheo, đó gọi là sự nóng bức thiêu đốt bừng bừng thật đáng sợ, không còn gì hơn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 423. ĐẠI ÁM[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có địa ngục vô cùng tối tăm, các chúng sanh sanh ra nơi đó không thấy được các phần thân thể của mình[31].”
Bấy giờ, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, địa ngục này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có chỗ nào tối tăm hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa-môn, Bà-la-môn đối với bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 424. MINH ÁM (1)[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như mặt trời vận hành chiếu sáng các thế giới. Cho đến cả ngàn mặt trời, ngàn mặt trăng, chiếu sáng ngàn thế giới, ngàn núi Tu di, ngàn Phất-bà-đề, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Câu-da-ni, ngàn Uất-đơn-việt, ngàn Tứ thiên vương, ngàn cõi Tam thập tam thiên, ngàn Diệm-ma thiên, ngàn Đâu-suất thiên, ngàn Hóa lạc thiên, ngàn Tha hóa tự tại thiên, ngàn Phạm thiên. Đó gọi là Tiểu thiên thế giới. Khoảng giữa một ngàn thế giới này có chỗ tối tăm, dù có ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, có sức oai đức lớn cũng không thấy được. Những chúng sanh sanh ra những nơi này không thấy các phần thân thể của mình[33].”
Bấy giờ, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói, chỗ này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có chỗ nào tối tăm hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa-môn, Bà-la-môn đối với bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 425. MINH ÁM (2)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Từ Tiểu thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Trung thiên thế giới. Khoảng giữa Trung thiên thế giới có chỗ tối tăm…” như trên đã nói, cho đến, “đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 426. MINH ÁM (3)[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Từ Trung thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Khoảng giữa các thế giới này là chỗ tối tăm. Dù có mặt trời, mặt trăng vận hành, chiếu khắp thế giới đi nữa, nhưng những chúng sanh kia vẫn không thấy,…” cho đến “… rơi vào chỗ tối tăm của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cho nên các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 427. THÁNH ĐẾ[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về bốn Thánh đế. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Bốn đế là gì? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đó gọi là bốn Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh “Đương thuyết” (Ta sẽ nói) trên, cũng vậy, các kinh:
– Có (bốn Thánh đế);
– Nên biết (bốn Thánh đế).
Cũng nói như trên.
*
KINH 428. THIỀN TƯ[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên chuyên cần thiền định tư duy[38], phát khởi chánh phương tiện[39], để nội tâm tịch tĩnh. Vì sao? Vì Tỳ-kheo nào thiền định tư duy, nội tâm tịch tĩnh đã thành tựu rồi, thì sẽ hiển hiện như thật[40]. Hiển hiện như thật những gì? Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 429. TAM-MA-ĐỀ[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên tu vô lượng Tam-ma-đề[42], chuyên tâm chánh niệm. Vì sao? Vì khi tu vô lượng Tam-ma-đề, chuyên tâm chánh niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Hiển hiện như thật những gì? Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 430. TRƯỢNG (1)[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc gốc chạm đất, hoặc thân chạm đất, hoặc đầu chạm đất. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật về Khổ Thánh đế; không biết như thật về Khổ tậïp Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn này, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 431. TRƯỢNG (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc rơi xuống đất sạch, hoặc rơi xuống đất không sạch. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật về Khổ Thánh đế; không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, vì không biết như thật, cho nên hoặc sanh vào đường lành, hoặc sanh vào đường ác. Thế nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 432. NGŨ TIẾT LUÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như cái bánh xe có năm tiết liên tục[44]. Một người đại lực sĩ có thể quay nhanh bánh xe này. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về Khổ Thánh đế, không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, sẽ bị luân hồi trong năm đường, xoay vần một cách nhanh chóng; hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc Trời, hoặc Người, rồi lại đọa vào đường ác, trường kỳ luân chuyển. Cho nên Tỳ-kheo nào đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 433. TĂNG THƯỢNG THUYẾT PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp tăng thượng[45]; nghĩa là bốn Thánh đế được khai thị, được thi thiết, được kiến lập, được phân biệt, được diễn giải, bày hiển hiện, được biểu lộ[46]. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 434. HIỆT TUỆ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là hiệt tuệ[47]? Có phải là biết như thật về Khổ Thánh đế, về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, hay không biết?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, theo như sự hiểu biết của chúng con về những lời dạy của Phật, đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, thì đó gọi là hiệt tuệ.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nếu đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là hiệt tuệ. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 435. TU-ĐẠT[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, gia chủ Tu-đạt-đa[49] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời[50]?”
Phật bảo gia chủ:
“Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời.”
Phật bảo gia chủ:
“Nếu có người bảo: ‘Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán’, lời nói này không đúng. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế nếu chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì điều này không thể có được. Cũng giống như người lấy hai lá cây nhỏ[51] xếp lại làm đồ đựng nước mang đi thời không thể có được. Cũng vậy, đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,’ thì điều này không thể có được.
“Như có người lấy lá sen kết lại làm đồ chứa nước đem đi, thì việc này có thể có được. Cũng vậy, này gia chủ, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,’ điều này có thể có được. Cho nên, gia chủ, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 436. ĐIỆN ĐƯỜNG (1)[52]
Như điều trưởng giả Tu-đạt đã hỏi ở kinh trên, có Tỳ-kheo khác hỏi Đức Phật, cũng được nói như vậy. Chỉ có sai biệt nơi thí dụ:
“Như có con đường bốn bậc thềm đi lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần lên bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên điện đường,’ thì điều này không thể có được. Vì sao? Phải do bậc đầu tiên rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến điện đường. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán’, thì điều này không thể có được.
“Này Tỳ-kheo, nếu có người nói: ‘Bằng bốn bậc thềm đưa lên điện đường, nhưng phải do từ bậc thềm đầu, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,’ nói như vậy thì mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm đầu tiên, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên được điện đường, việc này có thể có được. Cũng vậy Tỳ-kheo, nếu đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,’ nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế hiện quán, việc này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 437. ĐIỆN ĐƯỜNG (2)
Như Tỳ-kheo đã hỏi ở kinh trên, những điều Tôn giả A-nan hỏi, Đức Phật cũng dạy như vậy, chỉ có thí dụ là sai khác, Phật bảo A-nan:
“Như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần nhờ vào bậc ban đầu mà lên ngay bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư là lên được diện đường,’ thì không thể có được. Cũng vậy A-nan, nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,’ điều này không thể có được. Vì sao? Vì nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì không thể có được.
“Này A-nan, như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường, nếu có người nói: ‘Phải do bậc đầu tiên, sau đó mới lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên tới điện đường,’ nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do vào bậc đầu tiên, tuần tự lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi mới tới điện đường, thì điều này có thể có được. Cũng vậy, A-nan đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán;’ điều này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 438. CHÚNG SANH[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như lấy hết cây cỏ trên quả đất này, dùng làm cây thương[54] và xâu hết tất cả các loài thủy vật trong biển lớn; có thể xuyên suốt được tất cả không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì những con vật ở trong biển lớn đủ các hình tướng, chủng loại, hoặc có loài nhỏ quá, không thể xâu được, hoặc lớn quá, cũng không thể xâu được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đúng vậy, đúng vậy! Chúng sanh giới vô số vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 439. TUYẾT SƠN[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn cầm một cục sạn[56], rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ông nghĩ sao? Sạn trong tay Ta đây là nhiều hay sạn ở núi Tuyết lớn nhiều?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sạn trong tay của Thế Tôn rất ít, còn sạn ở núi Tuyết thì nhiều trăm, muôn ngàn, ức, vô lượng, không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì ít như sạn ở trong tay Ta đang cầm. Còn những chúng sanh kia mà không biết như thật đối với Khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì nhiều như sạn ở núi Tuyết, nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 440. HỒ TRÌ ĐẲNG[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như ao hồ, sâu rộng năm mươi do tuần, nước đầy tràn. Nếu có người dùng một sợi tóc, hoặc sợi lông, hoặc đầu ngón tay thấm vào nước hồ này cho đến ba lần, thì thế nào, này các Tỳ-kheo, giọt nước thấm của người kia nhiều hay nước trong hồ nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nước trên sợi tóc, sợi lông, hay dầu ngón tay của người này rất ít, còn nước trong hồ thì nhiều vô lượng, vô số cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nhiều như nước trong hồ lớn, nhiều vô lượng, là gốc rễ khổ bị cắt đứt như cây đa la bị chặt ngọn, thành các pháp không tái sanh trong tương lai, mà đa văn Thánh đệ tử đoạn trừ khi thành tựu kiến đế[58], đắc Thánh đạo quả. Những gì còn sót chưa đoạn tận, chỉ ít như nước đầu sợi tóc, sợi lông, ngón tay của người kia mà thôi. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như ví dụ hồ nước lớn, cũng vậy những ví dụ về hồ Tát-la-đa-tra-ca, Hằng-già, Da-phù-na, Tát-la-du, Y-la-bạt-đề, Ma-hê[59], cùng bốn biển lớn cũng nói như trên.
*
KINH 441. THỔ[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất, lớn bằng trái lê[61], bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào, các Tỳ-kheo, hòn đất trong tay Ta nhiều hay đất trong núi Tuyết nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa, hòn đất trong tay Thế Tôn rất ít, còn đất tại núi chúa Tuyết thì thật nhiều, nhiều đến trăm ngàn ức na do tha, cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng ít như hòn đất Ta đang cầm ở trong tay. Những chúng sanh mà không biết như thật khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nhiều hơn đất ở núi chúa Tuyết. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như núi chúa Tuyết. Cũng vậy các ví dụ về núi Ni-dân-đà-la, Tỳ-na-đa-ca, Mã-nhĩ, Thiện kiến, Khư-đề-la-ca, Y-sa-đà-la, Du-kiền-đà-la, Tu-di sơn vương[62] và đất đai trên đại địa cũng lại như vậy. Như dụ trái lê, cũng vậy các ví dụ trái A-ma-lặc-ca, Bạt-đà-la, Ca-la-ca, quả đậu, cho đến ví dụ tép tỏi cũng nói như vậy.
*
KINH 442. TRẢO GIÁP[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng trong móng tay khự một ít đất, rồi nói với các Tỳ-kheo:
“Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng như vậy, thân hình các chúng sanh mà có thể thấy được thì như đất trên móng tay; còn thân hình của chúng sanh vi tế không thể thấy được nhiều như đất trên đại địa. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như đất liền nói trên, về thủy tánh cũng lại như vậy.
Các kinh khác tương tợ:[64]
– “Ít như đất trên móng tay, cũng vậy, những chúng sanh được sanh ra trong cõi người;
– “Loại không được làm người cũng như đất đại địa.
– “Những chúng sanh được sanh ra nơi có văn minh (đô thị) cũng như đất dính trên móng tay;
– “Được sanh ra nơi biên địa cũng như đất trên đại địa.
– “Người thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất trên móng tay;
– “Người không thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh biết được pháp luật này, cũng như đất dính trên móng tay;
– “Chúng sanh không biết pháp luật cũng như đất ở đại địa.
– “Như biết, cũng vậy: biết bình đẳng, biết khắp tất cả, chánh tưởng, chánh giác, chánh giải, pháp hiện quán cũng như vậy.
– “Những chúng sanh biết có cha mẹ, thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn và làm những điều cần làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên đầu móng tay;
– “Số chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn, làm những điều phước cần ở đời này, đời khác, sợ tọâi lỗi thường bố thí, ăn chay, giữ giới thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt thì cũng như đất trên móng tay;
– “Số chúng sanh không giữ gìn giới luật thì cũng như đất ở đại địa.
– “Cũng vậy, những chúng sanh lìa tham nhuế, tà kiến và chúng sanh không lìa tham nhuế, tà kiến cũng nói như vậy.
– “Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, ít như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh không giữ gìn năm giới nhiều như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh giữ gìn tám giới thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh không giữ gìn tám giới thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh giữ gìn mười điều lành thì cũng như đất trên móng tay;
– “Số chúng sanh không giữ mười điều lành thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh từ địa ngục, sau khi chết rồi được sanh làm người thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh từ địa ngục sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh từ địa ngục sau khi chết được sanh lên cõi trời thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh từ địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh ở loài người sau khi chết rồi sanh trở lại làm người thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh ở loài người sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.
– “Những chúng sanh từ cõi trời sau khi chết trở lại sanh vào cõi Trời thì cũng như đất dính trên móng tay;
– “Số chúng sanh ở cõi Trời sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.”
*
KINH 443. TỨ THÁNH ĐẾ DĨ SANH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Trước kia, khi Ta chưa nghe pháp, đã có được chánh tư duy rằng, ‘Đây là Khổ Thánh đế’, chánh kiến đã phát sanh; ‘Đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, chánh kiến đã phát sanh.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói về đã sanh. Cũng vậy, đang sanh, sẽ sanh; kinh nói về khởi, tập, cận (gần), tu, tu nhiều, xúc, tác chứng cũng như vậy.[65]
*
KINH 444. NHÃN DƯỢC HOÀN[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như viên thuốc chữa mắt, rộng sâu một do tuần[67]. Nếu có người nào lấy viên thuốc này đặt vào trong mỗi mỗi giới[68], có thể khiến cho hết nhanh chóng[69], nhưng đối với các giới kia cũng không thể cùng biên tế của nó được. Nên biết, số lượng các giới nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học giới loại thiện. Đối với chủng loại sai biệt của giới thiện, hãy học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 445. BỈ TÂM[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[71]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện[72]. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy, chủng loại sai biệt của giới thiện.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 446. KỆ (1)[73]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nói đầy đủ như trên, chỉ khác là nói thêm bài kệ này:
Thường hợp nên thường sanh,
Lìa nhau, thì sanh dứt.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác;
Siêng năng hạng thấp hèn.
Hiền thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
Thiền tinh tấn ân cần,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh cùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.
*
KINH 447. HÀNH[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[75]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới.
Bấy giờ, Tôn giả Kiều-trần-như cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những Đại đức, Thượng tọa, đa văn, xuất gia đã lâu, tu tập đầy đủ phạm hạnh.
Lại có Tôn giả Đại Ca-diếp cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều ít muốn, biết đủ, đầu đà, khổ hạnh, không chứa đồ dư.
Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc Đại trí biện tài.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc có sức thần thông lớn.
Tôn giả A-na-luật-đà cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều được thiên nhãn sáng suốt.
Bấy giờ, cũng có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ, cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều dõng mãnh, tinh tấn, chuyên cần tu hành.
Lại có Tôn giả Đà-phiêu cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều vì đại chúng sửa sang các thứ cúng dường đầy đủ.
Tôn giả Ưu-ba-ly cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều thông đạt luật hạnh.
Tôn giả Phú-lâu-na cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc biện tài, thuyết pháp.
Lại có Tôn giả Ca-chiên-diên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều có khả năng phân biệt các kinh, khéo nói pháp tướng.
Khi đó cũng có Tôn giả A-nan cùng với nhiều Tỳ-kheo đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc tổng trì đa văn.
Lại có Tôn giả La-hầu-la cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều khéo giữ gìn luật hạnh.
Khi đó cũng có Tôn giả Đề-bà-đạt-đa cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả đều huân tập nhiều ác hạnh.
Đó gọi là Tỳ-kheo thường cùng đi và hòa hợp với nhau. Cho nên, Tỳ-kheo, nên khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
]
KINH 448. KỆ (2)[76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.
Nói đầy đủ như kinh trên. Phật liền nói kệ:
Thường hợp nên thường sanh,
Lìa nhau, thì sanh dứt.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác;
Siêng năng hạng thấp hèn.
Hiền thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
Thiền tinh tấn ân cần,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh lùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.
*
KINH 449. GIỚI HÒA HỢP[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Nói đầy đủ như trên… cho đến,
“Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Khi sát sanh thì đi cùng giới sát sanh. Khi tâm trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì đi cùng giới trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu. Khi tâm không sát sanh đi cùng giới không sát sanh. Khi tâm không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu đi cùng giới không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 450. TINH TẤN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Khi bất tín thì đi cùng giới bất tín. Khi phạm giới thì đi cùng giới phạm giới. Khi không tàm không quý thì đi cùng giới không tàm không quý. Khi có lòng tín thì đi cùng giới có tín. Khi trì giới thì đi cùng giới trì giới. Khi tâm có tàm có quý thì đi cùng giới có tàm có quý. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như tín hay bất tín. Cũng vậy: tinh tấn hay không tinh tấn, thất niệm hay không thất niệm, chánh thọ hay không chánh thọ, đa văn hay thiểu văn, xan lẫn hay bố thí, ác tuệ hay thiện tuệ, khó nuôi hay dễ nuôi, khó thỏa mãn hay dễ thỏa mãn, ham muốn nhiều hay ham muốn ít, biết đủ hay không biết đủ, điều phục hay không điều phục, tất cả đều đi cùng giới đó. Như kinh trên đã nói đầy đủ.[78]
*
KINH 451. GIỚI[79]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hôm nay Ta sẽ nói về các chủng loại sai biệt của giới[80]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Thế nào là các giới? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các thứ giới.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 452. XÚC (1)[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.
“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới… cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.
“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Do duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, giới làm duyên nên sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ sanh ra ý ái.
“Này các Tỳ-kheo, không phải do duyên các chủng loại sai biệt của ái nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của giới. Chính là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 453. XÚC (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.
“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới,… cho đến, ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.
“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các thọ; do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải do duyên nhãn xúc sanh ra nhãn giới, mà là duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Không phải duyên nhãn thọ sanh ra nhãn xúc, mà là duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Do duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Không phải duyên nhãn ái nên sanh ra nhãn thọ, mà là duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; duyên ý giới nên sanh ra ý xúc. Không phải duyên ý xúc sanh ra ý giới, mà là duyên ý giới nên sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Không phải duyên ý thọ sanh ra ý xúc, mà duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Không phải duyên ý ái sanh ra ý thọ, mà duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Cho nên, Tỳ-kheo, không phải vì sanh các chủng loại sai biệt ái sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Không phải vì duyên các thọ sanh ra các xúc, cũng không phải vì duyên các xúc sanh ra các giới, mà chỉ có vì duyên các giới nên sanh ra các xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ; vì duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái. Này Tỳ-kheo, đó gọi là nên khéo phân biệt các chủng loại sai biệt giới.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 454. TƯỞNG (1)[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng. Do duyên các chủng loại sai biệt tưởng nên sanh ra các chủng loại sai biệt dục. Do duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các giác[83]. Do duyên các chủng loại sai biệt giác nên sanh ra các chủng loại sai biệt nhiệt; vì duyên các thứ nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt cầu[84].
“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám: Nhãn giới… cho đến pháp giới.
“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, duyên các thứ nóng bức nên sanh ra các mong cầu? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc; duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ; duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn tưởng; duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn dục; do duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn giác; duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn nhiệt; duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn cầu. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; do duyên ý giới nên sanh ra ý xúc; duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ; duyên ý thọ nên sanh ra ý tưởng; duyên ý tưởng nên sanh ra ý giác; duyên ý giác nên sanh ra ý nhiệt; do duyên ý nhiệt nên sanh ra ý cầu. Này Tỳ-kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, duyên các thứ nhiệt sanh ra các thứ cầu.
“Này Tỳ-kheo, không phải do duyên các thứ mong cầu nên sanh ra các thứ nhiệt. Không phải do duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ giác. Không phải do duyên các thứ giác nên sanh ra các thứ tưởng. Không phải vì duyên các thứ tưởng nên sanh ra các thứ thọ. Không phải do duyên các thứ thọ nên sanh ra các thứ xúc. Cũng không phải vì duyên các thứ xúc nên sanh ra các thứ giới, mà chỉ có duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc;… cho đến, duyên các thứ nhiệt sanh ra các thứ mong cầu.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 455. TƯỞNG (2)[85]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng; duyên các chủng loại sai biệt tưởng nên sanh ra các chủng loại sai biệt dục; duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các chủng loại sai biệt giác; duyên các chủng loại sai biệt giác nên ra sanh các chủng loại sai biệt nhiệt; duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu.
“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến pháp giới.
“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc,… cho đến; thế nào là duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải vì duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn giới, mà chỉ vì duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc[86]. Duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn tưởng. Không phải vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn xúc, mà chỉ vì duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn tưởng. Duyên nhãn tưởng sanh ra nhãn dục. Không phải vì duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn tưởng, mà chỉ vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn dục. Duyên nhãn dục sanh ra nhãn giác. Không phải vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn dục, mà chỉ vì duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn giác. Duyên nhãn giác sanh ra nhãn nhiệt. Không phải vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn giác, mà chỉ vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn nhiệt. Duyên nhãn nhiệt sanh ra nhãn cầu. Không phải vì duyên nhãn cầu nên sanh ra nhiệt, mà chỉ vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn cầu.
“Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, vì duyên ý giới nên sanh ra ý xúc… cho đến duyên ý nhiệt nên sanh ra ý cầu, cũng nói đầy đủ như vậy.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc… cho đến vì duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong cầu, chứ không phải duyên các thứ mong cầu nên sanh ra các nhiệt,… cho đến không phải duyên các xúc nên sanh ra các giới, mà chỉ vì duyên các giới nên sanh ra các thứ xúc,… cho đến, duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong cầu.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như nội lục nhập xứ, ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.[87]
*
——————————————————————————–
[1]. Đại Chánh, quyển 16. “Tạp nhân tụng” phẩm iii (phần 4) [tiểu mục trong nguyên bản Đại Chánh]. Quốc Dịch đồng. Pāli, S. 56. 41. Cintā.
[2]. Pāli: lokacintaṃ cintento, tư duy về (tư duy) thế gian, suy nghĩ về thế giới.
[3]. Phi nghĩa nhiêu ích, phi pháp nhiêu ích, phi phạm hạnh nhiêu ích, phi trí, phi giác, bất thuận Niết-bàn 非義饒益,非法饒益,非梵行饒益,非智,非覺,不順涅槃. Pāli: na hetaṃ atthasaṃhitaṃ etaṃ ādibrahmacariyakaṃ etaṃ na nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati (S. v. p. 438), điều đó không liên hệ mục đích (giải thoát), không thuộc căn bản phạm hạnh, không dẫn đến yểm ly, không dẫn đến ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
[4]. Câu-hy-la trì 拘絺羅池. Pāli: sumāgadhā pokkharañī, hồ sen Sumāgadhā.
[5]. Ngẩu khổng 藕孔. Pāli: bhisamuḷāla, chồi non của sen.
[6]. Phi nghĩa nhiêu ích 非義饒益: chẳng ích gì cho mục đích.
[7]. S. 56. 8. Cintā.
[8]. Pāli: mā… pāpakaṃ ākusalaṃ cittam cinteyyātha, các ngươi chớ tư duy về tư duy ác bất thiện.
[9]. Suy tầm, trầm tư. Pāli, S. 56. 7. Vitakkā.
[10]. Tham giác, sân (nhuế) giác, hại giác; đây gọi là ba bất thiện tầm, ba tư duy tầm cầu bất thiện: ham muốn, thù hận, ý nghĩ ác hại. Pāli: kāmavitakkaṃ vyāpādavitakkaṃ vihiṃsavitakkaṃ.
[11]. Pāli: mā, bhikkhave, pāpake akusale vitakke vitakkeyyātha, Tỳ-kheo, các ngươi chớ có tư duy tầm cầu về các suy tầm ác bất thiện.
[12]. Pāli, xem kinh 409.
[13]. S. 56. 10. Kathā.
[14]. Các đề tài được gọi là súc sanh luận (Pāli: tiracchānakathā), vì vô nghĩa, vô ích.
[15]. Tranh cãi. Pāli, S. 56. 9. Viggāhikā.
[16]. Ba-tư-nặc 波斯匿王 (Pāli: Pasenadi), vua nước Câu-tát-la 拘薩羅 (Pāli: Kosala). Tần-bà-sa-la Tần-bà-sa-la 頻婆娑羅王 (Pāli: Bimbisāra), vua nước Ma-kiệt-đà.
[17]. Như kinh 407.
[18]. Như kinh 407.
[19]. Tức thí chủ.
[20]. Pāli, S. 56. 15. Dhāraṇa.
[21]. S. 56. 20, 27. Tathā.
[22]. Như như, bất ly như, bất dị như… 如如,不離如,不異如. Pāli (S.v.430): cattārimāni bhikkhave tathāni avitathāni aññatathāni.
[23]. S. 56. 16. Dhāraṇa.
[24]. S. 56. 42. Papāto.
[25]. Thâm hiểm nham; xem cht. dưới. Pāli: ayāma, bhikkhave, yena paṭibhānakūṭo ten’ upasaṃkamissāma divāvihārayā, này các Tỳ-kheo, chúng ta hãy đi lên ngọn Paṭibhānakūṭa (Biện tài đỉnh) để nghỉ trưa.
[26]. Thâm hiểm nham 深嶮巖, vực thẳm sâu; bản Pāli: Thế Tôn lên ngọn Paṭibhāna, một Tỳ-kheo thấy một vực sâu nguy hiểm, kêu lên: mahā vatāyaṃ bhante papāto subhayānako, Thế Tôn, lớn thay, vực thẳm dễ sợ này.
[27]. Sanh bổn chư hành lạc trước 生本諸行樂著. Pāli: jātisaṃvattanikesu saṃkhāresu abhiramanti, hoan lạc nơi các hành mà chúng dẫn đến sự thọ sanh.
[28]. Cực kỳ nóng. Pāli, S. 56. 43. Pariḷāha.
[29]. Đại nhiệt địa ngục 大熱地獄. Pāli: Mahāpariḷāha.
[30]. Cực kỳ đen tối. Pāli, S. 56. 46. Andhakāra.
[31]. Xem cht.33, kinh 424 dưới.
[32]. Xem kinh 423 trên.
[33]. Pāli: atthi, bhikkhae, lokantarikā aghā asaṃvutā andhakārā andhakāratimisā, yattham imesaṃ candimasūriyānaṃ evaṃmahiddhikānaṃ evaṃ mahānubhāvānaqṃ ābhāya nānubhontī ti, có một chỗ tối tăm, sâu thẳm tối tăm không đáy, ở khoảng giữa các thế giới, không có vòm trời che; chỗ đó, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vốn có thần lực như vậy, mà không chiếu tới được.
[34]. Gần giống kinh 424 trên.
[35]. Gần tương đồng các kinh 424, 425 trên.
[36]. Pāli, S. 56. 29. Pariññeyyaṃ (cần được biến tri).
[37]. Pāli, S. 56. 2. Patisallāna (sống độc cư).
[38]. Đương cần thiền tư. Pāli: paṭisallāne bhikkhave yogam āpajjatha, hãy tu tập chuyên cần ở nơi nhàn tĩnh độc cư.
[39]. Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.
[40]. Pāli (S.v.141): paṭisallāno…bhikkhu yathābhūtam pajānāti, Tỳ-kheo tịch tĩnh độc cư thì liễu tri như thật (về bốn Thánh đế).
[41]. S. 56. 1. Samādhi.
[42]. Tức tu định. Pāli: samādhiṃ bhikkhave bhāvetha.
[43]. Cây gậy. Pāli, S. 56. 33. Daṇḍo.
[44]. Ngũ tiết tương tục luân 五節相續輪, bánh xe có năm nan.
[45]. Tăng thượng thuyết pháp 增上說法.
[46]. Các cách thuyết pháp của Phật, Pāli: ācikkananā (tuyên thuyết, công bố), desanā (giáo huấn, chỉ thị), paññāpanā (thi thiết, quy định), vivaraṇā (khai thị, khai hiển), vibhajanā (phân biệt, phân tích).
[47]. Hiệt tuệ 黠慧, nhận thức lão luyện, sâu sắc. Pāli: paṇḍita.
[48]. Tu-đạt, tên thật của ông Cấp cô độc. Pāli: Sudatta.
[49]. Tu-đạt trưởng giả 須達長者. Pāli: Sudatta-gahapati.
[50]. Tiệm thứ vô gián đẳng, đốn vô gián đẳng 漸次無間等, 頓無間等.
[51]. Tế diệp; xem cht.90, kinh 397.
[52]. Pāli, S. 56. 44. Kūṭāgāra.
[53]. S. 56. 36. Pājā.
[54]. Thương 鏘; trong Khang Hy, từ này chỉ tiếng khua của châu ngọc. Có lẽ là 槍. Pāli: sūla, cây giáo, hay cái cọc nhọn.
[55]. S. 56. 49-50. Sineru.
[56]. Hán: thổ thạch 土石. Pāli, Phật so sánh bảy viên sỏi nhỏ bằng hạt cải (satta muggamattiyo pāsāṇakkharā) và núi chúa Tu-di (Sineru).
[57]. Thí dụ về ao hồ và các thứ khác nữa. Pāli, S. 56. 52. Pokkharaṇī.
[58]. Kiến đế, thấy được Thánh đế. Pāli: ariyasāvakassa diṭihisampanassa puggalassa abhisametāvino, đối với Thánh đệ tử đã thành tựu kiến, đã đắc hiện quán (Đây chỉ Thánh giả Tu-đà-hoàn).
[59]. Tên các con sông lớn ở Ấn Độ: Sambejja, Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī.
[60]. Đất. Pāli, S.56. 55-60. Pathavī,v.v…
[61]. Pāli: satta kolaṭṭhimattiyo guḷikā, hòn đất lớn bằng hạt của quả táo.
[62]. Pāli, núi Tudi (Sineru) và 7 núi chung quanh: Nemindhara, Vinataka, Assakaṇṇa, Sudassana, Karavīka, Īsadhara, Yugandhara.
[63]. Móng tay. Pāli, S. 56. 51. Nakkhasikho.
[64]. Tóm tắt có ba mươi kinh.
[65]. Tóm tắt có chín kinh.
[66]. Ấn Thuận, tụng iii Tạp nhân, “5. Tương ưng Giới”, gồm ba mươi bảy kinh, Đại Chánh hai mươi hai kinh: 444-465. phần lớn tương đương Pāli, S.14. Dhātu-saṃyutta, Viên thuốc chữa mắt.
[67]. Ý nói, số lượng viên thuốc được tập hợp lại.
[68]. Chỉ cách tính số lượng: mỗi giới loại (chủng loại) đặt một viên.
[69]. Số viên thuốc hết nhanh, nhưng số giới chưa hết.
[70]. Tâm hèn mọn. Pāli, S. 14. 14. Hīnādhimutti (Ý chí hèn kém).
[71]. Pāli: dhātusova bhikkhave sattā saṃsandanti samenti, chúng sanh giao tiếp theo giới, tập hợp theo giới. Ở đây, giới hay giới loại được hiểu là tính chất (đồng loại tướng quần).
[72]. Pāli: hīnādhimuttikā hīnādhimuttikehi saddhiṃ…, bản tánh thấp hèn thì đi với bản tánh thấp hèn.
[73]. Pāli, S. 14. 16. Sagathā.
[74]. S. 14. 15. Kammaṃ.
[75]. Xem cht.71, kinh 445.
[76]. Như kinh 486.
[77]. S. 14. 12. Sanidānaṃ.
[78]. Tóm tắt mười một kinh.
[79]. S. 14. 1. Dhātu.
[80]. Chủng chủng giới 種種界. Pāli: dhātunānattaṃ, sự đa dạng của giới (loại).
[81]. S. 14. 2-5. Samphassa, v.v…
[82]. S. 14. 7. Saññā.
[83]. Giác, đây chỉ cho giác tưởng phân biệt, hay vọng tưởng phân biệt (Pāli: saṅkappa). Bản Pāli: duyên đa dạng tưởng (saññānānattaṃ) sanh đa dạng tư duy (saṃkappanānattaṃ); duyên đa dạng tư duy sanh đa dạng dục (chandanānattaṃ).
[84]. Pāli: duyên đa dạng dục (chandanānattaṃ) sanh đa dạng nhiệt não (pariḷāhanānattaṃ, nóng bức, bực tức khổ não); duyên nhiệt não sanh đa dạng mong cầu (priyesanānānattaṃ).
[85]. Nội dung gần với kinh trên.
[86]. Trong bản, trên chữ duyên có chữ phi. Đây lược bỏ.
[87]. Tóm tắt có bốn kinh.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 32