Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như khi mặt trời mọc có tiền tướng của nó, là minh tướng, ánh sáng ban đầu. Cũng vậy, Tỳ-kheo tận cùng biên tế khổ, cứu cánh biên tế khổ có tiền tướng là chánh kiến[2]. Chánh kiến này có thể phát khởi lên chánh chí[3], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Vì nhờ phát khởi định chánh thọ, nên Thánh đệ tử tâm chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Với tâm khéo giải thoát như vậy, Thánh đệ tử đạt được Chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không tái sanh kiếp sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 749. VÔ MINH (1)[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vô minh làm tiền tướng nên sanh ra các pháp ác bất thiện. Rồi theo đó sanh ra vô tàm, vô quý. Vô tàm, vô quý đã sanh ra rồi, theo đó sanh ra tà kiến. Tà kiến đã sanh ra rồi, có thể khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định.
“Nếu khởi lên minh làm tiền tướng sanh ra các pháp thiện, thì theo đó sanh ra tàm quý. Tàm quý đã sanh ra rồi, có thể sanh ra chánh kiến. Chánh kiến đã sanh ra rồi, sẽ theo thứ tự khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Chánh định đã khởi lên rồi, Thánh đệ tử được chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Như vậy, Thánh đệ tử khi đã được chánh giải thoát rồi sẽ được chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh vào đời sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 750. VÔ MINH (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu, Tỳ-kheo, các pháp ác bất thiện sanh khởi, tất cả đều do vô minh làm gốc, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh khởi. Vì sao? Vì vô minh là vô tri, không biết như thật đối với pháp thiện, pháp bất thiện; không biết như thật có tội, không có tội, pháp thấp, pháp cao, nhiễm ô, không nhiễm ô, phân biệt, không phân biệt, duyên khởi, không duyên khởi. Vì không biết như thật nên khởi lên tà kiến; khi đã khởi tà kiến rồi, thì có khả năng khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định.
“Nếu các pháp thiện sanh, tất cả đều do minh làm gốc, minh tập, minh sanh, minh khởi. Vì minh, biết như thật đối với pháp thiện, bất thiện; tất cả đều biết như thật về tội, không tội, thân cận, không thân cận, pháp thấp, pháp cao, ô uế, bạch tịnh, có phân biệt, không phân biệt, duyên khởi, không duyên khởi, biết như thật, đó là chánh kiến. Chánh kiến hay khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Khi đã khởi lên chánh định rồi, Thánh đệ tử được chánh giải thoát tham, nhuế, si; khi tham, nhuế, si đã giải thoát rồi, Thánh đệ tử được chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 751. KHỞI[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người xuất gia hay tại gia mà khởi lên việc tà[6], Ta sẽ không nói đến. Vì sao? Vì nếu người xuất gia hay tại gia mà còn khởi lên việc tà, thì không vui thích Chánh pháp. Những gì là việc tà? Đó là tà kiến… cho đến tà định.
“Nếu là người xuất gia hay tại gia mà khởi lên việc chánh, Ta sẽ tán thán. Vì sao? Vì người khởi lên việc chánh, là người vui thích Chánh pháp, thiện xảo nơi Chánh pháp. Những gì là việc chánh? Đó là chánh kiến… cho đến chánh định. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tại gia cùng xuất gia,
Mà khởi lên việc tà;
Người kia không vui thích
Chánh pháp tối vô thượng.
Tại gia cùng xuất gia,
Mà khởi lên việc chánh;
Thì tâm luôn vui thích,
Chánh pháp tối vô thượng.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 752. CA-MA[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tỳ-kheo Ca-ma[8] đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là dục; thế nào là dục?”
Phật bảo Ca-ma:
“Dục là chỉ cho năm công năng của dục. Những gì là năm? Sắc được thấy bởi mắt, đáng yêu, đáng thích ý, đáng nhớ, khiến nuôi lớn dục lạc. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi; xúc biết bởi thân thức đáng yêu, vừa ý, đáng nhớ, khiến nuôi lớn dục lạc. Đó gọi là dục. Nhưng chúng không phải là dục, sự tham đắm nơi chúng, đó gọi là dục.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Năm sắc tạp thế gian,
Tự chúng phi ái dục.
Cái giác tưởng tham dục,
Là dục của con người.
Các sắc thường ở đời,
Hành giả đoạn tâm dục.
Tỳ-kheo Ca-ma bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, có con đường đưa đến đoạn trừ ái dục này không?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có tám Thánh đạo, có thể đoạn trừ ái dục, đó là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Ca-ma nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 753. A-LÊ-SẮT-TRA[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là A-lê-sắt-tra[10] đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là cam lộ[11]; thế nào gọi là cam lộ?”
Phật bảo A-lê-sắt-tra:
“Cam lộ là một danh thuyết của giới[12], nhưng Ta vì người đã đoạn tận hữu lậu mà hiện nói danh từ này.”
Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có con đường nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ được pháp cam lộ không?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có, đó là tám Thánh đạo phần: Từ chánh kiến… cho đến chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 754. XÁ-LỢI-PHẤT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nói là các tư cụ căn bản cho chánh tam-muội[13] của bậc Hiền thánh; thế nào là các tư cụ căn bản cho chánh tam-muội của bậc Hiền thánh?”
Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Đó là Bảy chánh đạo phần, là căn bản, là các tư cụ cho chánh tam-muội của bậc Hiền thánh. Những gì là bảy? Là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm. Này Xá-lợi-phất, sau khi lấy bảy Đạo phần này làm tác nghiệp căn cơ[14] rồi, tâm được chuyên nhất; đó gọi là những tư cụ căn bản cho chánh tam-muội bậc Hiền thánh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 755–757. TỲ-KHEO
Tôi nghe như vầy:
Như ba kinh trên, cũng vậy ba kinh Phật hỏi các Tỳ-kheo cũng nói như vậy.
*
KINH 758. ÚY[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sự sợ hãi của con không mẹ. Sự sợ hãi của con có mẹ. Đó là điều mà kẻ phàm ngu si không học, nói đến. Nhưng không hiểu gì về sự sợ hãi của con không mẹ, sự sợ hãi của con có mẹ.
“Này các Tỳ-kheo, có ba sự sợ hãi của con không mẹ[16], mà phàm phu ngu si, không học đã nói. Những gì là ba? Này các Tỳ-kheo, khi có binh biến loạn lạc xảy ra, tàn hại đất nước, bị sóng cuốn theo dòng, con thất lạc mẹ, mẹ thất lạc con. Đó gọi là sự sợ hãi của con không mẹ thứ nhất, mà kẻ phàm ngu si, vô học nói.
“Lại nữa, này Tỳ-kheo, khi có hỏa hoạn lớn bất chợt xảy ra, thiêu đốt thành ấp, xóm làng; dân chúng chạy loạn khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Đó gọi là sựï sợ hãi của con không mẹ thứ hai mà kẻ phàm ngu si, vô học đã nói.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, có một lúc trong núi có mưa to, nước lớn đổ ra, làm tràn ngập xóm làng, dân chúng lánh chạy khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Đó gọi sựï sợ hãi của con không mẹ thứ ba, mà kẻ phàm ngu si, vô học đã nói.
“Song tất cả những sự sợ hãi này là sự sợ hãi của con có mẹ, mà kẻ phàm ngu si, vô học lại nói là sự sợ hãi của con không mẹ. Khi có binh biến loạn lạc xảy ra, tàn hại đất nước; mọi người bôn ba lưu lạc, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ nhất mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ. Lại nữa, khi hỏa hoạn lớn bất chợt xảy ra, thiêu đốt thành ấp, làng xóm, dân chúng chạy loạn khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ hai mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ. Lại nữa, khi ở trong núi có mưa to, nước lớn đổ ra, làm tràn ngập xóm làng, dân chúng lánh chạy khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ ba mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ.
“Này Tỳ-kheo, có ba thứ sợ hãi của con không mẹ mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo vô thượng đã ký thuyết. Những gì là ba? Này Tỳ-kheo, khi người con già, không có người mẹ nào có thể nói: ‘Con, con chớ già, để mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi người mẹ già, cũng không có người con nào bảo: ‘Mẹ, mong mẹ chớ già! Con già thay mẹ cho!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ nhất mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, khi người con bị bệnh, người mẹ không thể nói: ‘Con đừng bệnh! Mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi mẹ bị bệnh, con cũng không thể bảo: ‘Mẹ đừng bệnh, để con bệnh thay mẹ!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ hai mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.
“Lại nữa, khi người con chết, người mẹ không thể nói: ‘Con, đừng chết! Nay mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi người mẹ chết, người con cũng không thể bảo: ‘Mẹ, đừng chết! Con sẽ thay mẹ!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ ba mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Có đạo lộ nào, có hành trì nào[17] để tu tập, tu tập nhiều, dẫn đến đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con có mẹ ở trước và đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con không mẹ ở sau không?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có đạo lộ, có hành trì dẫn đến đoạn trừ được ba sự sợ hãi này. Những gì là đạo lộ? Những gì là hành trì mà tu tập, tu tập nhiều, dẫn đến đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con có mẹ ở trước và đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con không mẹ ở sau? Đó là tám Thánh đạo phần: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 759. THỌ[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba thọ, là vô thường, hữu vi, do tâm duyên sanh. Những gì là ba? Đó là lạc thọ, khổ thọ, không lạc không khổ thọ.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có đạo lộ, có hành trì nào để tu tập, khi tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba thọ này không?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có đạo lộ, có hành trì để tu tập, khi tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba thọ này. Những gì là đạo lộ, là hành trì để tu tập, khi tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba thọ này?
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 760. TAM PHÁP[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở đời có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ. Những gì là ba? Đó là già, bệnh, chết. Ba điều này không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ. Ở thế gian nếu không có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này, thì không có Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian; và thế gian cũng chẳng có pháp được thuyết, sự giáo giới, giáo thọ của Như Lai. Vì thế gian có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này, nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian và thế gian biết có pháp được thuyết, sự giáo giới, giáo thọ của Như Lai.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Có đạo lộ, có hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này không?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có đạo lộ, có hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này. Những gì là đạo lộ, là hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng, yêu, không đáng nhớ này. Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 761. HỌC[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói về Học[21] và Vô học. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Thế là Học? Học thành tựu chánh kiến, học thành tựu chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là Học. Những gì là Vô học? Vô học thành tựu chánh kiến, Vô học thành tựu chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là Vô học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Học và Vô học, cũng vậy Đại sĩ và Chánh sĩ cũng nói như vậy.
*
KINH 762. LẬU TẬN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói về Thánh lậu tận. Sao gọi là Thánh lậu tận? Vô học thành tựu chánh kiến,… cho đến không còn Học thành tựu chánh định. Đó gọi là bậc Thánh lậu tận.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 763. TÁM THÁNH ĐẠO PHẦN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về tám Thánh đạo phần. Những gì là tám? Đó là Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 764. TU (1)[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói về sự tu tập tám Thánh đạo. Hãy lắng nghe và, suy nghĩ kỹ. Tu tập tám Thánh đạo là thế nào? Tỳ-kheo tu tập chánh kiến, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Tu chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, đều y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Đó gọi là tu tám Thánh đạo.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 765. TU (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về Tỳ-kheo đã tu tập tám Thánh đạo trong quá khứ, sẽ tu tập tám Thánh đạo trong vị lai, chi tiết cho đến, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”
*
KINH 766. THANH TỊNH[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo, đối với chánh kiến thanh tịnh, trắng tinh, không có các lỗi lầm, xa lìa các phiền não; chánh kiến chưa khởi sẽ không khởi, trừ phi có sự điều phục của Phật… cho đến chánh định cũng nói như vậy.
“Nếu đối với chánh kiến thanh tịnh, trắng tinh, không có các lỗi lầm, xa lìa các phiền não; chánh kiến chưa khởi có thể khởi… cho đến chánh định cũng nói như vậy[24].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như chỉ trừ những gì Phật đã điều phục, cũng vậy chỉ trừ những gì Thiện Thệ đã điều phục cũng nói như trên.
*
KINH 767. TỤ[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nói tụ bất thiện tức chỉ cho năm triền cái. Đó là chánh thuyết. Vì sao? Tụ chỉ thuần bất thiện, đó là năm triền cái. Những gì là năm? Đó la tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi cái.
“Nói tụ thiện, tức chỉ cho tám Thánh đạo. Đó là chánh thuyết. Vì sao? Tụ chỉ thuần đầy pháp thiện, đó là tám Thánh đạo. Những gì là tám? Đó là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 768. BÁN[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong tinh xá Sơn cốc[27], thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả A-nan một mình ở nơi chỗ vắng, tự nghĩ như vầy: “Một nửa phạm hạnh, tức là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng[28]… cho đến Phật bảo A-nan:
“Phạm hạnh viên mãn, thuần nhất thanh tịnh, tức là thiện tri thức. Vì sao? Vì Ta là thiện tri thức nên khiến cho các chúng sanh tu tập chánh kiến, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả… cho đến tu chánh định, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 769. BÀ-LA-MÔN[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan sáng sớm, đắp y, mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn[30], đi xe ngựa trắng, cùng với đoàn tùy tùng số đông thanh niên, đi ngựa trắng, xe trắng, dàm ngựa trắng, roi trắng, đầu đội mão trắng, dù lọng trắng; tay cầm phất trắng, mặc y phục trắng, đeo anh lạc trắng, dùng hương trắng thoa mình, tùy tùng đều mặc đồ trắng, ra khỏi thành Xá-vệ, muốn vào rừng để truyền dạy đọc tụng. Mọi người trông thấy vậy đều bảo: ‘Xe tốt, xe tốt! Đó là xe của Bà-la-môn.’
Sau khi Tôn giả thấy Bà-la-môn, cùng với các quyến thuộc và mọi thứ, tất cả đều màu trắng như vậy rồi, thì vào thành khất thực, trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật; cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y, mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực, thấy Bà-la-môn Sanh Văn đi xe ngựa trắng, cùng quyến thuộc và mọi thứ, tất cả đều màu trắng, được mọi người khen rằng: ‘Xe tốt, xe tốt! Đó là xe của Bà-la-môn.’ Thế nào Thế Tôn! Đối với Chánh pháp luật, thì đó là xe của người đời, hay là xe của Bà-la-môn?”
Phật bảo A-nan:
“Đó là xe của người đời, chứ chẳng phải xe Pháp luật của Ta, hay xe của Bà-la-môn. Này A-nan, xe Chánh pháp luật của Ta, xe của trời, xe của Bà-la-môn, xe lớn là có khả năng điều phục quân ma phiền não. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì ông mà nói:
“Này A-nan, những gì là xe Chánh pháp luật, xe cõi trời, xe Bà-la-môn, cỗ xe lớn, có khả năng điều phục quân ma phiền não? Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định. A-nan, đó gọi là xe Chánh pháp luật, xe cõi trời, xe Bà-la-môn, cỗ xe lớn, có khả năng điều phục quân phiền não.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Tín, giới là cái ách,
Tàm quý là vòng cổ;
Chánh niệm khéo hộ trì,
Là người khéo điều khiển.
Xả, tam-muội: càng xe,
Trí, tinh tấn bánh xe;
Nhẫn, vô trước: giáp sắt,
An ổn, đi đúng pháp.
Tiến thẳng không thoái lui,
Vĩnh viễn không chỗ lo;
Người trí đi chiến xa,
Dẹp kẻ thù vô trí.
*
KINH 770. TÀ[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên xa lìa tà kiến, nên đoạn trừ tà kiến. Nếu tà kiến mà không thể đoạn trừ được, thì Ta đã không bao giờ nói nên xa lìa tà kiến. Vì tà kiến có thể đoạn trừ được, nên Ta nói Tỳ-kheo hãy xa lìa tà kiến. Nếu không xa lìa tà kiến, thì tà kiến sẽ tạo ra cái khổ phi nghĩa, không lợi ích. Cho nên Ta nói hãy xa lìa tà kiến. Cũng vậy tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định cũng nói như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, khi xa lìa tà kiến rồi, nên tu tập chánh kiến. Nếu chánh kiến tu không được, Ta đã không bao giờ nói tu tập chánh kiến. Vì tu tập chánh kiến được, nên Ta nói Tỳ-kheo hãy tu tập chánh kiến. Nếu không tu tập chánh kiến, thì sẽ tạo ra cái khổ phi nghĩa không lợi ích. Vì không tu tập chánh kiến tạo ra cái khổ phi nghĩa, không lợi ích, cho nên Ta nói phải tu tập chánh kiến, vì mục đích lợi ích, luôn được an lạc. Cho nên Tỳ-kheo hãy tu tập chánh kiến. Cũng vậy, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 771. BỈ NGẠN[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn, đến chỗ Phật, cùng diện kiến thăm hỏi, ủy lạo; sau khi thăm hỏi ủy lạo xong, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, nói là chẳng phải bờ bên kia, cùng bờ bên kia. Vậy, thế nào là chẳng phải bờ bên kia và thế nào là bờ bên kia?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Tà kiến là chẳng phải bờ bên kia; chánh kiến là bờ bên kia. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định là chẳng phải bờ bên kia. Chánh kiến là bờ bên kia; cũng vậy chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định là bờ bên kia.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Người đời thật ít ai,
Vượt qua bờ bên kia.
Hết thảy các thế gian,
Quanh quẩn dạo bờ này.
Nơi Chánh pháp luật này,
Nếu ai khéo tùy thuận;
Thì có thể vượt bờ,
Bờ sanh tử khó vượt[33].
Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 772–774
Ba kinh này cũng vậy: Có Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan hỏi Phật, hỏi các Tỳ-kheo cũng nói như trên.
*
KINH 775. CHÁNH BẤT CHÁNH TƯ DUY (1)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và tăng trưởng, như nói về không chánh tư duy[35]. Các Tỳ-kheo, không chánh tư duy, thì tà kiến chưa khởi khiến khởi, đã khởi rồi tái sanh khiến tăng trưởng. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định cũng nói như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến pháp ác bất thiện chưa sanh, không sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi khiến cho diệt, như nói về chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, chánh tư duy, thì tà kiến chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến cho diệt. Như tà kiến, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 776. CHÁNH BẤT CHÁNH TƯ DUY (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp Ta không thấy một pháp nào khiến pháp thiện chưa sanh, không sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến cho thoái thất như đã nói về không chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, không chánh tư duy, thì chánh kiến chưa sanh, khiến cho không sanh; chánh kiến đã sanh rồi, khiến cho thoái thất. Cũng vậy, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, khiến cho không sanh; đã sanh rồi, khiến cho thoái thất.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến pháp thiện chưa sanh, khiến cho sanh; pháp thiện đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như đã nói về chánh tư duy. Các Tỳ-kheo chánh tư duy, thì chánh kiến chưa sanh, khiến cho sanh; chánh kiến đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh khiến cho sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 777. CHÁNH BẤT CHÁNH TƯ DUY (3)[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến cho sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng; pháp thiện chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi khiến thoái thất, đó là không chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, không chánh tư duy, thì tà kiến chưa sanh, khiến cho sanh, đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng; chánh kiến chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến thoái thất. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, khiến cho sanh; đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng; chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến thoái thất.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào là pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến cho sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến cho diệt; pháp thiện chưa sanh, khiến cho sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như nói về chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, chánh tư duy, thì sẽ khiến cho tà kiến chưa sanh, không sanh; tà kiến đã sanh rồi, khiến cho diệt; chánh kiến chưa sanh, khiến cho sanh; chánh kiến đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến cho diệt; chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, khiến sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 778. THIỆN ÁC TRI THỨC (1)[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh lại sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như nói về ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng. Các Tỳ-kheo, ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sanh, khiến cho sanh; tà kiến đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh khiến cho sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh, không sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến cho diệt, như nói về thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng. Các Tỳ-kheo, thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sanh, không sanh; tà kiến đã sanh rồi, khiến diệt. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến diệt.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 779. THIỆN TRI THỨC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp thiện chưa sanh, khiến sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như đã nói về thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng. Các Tỳ-kheo, thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng có thể khiến cho chánh kiến chưa sanh, sanh; chánh kiến đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, khiến sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 780. THIỆN ÁC TRI THỨC (2)[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng; pháp thiện chưa sanh, không cho sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến cho diệt, như đã nói về ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng. Các Tỳ-kheo, ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sanh, khiến sanh; tà kiến đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng; hay chánh kiến chưa sanh, không cho sanh; chánh kiến đã sanh, khiến thoái thất. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, khiến sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng; chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến thoái thất.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến diệt; hay pháp thiện chưa sanh, khiến sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm trăng trưởng, như đã nói về thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng. Các Tỳ-kheo, thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sanh, không sanh; tà kiến đã sanh rồi khiến diệt; hay chánh kiến chưa sanh, khiến sanh; chánh kiến đã sanh, khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi khiến cho diệt; hay chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định chưa sanh, khiến sanh; đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 781. CHÁNH BẤT CHÁNH TƯ DUY (4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến pháp ác bất thiện chưa sanh, cho sanh; đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng; hay pháp thiện chưa sanh, không cho sanh, đã sanh rồi khiến thoái thất, như đã nói về không chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, không chánh tư duy, có thể khiến tà kiến chưa sanh, sanh; tà kiến đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng; hay chánh kiến chưa sanh, không cho sanh; chánh kiến đã sanh rồi, khiến thoái thất.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong nội pháp, Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến không sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, khiến cho diệt; hay pháp thiện chưa sanh, khiến cho sanh; pháp thiện đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như nói về chánh tư duy. Các Tỳ-kheo, chánh tư duy, thì có thể khiến cho tà kiến chưa sanh, không sanh; đã sanh rồi, khiến cho diệt; chánh kiến chưa sanh, khiến cho sanh; đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như đã nói về tà kiến và chánh kiến. Cũng vậy bảy kinh nói về tà chí, chánh chí; tà ngữ, chánh ngữ; tà nghiệp, chánh nghiệp; tà mạng, chánh mạng; tà phương tiện, chánh phương tiện; tà niệm, chánh niệm; tà định, chánh định cũng nói như trên. Như tám kinh nói về nội pháp. Cũng vậy, tám kinh nói về ngoại pháp cũng nói như vậy.
*
KINH 782. PHI PHÁP THỊ PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp sai và pháp đúng[39]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Những gì là pháp sai, là pháp đúng? Tà kiến là pháp sai; chánh kiến là pháp đúng… cho đến tà định là pháp sai; chánh định là pháp đúng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Phi pháp và Thị pháp. Cũng vậy, Phi luật và Chánh luật, Phi Thánh và Thị Thánh, Bất thiện pháp và Thiện pháp, Phi tập pháp và Tập pháp, Phi thiện tai pháp và Thiện tai pháp, Hắc pháp và Bạch pháp, Phi nghĩa và Chánh nghĩa, Ty pháp và Thắng pháp, Hữu tội pháp và Vô tội pháp, Ưng khử pháp và Bất khử pháp, kinh nào cũng đều nói như trên.
*
KINH 783. ĐOẠN THAM[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cù-sư-la tại Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở tại đó. Lúc ấy có Bà-la-môn đến chỗ Tôn giả cùng thăm hỏi và khích lệ nhau. Sau khi thăm hỏi và khích lệ nhau xong, ngồi lui qua một bên, bạïch Tôn giả A-nan:
“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để ký thuyết cho không?”
A-nan đáp rằng:
“Theo những gì ông hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”
Bà-la-môn hỏi:
“Vì sao xuất gia tu phạm hạnh ở chỗ Sa-môn Cù-đàm?”
A-nan đáp:
“Này Bà-la-môn, vì muốn cắt đứt.”
Lại hỏi:
“Cắt đứt những gì?”
Đáp rằng:
“Cắt đứt tham dục, cắt đứt sân nhuế, ngu si.”
Lại hỏi:
“Tôn giả A-nan, có con đường, dấu tích nào có thể cắt đứt tham dục, sân nhuế, ngu si không?”
A-nan đáp rằng:
“Có, đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Bà-la-môn nói:
“Tôn giả A-nan, quý tốt thay con đường đó, quý tốt thay dấu tích ấy, khi tu tập, tu tập nhiều có thể cắt đứt những thứ tham dục, nhuế, si ấy.”
Khi Tôn giả A-nan nói pháp này, Bà-la-môn sau khi nghe những gì Tôn giả nói, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Như cắt đứt tham, nhuế, si; cũng vậy, điều phục tham, nhuế, si và đắc Niết-bàn, cùng yểm ly và chẳng đến Niết-bàn, cùng nghĩa Sa-môn và nghĩa Bà-la-môn, cùng giải thoát và cắt đứt khổ, cùng cứu cánh mé khổ và chánh thức hết khổ, kinh nào cũng đều nói như trên.[41]
*
KINH 784. TÀ CHÁNH[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có tà, có chánh. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Những gì là tà? Là chỉ cho tà kiến… cho đến tà định. Những gì là chánh? Là chỉ cho chánh kiến… cho đến chánh định.
“Thế nào là chánh kiến? Là nói có bố thí, có chú thuyết, có trai tự[43], có thiện hành, có ác hành, có quả báo thiện ác hành, có đời này, có đời khác, có cha mẹ, có chúng sanh hóa sanh[44], có A-la-hán thiện đáo[45], thiện hướng[46], tự tri tự tác chứng đời này và đời khác, thành tựu và an trú, ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không tái sanh đời sau[47].’
“Thế nào là chánh chí? Là chỉ cho xuất yếu chí, vô nhuế chí, bất hại chí[48].
“Thế nào là chánh ngữ? Là xa lìa nói dối, xa lìa hai lưỡi, xa lìa ác khẩu, xa lìa lời thêu dệt.
“Thế nào là chánh nghiệp? Là lìa sát, đạo, dâm.
“Thế nào là chánh mạng? Là cầu y phục, ẩm thực, ngọa cụ thuốc thang đúng như pháp, chứ không phải không như pháp.
“Thế nào là chánh phương tiện? Là dục, tinh tấn, phương tiện, xuất ly, tinh cần, kham năng, luôn thực hành không lùi bước.
“Thế nào là chánh niệm? Là nhớ nghĩ không dối không hư, luôn tùy thuận.
“Thế nào là chánh định? Là trụ tâm không loạn, kiên cố nhiếp trì, tĩnh chỉ, nhất tâm chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 785. QUẢNG THUYẾT BÁT THÁNH ĐẠO[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Thế nào là chánh kiến? Chánh kiến có hai: Có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ[50], chuyển hướng cõi thiện [51]; có chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ[52].
“Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Nếu người nào thấy có bố thí, có chú thuyết… cho đến biết thế gian có A-la-hán, không tái sanh đời sau[53]. Đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt tuệ, quán sát tỏ ngộ. Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh chí? Chánh chí có hai loại: Có chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có chánh chí thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Chánh chí giác tri về xuất yếu, giác tri về vô nhuế, giác tri về bất hại; đó gọi là chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh chí thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, phân biệt, tự quyết, ý giải, suy tính, lập y. Đó gọi là chánh chí thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh ngữ? Chánh ngữ có hai loại: Có loại chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có loại chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Lời nói đúng, xa lìa lời nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, lời nói thêu dệt. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, trừ tà mạng, niệm tưởng xa lìa bốn ác hạnh của miệng và các ác hạnh khác của miệng, xa lìa các ác hành ấy; vô lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm; không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh nghiệp? Chánh nghiệp có hai loại: Có loại chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có loại chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Xa lìa sát, đạo, dâm. Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, trừ tà mạng, nhớ đến ba ác hạnh nơi thân và các thứ ác hạnh khác nơi thân; vô lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm; không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh mạng? Chánh mạng có hai loại: Có loại chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có loại chánh mạng thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Tìm cầu y, thực, ngọa cụ, thuốc thang theo bệnh đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Đó gọi là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; đối với các tà mạng, vô lậu, không thích đắm trước cố thủ, giữ gìn không phạm, không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh phương tiện? Chánh phương tiện có hai loại: Có chánh phương tiện thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có chánh phương tiện thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh phương tiện thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác, tinh tấn, nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh phương tiện thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh phương tiện thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; tâm pháp tương ưng với ức niệm vô lậu, dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác, tinh tấn, nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh phương tiện thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh niệm? Chánh niệm có hai loại: Có chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có chánh niệm thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư. Đó gọi là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư. Đó gọi là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh định? Chánh định có hai: Có chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có chánh định thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Tâm trụ không loạn, không động, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, an trụ không loạn không tán, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 786. HƯỚNG TÀ[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo tâm hướng theo tà, là trái nghịch với pháp, không vui thích nơi pháp[55]. Nếu hướng theo chánh, là không trái với pháp, tâm vui thích pháp. Những gì là tà? Tà kiến… cho đến tà định. Những gì là chánh? Là chánh kiến… cho đến chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 787. TÀ KIẾN CHÁNH KIẾN (1)[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hướng theo tà là trái nghịch pháp, không thích pháp. Hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp[57].
“Thế nào là hướng theo tà là trái nghịch pháp, không ưa thích pháp? Người tà kiến, thân nghiệp như được thấy, khẩu nghiệp như được thấy; hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả không khả ái, không khả niệm, không khả ý. Vì sao? Vì kiến ấy là ác, tức là tà kiến. Tà kiến khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Đó gọi là hướng theo tà là trái lại với pháp, không ưa thích pháp.
“Thế nào là hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp? Người chánh kiến, thân nghiệp như được thấy, hoặc khẩu nghiệp, hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả khả ái, khả niệm, khả ý. Vì sao? Vì kiến chân chánh, tức là chánh kiến. Chánh kiến khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 788. TÀ KIẾN CHÁNH KIẾN (2)[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hướng theo tà là trái nghịch pháp, không thích pháp. Hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp[59].
“Thế nào là hướng theo tà là trái nghịch pháp, không ưa thích pháp? Người tà kiến, thân nghiệp như được thấy, khẩu nghiệp như được thấy; hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả không khả ái, không khả niệm, không khả ý. Vì sao? Vì kiến ấy là ác, tức là tà kiến. Tà kiến khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Thí như hạt giống quả đắng đem đặt vào trong đất, tùy thời vun xới, tưới tiêu cho nó, thì vị đất, vị nước, vị nắng, vị gió, tất cả đều mang vị đắng. Vì sao? Vì hạt giống đắng. Cũng vậy, người tà kiến, thân nghiệp như được thấy, khẩu nghiệp như được thấy; hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả không khả ái, không khả niệm, không khả ý. Vì sao? Vì kiến ấy là ác, tức là tà kiến. Tà kiến khởi lên tà chí, cho đến, tà định. Đó gọi là hướng theo tà là trái nghịch pháp, không ưa thích pháp.
“Thế nào là hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp? Người chánh kiến, thân nghiệp như được thấy, hoặc khẩu nghiệp, hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả khả ái, khả niệm, khả ý. Vì sao? Vì kiến ấy thiện, tức là chánh kiến. Chánh kiến khởi lên chánh chí, cho đến, chánh định. Thí như giống mía ngọt, lúa mì, nho, đem đặt vào trong đất, tùy thời vun xới, tưới tiêu cho nó, thì khi nó gặp vị đất, vị nước, vị nắng, vị gió, tất cả những vị này cũng đều trở thành ngon ngọt. Vì sao? Vì hạt mầm ngọt. Cũng vậy, người chánh kiến, thân nghiệp như được thấy, hoặc khẩu nghiệp, hoặc tư niệm, hoặc ước muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành vi, tất cả những điều ấy đều tùy thuận đưa đến quả khả ái, khả niệm, khả ý. Vì sao? Vì kiến ấy thiện, tức là chánh kiến. Chánh kiến khởi lên chánh chí, cho đến, chánh định. Đó gọi là hướng theo chánh là thích pháp, không trái nghịch pháp.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như ba kinh trên, thế gian và xuất thế gian cũng nói như vậy và cũng nói kệ rằng:
Không nên gần pháp ác,
Không nên hành buông lung;
Không nên tập tà kiến,
Tăng trưởng nơi thế gian.
Giả sử có thế gian,
Người chánh kiến tăng thượng;
Dù trải trăm ngàn tuổi,
Quyết không vào đường ác.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 789. SANH VĂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật. Sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi ân cần xong, ngồi sang qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, gọi là chánh kiến; thế nào là chánh kiến?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Chánh kiến có hai: Có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành; có loại chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Nếu người nào thấy có bố thí, có chú thuyết… cho đến biết thế gian có A-la-hán, không tái sanh đời sau[60]. Này Bà-la-môn, đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Bà-la-môn, thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt tuệ, quán sát tỏ ngộ. Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Như Chánh kiến. Cũng vậy, Chánh chí, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm, Chánh định, kinh nào cũng nói như trên.
*
KINH 790. TÀ KIẾN (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có tà và tà đạo, có chánh và chánh đạo. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là tà? Đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Những gì là tà đạo? Đó là tà kiến… cho đến tà định.
“Những gì là chánh? Đó là người, trời, Niết-bàn. Những gì là chánh đạo? Đó là chánh kiến… cho đến chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 791. TÀ KIẾN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có tà, có tà đạo; có chánh, có chánh đạo. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là tà? Đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Những gì là tà đạo? Đó là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, lời thêu dệt, tham, nhuế, tà kiến.
“Những gì là chánh? Đó là người, trời, Niết-bàn. Những gì là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói lời thêu dệt, không tham, không nhuế và chánh kiến.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 792. TÀ KIẾN (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Những gì là ác thú đạo? Đó là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu.” Ngoài ra đều nói như trên.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 793. THUẬN LƯU NGHỊCH LƯU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có đường thuận dòng, có đường nghịch dòng. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là đường thuận dòng? Đó là tà kiến… cho đến tà định. Những gì là con đường nghịch dòng? Đó là chánh kiến… cho đến chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như thuận dòng và nghịch dòng. Cũng vậy, đường thoái và đường tiến, đường xuống và đường lên, cùng ba kinh Đạo tích, cũng nói như trên.
*
KINH 794. SA-MÔN SA-MÔN PHÁP[61]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có Sa-môn và pháp Bà-la-môn. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là pháp Sa-môn? Đó là tám Thánh đạo: Từ chánh kiến… cho đến chánh định. Thế nào là Sa-môn? Nếu người nào thành tựu pháp này. Đó gọi là Sa-môn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 795. SA-MÔN PHÁP SA-MÔN NGHĨA[62]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp Sa-môn và nghĩa Sa-môn. Những gì là pháp Sa-môn? Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến… cho đến chánh định. Thế nào là nghĩa Sa-môn? Tham dục đã vĩnh viễn trừ hết; sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ hết; tất cả mọi phiền não vĩnh viễn tận trừ. Đó gọi là nghĩa Sa-môn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 796. SA-MÔN SA-MÔN QUẢ[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp Sa-môn và quả Sa-môn. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là pháp Sa-môn? Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến… cho đến chánh định. Những gì là quả Sa-môn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
——————————————————————————–
[1]. Ấn Thuận Hội Biên, “13. Tương ưng Thánh đạo phần”, gồm một trăm mười bốn kinh, số 968-1081 (Đại Chánh kinh 748-800). Quốc Dịch, quyển 25, tụng 5. Đạo tụng tiếp theo, “5. Tương ưng Thánh đạo”, kinh số 12449-12558, chia thành hai phẩm, phẩm 1 gồm một trăm kinh, toàn bộ quyển 25; phẩm 2, mười kinh, phần đầu quyển 26. Phần lớn tương đương Pāli, S.45 Maggasaṃyutta. Đại Chánh, quyển 28, kinh số 748. Pāli, 45.55. Yoniso.
[2]. Bản Pāli, S.45.55: ariyassa atthaṅgikassa maggassa uppādāya etaṃ pubbaṃgamaṃ etaṃ pubba-nimittaṃ yadidaṃ yonisomanasikārasampadā, trước khi Thánh đạo tám chi xuất hiện, có tiền tướng là sự thành tựu như lý tác ý.
[3]. Pāli: yonisomanasikāra-sampannassetam bhikkhave bhikkhuno paṭikaṅkhaṃ ariyaṃ aṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bhāvessati, Tỳ-kheo thành tựu như lý tác ý, hy vọng tu tập Thánh đạo tám chi.
[4]. S. 45.1 Āvijjā.
[5]. S. 45.24 Paṭipāda.
[6]. Tà sự 邪事. Pāli: micchāpaṭipāda, sự thực hành tà vạy.
[7]. S. 45.30 Uttiya (Uttika).
[8]. Ca-ma 迦摩. Bản Pāli: Uttiyo.
[9]. S. 45.7 Aññ atara bhikkhu.
[10]. A-lê-sắt-tra 阿梨瑟吒. Pāli: Ariṭṭha.
[11]. Cam lộ 甘露. Pāli: amata, sự bất tử.
[12]. Hán: giới danh thuyết 界名說. Giới ở đây chỉ Niết-bàn giới. Pāli: nibbānadhātuyā adhivacanaṃ… amataṃ.
[13]. Hán: đẳng tam-muội 等三昧, tức chánh tam-muội hay chánh định. Pāli: sammāsamādhi.
[14]. Hán: cơ nghiệp 基業. Pāli: kammaṭṭhāna: đề mục thiền định.
[15]. A. 3.62 Bhaya.
[16]. Hán: vô mẫu tử úy 無母子畏. Pāli: amātāputtika bhaya.
[17]. Hán: hữu đạo, hữu tích 有道有跡. Pāli: atthi maggo, atthi paṭipādā.
[18]. S. 45.29 Vedanā.
[19]. A. 10. 76 Abhabba.
[20]. S. 45.13 Sekho.
[21]. Học 學. Hay hữu học, chỉ các Thánh giả dưới quả A-la-hán. Pāli: sekha.
[22]. S. 45.51 Uppāda.
[23]. S.45.16-17 Parisuddha.
[24]. Xem kinh 731.
[25]. A. 5.52 Rāsi.
[26]. S. 45.2 Upaḍḍham.
[27]. Sơn cốc tinh xá 山谷精舍; Pāli: Giribbaja. Baûn Pāli: Sakyesu vihārati nagarakaṃ nāma sakyānaṃ nigamo, ở giữa những người Thích-ca, tại Nagaraka, một thị trấn của những người Thích-ca.
[28]. Xem kinh 726.
[29]. S. 45.4 Brāhmaṇa.
[30]. Sanh Văn Bà-la-môn 生聞婆羅門. Pāli: Jānussoṇi-brāhmaṇa.
[31]. S. 45.21 Micchatta.
[32]. S. 45.34 Pāraṅgama.
[33]. Bài kệ, xem Dham.85-86.
[34]. S. 45. 76, 83 Yonisa.
[35]. Bất chánh tư duy 不正思惟. Pāli: ayoniso manasikāra, không như lý tác ý.
[36]. Xem các kinh 775, 776, 777.
[37]. S. 45. 77 Kalyāṇamitta.
[38]. Xem kinh 778.
[39]. Hán: phi pháp, thị pháp 非法, 是法.
[40]. S. 45.5 Kimattha.
[41]. Tóm tắt có mười kinh.
[42]. S. 45.21 Micchatta. Cf. S.45.8 Vibhaṅga.
[43]. Hán: thí, thuyết, trai 施, 說, 齋. Pāli: dinnaṃ, yiṭṭhaṃ, hutaṃ.
[44]. Hán: chúng sanh sanh 眾生生. Pāli: sattā opapātikā.
[45]. Hán: thiện đáo 善到. Pāli: sammaggatā, chân chánh đi (ra khỏi thế gian).
[46]. Hán: thiện hướng 善向. Pāli: sammāpaṭipannā, chân chánh hướng (đến Niết-bàn).
[47]. Bản Pāli: katamā… sammādiṭṭhi? yaṃ…dukkhe ñānaṃ, thế nào là chánh kiến? Nhận thức về khổ…
[48]. Pāli: katamo…sammāsaṅkappo? yo kho… nekkammasaṅkappo avyāpādadsaṅkappo avihiṃsāsaṅkappo, thế nào là chánh tư duy? Tư duy về xuất ly, tư duy về không thù hận, tư duy về không bạo hại.
[49]. Cf. M. 117 Mahācattārīsakasutta. Cf. N026(189).
[50]. Hán: thủ 取, ở đây, Pāli: upadhi, sanh y, hay hữu y, tức sở y của tái sanh.
[51]. Cf. Pāli, M.111: atthi bhikkhave sammādiṭṭhi sāsavā puññabhāgiyā updhivepakkhā, có chánh kiến là hữu lậu, thuộc phần phước nghiệp, đưa đến hữu y.
[52]. Pāli: atthi bhikkhave sammādiṭṭhi ariyā anāsavā lokuttarā maggaṅgā, có chánh kiến thuộc bậc Thánh, vô lậu, xuất thế gian, thành phần của Đạo.
[53]. Xem kinh 784.
[54]. A. 10.103 Micchatta.
[55]. Pāli: micchattaṃ bhikkhave āgamma virādhanā hoti no ārādhanā, do đi theo tà nên nghịch ý, không phải thích ý.
[56]. A. 10.104 Bīja.
[57]. Xem kinh 786.
[58]. Xem kinh 787.
[59]. Xem kinh 786.
[60]. Xem kinh 784.
[61]. S. 45.36 Sāmañña.
[62]. S. 45.36 Sāmañña.
[63]. S. 45.35 Sāmañña.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 32