Toát yếu các kinh Trường A Hàm

TOÁT YẾU NỘI DUNG
CÁC KINH TRƯỜNG A HÀM
Tuệ Sỹ

1. Kinh Đại bản

[Tương đương Pāli: Mahānpadānasutta, D 14]

Cũng được gọi là Đại bản duyên. Hán dịch Đại bản, tương đương Pāli là mahāpadāna. Pāli nói apadāna hay Sanskrit nói avadāna là một thể loại văn học Thánh điển nguyên thủy, được kể trong chín loại gọi là cửu phần giáo, sau này phát triển thành mười hai phần giáo. Hán dịch âm là a-ba-đà-na, và dịch nghĩa thông dụng là “thí dụ”. Đó là các đoạn thí dụ trong Kinh được kể để minh giải một đề tài giáo lý hay một ý nghĩa nào đó. Nói rộng ra, đây là loại ngụ ngôn trong văn học Phật giáo nguyên thủy.

Kinh này kể sự tích các đức Phật quá khứ mà đặt vào thể loại thí dụ hay ngụ ngôn cho thấy đầu tiên Kinh được kể cho quần chúng nghe về cuộc đời các đức Phật thay vì giảng giải giáo lý đôi khi khó hiểu đối với họ. Có lẽ vì được kể cho quần chúng nghe cùng với nhiều loại truyện kể khác, như chuyện tiền thân, nhân duyên các đệ tử, và các chuyện ngụ ngôn Phật giáo khác, nên Kinh đầu tiên được kể theo thể loại thí dụ. Nhưng vì đây là chuyện kể về cuộc đời các đức Phật, nên thêm từ “đại” vào gọi là “Đại bản” (Mahāpadāna).

Trong Kinh Đại bản, Đức Phật truyền ký sự xuất hiện lần lượt sáu vị Phật, cho đến đức Thích-ca là vị thứ bảy. Kinh có thể được chia thành ba phần chính.

Phần I: Lược thuật về kiếp số, danh tính, chủng tộc, quốc gia, phụ mẫu, các đại đệ tử, thị giả, các hội thuyết pháp.

Phần II: Tường thuật chi tiết sự tích Phật Tì-bà-thi (P. Vipassī), từ Đâu-suất giáng thần, đản sinh, hiện thọ dục lạc, xuất du bốn cửa thành, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, thuyết giới, và sau cùng nhập Niết-bàn. Nội dung sự tích hoàn toàn đồng nhất với sự tích Đức Thích Tôn. Sự đồng nhất này có thể diễn dịch là tính cách chung của hết thảy chư Phật, cho nên, mỗi khi bắt đầu tường thuật một sự kiện, Kinh giới thiệu bằng cụm từ “pháp thường của chư Phật là như vậy”. Cụm từ này tương đương trong bản Pāli là dhammatā esā: pháp tính như thị hay pháp nhĩ như thị, pháp tính là như vậy.

PHẦN III: Đức Thích Tôn xuất hiện trên Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa). Đây là Thánh địa của các Thánh giả Bất hoàn (Anāgamī). Các vị Bất hoàn trong năm tầng Tịnh cư thiên lần lượt đến gặp đức Thích Tôn. Các vị này đều là đệ tử của sáu vị Như Lai trong quá khứ, cho đến bây giờ vẫn tồn tại. Sau khi chết ở Dục giới, họ tái sinh lên đây và sẽ nhập Niết-bàn tại đây, không trở lại dưới đó nữa.

Về hình thức văn học, sau mỗi đoạn tường thuật bằng văn xuôi (văn trường hàng), Kinh lặp lại bằng thể kệ. Điều này có thể giải thích là dạng truyền bản xưa nhất của Kinh được nói bằng kệ. Về sau, phần văn xuôi được thêm vào như thường thấy trong lịch sử hình thành Thánh điển Phật giáo. Nếu điều này được xác nhận, truyền bản được dịch Hán ở đây có thể cổ xưa hơn so với Pāli.

-ooOoo-

2. Kinh Du hành

[Tương đương Pāli: a. Mahāparinibbānasutta, D 16; b. Mahāsudassanasutta, D 17]

Trong nguyên bản Hán dịch, Kinh được chia làm ba quyển theo số trang trung bình của bản Hán. Căn cứ theo đó, Kinh thường được chia làm ba đoạn lớn. Sự phân chia này tất nhiên chỉ có trong bản Hán, vì dựa theo số quyển chữ Hán. Căn cứ theo nội dung của Kinh, bản dịch Việt phân đoạn Kinh lại như sau.

Kinh được chia làm ba phần chính:

Phần I: Khởi đi từ thành Vương-xá (Rājagaha) cho đến xóm Trúc phương (Beḷuva) gần thành Tì-xá-li (Vesalī); tại đây Phật dừng chân cho mùa an cư cuối cùng.

Giáo pháp Phật dạy trong khoảng thời gian này bao gồm các pháp cho sự hòa hiệp và hưng thịnh của Tăng, cùng với hưng thịnh của quốc gia và đời sống cá nhân của cư sỹ tại gia. Ở đây Phật cũng huyền ký về sự hưng thịnh của Hoa tử thành (Pāṭaliputta), mà theo sự thực lịch sử sau này là kinh đô của Đại đế A-dục, trung tâm từ đó Phật pháp được lan tỏa sang các nước và khắp thế giới.

Phần II: Tại làng Trúc phương, Thế Tôn trải qua một cơn bệnh nặng (atha kho bhagavato vassūpagatassa kharo ābādho uppajji, bāḷhā vedanā vattanti māraṇantikā), mà theo tường thuật của A-nan là đã khiến cho A-nan kinh sợ, hoảng hốt, vì Phật có thể nhập Niết-bàn. Nhưng Thế Tôn đã dùng năng lực của định lưu lại mạng hành (jīvitasaṅkhāraṃ adhiṭṭhāya vihāsi), tức kéo dài thêm sự sống một thời gian, vì chưa có lời di giáo cho các Tỳ kheo. Mặc dù có những dấu hiệu dự báo Phật sắp nhập Niết-bàn, A-nan không nhận thấy nên không có thỉnh cầu. Một lát sau, Ma Ba-tuần đến thỉnh cầu Phật nhập Niết-bàn. Thế Tôn hứa khả. Sau đó, Phật xả thọ hành sau khi lưu mạng hành (jīvitasaṅkhāraṃ adhiṭṭhāya … āyusaṅkhāraṃ ossajji), tức là cắt đứt dòng chảy tồn tại, nhưng duy trì mạng căn hay sự sống. Phật lưu mạng hành trong thời gian ba tháng. Từ đây cho đến sau khi thọ bữa cúng dường cuối cùng của Châu-na hay Thuần-đà (Cunda) rồi Phật đi đến tắm trong dòng sông Câu-tôn (Kakuṭṭhā hay Kakutthā), có thể được ghi nhận là đoạn đường và khoảng thời gian mà dấu ấn vô thường, sinh-lão-bệnh-tử thị hiện rõ nét nhất trong cuộc đời đức Thích Tôn.

Phần III: Từ sông Câu-tôn, Phật lại vượt qua sông Hi-liên (Hiraññavati) rồi đến rừng Sa-la song thọ (Yamakasālā), thuộc địa phận thành Câu-thi (Kusinārā) của dòng họ Mat-la (Malla). Đây là phần tường thuật những ngày và giờ cuối cùng của đức Thích Tôn: nghi thức tẩn táng, lễ trà-trì, cúng dường và phân bố xá-lợi. Phần quan trọng trong đoạn này là những giáo huấn tối hậu Phật dặn dò các Tỳ kheo những điều cần làm, pháp gì là chỗ nương tựa sau khi Phật nhập Niết-bàn. Cũng quan trọng không kém trong phần này là đoạn tường thuật sự kiện Ma-ha Ca-diếp cùng chúng đệ tử về Câu-thi để tham dự lễ hỏa táng. Tường thuật cho thấy vị trí của Tôn giả trong Tăng già đệ tử Phật lúc bấy giờ, và cũng báo trước những gì có thể xảy ra trong hàng các Tỳ kheo sau khi Phật diệt độ.

Cuối Kinh là phần ghi nhớ các ngày tháng trong cuộc đời của đức Thích Tôn. Phần này chắc không phải là kết tập nguyên thủy bởi A-nan, mà có thể do những vị lưu truyền Kinh thêm vào sau này. Phần này không có trong bản Pāli.

-ooOoo-

3. Kinh Điển tôn

[Tương đương Pāli: Mahāgovindasutta, D. 19]

Kinh gồm ba phần.

Phần I: Ban-giá-dực (Pañcasikha), con của nhạc thần (gandhabba), tường thuật một buổi tập hội của chư thiên trời Đao lị (Tāvatiṃsa). Trong buổi quần tiên hội này, Thiên đế Thích nói cho chư thiên nghe về tám pháp Vô đẳng nơi một vị Phật. Tám pháp Vô đẳng là tám điều như thực (yathābhucca) chỉ có thể tìm thấy nơi một vị Phật chứ không thể nơi nào khác (na … aññatra tena bhagavatā). Tiếp theo đó, Phạm Thiên xuất hiện, xác nhận tám pháp Vô đẳng, và cũng giới thiệu một pháp Vô đẳng của Phật.

Phần II: Toàn bộ nội dung là những chi tiết về Đại Điển Tôn, một tiền thân của Phật, được chính Phạm Thiên kể lại cho chư thiên Đao-lị nghe. Nội dung này được Ban-giá-dực thuật lại cho đức Phật.

Trong quá khứ, Bồ tát tức tiền thân của đức Thích Tôn, tái sinh làm một người bà-la-môn, được vua bảy nước phong làm Phụ tướng Đại thần, và vừa là Quốc sư của bảy vua. Chính sự phân chia toàn thể quốc thổ thành bảy nước để bảy chi sát-lị (khattiya) cùng cai trị cũng do đề nghị của Đại Điển Tôn. Điều này là sự thực lịch sử liên hệ đến sự xuất hiện các quốc gia cổ đại trong lịch sử Ấn độ. Một thời gian sau, Đại Điển Tôn tạm gác việc nước, sống biệt cư trong bốn tháng mùa mưa để tu tập bốn vô lượng tâm, và ông được hội kiến với Phạm Thiên. Sau buổi hội kiến, Đại Điển Tôn nhận ra những triền phược và những thấp kém của đời sống thế tục, nên quyết định từ chức để xuất gia học đạo. Lần lượt, các quốc vương, các gia chủ bà-la-môn, cùng các phụ nữ của họ, cũng xuất gia theo Đại Điển Tôn. Sau khi chết, tất cả đều sinh thiên. Riêng Đại Điển Tôn tái sinh lên Phạm thiên giới.

Phần III: Ban-giá-dực thỉnh cầu Phật xác nhận chuyện được kể bởi Phạm Thiên. Phật xác nhận Đại Điển Tôn cũng chính là tiền thân của Phật. Tuy rằng khi sống thế tục Đại Điển Tôn làm được lợi ích cho nhiều người, và sau khi xuất gia cũng làm lợi ích cho nhiều người; nhưng sự tu tập và giáo hóa ấy chưa phải là đạo cứu cánh, còn phải chịu tái sinh, chịu khổ của sinh tử mặc dù có thể dẫn tái sinh lên Phạm thiên. Chỉ đến nay đức Thích Tôn mới đạt đến đạo cứu cánh ấy và cũng khai thị cho thế gian đạo cứu cánh ấy, dẫn đến cứu cánh an ổn và Niết-bàn.

-ooOoo-

4. Kinh Xà-ni-sa

[Tương đương Pāli: Janavasabhassutta, D 18]

Đề của Kinh này trong Pāli là Janavasabha, trong đó jana: con người, vasabha: ngưu vương, có thể dịch là “Nhân trung Ngưu vương” chỉ cho bậc thủ lãnh tôn quý trong loài người (Sớ giải Pāli: dasasahassādhikassa janassatasasassassa jeṭṭho hutvā sotāpanno jāto, tasmā javanasabhotissa nāmaṃ ahosi: vị ấy vốn từng là bậc nhân chủ, đứng đầu trên hàng triệu triệu người, rồi chứng Thánh quả Dự lưu, cho nên có tên là Janavasabha).

Trong bản dịch Hán, từ phiên âm là Xà-ni-sa, kèm theo lời chua là “Thắng kết sử”. Bản Hán dịch đơn hành của Kinh này có nhan đề là Nhân tiên kinh; theo đây có thể truy gốc tiếng Phạn là Nararshabha: bậc Ngưu vương hay Đại Tiên của loài người. Từ này xuất hiện trong Đại thừa Bồ tát tập học luận dưới dạng là nhân trung tiên, mà nguyên hình có thể tìm thấy trong Phạn bản hiện có Śikṣāsamuccaya của Śāntideva. Nhưng phiên âm trong bản Kinh hiện tại là Xà-ni-sa cho phép truy gốc Phạn Janarsabha mà ý nghĩa vẫn không thay đổi, vì trong tiếng Phạn nara và jana có thể dùng như đồng nghĩa. Tuy vậy, từ Phạn được giả thiết này không hoàn toàn phù hợp với từ phiên âm ta có. Vì vậy, cần tìm lại nguồn gốc hỗn chủng của nó, so sánh với từ Pāli. Từ Janarsabha nói trên là dạng của Sanskrit nhã ngữ, mà gốc hỗn chủng của nó có thể còn lưu lại trong Pāli là Janesabha, từ kép của Jana (loài người với Isabha (Ngưu vương). Trong kinh Đại hội (Pāli, Mahāsamayasutta 20) xuất hiện từ Janesabha này và được Sớ giải đồng nhất nó với Janavasabha. Ta thấy từ Janesabha gần với phiên âm Hán dịch, nên có thể tạm xác nhận đây là dạng nguyên thủy của từ đang được tìm hiểu.

Xà-ni-sa, hay Janesabha, là tên mới của vua Bình-sa (Tần-bà-sa-la, Bimbisāra) sau khi chết tái sinh lên trời Đao-lị làm con trai của Tì-sa-môn Thiên vương (Vessavana).

Phần đầu của Kinh, A-nan khởi lên nghi vấn về các đệ tử tại gia đã tạ thế tại Ma-kiệt-đà, trong đó có vua Bình-sa (Bimbisāra).

Tiếp theo, Xà-ni-sa mà trước kia là vua Bình-sa từ Đao-lị hiện xuống hầu Phật, và tường thuật nội dung buổi luận Pháp của chư thiên Đao-lị. Khi chư thiên tập hội, Phạm Thiên xuất hiện trong hình dạng một đồng tử. Phần này tương tự như Ban-giá-dực kể với Phật trong kinh Điển tôn. Trong buổi hội này, Phạm Thiên trình bày cho chư thiên Đao-lị các pháp vi diệu đã được Phật thuyết: bốn niệm xứ, bảy định cụ, bốn thần túc, và ba lối đi mà Phật mở ra cho chư thiên và loài người hướng đến Chính giác.

-ooOoo-

5. Kinh Tiểu duyên

[Tương đương Pāli: Agaññasutta, D 27]

Kinh nói về nguồn gốc của loài người và xã hội loài người, hình thành chế độ giai cấp.

Có hai thanh niên thuộc chủng tộc bà-la-môn là Bà-tất-tra (Vāseṭṭha) và Bà-la-đọa (Bhāradhbāka) muốn xuất gia theo Phật và đang trong thời gian bốn tháng cộng trú để được thọ giới cụ túc, bấy giờ thân quyến của họ, những người cùng huyết thống, chỉ trích kịch liệt về quyết định này. Bởi vì, những người bà-la-môn thuộc giai cấp cao quý, là “Con của Phạm Thiên, được hóa sinh bởi Phạm Thiên sinh từ miệng của Phạm Thiên”, không có thể sống chung với các giai cấp thấp hèn khác. Nhân đó, để nêu rõ sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội, Phật nói về khởi nguyên của con người và xã hội loài người.

Thoạt kỳ thủy, khi quả đất này được hình thành, chưa có sinh vật nào tồn tại. Sau một thời gian rất dài, có một loại chúng sinh sống bằng hỷ lạc, du hành trong ánh sáng từ thế giới khác bay ngang quả đất, bị thu hút bởi dưỡng chất của nó nên mất khả năng bay trong ánh sáng. Do hấp thụ dưỡng chất trên mặt dất, thân thể nó càng lúc càng lớn dần, càng thô kệch. Loài người bắt đầu xuất hiện. Sự thay đổi của dưỡng chất cùng tiến hóa theo sự thay đổi thân thể của con người, hay ngược lại; cả hai tác động lẫn nhau. Cho đến một lúc, bắt đầu có sự phân biệt nam và nữ, và bắt đầu có sự luyến ái và dâm dục, Cùng lúc, lúa tự nhiên xuất hiện; loại lúa không cần gieo trồng, đun nấu. Con người cứ sáng hái lượm, chiều dùng; chiều hái lượm, sáng dùng.

Một thời gian lâu dài sau nữa, ý niệm tích lũy bắt đầu phát sinh, và con người đua nhau thu hoạch để tích lũy, tài nguyên trở nên khan hiếm, từ đó nảy sinh tranh dành, dẫn đến xung đột. Con người bấy giờ bèn thỏa thuận với nhau phân chia đất để mỗi người tự thu hoạch phần của mình, không tranh dành nhau để gây xung đột. Hình thức tư hữu bắt đầu phát sinh. Nhưng rồi, có hạng chúng sinh lười biếng hay thiếu khả năng, thu hoạch không đủ theo ham muốn, bèn lấy trộm của người khác. Khi bị bắt, người này chống trả. Cộng đồng nguyên thủy trở nên rối loạn. Bấy giờ mọi người họp nhau lại, chọn một người có tướng mạo uy nghiêm, có trí sáng suốt, và tính ngay thẳng, công bằng; bầu người ấy lên làm thủ lãnh để giải quyết những tranh chấp, duy trì trật tự cộng đồng. Người ấy được gọi là “Đại bình đẳng chủ”. Từ Hán dịch này, trong Pāli gọi là Mahāsammato, trong đó, mahā tức là mahājana: đại chúng hay cộng đồng; sammato: người được lựa chọn, được tán thành. Như vậy, Mahāsammato là người được đại chúng hay cộng đồng bầu lên. Trong Hán dịch, sammato được đọc là sama(to): bình đẳng; như vậy đã bỏ sót nội hàm dân chủ trong khái niệm về chính quyền nguyên thủy.

Bấy giờ mọi người cùng thỏa thuận giao ước sẽ góp một phần thu hoạch của mình cấp cho thủ lãnh Mahāsammato, để ông này không phải bận tâm việc thu hoạch mà chuyên tâm giải quyết tranh chấp và duy trì trật tự cho cộng đồng. Chính quyền nguyên thủy xuất hiện, và nhân dân có nhiệm vụ đóng thuế để duy trì sự tồn tại của chính quyền. Bởi vì người này không sản xuất hay thu hoạch nên không có đất đai riêng; tuy vậy, trên thực tế, tất cả đất đai cộng đồng đều thuộc quyền phân phối của ông, cho nên ông đích thực là sở hữu chủ, và từ đó xuất hiện giai cấp xã hội gọi là sát-lị. Tương đương Pāli của nó là khattiya, từ này có nguồn gốc từ khetta: đất đai, lãnh thổ. Cho nên, khattiya có ý nghĩa nguyên thủy là địa chủ.

Khái niệm chính quyền cùng với vai trò của nó xuất hiện cùng lúc với sự xuất hiện của từ rāja trong tiếng Phạn. Ngữ nguyên của từ này, theo các nhà Phạn ngữ học, có gốc bởi động từ rāj: cai trị. Nhưng định nghĩa theo Kinh này thì khác, dẫn theo Pāli: dhammena pare rañjetīti kho, vāseṭṭha, rājā, rājā, “Này Vāseṭṭha, người làm cho những người khác vui lòng đúng theo pháp, người ấy là rājā.” Do dị biệt về quy luật cấu tạo ngữ vựng nên Hán dịch không thể lột tả hết ý nghĩa được hàm trong Pāli. Hán dịch tương đương đoạn này chỉ có thể nói: “Lành thay, Đại vương! Lành thay, Đại vương! Thế gian bèn xuất hiện từ vương, bằng chính pháp mà trị dân.” Phổ thông, từ rājā được hiểu là “vua” tức người cai trị; và đó là cách hiểu theo tín ngưỡng thần quyền để vua có quyền sinh sát tối thượng. Nhưng theo định nghĩa bởi Pāli như đã thấy, rājā là người đứng đầu chính quyền nguyên thủy, và nhiệm vụ của người ấy là “làm vui lòng mọi người”; tức chính quyền nguyên thủy do cộng đồng lựa chọn và bầu lên với nhiệm vụ trọng tài, giải quyết những tranh chấp và duy trì trật tự xã hội.

Thế nhưng, xã hội càng ngày càng phức tạp, càng xuất hiện nhiều hình thức tội ác, cho đến đủ cả mười nghiệp đạo bất thiện: từ sát sinh cho đến mê tín dị đoan. Bấy giờ có người chán ghét tình trạng ấy, bèn bỏ lên rừng, sống bằng khất thực, trầm mặc tư duy. Giai cấp bà-la-môn xuất hiện từ đó. Hán dịch không có định nghĩa về từ bà-la-môn theo ngữ nguyên. Bản Pāli tương đương nói: pāpake akusale dhamme vāhentī ti… brāhmaṇā brāhmaṇā. “Họ loại bỏ các pháp ác bất thiện, nên được gọi là bà-la-môn.” Theo đây, tiếng Phạn brāhmaṇā (bà-la-môn) có nguồn gốc từ đông từ căn là vāh của Pāli, mà trong tiếng Phạn nhã ngữ nó là vṛh hay bṛh: tước bỏ, nhổ bỏ. Động từ căn theo tiếng Phạn nhã ngữ này cũng có nghĩa là “làm cho lớn mạnh, tăng trưởng.” Nghĩa thứ hai này được dùng phổ thông hơn vì dễ liên hệ đến tín ngưỡng thần linh hơn.

Tiếp đến, xuất hiện giai cấp tì-xá (Pāli: vessa): giai cấp cư sỹ, của những người ưa doanh nghiệp, chất chứa tài bảo.” Cuối cùng, xuất hiện giai cấp của những người lao động tay chân làm nghề được xem là hèn hạ: giai cấp thủ-đà-la (sudda).

Kinh cho thấy xã hội có giai cấp hay đẳng cấp không phải do quy định, chỉ định của thần linh, Thượng đế, mà do quá trình phát triển của con người và xã hội loài người. Kinh kết luận: Thế gian y cứ phân biệt giai cấp thì sát-lị là trên hết. Nhưng bậc nhất trên tất cả Trời và Người là những ai đầy đủ Minh và Hành, đầy đủ Trí tuệ và Giới đức.

-ooOoo-

6. Kinh Chuyển luân vương tu hành

[Pāli tương đương: Cakkavattisutta, D 26]

Kinh mở đầu bằng lời dạy: “Hãy tự thắp sáng cho mình.” Nói cách khác: hãy tự mình là hòn đảo an toàn cho chính mình. Trên nền tảng giáo huấn này, Phật nói về các quá trình tiến hóa và thoái hóa của xã hội loài người, bao gồm cả vật chất và tinh thần.

Bắt đầu từ vị Chuyển luân vương đầu tiên, vua Kiên Cố Niệm (Daḷhameni), kỷ nguyên thịnh vượng và an lạc nhất của xã hội loài người. Truyền đến đời thứ bảy, giá trị đạo đức không còn được tôn trọng như trước; xã hội bắt đầu quá trình suy thoái, nghèo đói bắt đầu xuất hiện. Do nghèo đói mà phát sinh trộm cướp. Do trộm cướp mà phát sinh giặc giã, chém giết. Lần lượt các tội ác phát sinh. Mỗi thời kỳ đặc trưng bằng một loại tội ác, và cùng theo đó với sự giảm thiểu tuổi thọ. Từ tám vạn tuổi, giảm dần cho đến tuổi trung bình chỉ còn mười. Bấy giờ bắt đầu thời kỳ nhân loại tương tàn và tự hủy. Cọng cỏ trong tay trở thành vũ khí giết người. Thấy người là giết, như thợ săn gặp nai, bất kể thân sơ.

Trong tình trạng tàn sát kinh hoàng đó, một số ít người chạy trốn vào rừng, ẩn núp trong hang đá, hốc cây. Đó là một số ít không có ác tâm tương tàn tương sát. Cho đến khi người bị giết và kẻ giết hết sạch, nhóm người tị nạn này lần lượt trở về đồng bằng. Họ gặp nhau, tư duy và phản tỉnh, và khuyến khích nhau tu tập điều thiện. Đạo đức bắt đầu quá trình phục hồi, và theo đó tuổi thọ loài người cũng tăng dần. Mỗi thời đại phát triển đặc trưng bởi một giá trị đạo đức, từ điều thiện, từ tâm không sát sinh, cho đến chính kiến, không tà kiến dị đoan.

Khi xã hội phát triển với đạo đức đầy đủ mười thiện nghiệp, cho đến tôn kính sư trưởng, hiếu dưỡng cha mẹ, thọ mạng loài người lên đến tám vạn tuổi. Bấy giờ có Phật ra đời hiệu là Di-lặc (Metteyya). Đồng thời có Thánh vương trị thế là Chuyển luân vương hiệu Tương-già (Saṅkha). Dòng tiến hóa quay trở lại điểm khởi đầu, như đã từng với vua Kiên Cố Niệm.

Thế gian luân chuyển tuần hoàn theo sự tăng tiến hay suy thoái của mười thiện nghiệp hay mười bất thiện nghiệp. Cực thịnh rồi suy giảm. Cực suy lại bắt đầu hưng thịnh. Thế gian không có cái gì vững chắc để nương tựa. Cho nên, để tìm nương tựa, Tỳ kheo tu tập các thiện pháp để phát triển hưng thịnh. Các pháp thiện này là bốn thần túc, thọ trì giới bổn, thủ hộ căn môn, phát triển bốn thiền, chứng ngộ bốn Thánh đế. Đó là quá trình phát triển hưng thịnh vững chắc nhất.

-ooOoo-

7. Kinh Tệ-tú

[Pāli: Pāyāsisutta, D 23]

Bà-la-môn Tệ-tú (Pāyāsi) có quan điểm được gọi là hư vô thuyết (natthivāda). Ông cho rằng “Không có thế giới khác. Không có loài hóa sinh. Không có quả báo của tội phước”. Không có thế giới khác, nghĩa là ngoài thế giới ta đang sống, không có thế giới chư thiên, hay địa ngục. Ông tìm gặp Đồng tử Ca-diếp (Kūmar-Kassapa) để chứng minh quan điểm của mình, và đưa ra hàng loạt chứng cớ được xem là cụ thể. Ông đã làm nhiều thí nghiệm và quan sát, không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ có linh hồn người chết. Ca-diếp đối lại bằng hàng loạt thí dụ chứng minh những thí nghiệm và quan sát của Tệ-tú là không chính xác, và quan điểm của ông hoàn toàn không có cơ sở. Sau đó, Ca-diếp khuyên ông nên bỏ tà kiến ấy đi để cho được lợi ích; nhưng Tệ-tú vẫn chấp chặt quan điểm, với nhiều lý do. Lý do quan trọng là vấn đề danh dự. Ca-diếp lại đưa ra hàng loạt thí dụ khác cho thấy sự cố chấp ấy vừa ngu xuẩn vừa nguy hiểm. Cuối cùng, Tệ-tú chịu khuất, và thú nhận đã chịu khuất phục ngay thí dụ thứ nhất của Ca-diếp, nhưng ông muốn nghe biện tài vi diệu của Ca-diếp nên cố tình bảo thủ quan điểm. Tiếp theo, ông xin quy y với Ca-diếp, và tổ chức hội đại thí, bố thí chẩn tế cho tất cả mọi người, theo lời khuyên của Ca-diếp. Nhưng ông cho bố thí với loại y phục, ẩm thực thấp kém, nên người thanh niên bà-la-môn được ông giao phụ trách việc bố thí chỉ trích. Ông nghe theo, bố thí rộng rãi. Sau khi chết, do bố thí hà tiện, ông sinh lên trời Tứ thiên vương, ở vị trí rất thấp.

Kinh này được nói bởi Ca-diếp Đồng tử sau khi Phật đã diệt độ. Bản Pāli tương đương không đề cập chi tiết bấy giờ Phật đã diệt độ, mà thêm chi tiết rằng Tệ-tú có gặp A-la-hán Gavampati (Kiều-phạm-ba-đề) trên trời Tứ thiên vương.

-ooOoo-

8. Kinh Tán-đà-na

[Pāli: Udumbarikasutta, D 25]

Tán-đà-na (Sandhāna) là vị cư sỹ nổi danh sống tại thành Vương xá. Ngoài thành có một khu vườn mang tên Ô-tạm-bà-lị (Udumbarikā), tại đó có một nhóm phạm chí đứng đầu là Ni-câu-đà (Nīgodha). Phạm chí ở đây là từ phiêm âm tương đương với Pāli là paribbājaka, dịch là phổ hành giả, là nhóm xuất gia ngoại đạo, tôn sùng khổ hạnh.

Trên đường đi lên Kì-xà-quật để hầu Phật, Tán-đà-na ghé vườn Ô-tạm-bà-lị thăm. Phạm chí Ni-cầu-đà bày tỏ sự chống đối gay gắt của ông đối với Phật, và thách thức luận chiến với Phật. Vừa lúc ấy, Phật xuất hiện. Ni-câu-đà muốn biết Phật dạy các đệ tử những gì để dẫn đến an lạc. Phật từ chối giải thích, cho rằng với sở tri và sở hành của Ni-câu-đà và đệ tử của ông không thể hiểu được giáo lý của Phật, nhưng nếu họ muốn, Phật sẽ diễn giải cho họ rõ về pháp tu khổ hành mà họ chủ trương.

Tiếp theo, Phật kể chi tiết các hình thức khổ hành khác nhau được các đạo sỹ thực hành. Đó là những hình thức hành xác, tự làm khổ thân bằng đủ mọi cách. Nhiều hình thức rất kỳ dị. Một vài chi tiết bất đồng giữa bản Hán và bản Pāli. Điều này có thể ảnh hưởng bởi tập quán địa phương mà kinh này lưu truyền. Cũng có thể do nhiều hình thức khổ hành mà Hán văn khó kiếm từ và cú tương đương để dịch cho được chính xác. Dù sao, bản kinh cũng liệt kê rất chi tiết những hình thức khổ hành ép xác của các nhóm đạo sỹ thời Phật.

Ni-câu-đà xác nhận những chi tiết Phật đã kể, và ông cho rằng sự thực hành như vậy là thanh tịnh, nghĩa là hoàn hảo về mặt đạo đức tu tập. Nhưng Phật lại chỉ điểm những điểm cấu uế tồn tại trong các lối tu khổ hành mà nhiều người kính phục này. Phật lần lượt kể ra những điểm cấu uế ấy. Bởi vì những thực hành ấy không đủ hiệu quả để diệt tâm ô nhiễm bởi tham lam, tật đố, tà kiến, kiêu mạn, xảo ngụy, khen mình chê người, cố chấp, … Phật lại chỉ ra những ưu điểm trong lối khổ hành ấy: người tu khổ hành mà không bị chi phối bởi tham lam, sân hận, xảo quyệt v.v… Tuy vậy, những khổ hạnh đó không phải là chắc thật, có cốt lõi. Khổ hành chắc thật là diệt trừ các nghiệp bất thiện, tu tập các vô lượng tâm. Những pháp Phật dạy cho các đệ tử còn cao hơn thế nữa.

Ni-cầu-đà bấy giờ liền bày tỏ sự hối hận của mình, là đã ngông cuồng thách thức Phật với Tán-đà-na.

Tiếp theo, Phật nói với các phạm chí, mục đích Ngài đến đây không phải thuyết pháp để tranh ảnh hưởng và các thứ lợi dưỡng. Những gì họ tin tưởng, những điều họ đang có, tất cả vẫn thuộc về họ, Như Lai không can thiệp đến. Phật đến, chỉ nêu rõ pháp thiện và bất thiện cho những ai muốn thực hành để được an lạc.

Phật biết rõ Ma Ba tuần đang chi phối tâm các phạm chí. Vì không muốn quấy rầy, nên Phật nắm tay Tán-đà-na nương hư không mà đi.

-ooOoo-

9. Kinh Chúng tập

[Pāli: Saṇgītisutta, D 33]

Xá-lợi-phất vâng lời Phật, thuyết pháp cho các Tỳ kheo.

Bấy giờ, Ni-kiền Tử vừa tạ thế, các đệ tử tức thì chia rẽ thành hai phái, tranh chấp nhau kịch liệt. Xá-lợi-phất lưu ý các Tỳ kheo, không thể có chuyện như vậy xảy ra giữa các đệ tử Phật sau khi đức Đạo Sư diệt độ. Như vậy, các Tỳ kheo hãy cùng nhau kết tập những điều Phật dạy, cùng nhau đọc tụng, không tranh cãi. Kinh này được Xá-lợi-phất thuyết, là bản liệt kê Phật pháp dưới danh mục pháp số. Các pháp được phân loại thành nhóm theo số thập tiến, từ nhóm một pháp cho đến nhóm mười pháp. Hình thức kết tập của Kinh này trở thành cơ sở thành lập Luận tạng. Về sau, phái Hữu bộ khai triển Kinh với chú giải chi tiết để trở thành một trong sáu luận nền tảng gọi là Lục túc. Bản luận được Huyền Trang dịch với nhan đề là Tập dị môn túc luận (T 1536), với tác giả được ghi là Tôn giả Xá-lợi Tử. Đại bộ phận giáo nghĩa Phật thuyết được kết tập khá đầy đủ trong Kinh này.

-ooOoo-

10. Kinh Thập thượng

[Pāli: Dasuttarasutta, D 34]

Kinh này cũng do Phật khiến Xá-lợi-phất thuyết cho các Tỳ kheo nhân ngày Tăng thuyết giới. Nội dung của Kinh cũng là bản kết tập pháp tạng theo phân loại thập tiến như kinh Chúng tập; nhưng ở đây có điểm khác biệt là mỗi pháp số lại được chia thành mười khoa mục như sau:

1. Thành pháp, dhammo bahukāro (pháp đa sở tác), pháp đem lại nhiều lợi ích;
2. Tu pháp, bhāvitabbo (ưng tu), cần phải tu tập;
3. Giác pháp, pariññeyyo (ưng biến tri), cần được nhận thức toàn diện;
4. Diệt pháp, pahātabbo (ưng đoạn), cần phải loại trừ;
5. Thối pháp, hānabhāgiyo (thuận thối phần), dẫn đến thoái hóa;
6. Tăng pháp, visesabhāgiyo (thắng tiến phần), dẫn đến sự thăng tiến;
7. Nan giải pháp, duppaṭivijjho (nan giải), khó lý giải, khó thể nhập;
8. Sinh pháp, uppādetabbo (ưng sinh pháp), cần phải làm cho phát sinh;
9. Tri pháp, abhiññeyyo (ưng thắng tri), cần được chứng tri;
10. Chứng pháp, sacchikātabbo (ưng tác chứng), cần được chứng nghiệm.

Trong pháp số một thì có một thành pháp cho đến một chứng pháp; trong pháp hai thì có từ hai thành pháp, cho đến hai chứng pháp, v.v., cho đến nơi pháp số mười thì có mười thành pháp, cho đến mười chứng pháp.

-ooOoo-

11. Kinh Tăng nhất

[Pāli: không có tương đương]

Nội dung Kinh này đại thể cũng đồng với Kinh Thập thượng; chỉ có điểm khác là do chính Phật thuyết.

-ooOoo-

12. Kinh Tam tụ

[Pāli: không có tương đương]

Kinh do Phật thuyết. Nội dung cũng là kết tập pháp tạng theo danh mục pháp số như các kinh trên. Điểm khác biệt ở đây là, trong mỗi pháp số gồm ba khoa mục. Như trong pháp một: một pháp dẫn đến ác thú; một pháp dẫn đến thiện thú; một pháp dẫn đến Niết-bàn. Cho đến trong pháp mười: mười pháp dẫn đến ác thú, mười pháp dẫn đến thiện thú, mười pháp dẫn đến Niết-bàn.

-ooOoo-

13. Kinh Đại duyên phương tiện

[Pāli: Mahānidānasutta, D. 15]

A-nan nhận xét: lý duyên khởi Phật thuyết thật thậm thâm, nhưng sao Tôn giả thấy rất dễ hiểu. Nhận xét ấy không được Phật chấp nhận. Nhân đó, Phật giải thích các mối quan hệ của các chi. Kinh có thể được chia làm ba phần.

Phần I: Quan hệ các chi duyên khởi. Các mối quan hệ này, tùy theo góc nhìn, dẫn đến ba hậu quả:

1. Mối quan hệ dẫn đến tranh chấp và bất an của xã hội, dẫn đến khổ quả trong hiện tại. Quan hệ các chi duyên khởi ở đây tập trung trên ái. Bắt đầu từ ái đến lão tử, có tất cả năm chi, nên trường hợp này được gọi là “duyên khởi năm chi.” Lấy ái làm gốc, (ái bản, P. taṇhāmūla), phát sinh 9 chi: ái, cầu, lợi, dụng, dục, trước, tật, thủ, hộ. Các chi này được gọi tên theo Pāli.: taṇhā (khát ái), pariyesanā (tầm cầu), lābho (thủ đắc), vinicchayo (quyết định, sử dụng), chandarāgo (dục tham, ham muốn hay tham lam), ajjhosānaṃ (tham chấp), pariggaho (nhiếp hộ, giữ chặt), macchariyaṃ (xan lận, keo kiệt), ārakkho (thủ hộ, canh giữ).

2. Mối quan hệ dẫn đến kiến chấp, tập trung trên xúc. Từ xúc đến lão-tử có bảy chi, nên quan hệ ở đây được gọi là “duyên khởi bảy chi.” Xúc có hai: hữu đối xúc tức xúc chạm vật chất và tăng ngữ xúc hay tâm xúc tức những xúc chạm tâm lý. Hữu đối xúc dẫn đến tham đắm ngũ dục. Tăng ngữ xúc làm sở y cho sự phát sinh các tưởng, hay khái niệm, từ đó dẫn đến hình thành nhận thức, là cơ sở của kiến chấp.

3. Mối quan hệ dẫn đến tái sinh, tập trung trên quan hệ thức và danh sắc. Quan hệ này có mười chi. Hai chi vô minh và hành tuy có nhắc đến nhưng không được giải thích rõ trong Kinh này.

Phần II: Quan hệ các chi duyên khởi tạo thành một chỉnh thể gọi là sinh mạng. Sinh mạng này được quan niệm là tự ngã. Có hai y cứ làm phát sinh ý niệm hay kiến chấp về ngã: thọ và sắc.

Phần III: Ngã tồn tại theo giới địa. Trong phạm vi bị chi phối bởi khổ lạc, có bảy trú xứ của thức. Ngoài bảy trú xứ này, có hai xứ tức hai trạng thái tồn tại của thức mà các tôn giáo xem là cõi vĩnh hằng: vô tưởng xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tất cả đều thuộc về thế gian, trong vòng luân chuyển giới địa của thế gian. Trên tất cả là con đường dẫn xuất thế gian, có tám cấp bậc giải thoát của thức mà cuối cùng là tưởng thọ diệt tận định.

-ooOoo-

14. Kinh Thích Đề-hoàn Nhân vấn

[Pāli: Sakkapañhasutta, D 21]

Những câu hỏi của Thiên đế Thích. Kinh gồm ba phần.

Phần I: Thiên đế Thích và chư thiên Đao-lị chuẩn bị xuống hầu Phật. Nhạc thần Ban-giác-dực (Pañcaskhi: Ngũ Kế) được khiến đi trước. Ông cầm cây đàn lưu ly đến trước hang đá nơi Phật đang tĩnh tọa. Trong tầm vừa đủ nghe, ông hát bản tình ca dâng cúng Phật. Bài ca nói về tình yêu say đắm của ông đối với con gái của thần nhạc trưởng, nhưng không được đáp lại. Nghe xong bài ca, Phật ngợi khen về âm điệu cũng như nội dung. Tiếp đó, Ban-giá-dực trình Phật ý của Thiên đế Thích và chư thiên Đao-lị muốn đến hầu Phật.

Phần II: Thiên đế Thích và chư thiên Đao-lị cùng vào trong hang đá lễ Phật. Đế Thích nêu câu hỏi về nguyên nhân thù hận tranh chấp giữa chư thiên và nhân loại. Phật dẫn chuỗi nhân duyên quan hệ, từ tham lam tật đố cho đến hý luận vọng tưởng. Tức nguyên nhân chính là từ xu hướng bất đồng.

Tiếp đến Đế Thích hỏi về con đường diệt trừ hý luận. Phật dạy tuần tự tu tập từ chính hành nơi thân, khẩu, ý; y nơi các thọ đáng thân cận và không nên thân cận mà thành tựu phòng hộ bằng giới luật nghi; y nơi các căn mà tu tập căn luật nghi.

Phần III: Những hoài nghi thắc mắc được giải đáp, Thiên đế Thích thuật lại tâm tư của ông trước khi Phật xuất hiện. Khi chứng kiến chư thiên hết phước hết thọ mà mạng chung, ông lo sợ, đi khắp nơi tầm cầu chân lý, nhưng không được giải đáp. Rồi ông so sánh hỷ lạc mà ông có sau khi nghe pháp với hỷ lạc mà ông có trước đây khi đánh nhau với A-tu-la mà được chiến thắng. Đó là hỷ lạc do thắng lợi trong đấu tranh hận thù, không thể so với hỷ lạc do được nghe Chính pháp. Sau hết ông nêu những điều ích lợi do hỷ lạc này mang lại, và cuối cùng là Niết-bàn giải thoát.

Ngay lúc ấy, Phạm Thiên xuất hiện, đọc bài kệ tán thán, rồi biến mất.

Cuối Kinh, kể chuyện Thiên đế Thích thưởng công cho Ban-giá-dực bằng cách gả con gái của nhạc thần trưởng mà ông này say đắm cho làm vợ.

-ooOoo-

15. Kinh A-nậu-di

[Pāli: Pāthikasutta, D 24]

Tỳ kheo Thiện Tú (Sunakkhatta) từ bỏ Phật, không theo Phật tu hành nữa, vì Phật không chứng tỏ cho ông hai việc: không thị hiện thần thông, không nói về khởi nguyên của thế giới. Phật trả lời Thiện Tú: dù Như Lai hiện hay không thị hiện thần thông, khởi nguyên thế giới được hay không được thuyết, pháp mà Phật thuyết có mục đích là chân chính dẫn đến diệt khổ.

Về việc thứ nhất: Thiện Tú tán thán các đạo có lối tu và hành vi kỳ dị, cho đó là các bậc Thánh như Ni-kiền tử Giá-la-lâu (Acela Kaḷārama) và Cứu-la-đế (Korakkhattiya). Khi Phật bác bỏ các hình thức kỳ quái ấy thì Thiện Tú cho là Phật ganh tị với các vị Thánh được mọi người tôn sùng. Phật cho biết họ không phải là Thánh chỉ vì tỏ vẻ khổ hành ép xác; vì rồi Giá-la-lâu sẽ từ bỏ những điều mà ông thề suốt đời giữ và chết trong bãi tha ma mất hết danh tiếng; còn Cứu-la-đế sẽ trúng thực mà chết. Những điều này xảy ra sau đó đúng như vậy.

Lại khi phạm chí Ba-lê Tử tuyên bố trước đám đông sẽ sẵn sàng đấu trí và đấu thần thông với Sa-môn Cù-đàm, Thiện Tú rất phấn khởi về việc này. Nhưng Phật nói, Ba-lê Tử sẽ không dám đến gặp Phật, nói gì đến đấu trí hay thần thông. Thiện Tú cảnh giác Phật: “Thế Tôn hãy giữ miệng.” Vì rồi Ba-lê Tử sẽ đến, và như vậy, Phật sẽ mất hết danh dự. Kết quả, Ba-lê Tử thật sự không dám đi gặp Phật, mặc dù được nhiều người tìm gặp ông tận mặt mà thúc giục.

Vấn đề thứ hai, về khởi nguyên của thế giới: Phật nêu rõ nguồn gốc đưa đến các thuyết. Có bốn thuyết được đề cập: nguồn gốc bởi Phạm Thiên sáng tạo, bởi sự đọa lạc của chư thiên Hý tiếu và chư thiên Ý phẫn, và vô nhân luận. Các thuyết này, chi tiết hơn và đầy đủ hơn, được nói trong kinh Phạm võng (Brahmajāla). Phật biết rõ các thuyết này, cũng như nguồn gốc của chúng, và còn biết hơn thế nữa; biểt rõ nhưng không nhiễm trước.

Cuối cùng, Phật nêu sự xuyên tạc của các sa-môn bà-la-môn nói rằng: Sa-môn Cù-đàm dạy các đệ tử, khi họ chứng đắc pháp thanh tịnh, họ thấy tất cả đều bất tịnh. Nhưng Phật nói, khi đệ tử Phật chứng nhập giải thoát thanh tịnh, vị ấy thấy tất cả đều thanh tịnh.

-ooOoo-

16. Kinh Thiện sinh

[Pāli: Siṅgālasutta, D 31]

Thiện Sinh mỗi sáng ra công viên lễ bái sáu phương. Anh làm theo lời cha dặn mà không rõ ý nghĩa gì. Phật bèn chỉ cho biết ý nghĩa sáu phương theo Thánh pháp. Đó là những mối quan hệ gia đình và xã hội của một người tại gia. Nếu biết duy trì tốt những mối quan hệ ấy, người tại gia được sống an lạc, tài sản không bị tổn thất, không sợ tai họa sẽ đến.

Trước hết, đối với bản thân, người ấy (a) tránh xa bốn hành vi xấu ác: giết, trộm, tà dâm, và nói dối; (b) tránh bốn trường hợp xúi làm xấu: do tham lam, do sân hận, do ngu si, do sợ hãi; (c) tránh sáu nguyên nhân tổn thất tài sản: 1. đam mê rượu chè, 2. cờ bạc, 3. phóng đãng, 4. đam mê kỹ nhạc, 5. kết bạn người ác và 6. biếng lười.

Trong giao thiệp, người ấy cần phân biệt bạn giả dối với bạn chân thật.

Về ý nghĩa sáu phương: Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, sa-môn, bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ. Bản thân đối với các phương là mối quan hệ nghĩa vụ. Con giữ trọn nghĩa vụ làm con; cha mẹ cư xử trọn phận sự cha mẹ. Cho đến đàn việt đối với sa-môn, sa-môn đối với đàn việt. Mỗi bên đều làm tròn nghĩa vụ của mình, như vậy bản thân, gia đình và xã hội được an lạc, thịnh vượng.

Cuối cùng, trong phần kệ tụng, Kinh nêu bốn pháp cơ bản giữ chặt các phương quan hệ này. Đó là bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, mà Hán dịch ở đây không rõ nghĩa. Kệ nói: Đời không có bốn việc, sẽ không có hiếu dưỡng.

Phần kệ cũng chỉ dạy người tại gia cần học nghề khéo, siêng năng, biết quân phân chi thu; như thế đời sống sẽ không hao hụt, thiếu thốn.

-ooOoo-

17. Kinh Thanh tịnh

[Pāli: Pāsādikasutta, D 29]

Sau mùa an cư, Sa-di Châu-na (Cunda-samaṇuddesa) đến hầu thăm A-nan, và tường thuật sự kiện tranh chấp nội bộ xảy ra giữa các đệ tử Ni-kiền tử (Nigaṇṭha Nāṭaputta) khi Thầy vừa tạ thế, như được kể trong kinh Chúng tập (Saṇgītisutta, D 33). A-nan liền dẫn Châu-na đến hầu Phật, thuật lại sự kiện này. Nhân đó Phật nói về các yếu tố cơ sở mà trên đó giáo đoàn được xây dựng sẽ dẫn đến hòa hiệp hay chia rẽ trong nội bộ.

Nội dung từ đây trở xuống của Kinh gồm ba phần chính: (I) Pháp và luật, (II) An lạc hành, (III) Diệt trừ tà kiến.

I. Pháp và luật:

– Pháp luật hoàn hảo hay không hoàn hảo và đệ tử hành trì hay không hành trì. Quan hệ này tạo thành bốn trường hợp, trong đó, trường hợp thứ tư: pháp luật được khéo thuyết, đệ tử khéo hành trì, giáo đoàn ấy sẽ đứng vững.

– Đạo sư chính giác nhưng diệt độ sớm, giáo đoàn không đứng vững. Đạo sư chính giác chỉ diệt độ sau khi các đệ tử đã tự mình chứng ngộ đầy đủ lại còn có thể công bố pháp rộng rãi: giáo đoàn ấy sẽ đứng vững.

Với giáo đoàn được thiết lập và đứng vững trên cơ sở như vậy, đời sống của mỗi thành viên trong giáo đoàn được gọi là phạm hạnh (brahmacariya). Tùy thuộc một số điều kiện mà đời sống phạm hạnh ấy được xem là hoàn hảo (brahmacariyaṃ paripūraṃ). Các yếu tố để phạm hạnh được hoàn hảo: (a) Đạo sư danh tiếng; (b) hàng đệ tử trưởng lão đã từ chứng ngộ lại còn có thể công bố pháp rộng rãi; lần lượt, các tỳ kheo, tỳ kheo ni, cho đến nam nữ cư sỹ đều có thực chứng như vậy; (c) đời sống vật chất không thiếu thốn.

Tăng đệ tử Phật với phạm chí đầy đủ như vậy được nói là phạm hạnh thanh tịnh bậc nhất, “thấy mà không thấy”, nghĩa là không thể bỏ hay thêm cho đầy đủ hơn nữa.

Phần trên đây là nói về những nguyên lý hay cớ mà trên đó giáo đoàn được thiết lập và tồn tại. Để duy trì sự tồn tại của giáo đoàn, Phật nói đến hai khía cạnh thiết thực: tri và hành.

II. An lạc hành:

Đối với các pháp Phật đã thuyết, các tỳ kheo phải cùng hòa hiệp tụng đọc, thảo luận và dung hòa dị biệt phù hợp với Chính pháp, không dẫn đến tranh luận và tranh chấp. Đối với giới luật, tỳ kheo sống tri túc với ăn, mặc, chỗ ở và thuốc thang; không bị lôi cuốn bởi ngũ dục. Đời sống an lạc mà đệ tử Phật mong cầu là những an lạc không bị chi phối bởi ngũ dục, năm triền cái; là hiện pháp lạc trú do chứng đắc bốn thiền, là lạc vô lậu do chứng bốn Thánh quả, là lạc do ái tận giải thoát của A-la-hán với chín điều bất hành.

III. Diệt tà kiến:

Sau hết là phân biệt chính kiến và tà kiến. Hết thảy sở kiến được chia làm hai: ký thuyết và không ký thuyết. Những gì thuộc quá khứ tối sơ, tưong lai mạt kiếp, Phật đã thấy đã biết, nhưng nếu không ích lợi thiết thực, không dẫn đến ly dục tịch tịnh, Niết-bàn, Phật không ký thuyết, tức không nói về các pháp ấy. Phật chỉ nói những gì ích lợi thiết thực, vì dẫn đến chứng ngộ; nghĩa là người nghe có thể tự chứng nghiệm chân lý ấy bằng sự giác ngộ của mình.

Có 14 vấn đề vô ký thuyết, không được Phật giảng nói: thế giới thường hằng hay không thường hằng…; thế giới hữu hạn hay vô hạn…, như liệt kê trong kinh.

-ooOoo-

18. Kinh Tự hoan hỷ

[Pāli: Samapasādanīyasutta, D 28]

I. Xá-lợi-phất sư tử hống.

Xá-lợi-phất tuyên bố: Trong quá khứ, hiện tại, vị lai, không có sa-môn, bà-la-môn nào có trí tuệ, thần túc có thể sánh ngang với Phật. Tuyên bố như vậy được gọi là sư tử hống. Vì sao?

II. Tổng tướng pháp.

Xá-lợi-phất không thể biết tâm tư của Phật, không biết rõ chư Phật có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, nhưng căn cứ vào pháp tổng tướng mà xác tín như lời tuyên bố. Pháp tổng tướng (dhammanvaya) là những điều được diễn dịch từ chứng nghiệm trực tiếp của mình. Những pháp ấy được liệt kê gồm có, theo thứ tự từ thấp lên cao: phân biệt pháp đen, pháp trắng, hai phần đối trị nhau. Thứ đến, chế pháp, là các pháp được Phật thiết lập mà hành trì có kết quả, đó là: bốn niệm xứ, bốn chính cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo. Thứ đến, phân biệt các nội ngoại xứ. Pháp được thuyết càng lúc càng vi diệu: bốn nhập thai, bảy giác chi, bốn thông hành, hành vô thượng ngôn thanh tịnh, kiến đẳng chí, thường trú luận, quán tha tâm, giáo giới, giới thanh tịnh, túc mạng trí, thiên nhãn trí, thần túc thông. Do các pháp vi diệu như vậy, hành trì có kết quả như vậy, nên biết pháp được khéo thuyết bởi Phật, là bậc Chính đẳng giác.

III. Phật ấn chứng.

Được Phật hỏi, Xá-lợi-phất trả lời: Trong quá khứ và trong đời vị lai, đã có và sẽ có nhiều vị ngang bằng Phật. Vì đã có nhiều Phật xuất hiện trong quá khứ và sẽ có nhiều Phật xuất hiện trong đời vị lai. Nhưng trong hiện tại, không ai có thể sánh. Vì trong một thời, không bao giờ có hai đức Như Lai cùng xuất hiện.

Phật xác nhận những điều Xá-lợi-phất đã thuyết, và nhân đó nói với vị thị giả bấy giờ là Ưu-đà-di về đức thiểu dục tri túc nơi Phật. Thiểu dục tri túc ở đây được hiểu là hài lòng, không tự mãn. Nghĩa là, những điều Phật chứng ngộ và thuyết, là pháp tính tự nhiên như vậy, không có gì để phải nói xứng đáng được tán thán nhiều hơn hay tán thán ít hơn.

-ooOoo-

19. Kinh Đại hội

[Pāli: Mahāsamayasutta, D 20]

Kinh này có thể xem là mang dấu ấn của Mật giáo, hay chứa đựng mầm mống tư tưởng Mật giáo được phát triển sau này.

Đây là bản liệt kê danh sách hầu như đầy đủ các thần linh được tin ngưỡng thời Phật hay sau đó. Phật trú tại Ca-tì-la-vệ, cùng với 500 tỳ kheo. Trước hết, chư thiên Tịnh cư hiện đến. Sau đó lần lượt, nhiều loại quỷ thần cũng xuất hiện. Chư thiên ở đây bao gồm các đại thiên thần diệu, tức chư thiên có uy lực rất lớn, có bốn Đại Thiên vương, các thần trú trên các núi non, hang động danh tiếng khắp nơi, cùng các địa thần. Mỗi thiên thần thủ lãnh dẫn theo vô số quỷ thần: càn-thát-bà, dạ-xoa, la-sát, v.v…

Dấu ấn Mật giáo trong bản Pāli tương đương khá mờ nhạt; nhưng trong bản Hán dịch thì rất hiển nhiên. Điều này tất do ảnh hưởng các địa phương khác nhau nơi mà bản Kinh được lưu hành đọc tụng.

Trong Kinh, ngoại trừ danh hiệu các thiên thần, các quỷ thần, những từ còn lại đều có thể dịch nghĩa nhưng Hán dịch đã không làm như vậy, mà phiên âm tất cả, cho nên nhiều đoạn kệ trở thành các đoạn thần chú. Đó cũng là yếu tố khiến Kinh này trong bản Hán có xu hướng Mật giáo.

-ooOoo-

20. Kinh A-ma-trú

[Pāli: Ambaṭṭhasutta, D 3]

Bà-la-môn Phất-già-sa-la (Pokkharasāti) hay tin Phật đang đến ngụ trong địa phương của mình, và từ lâu ông cũng nghe đồn rằng Sa-môn Cù-đàm có đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân; mà ông thì rất rành về khoa tướng pháp này. Theo khoa này nói, ai có đủ ba mươi hai tướng đại nhân, nếu tại gia sẽ trở thành Hoàng đế Chuyển luân thống trị cả bốn châu thiên hạ; nếu xuất gia sẽ thành bậc Đại giác. Ông muốn chứng thật lời đồn này, nên sai đệ tử tâm đắc là thanh niên A-ma-trú, cũng đã được ông truyền dạy kỹ về khoa tướng pháp, đến gặp Phật để chứng kiến xem lời đồn có đúng như vậy không.

Khi đến gặp Phật, A-ma-trú tự cao về huyết thống giai cấp, tự hào về sở học, nên tỏ thái độ khinh mạn với Phật. Phật bèn nói thẳng với A-ma-trú là anh chàng không được giáo dục. Tức giận vì bị Phật gọi là vô giáo dục, thanh niên này buông lời sỉ nhục Phật và dòng họ Thích. Nhân đó, Phật bèn hỏi anh thuộc dòng họ nào. Anh nói, dòng họ Thanh vương. Phật liền dẫn giải gốc tích cho biết, như vậy tổ tiên của A-ma-trú nguyên là con trai của một nữ tỳ của các vương tử họ Thích thời xưa. Tiếp đó, Phật bảo A-ma-trú xác nhận điều này, nhưng anh ngần ngại. Phật chỉ cho biết thần Kim cang Lực sỹ đang cầm chày sắt đứng ngay trên đầu, nếu không xác nhận câu hỏi của Phật, sẽ bị đánh vỡ đầu. Hoảng sợ, anh xác nhận những điều Phật vừa kể là sự thực lịch sử của dòng họ anh. Điều này làm cho A-ma-trú mất hết khí ngạo mạn lúc đầu.

Bấy giờ Phật mới đặt vấn đề với A-ma-trú về sự ưu việt trong các giai cấp. Liên hệ vấn đề này, A-ma-trú tất nhiên tự nhận thuộc giai cấp bà-la-môn là cao nhất trong xã hội. Phật nguyên là vương tử họ Thích, thuộc giai cấp sát-lị, điều này khỏi phải nói.

Đức Phật giả thiết một người nữ sát-lị lấy chồng bà-la-môn, con trai của người bà-la-môn này không được hưởng các quyền lợi bên sát-lị. Mặt khác, nữ bà-la-môn gã cho nam sát-lị, con trai của người này vẫn hưởng được các quyền bên mẹ là bà-la-môn. Như vậy, xét về đặc quyền, giai cấp sát-lị ưu việt hơn. Nhưng, Phật nói thế gian y cứ chủng tộc nên sát-lị là nhất; duy chỉ ai đầy đủ Minh và Hành mới là tối thắng trên cả Trời và Người.

A-ma-trú liền hỏi Phật về ý nghĩa Minh Hành này. Phật dẫn giải quá trình tu tập để thành tựu Minh và Hành, kể từ một thiện nam tử chí tín xả tục xuất gia, thành tựu giới, thành tựu căn luật nghi, sống tri túc, tu tập chính niệm chính tri, đoạn trừ năm triền cái, lần lượt chứng sơ thiền cho đến tứ thiền, và tiếp theo là các thắng trí: thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm trí, túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí: “sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.”

Thành tựu Minh Hành đến như vây, không còn gì tối thượng hơn.

Những ẩn sỹ sống trong rừng sâu, ăn củ, ăn trái cây rừng; hoặc cất am tranh thờ lửa, sống gần thôn xóm, hoặc tại ngã tư đường cất nhà bố thí; những hành vi như vậy là sự thoái thất đối với Minh Hành, không thể dẫn đến thành tựu Minh Hành. Ngay cả bốn điều như vậy thầy trò A-ma-trú vẫn không thể thực hành được; nhưng họ lại ngông cuồng ngạo mạn về sở tri và sở hành của mình, khinh thường Sa-môn Thích tử cho là thuộc giai cấp thấp hèn.

Tiếp theo đó, Phật nêu gương các Tiên nhân cổ đại, những vị soạn tập các kinh thơ, các tán tụng mà đương thời các bà-la-môn học theo để trở thành Tiên nhân như họ, để được tái sinh lên Phạm thiên. Không phải chỉ thuật lại, phỏng theo lời các Tiên nhân cổ là có thể trở thành Tiên nhân. Các bà-la-môn nay muốn học theo Thiên nhân cổ nhưng sống xa hoa trong các dinh thự mà mong trở thành như Tiên nhân. Điều này chẳng khác nào một kẻ thấp hèn thuật lại lời của vua Ba-tư-nặc được nghe lỏm đâu đó, không thể vì vậy mà trở thành đại thần của vua Ba-tư-nặc.

Đến đây, tất cả thái độ ngạo mạn ban đầu của thanh niên A-ma-trú, ngạo mạn về huyết thống giai cấp, ngạo mạn về trình độ học thức; tất cả hoàn toàn sụp đổ. Phật bảo, thôi, bỏ qua chuyện này, mà hãy nhớ lại mục đích anh đến đây. Mục đích đó là tìm hiểu tướng pháp. Sau khi quan sát đầy đủ các tướng hảo nơi Phật, A-ma-trú cáo từ.

Phất-già-sa-la đứng chờ sẵn học trò nơi cửa. Ông bảo A-ma-trú tường thuật lại buổi hội kiến. Nghe xong, ông nổi cơn thịnh nộ, đạp A-ma-trú té ngữa. Người học trò thông minh của ông đã đi bêu xấu ông, đã khiến cho thầy trò ông đọa địa ngục. Rồi ông thân hành đi gặp Phật. Tự mình quan sát đầy đủ các tướng hảo của Phật, ông phát sinh tín tâm, thỉnh Phật và Tăng về nhà thọ thực.

Hôm sau, Phật cùng chúng Tỳ-kheo đến nhà của Phất-già-sa-la nhận trai Tăng cúng dường. Ăn xong, Phật thuyết pháp cho ông nghe. Sau thời pháp, Phất-sa-già-la liền đắc Sơ quả. Ông phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo, thọ trì năm giới làm người ưu-bà-tắc.

Bảy ngày sau, Phất-già-sa-la phát bịnh và mất. Phật thọ ký, ông đắc quả Bất hoàn, tái sinh lên Tịnh cư thiên và sẽ nhập Niết-bàn tại đó, không trở lại nơi này nữa.

-ooOoo-

21. Kinh Phạm võng

[Pāli: Brahmajālasutta, D 1]

Có hai thầy trò Phạm chí, nhóm tu ngoại đạo (paribbājaka: phổ hành giả, du sỹ ngoại đạo) là Thiện Niệm (Suppiya) và Phạm-ma-đạt (Brahmadatta) đi theo sau Phật và các Tỳ-kheo trên con đường đến Trúc thôn. Một người chê bai Phật bằng đủ mọi cách; một người ngợi khen Phật cũng bằng đủ mọi cách.

Các Tỳ-kheo tập họp tại giảng đường, bàn luận về sự kiện này. Phật dạy các Tỳ kheo, không hoan hỷ khi được tán thán, cũng không ưu sầu khi bị chê bai. Sự khen chê của hai thầy trò kia chỉ do ảnh hưởng bởi khác biệt kiến giải, tư duy, thân cận. Những điều mà phàm phu tán thán Như Lai chỉ dựa trên những tiểu tiết về giới luật. Chỉ có kẻ trí mới biết tán thán Phật vì những pháp thâm diệu hơn.

Tiếp theo, Kinh gồm hai phần chính.

Phần I: Tán thán về giới. Các điều về giới ở đây cũng giống như trong kinh A-ma-trú (Ambaṭṭhasutta, D 3), nhưng văn dịch không thống nhất. Phần này bao gồm ba đoạn nhỏ: (a) những điều khoản liên hệ đạo đức căn bản của người xuất gia; (b) sinh hoạt ác hành, tức những trò tiêu khiển không tốt gây chướng ngại đạo; (c) sinh hoạt tà mạng, là bằng các phương tiện và tà thuật mà mưu sinh.

Phần II: Đây là phần trọng tâm của kinh. Đức Phật nêu ra tất cả luận thuyết về vũ trụ và nhân sinh đương thời, bao gồm trong 62 loại, gọi là “Lục thập nhị kiến”. Tất cả luận thuyết này y cứ trên hai phần thời gian: y cứ tối sơ, gọi là bản kiếp bản kiến, liên hệ đến khởi nguyên của thế giới. Phần thứ hai là y cứ tương lai mạt kiếp, gọi là mạt kiếp mạt kiến. Từ hai y cứ này xuất hiện 62 luận thuyết như sau:

i) Bản kiếp bản kiến (pubbantakappikā), tổng quát có 18 luận thuyết:

– 4 thường trú luận (sassatavāda), chủ trương ngã và thế giới là thường hằng, bất biến. Ba trường hợp đầu, y vào mặc khải; trường hợp thứ tư, y vào suy lý.

– 4 bán thường trú luận (ekaccasassatavāda), bản ngã và thế giới một phần thường trú và một phần không thường trú, chịu biến dịch. Tức duy chỉ Brahman (Thượng đế) là thường hằng bất biến, ngoài ra đều chịu biến dịch.

– 4 hữu biên vô biên luận (antānantavāda), tự ngã và thế giới là hữu biên (hữu hạn), vô biên (vô hạn) và vừa hữu vừa vô biên (phương trên có giới hạn, bốn phương thì vô biên). Ba trường hợp này y vào mặc khải; trường hợp thứ tư y vào suy lý.

– 4 ngụy biện luận (anarāvikkhepavāda).

– 2 vô nhân luận hay ngẫu nhiên luận (adhicca-samuppannavāda), thế giới này do ngẫu nhiên, không bởi nguyên nhân nào cả, xuất hiện từ hư vô.

ii) Mạt kiếp mạt kiến (aparantakappikā), bao gồm 44 luận thuyết:

– 16 hữu tưởng luận (saññīvāda): đời sau có tưởng đồng thời có sắc (hữu hình), hoặc không sắc (vô hình), có biên (hữu hạn), hay không có biên (vô hạn), thuần lạc, hay thuần khổ, tưởng cục bộ hay tưởng vô lượng, v.v…

– 8 vô tưởng luận (asaññīvāda), đời sau có sắc, không có tưởng, v.v…

– 8 phi tưởng phi phi tưởng luận (nevasaññīnāsaññīvāda), đời sau không phải có tưởng cũng không phải không có tưởng, v.v…

– 7 đoạn diệt luận (ucchedavāda),

– 5 hiện tại Niết-bàn luận (diṭṭhadhammanibbānavāda), năm dục là Niết-bàn trong hiện tại, hoặc Sơ thiền, cho đến Tứ thiền, là Niết-bàn trong hiện tại.

Đoạn cuối Phật chỉ nguyên nhân phát sinh các kiến chấp ấy: các quan điêm này tùy thuộc trình độ các cảm thọ. Do căn, cảnh, thức, ba sự hòa hiệp sinh thọ. Thọ là duyên cho ái; ái là duyên cho thủ, thủ duyên hữu… cho đến, tập khởi thuần đại khổ tụ. “Nếu Tỳ-kheo biết rõ như thực sự tập khởi của sáu xúc, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly của xúc, Tỳ-kheo ấy là người tối thắng, vượt ngoài các kiến ấy.”

Do thâu tóm tất cả mọi kiến chấp, như người chài tóm tất cả cá trong một tấm lưới, Kinh được gọi là Phạm võng, “lưới Phạm thiên”. Bản Hán dịch này gọi là Phạm động, nghi là do âm tương tợ trong truyền bản: Brahmajāla (Phạm võng) đọc thành Brahmacāla (Phạm động). Bản dịch Luật Tứ phần cũng gọi Kinh này là Phạm độngTrường A-hàm và Luật Tứ phần được phiên dịch đồng thời, cách nhau vài năm, trong niên hiệu Hoẳng thủy đời Hậu Tần. Vậy nếu không do nhầm lẫn sao chép, hay đọc sai âm gốc, có thể Kinh này trong phái Đàm-vô-đức (Dharmagupta) đọc như vậy. Trong các bản Hán dịch khác, như T 21, hay một bộ luật của Đại thừa, đều gọi là Phạm võng.

Kinh cũng còn được đặt tên là Nghĩa động, Pháp động, Kiến động, Ma động. Tất nhiên, những chữ động này đều có thể hiểu là võng (lưới).

-ooOoo-

22. Kinh Chủng đức

[Pāli: Soṇadaṇḍasutta, D 4]

-ooOoo-

23. Kinh Cứu-la-đàn-đầu

[Pāli: Kūṭadantosutta, D 5]

Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu (Kūṭadanto) đang tổ chức đại tế đàn, tức đại lễ hiến hy cúng tế thần linh. Tế đàn này rất lớn và rất tốn kém. Khi hay tin Phật du hành đang đến ngụ tại địa phương mình, ông liền đến tham khảo nghi thức đại tế đàn nơi Phật.

Đức Phật không giải thích trực tiếp, mà thuật lại một đại tế đàn được tổ chức trong thời quá khứ xa xưa.

Điều kiện cơ bản để tổ chức đại tế đàn là quốc dân phải an cư lạc nghiệp. Nhân đó Phật kể lại biện pháp kinh tế mà quốc vương bấy giờ áp dụng: cấp vốn cho người đi buôn, cấp bò, bê, thóc giống cho người làm ruộng; tạo điều kiện cho dân chuyên tu nghề nghiệp của mình. Sau khi nước giàu binh mạnh, vua tổ chức đại tế đàn.

Đại tế đàn được tổ chức với đầy đủ mười sáu yếu tố, gọi là mười sáu tư cụ:

1. Bốn tư trợ: vua truyền hịch bố cáo cho bốn thành phần tham gia, bao gồm nội cung, thái tử, quần thần, tướng sỹ. Nói chính xác, bao gồm hoàng thân, triều thần, tăng lữ, và dân chúng.

2. Tám thành tựu của quốc vương, là những phẩm chất mà quốc vương phải có, từ huyết thống, cho đến tri thức, võ nghệ…

3. Bốn thành tựu của đại thần, tức quan tể tướng của vua cũng phải đủ các phẩm chất cần thiết, bao gồm huyết thống, học thức, khả năng ngôn ngữ và mưu lược.

Trước khi cử hành đại tế, vị phụ tướng đại thần kiểm điểm tất cả điều kiện cần thiết, gọi là mười sáu khai giải. Trong khi tế đàn diễn tiến, có nhiều hạng người đến xin bố thí, vua cần bố thí bình đẳng, không hoài nghi người ấy hành mười thiện nghiệp hay mười bất thiện nghiệp. Đây gọi là mười hành sự hay mười tính cách của những người đến tham dự trong lúc cử hành tế đàn. Tiếp theo, vị đại thần cũng giải thích để vua không sinh tâm hối tiếc về việc tổ chức này, gọi là ba hối tâm. Tế đàn được hỗ trợ với bốn thành gọi là bốn tư trợ mà vua đã truyền hịch bố cáo cho biết. Mỗi tư trợ cử hành các lễ phụ tại bốn cổng kinh thành.

Tế đàn có ý nghĩa, mang lại kết quả thiết thực, là không giết bò, dê và các chúng sinh; chỉ dùng bơ, sữa, dầu mè, mật, đường đen, đường mía.

Sau khi nghe Phật tường thuật chi tiết, Cứu-la-đàn-đầu trầm ngâm suy nghĩ. Với chi tiết được kể như vậy, hình như chính Phật là người đã trực tiếp tham dự đại tế đàn hồi đó. Ông nói ý nghĩ này với Phật. Đức Phật xác nhận, quả thật, quốc vương thời đó chính là tiền thân của Phật.

Rồi ông hỏi, có nghe tế tự nào mà kết quả phước báo hơn thế không? Phật trả lời là có. Và lần lượt kể từ thấp lên cao, từ bố thí cho Tăng, cho đến tự mình tu tập, thành tựu giới, đắc bốn thiền, các thắng trí, cho đến chứng đắc ba minh, lậu tận giải thoát, là tế đàn ít tốn kém nhất mà thành tựu kết quả cao nhất. Chi tiết đoạn này giống như đã nói trong kinh A-ma-trú (Ambaṭṭhasutta, D 3).

Cứu-la-đàn-đầu rất hoan hỷ, phát khởi tín tâm, thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng về nhà để cúng dường.

Hôm sau, Phật cùng chúng Tăng đến nhà ông để nhận trai tăng cúng dường. Sau khi ăn xong, Phật thuyết pháp. Bà-la-môn sau khi nghe pháp liền đắc sơ quả, phát tâm quy y, thọ trì năm giới.

Bảy ngày sau, Cứu-la-đàn-đầu mất. Phật thọ ký, ông đắc quả Bất hoàn, tái sinh lên Tịnh cư thiên và sẽ nhập Niết-bàn tại đó, không trở lại nơi này nữa.

-ooOoo-

24. Kinh Kiên cố

[Pāli: Kevaṭṭasutta, D 11]

Kinh này Phật nói rõ giá trị của thần thông. Các tôn giáo đều yêu cầu giáo chủ hiện thần thông, làm phép lạ. Một số đệ tử Phật cũng thỉnh cầu Phật thị hiện thần thông, làm phép lạ, để cho người đời dễ tin tưởng. Vị Cư sỹ Kiên Cố (Kevaṭṭa/ Kevaddha) trong Kinh thỉnh cầu như vậy. Phật từ chối, và nêu lên ba loại thần thông, gọi là ba thị đạo (tīṇi pāṭihārriyāni), tức ba sự thị hiện lôi cuốn người khác, khiến người kinh ngạc, thán phục vì sự thần kỳ: (a) Thần biến thị đạo (iddhipāṭihāriya), là hiện các phép thần thông biến hóa như một thân thành nhiều thân, đi trong hư không như chim, đi xuyên qua vách đá… (b) Ký tâm thị đạo (ādesanāpāṭihāriya), đọc rõ tâm của người khác, biết rõ người đang nghĩ gì. (c) Giáo giới thị đạo (anusāsanīpāṭihāriya), giáo dục, dạy người xấu trở thành tốt, biến kẻ hung ác thành người thiện. Trong ba loại, Phật chỉ nhận giáo hóa thị đạo là sự thị hiện thần thông phép lạ kỳ diệu nhất.

Nhân đó, Phật kể chuyện một Tỳ-kheo đã đắc thần thông, nhưng không biết rõ bốn đại này khi diệt tận thì trở về đâu. Ông vận thần thông lên hỏi chư thiên. Không vị nào biết để trả lời. Ông lần lượt lên cung trời cao hơn. Cuối cùng lên đến Phạm Thiên. Khi được hỏi, Phạm Thiên không trả lời trực tiếp, mà lại tuyên bố: “Ta là Đại Phạm, là đấng Vô Năng Thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sinh.” Tức là Thượng đế Toàn năng, Toàn trí. Vị Tỳ-kheo yêu cầu trả lời câu hỏi chứ không cần đến tuyên bố ông là thế nào. Phạm Thiên thú nhận là không biết, và đề nghị trở về Kì viên hỏi Phật.

Tỳ-kheo này trở về Kì viên hỏi Phật. Phật kể chuyện ngụ ngôn, như con chim của người đi biển được thả ra tìm bờ. Nếu tìm thấy bờ, nó đi luôn. Nếu không thấy bờ, nó quay trở lại thuyền. Tỳ-kheo này cũng vậy, đi suốt mấy cõi, không tìm ra giải đáp mới trở lại với Phật.

Đó là ý nghĩa thần thông trong Phật pháp.

-ooOoo-

25. Kinh Lõa hình phạm chí

[Pāli: Kassapasīhanādasutta, D 8]

Một người ngoại đạo xuất gia, tu theo hạnh lõa thể, gặp Phật và hỏi rằng, người ta nói Phật chỉ trích các pháp khổ hành, như vậy có xuyên tạc không?

Phật trả lời, những điều Phật chỉ trích hay tán thán, thường được hiểu và giải thích một chiều, do đó thường là xuyên tạc. Đối với pháp khổ hành cũng vậy, không phải Phật hoàn toàn chỉ trích.

Do đó, để hiểu những điều Phật nói mà không xuyên tạc, cần biết phân biệt tỉ giảo những pháp gì đồng và bất đồng giữa Phật và các giáo phái khác. Trong đó, những pháp thiện và bất thiện nào mà Phật thuyết không đồng với ngoại đạo; với những pháp này cần biết phân biệt tỉ giảo giữa Tông sư với Tông sư, giữa đệ tử và đệ tử. Căn cứ để phân tích tỉ giảo đúng, là đạo tích, tức y cứ trên sự hành trì, dẫn đến kết quả thiết thực trong hiện tại. Căn cứ đó là bảy giác chi, từ trạch pháp cho đến xả. Trong bản Pāli tương đương, đạo tích được nói ở đây là Thánh đạo tám chi.

Tuy thừa nhận đó là đạo tích để pháp đoán điều được thuyết đúng hay không đúng, nhưng Ca-diếp vẫn cho rằng pháp khổ hành duy nhất là pháp của Sa-môn, Bà-la-môn, tức pháp chân chính. Những pháp khổ hành này đã được kể chi tiết trong Kinh Tán-đà-na (Udumbarikasutta, D 25).

Phật nói, những lối khổ hành ấy ngay đến phụ nữ nếu muốn vẫn có thể hành theo được. Chúng không có gì đáng gọi là khó hành để tác thành phẩm chất Sa-môn, Bà-la-môn, nếu người thực hành mà thiếu giới và tuệ.

Ca-diếp hỏi giới và tuệ ấy là gì, Phật giải thích như đã nói trong kinh A-ma-trú (Ambaṭṭhasutta, D 3). Nhưng ở đây chỉ kể đến tứ thiền, an lạc ngay trong hiện tại. Bản Pāli nói lược hơn: Tỳ-kheo tu từ tâm, không nhuế, không hại, lậu tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Dù vậy, Ca-diếp vẫn cho rằng khổ hành là pháp khó hành nhất, khó biết nhất của Sa-môn. Phật nói, đó chỉ là cách nói theo nhận thức phổ thông của thế gia, Nếu chỉ ở truồng, nằm trên đất, trên phân, v.v., mà là khổ hạnh khó hành, thì một phụ nữ cũng có thể biết. Biết như vậy chỉ là bề ngoài, chứ không thể biết tâm hành giả khổ hành ấy có nhuế hay không nhuế, hại hay không hại. Tối thượng, tối thắng, duy chỉ với vị đã thành tựu giới, thành tựu tuệ, đắc tam minh, chứng lậu tận trí.

Nói như vậy không phải là Phật hoàn toàn phủ nhận giá trị của các pháp khổ hành. Một thời, khi Phật ngụ trong hang Thất diệp Cao sơn, thành Vương xá, cũng đã từng nói pháp khổ hành cho phạm chí Ni-câu-đà như trong kinh Tán-đà-na (Udumbarikasutta, D 25).

Sự thuyết pháp của Phật như vậy được gọi là sư tử hống, vì không do dự sợ hãi trước bất cứ chúng hội nào. Những ai nghe Phật thuyết đều sinh tín tâm, tu tập theo, cho đến cứu cánh phạm hạnh, chứng vô dư Niết-bàn.

Sau thời luận pháp, Lõa hình Ca-diếp phát sinh tín tâm, cầu xuất gia, thọ cụ túc. Một thời gian sau, do tinh cần tu tập, ông đắc quả A-la-hán.

-ooOoo-

26. Kinh Tam minh

[Pāli: Tevijjasutta, D 13]

Cho đến thời đức Thích Tôn, kinh điển Vệ-đà được lưu truyền chỉ mới ba bộ mà trong Hán dịch thường gọi là Tam minh (tevijjā). Đay không phải là tam minh trong sự chứng đắc của một vị A-la-hán. Kinh này gọi là Tam minh, chỉ cho ba Vệ-đà, vì nội dung đề cập tín ngưỡng căn bản của Bà-la-môn, là sinh lên Phạm thiên giới, cộng trú với Phạm thiên (Brahman). Thuyết cộng trú Phạm thiên về sau phát triển thành chủ đề triết học và thần học trong trường phái Phệ-đàn-đà (Vedānta) và Di-man-tát (Mimāṃsā).

Kinh Phật không hoàn toàn bác bỏ tín ngưỡng Phạm Thiên. Vị trí của Phạm Thiên trong vòng lưu chuyển sinh tử cũng như nguồn gốc phát sinh tín ngưỡng Phạm thiên, được nói rõ trong kinh Phạm võng (Brahmajālasutta, D 1).

Bấy giờ có hai thanh niên bà-la-môn là Bà-tất-tra (Vāseṭṭha) và Phả-la-đọa (Bhāradvāja) tranh luận với nhau về con con đường nào chân chính dẫn lên Phạm thiên, theo Bà-la-môn Phất-già-sa-la (Pokkharavāti) hay Đa-xá-lê (Tārukkha). Mỗi người bảo thủ quan điểm của mình. Họ đề nghị cùng đến tham khảo Phật.

Đức Phật lần lượt theo truyền thuyết lần đến các Đạo sỹ tối thượng cổ, từ đó xuất phát về truyền thuyết cộng trú Phạm Thiên; được xác nhận là tất cả các vị Cổ Tiên nhân đó chưa ai thực sự thấy Phạm Thiên, mặc dù họ là những vị tinh thông Tam minh, soạn các thị tụng tán ca, tập thành Thánh điển Vệ-đà. Thực sự trong Kinh Phật cũng có nhiều trường hợp nói đến sự diện kiến Phạm Thiên, nhưng đó hầu hết hoặc là tiền thân Bồ tát, hoặc các đệ tử Phật.

Đức Phật nêu lên ba thí dụ chỉ rõ ý nghĩa truyền thuyết từ những người không tự mình trực tiếp chứng kiến là không đáng tin tưởng. Thứ nhất, như một người đàn ông kể chuyện mình yêu một phụ nữ, nhưng hỏi về diện mạo, dòng họ, gia đình, xứ sở của người nữ, thì anh ta không biết gì cả. Sự tường thuật ấy là hư dối.

Thứ hai, một người bắc thang muốn leo lên hư không mà nói là đang leo lên nhà trên; như thế là vọng tưởng. Những người không biết rõ Phạm Thiên ở đâu mà muốn được tiếp nhận lên Phạm Thiên thì cũng vậy.

Thứ ba, như một người muốn qua sông A-di-la; đứng bên này mà gọi bờ, thì bờ kia không thể xáp lại bên này để cho bước qua được, trừ phi người ấy phương tiện làm bè. Cũng vậy, người bị ràng buộc với ngũ dục mà mong sinh Phạm thiên.

Tiếp theo, Phật hỏi hai thanh niên về các phẩm tính nơi Phạm Thiên, và những người muốn sinh lên Phạm thiên. Phạm Thiên là vị không có san tâm, hận tâm, hại tâm, không ôm giữ của cải, hoàn toàn tự tại. Vậy, những người còn sân tâm, hận tâm, hại tâm, còn giữ chặt của cải, không được hoàn toàn tự tại, thì không thể cộng trú với Phạm Thiên. Vì bản tính bất đồng. Đây là điều mà về sau phát triển thành thuyết Phạm Ngã đồng tính trong triết học Ấn độ.

Hai thanh niên bèn hỏi Phật về con đường chân chính dẫn đến Phạm Thiên. Trước khi trả lời, Phật nêu thí dụ. Một người sống tại nơi mình sinh từ nhỏ đến lớn; nếu được ai hỏi đường đi đến chỗ đó, tất nhiên người ấy sẽ chỉ dẫn rành rẽ, không thể sai lạc được. Phật đối với Phạm Thiên cũng vậy.

Để có thể tái sinh lên Phạm Thiên, trước hết cần phải đồng tính với Phạm Thiên. Làm thế nào để trở thành đồng tính với Phạm Thiên? Phật giảng về sự tu tập bốn Phạm trụ (Brahmavihāra): từ, bi, hỷ, xả. Nếu ai thành tựu bốn vô lượng tâm này, sau khi chết chắc chắn tái sinh lên Phạm Thiên.

-ooOoo-

27. Kinh Sa-môn quả

[Pāli: Samññaphalasutta, D 2]

A-xà-thế (Ajātasattu) trước đây nghe lời xúi dục của Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) đã giết cha để cướp ngôi.

Vào một đêm rằm, trăng đẹp,vua ngự lên lầu cùng quần thần, thể nữ. Cảm hứng, vua hỏi tả hữu quần thần nên làm gì vào lúc đêm trăng đẹp như thế này. Tùy theo sở thích mỗi người đề nghị theo cách riêng của mình. Trong đó có nhiều người đề nghị đến thăm viếng và luận đạo với các Tông sư ngoại đạo hiện đang trú tại Vương xá thành, nổi tiếng bấy giờ gọi là Lục Sư. Vua im lặng. Cuối cùng, y sỹ Kì-bà đề nghị đến gặp Phật, bấy giờ đang ngụ tại vườn Xoài của ông. Vua nhận lời.

Với đoàn tùy tùng hộ giá, voi ngựa, rầm rộ kéo đến vườn Xoài. Đến cách vườn không xa, A-xà-thế bỗng cảm thấy kinh sợ, lông tóc dựng đứng. Y Sỹ Kì-bà trấn an vua, khuyến khích hãy tiến tới, sẽ được nhiều lợi ích. A-xà-thế kinh sợ và kinh ngạc vì sao một tập thể Tỳ-kheo đông như vậy trong khu vườn này, mà khu vườn hoàn toàn im lặng không một tiếng động?

Vua bước vào giảng đường. Phật ngồi giữa, chúng Tỳ-kheo vây quanh. Nhìn khung cảnh yên tĩnh, vua chợt cảm thán: “Mong sao thái tử Ưu-đà-di cũng được trầm lặng như vậy.”

Chào hỏi xong, A-xà-thế hỏi Phật: Mỗi người theo chức nghiệp của mình, thảy đều có kết quả hiện tại. Kết quả thiết thực hiện tại của sa-môn là gì?

Vua nói, trước đây đã từng đặt câu hỏi này với Lục Sư, nhưng không được hài lòng. Rồi lần lượt thuật lại những lần hội kiến ấy, với chi tiết đầy đủ về lập trường chủ trương của họ. Nhóm Lục Sư gồm có:

1. Phất-lan Ca diếp (Pūraṇa-kassapa), vớ chủ trương thuyết phi nghiệp hay vô tác (akiriyavāda), hành vi thiện hay ác không mang lại kết quả báo ứng gì.

2. Mạt-già-lê Câu-xá-lị (Makkhali-Gosāla), chủ trương đoạn diệt luận (ucchedavāda), không có đời sau, không có linh hồn các thứ. Nhưng theo bản Pāli, đoạn thuật trong Hán dịch là phần đoạn diệt luận của Ajita Kesakambali. Chủ trương của Makkhali Gosāla là thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsārasuddhi).

3. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la XE “A-kyø-ña Sí-xaù-khaâm-baø-la” (Ajita-Kesakambala), chủ trương đoạn diệt luận (ucchedavāda).

4. Bà-phù-đà Già-chiên-na (Pakudha- Kaccāyana), mà chủ trương theo Pali thuyết không biến chuyển (aviparriṇama), không có sáng tạo, không có bị tạo. Nhưng trong Hán dịch, chủ trương của ông là thuyết luân hồi tịnh hóa, đồng với phần đầu của Makkhali Gosāla được thuật trong Pāli.

5. Tán-nhã-di Tì-la-lê-phất XE “Taùn-nhaõ-di Tyø-la-leâ-phaát” (Sañjaya Balaṭṭhiputta), theo xu hướng hoài nghi, ngụy biện luận (amarāvikkhepika), trả lời vấn đề uốn lượn như lươn trườn.

6. Ni-kiền Thân Tử (Nigaṇṭha-Nāta-putta), theo bản Pāli, chủ trương bốn loại phòng hộ (cātuyāmasaṃvarasaṃvuto), nhưng trong Hán dịch không nêu chủ trương gì mà chỉ khẳng định “Tôi là bậc Nhất thiết trí” thấy tất cả, biết tất cả.

Sau cùng, A-xà-thế đặt lại câu hỏi với Phật: kết quả thiết thực hiện tại của sa-môn là gì?

Trước hết, Phật nêu hai trường hợp: một người nô tì của vua, và một người dân tự do khác; khi hai người này từ bỏ thế tục xuất gia học đạo, vua vẫn đối xử với họ như trước kia là nô tì và thuộc hạ của mình hay không? Vua đáp: Không; mà trái lại phải kính trọng họ.

Phật nói, đó là kết quả thiết thực hiện tại của sa-môn. Nhưng kết quả ấy dung tục. Còn có kết quả cao hơn nữa, vi diệu hơn nữa. Kết quả đó là gì? Bản Pāli tường thuật chi tiết, từ khi có Phật xuất thế, thiện gia nam tử phát tín tâm xuất gia, lần lượt thành tựu giới, căn luật nghi, cho đến chứng lậu tận trí. Chi tiết tương đương Hán dịch trong kinh A-ma-trú. Vì vậy, ở đây, bản Hán không lặp lại chi tiết nữa, mà chỉ tóm lược trong vài ba dòng.

Sau thời pháp, A-xà-thế tỉnh ngộ, tỏ bày sự hối hận về hành vi bạo nghịch giết cha trước đây, và phát tâm quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, thành người ưu-bà-tắc, rồi thỉnh Phật và Tăng vào vương cung để cúng dường.

Khi A-xà-thế đã đi rồi, Phật nói với các Tỳ-kheo, nếu trước kia vua không giết cha thì bây giờ đã có thể đắc Sơ quả.

-ooOoo-

28. Kinh Bố-tra-bà-lâu

[Pāli: Poṭṭhapādasutta, D 9]

Một ngoại đạo xuất gia, Phạm chí Bố-tra-bà-lâu (Poṭṭhapāda) thuật lại Phật nghe về tranh luận vừa xảy ra trong một buổi hội luận giữa các Phạm chí: nguyên nhân tưởng sinh và nguyên nhân tưởng diệt. Tưởng (saññā) đây là tưởng uẩn trong năm uẩn, là sở y của ngôn ngữ và tư duy. Từ vấn đề tưởng, liên hệ đến vấn đề tự ngã. Từ vấn đề tự ngã, liên hệ vấn đề tồn tại tự thân đồng thời và dị thời trong các giới hệ. Đó là ba đề tài trọng điểm của Kinh.

Về tưởng, Phật chỉ rõ nhân và duyên cho tưởng sinh và tưởng diệt. Nhận thức vấn đề này phải y cứ trên quá trình sinh và diệt của tưởng từ tán tâm đến định tâm qua các bậc thiền và định, cho đến cuối cùng tưởng hoàn toàn diệt trong tưởng thọ diệt tận định. Trong quá trình đó, bằng phương pháp nào mà hành giả diệt tưởng cấp thấp để làm phát sinh tưởng cấp cao hơn.

Chúng sinh được thấy là đang tồn tại tức đang sống vì nhận thấy có hoạt động của tưởng bất kể trong cấp bậc nào. Cho đến nhập tưởng thọ diệt, bấy gìơ tuy vẫn tồn tại nhưng nhìn bên ngoài thì như là đã chết. Vì vậy, tưởng liên hệ đến tự ngã. Nói cách khác, nếu không thấy dấu hiệu hoạt động của tưởng, không thể quan niệm được tồn tại của ngã. Do bởi tưởng sai biệt theo cấp bậc, hoạt động với đối tượng lớn hay nhỏ, cục bộ hay vô hạn, mà quan niệm về tự ngã cũng bất đồng theo. Có chủ trương thân tứ đại Dục giới là tự ngã; hoặc thân Dục giới thiên, hoặc Sắc, Vô sắc giới thiên là tự ngã. Phật nói, chỉ có thể biết rõ điều này nếu biết rõ tưởng sinh và tưởng diệt. Nhưng do tập quán dị biệt, xu hướng dị biệt, sở thích dị biệt, những Phạm chí như Bố-tra-bà-lâu không thể hiểu được vấn đề tưởng sinh tưởng diệt.

Do căn cơ hay thiên tính sai biệt như vậy, để có thể hiểu hay không hiểu vấn đề, cho nên Phật thuyết pháp có điều được ký thuyết, có điều không được ký thuyết. Đây là trọng điểm thứ hai của Kinh. Bản chất của vấn đề ngã hay vô ngã mà vì lý do thực tiễn được liệt vào mười bốn vô ký, là những vấn đề Phật không đề cập đến. Những vấn đề này bao gồm ngã và thế giới thường hay vô thường, hữu hạn hay vô hạn, tồn tại hay không tồn tại, đồng nhất dị biệt thân. Đó là vấn đề trọng yếu nhất trong các tranh luận tư tưởng giáo thuyết thời Phật, và cả sau này. Ngoại đạo thường công kích Phật vì không trả lời thẳng vấn đề. Các đệ tử Phật cũng có vị bất mãn vì Phật không trả lời vấn đề. Ở đây, Phật khẳng định, chỉ ký thuyết những gì hữu ích, dẫn đến diệt trừ hữu lậu, đạt đến giải thoát, Niết-bàn.

Nhân khi Bố-tra-bà-lâu thuật lại chỉ trích của các Phạm chí, Phật nêu lại bản chất của vấn đề: cái gì thực và cái gì hư dối? Ngã và thế giới thường hay vô thường, đời sau thuần khổ hay thuần lạc; những người tuyên bố quan điểm mà chưa hề chứng nghiệm điều mình tuyên bố, chẳng khác nào một người đàn ông khoe mình thông gian với một phụ nữ mà thực tế phụ nữ ấy không hề tồn tại. Nhưng, từ trên chính thân tứ đại này mà nhận thức đâu là thanh tịnh, ô nhiễm, là điều mà ai cũng có thể chứng nghiệm. Trừ ô nhiễm, được thanh tịnh, từ thấp lên cao, như quá trình tưởng sinh tưởng diệt qua các cấp, cho đến giải thoát, cứu cánh an lạc.

Đến đây, Tượng Thủ Xá-lợi-phất, nguyên là Tỳ-kheo đã hoàn tục, hỏi Phật về quan hệ tồn tại của tự thân và giới hệ. Vấn đề như sau: từ tự thân tứ đại thuộc Dục giới, tu tập thăng tiến lên các cấp cao, cùng với quá trình tưởng sinh tưởng diệt qua các bậc thiền định, khi tự thân Dục giới có đồng thời tồn tại với thân thuộc các giới hệ kia, Sắc và Vô sắc, hay không? Nhận thức được vấn đề sẽ có thể xác nhận điều nói rằng “Trong quá khứ tôi đã từng hiện hữu; không phải không hiện hữu. Trong vị lai, tôi sẽ sinh, chứ không phải không có; trong hiện tại, tôi đang tồn tại. Chứ không phải không có”.

Sau bài pháp này, phạm chí Bố-tra-bà-lâu xin xuất gia, và rồi bằng tinh cần tu tập cuối cùng ông đắc quả A-la-hán.

-ooOoo-

29. Kinh Lộ-già

[Pāli: Lohiccasutta, D 12]

Bà-la-môn Lộ-già (Lohicca) thỉnh Phật và Tăng về nhà cúng dường, nhưng lại có ác kiến này: “Các Sa-môn, Bà-la-môn đã tự mình chứng đắc thiện pháp rồi, không nên thuyết pháp cho người khác. Việc ấy chỉ là pháp tham ác. Như phá ngục cũ lại xây ngục mới.”

Người thợ hớt tóc được ông bà-la-môn sai đến Phật để báo giờ. Ông này thuật lại quan điểm ấy với Phậy, và thỉnh cầu Phật dứt trừ ác kiến.

Sau khi thọ thực xong, Phật thuyết pháp, hỏi lại ông bà-la-môn về quan điểm đã được thuật. Ông bà-la-môn xác nhận đó là sự thật.

Trước hết, Phật nêu có ba hạng tôn sư ở đời đáng bị chỉ trích, theo quan điểm của Lộ-già.

Hạng thứ nhất, đạo nghiệp chưa thành mà lại đi thuyết pháp. Thầy ấy không được đệ tử tôn kính. Thầy trò chỉ nương nhau để sống mà thôi. Hạng thầy này hoàn toàn chưa chứng được pháp thiện cũng chưa diệt được phiền não mà lại đi thuyết pháp, chẳng khác nào phá ngục cũ mà xây ngục mới. Đó là pháp tham ác.

Hạng thứ hai, tuy chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp vẫn chưa thành tựu mà lại đi thuyết pháp. Cũng chẳng khác nào xoa lưng cho người mà thôi. Đó là pháp tham ác.

Hạng thứ ba, tuy đầy đủ pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp chưa thành tựu hoàn toàn. Lợi mình chưa thành, lại đi thuyết pháp. Chẳng khác nào bỏ cỏ ruộng mình mà đi cày ruộng cho người khác. Đó là pháp tham ác.

Nhưng có hạng Tôn Sư bậc nhất, vị ấy thành tựu Chính giác, đầy đủ Minh Hành. hạng Tôn Sư ấy thuyết pháp để dẫn người chứng đắc bốn Thánh quả. Nói cách khác, Ngài đã hoàn thành tự lợi, rồi lại thuyết pháp lợi người. Ai ngăn vị ấy thuyết pháp, cản người nghe pháp vị ấy thuyết, người này có tâm bất thiện, sẽ tái sinh vào cõi khổ. Cũng như vua Ba-tư-nặc xuất tài sản vương gia mà chu cấp cho người khác; ai cản trở vua làm việc này là bất thiện. Cũng như bà-la-môn muốn xuất của cải riêng của mình để cung cấp cho người, ai cản trở, người ấy bất thiện. Người có tâm bất thiện tất sẽ đọa đường dữ.

Sau bài pháp, Lộ-già từ bỏ ác kiến.

-ooOoo-

30. Kinh Thế ký

[Không có Pāli tương đương]

Kinh này dài nhất trong toàn bộ Trường A-hàm, chiếm khoảng một phần, gồm năm quyển Hán dịch, từ quyển 18 đến 22. Về nội dung, có thể được xem quảng diễn chi tiết Kinh Tiểu duyên mà tương đương Pāli là Aggaññasutta, D 27. trong Kinh có nhiều chi tiết có thể được tìm thấy trong văn hiến Pāli, nhưng cũng có rất nhiều chi tiết chưa tìm thấy. Những chi tiết này có thể là những mẫu thần thoại được lưu truyền tại các vùng dân tộc mà các vị truyền kinh thuộc Thượng tọa bộ Pāli không có quan hệ hay biết đến. Tuy thoạt nhìn sơ khởi, nhiều chi tiết của Kinh mang nhiều tính chất thần thoại hoang đường, nhưng dưới con mắt của nhà thần thoại học, chúng chứa đựng những ký ức lịch sử của mỗi dân tộc, cung cấp khá phong phú nguồn tài liệu về thời cổ đại, và lên đến các thời tiền sử, của loài người.

Nội dung toàn bộ kinh có thể được chú trọng trên hai điểm:

– Thế giới quan Phật giáo, qua các chu kỳ sáng thế và tận thế, tức trải qua các thời thành kiếp, trung kiếp rồi hoại kiếp. Thế giới quan này bao gồm thiên nhiên, gọi là khí thế gian, và sinh vật tồn tại trong đó, gọi là hữu tình thế gian. Thế giới như vậy trải qua các chu kỳ thành, trụ, hoại, không; rồi lại thành trụ, hoại không; tiếp diễn bất tận; như bánh xe quay liên tục.

– Thế giới như vậy tùy theo trình độ cảm thọ lạc và khổ mà được phân thành nhiều cấp, mà ta có thể gọi nhiều tầng sinh thái khác nhau. Thấp nhất là các địa ngục thuần khổ và cùng cực khổ, cao nhất là chư thiên thuần lac, cho đến cùng cực lạc. Không gian cho các giai tầng sinh thái ấy trải rộng theo nhiều chiều, gọi là mười phương thế giới, mà số lượng trong một phạm vi cõi Phật là ba nghìn đại thiên thế giới: một nghìn thế giới với một mặt trời, mặt trăng là một tiểu thiên. Một nghìn tiểu thiên họp thành một trung thiên. Một nghìn trung thiên họp thành một đại thiên. Trong các cõi và các giai tầng tồn tại, tuổi thọ lấy theo nhân loại làm chuẩn thì dài đến vô lượng, kéo dài đến gần con số vô cùng. Với thời gian vô tận và không gian vô biên từ điểm đứng của loài người mà nhìn như vậy, nhưng tất cả đều phải chịu quy luật vô thường, biến dịch. Sinh lên cõi trời cao nhất, hay đọa xuống địa nguc đau khổ nhất với tuổi thọ cực kỳ lâu để thọ lạc hay thọ khổ, nhưng từ chỗ cực cao rồi sẽ rơi xuống, từ chỗ cực thấp rồi sẽ cất lên; thăng trầm bất định. Đó là ý nghĩa của tồn tại. Thấy như vậy mà tỉnh ngộ để biết con đường xuất ly, tìm cầu giải thoát cho mình và cho người. Đó là điều mà Kinh thường xuyên nhắc, sau mỗi khi kể về một biến cố của thế giới.

Kinh chia làm 12 phẩm:

1. Phẩm Diêm-phù-đề:

Lấy chuẩn từ vùng Ngũ hà, tạm gọi là khu vực khởi điểm văn minh Ấn độ, lần xuống phương nam là châu Diêm-phù-đề. Theo Kinh kể, nói phía nam là chỉ vị trí ở phía nam núi Tu-di. Gọi là Diêm-phù, vì vùng đất này mọc lên rất nhiều rừng cây diêm-phù mà tiếng Phạn nói là jambu. Nếu theo mô tả của Kinh thì cây này chỉ có trong thần thoại. Nhưng theo thực tế, thì đây có thể là loại cây hồng táo, tìm thấy tại các vùng nhiệt đới, nhiều nhất là ở Ấn độ, Pakistan, và Nam Á.

Liên hệ với châu Diêm-phù-đề, phía đông có Phất-vu-đãi, mà nguyên gốc Sanskrit của nó là Pūrvavideha, tương đương Pāli là Pubbavideha; dịch nghĩa là Đông Thắng thân, là châu lục mà ở đó con người có thân hình đẹp đẽ.

Phía tây có châu Cù-đa-ni, mà Sanskrit là Godānīya. Pāli cũng đồng. Dịch là Ngưu hóa châu. Hóa ở đây có nghĩa là hóa vật, tức vật ngang giá dùng trong giao dịch. Nói cách khác, ở đây, tài sản được tính bằng trâu bò.

Với mỗi châu, Kinh mô tả chi tiết hình dáng, diện tích, khí hậu, sản vật, con người. Vị trí của các châu này đều lấy núi Tu-di làm tâm điểm.

2. Phẩm Uất-đan-viết:

Nói riêng về châu lục phía bắc Tu-di. Phổ thông trong văn hệ Hán, châu này được phiên là Bắc Câu-lâu, mà Sanskrit là Uttara-Kuru, chỉ vùng đất phía bắc KuruKuru là một trong 16 vương quốc lớn trong thời Phật, thường được nhắc đến trong các Kinh. Tuy vậy, theo đại thể, Kuru ở đây hẳn là một vương quốc thần thoại, và Bắc Kuru cũng là vùng đất thần thoại, có thể tận phía bắc ngoài dãy Thông lĩnh. Xa hơn nữa, về lịch sử, có thể là vùng đất ở phía bắc các thành bang Sumeria cổ đại.

Châu này được kể riêng vì sinh hoạt xã hội ở đây khác hẳn ba châu kia. Trong châu này, hoàn toàn chưa có hình thức sinh hoạt sản xuất. Thực phẩm, có loại lúa tự nhiên không cần gieo trồng. Về y phục, có loại cây tự nhiên sản xuất ra áo quần, ai cần thì đến lấy. Các dụng cụ khác như chén bát, đàn địch, hương liệu, cũng được cung cấp tự nhiên như vậy. Dân ở đây không có khái niệm về gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Trai gái thích nhau, dẫn vào chỗ khuất nào đó, rồi chia tay. Trẻ nít mới sinh, bỏ giữa đường, mọi người đi ngang qua, chăm sóc nó. Không có các tội ác như giết nhau, trộm cắp, nói dối; nghĩa là không hề có khái niệm về đạo đức. Vì vậy, ở đó không hề biết Phật pháp. Ngay cả các thuyết ngoại đạo, ở đây cũng không biết. Ở đây cũng không có các thứ bịnh tật như ba châu kia, cho nên ai cũng sống hết thọ lượng của mình, không có chết yểu.

3. Phẩm Chuyển luân thánh vương:

Chuyển luân Thánh vương chỉ xuất hiện trong châu Diêm-phù, nhưng chinh phục luôn cả ba châu kia, và như vậy thống trị cả bốn châu thiên hạ. Chi tiết về thành lập đại đế quốc này, với đời sống sung túc thịnh vượng, như được kể trong Kinh Chuyển luân vương nói về vua Đại Thiện Kiến (Mahāsudassana) ở phần trước.

4. Phẩm Địa ngục:

Bên ngoài bốn châu thiên hạ bao bọc bởi một dãy núi Đại kim cang. Ngoài dãy này lại bao thêm một dãy núi Đại kim cang nữa. Khoảng trung gian hai dãy núi là vùng không gian tối mịt, không ánh sáng nào có thể lọt vào. Dù đại thiên thần có đại uy lực cũng không rọi ánh sáng vào đó được. Tại đó có tám địa ngục lớn, nơi chỉ thuần khổ, không hề có chút lạc. Chung quanh mỗi địa ngục lớn có 16 địa ngục nhỏ. Kinh mô tả chi tiết các hình thức thọ khổ của các chúng sinh trong các địa ngục này.

5. Phẩm Long điểu:

Về các loại rồng và quái điểu. Từ mà ta quen gọi rồng, Sanskrit nói là nāga, cũng thường chỉ các loại rắn lớn như mãng xà hay rắn thần. Có khi chỉ loại voi có thân hình to lớn. Ta cũng có thể xem các loại rồng hay nāga này là các khủng long cổ đại. Chúng được chia làm bốn loại: loại sinh từ trứng, sinh từ bào thai, sinh bởi thấp khí, và sinh bởi biến thái. Các loại rồng này đều sồng dưới đáy biển.

Các quái điều là garuda, kim súy điểu, chim cánh vàng. Chúng cũng gồm bốn loại: noãn, thai, thấp, hóa như loài rồng. Chúng sống ở bờ biển phía bắc, trên một đại thụ. Thực phẩm của các quái điểu cánh vàng là rồng. Quái điểu thai sinh chỉ có thể bắt loại rồng thai sinh mà ăn thịt. Các loại kia cũng vậy.

6. Phẩm A-tu-la:

Các a-tu-la sống trong biển bắc của Tu-di. Cung điện, thành quách, được mô tả cũng gần như trên trời Đao-lị. Trong hàng Dục giới, các A-tu-la thường được xếp sau chư thiên vì sức mạnh ngang với chư thiên Đao-lị. Nhưng vì cấp thọ lạc, có khi bị xếp xuống cấp dười loài người, vì chúng là loài nhiều sân hận, thường bị hành hạ bởi sự sân hận của mình. Trong các thủ lãnh A-tu-la có thủ lãnh tên là La-hầu (Rahū); mỗi khi thịnh nộ, lấy tay che mặt trời mặt trăng khiến sinh hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực.

7. Tứ thiên vương:

Trên A-tu-la một bậc là cõi trời Tứ thiên vương (S. Catūrmahārājakāyika-devā; P. Catummahārājikā), được ngự trị bởi bốn vị Hộ thế thiên vương. Mỗi vị trấn một góc Tu-di để bảo vệ trời Đao-lị ngăn quân A-tu-la kéo lên tấn công.

8. Phẩm Đao-lị thiên:

Đao-lị là phiên âm (S. Trāyastriṃśa; P. Tāvatiṃsa), dịch là Tam thập tam thiên, là cõi trời thứ hai thuộc Dục giới, được ngự trị bởi 33 vị Thiên vương mà đứng đầu là Thiên đế Thích. Cõi trời này ở ngay trên đỉnh Tu-di.

Trong cõi này, có rất nhiều cung điện, thành quách. Trung tâm là Thiện pháp đường (P. Sudhammā-sālā XE “Sudhammaø-saølaø” , S. Sudharmā devasabhā), là Hội trường của chư thiên, nơi tập họp nghị sự của chư thiên Đao-lị. Vị trí ở trong thành Thiện kiến, là nội thành của Thiên đế. Phía Bắc Thiện pháp đường là cung điện riêng của Thiên đế. Chung quanh có các khu vườn dành cho các đẳng cấp thiên thần khác nhau vào thưởng ngoạn, hưởng lạc. Khoảng giữa các khu vườn có cây đại thọ gọi la cây Trú độ, nghĩa đen là đo bóng ngày. Nó là một loại thời khắc kế của chư thiên. Gốc Sanskrit của nó Pārijātaka (P. Pāricchattaka). Trong Câu-xá, Huyền Trang dịch là Viên sinh thọ.

Kinh cũng tường thuật chi tiết sinh hoạt của chư thiên ở đây, nói về các thú vui, về lượng tuổi thọ v.v…

9. Phẩm Tam tai:

Nói về ba tai kiếp, ba kiếp tai họa, hay ba chu kỳ dẫn đến hủy diệt thế giới hoàn toàn.

Thứ nhất, tai kiếp lửa.

Mỗi tai kiếp gồm hai phần, phần đầu là sự biến mất của các chúng sinh ở những cấp mà tai kiếp sẽ xảy ra. Tai kiếp thứ nhất hủy diệt toàn bộ địa ngục, lên cho đến toàn bộ Sơ thiền bao gồm cả Phạm thiên giới. Các chúng sinh địa ngục dần dần thọ hết tội báo, hoặc tái sinh lên làm người, hoặc sinh lên cao hơn. Những nghiệp dẫn tái sinh các cõi thấp từ súc sinh xuống đến địa ngục, nếu còn lại, gọi là túc tàn nghiệp, thì chúng bấy giờ do nhân duyên cộng nghiệp nên không hiện hành; tất nhiên là không bị mất hẵn. Bấy giờ thế gian chỉ có từ cõi người trở lên. Trong đó, hết thảy đều tu tập, và chứng các bậc từ Nhị thiền trở lên. Tất cả loại nghiệp từ Sơ thiền trở xuống đều không hiện hành. Do đó, khi các chúng sinh này mạng chung thảy đều tái sinh từ các cõi thuộc Nhị thiền trở lên. Cho đến lúc, toàn bộ thế giới hữu tình từ Sơ thiền trở xuống biến mất. Bấy giờ bắt đầu phần hai của tai kiếp.

Quả đất bị hâm nóng bởi bảy mặt trời lần lượt xuất hiện. Trước hết do một trận đại cuồng phong làm lệch quỹ đạo mặt trời, khiến cho hai mặt trời xuất hiện, rồi ba, cho đến bảy. Sông ngòi khô cạn, rồi nước biển cạn cho đến khô kiệt. Rồi quả đất bốc cháy. Lửa thiêu hủy lên đến cõi Phạm thiên, ngưng lại phía dưới Quang âm thiên. Một thời gian lâu dài về sau, thế giới được phục hồi, từ cõi Phạm thiên trở xuống được cấu tạo trở lại. Các chúng sinh từ các cõi trời trên, khi phước tận, hành tận, chết ở đó, và do túc tàn nghiệp trước kia còn lại bây giờ hiện hành để dẫn tái sinh trở lại các cõi dưới. Thế giới hữu tình bắt đầu phục hồi, từ Sơ thiền, xuống đến địa ngục.

Đó là chu kỳ hủy diệt thứ nhất, do bởi lửa.

Thứ hai, do bởi nước.

Cũng chia làm hai phần như trên. Tai kiếp lần này hủy diệt lên đến toàn bộ Nhị thiền. Các chúng sinh lần lượt tái sinh lên các cõi Tam thiền hoặc cao hơn. Từ Nhị thiền trở xuống, thế giới hữu tình trống không. Sau đó một đám mây đen lớn tụ lại, đổ mưa xuống khắp nơi. Nước nóng như đun sôi, làm tiêu chảy hết các thứ đá, sắt thép, cho đến cả kim cang. Tất cả thiên cung cũng tiêu rụi, cho đến khi toàn bộ khí thế gian từ Nhị thiền trở xuống tiêu hủy sạch hết. Cũng như trước, một thời gian sau, thế giới bắt đầu được tái tạo, toàn bộ từ Nhị thiền xuống đến các tầng địa ngục. Do túc tàn nghiệp, các chúng sinh lần lượt tái sinh xuống, cho đến địa ngục. Như thế là tròn một chu kỳ hủy diệt thứ hai do bởi nước.

Thư ba, do bởi gió.

Chu kỳ này hủy diệt lên đến toàn bộ các cõi Tam thiền. Các chúng sinh lần lượt tái sinh lên Tứ thiền. Sau đó, một cơn lốc vũ trụ gọi là gió đại tăng-già nổi lên, xoáy mọi vật, từ các thiên cung, cho đến núi non, va chạm nhau, nghiền nát lẫn nhau, cho đến tất cả trở thành tro bụi. Gió thổi đám tro bụi bay tứ tán không còn dấu vết gì, thế giới hoàn toàn trống rỗng. Một thời gian lâu dài về sau nữa, thế giới bắt đầu phục hồi. Cũng như các lần tai kiếp trước, thiên giới và địa ngục lần lượt tràn đầy các hạng chúng sinh. Chu kỳ hủy diệt thứ hai hoàn tất.

10. Phẩm Chiến đấu:

Tường thuật các trận chiến giữa chư thiên Đao-lị và A-tu-la. Trước kia, cõi Đao-lị là thế giới của A-tu-la. Sau đó, 33 chúng sinh do phước báo rất lớn từ cõi người tái sinh lên. Do phước báo lớn, nên uy lực ngang với các thủ lãnh A-tu-la. Giai đoạn đầu, hai bên sống chung hòa bình. Nhưng A-tu-la thường buông trôi trong say sưa, phóng dật. Do đó, vào một dịp, khi các A-tu-la uống rượu say, 33 thiên thần này bèn hợp lực trói chúng lại, liệng xuống biển bắc. Sau đó, họ chiếm lĩnh Đao-lị, sắp đặt các đội quân bố phòng.

Các thủ lãnh A-tu-la sau khi tỉnh rượu, bèn tập hợp lực lương để chiếm lại Thiên cung. Trước khi đổ bộ lên đất liền chúng đụng độ với lực lương phòng thủ thứ nhất của Đế Thích là loài rồng, do Long vương Bạt-nan-đà chỉ huy.

Khi tuyến phòng thủ thứ nhất bị vỡ, Long vương dẫn quan rút lui về tuyến thứ hai hợp lực với quân Ca-lâu-la, tức kim súy điểu, ngăn chặn. Khi tuyến phòng thủ này cũng bị vỡ, các quỷ thần lại rút lui về tuyến thứ ba trấn bởi các quỷ thần Trì hoa, rồi lui về tuyến thứ tư trấn bởi các quỷ thần Thường lạc.

Tuyến cuối cùng bảo vệ cung thành của Đế Thích, trấn giữ bởi bốn vị Đại thiên vương. Nếu quan của Tứ Đại thiên vương cũng không đủ lực đẩy lui A-tu-la trở xuống biển, Thiên đế Thích đích thân lâm chiến. Ông cầu viện trợ lên các cõi trời trên, cho đến trời Tha hóa tự tại.

Đế Thích trực tiếp điều quân đánh nhau với A-tu-la, nhưng chống không lại, bèn rút lui tháo chạy. Quân A-tu-la đuổi theo truy kích. Khi xe Đế Thích tháo chạy đến gần một gốc cây trên đó có tổ chim con. Vì ông giữ giới bất sát, không thể làm hại chim con. Nếu kéo cả đoàn quân chạy ngang qua tổ chim sẽ bị rơi và chim con sẽ chết. Suy nghĩ như vây, Đế Thích liều bảo quân hộ giá quay xe trở lại chiến đấu. Đoàn quân A-tu-la đang đuổi theo, chợt thấy xe Đế Thích quay trở lại, tưởng là mình đã lọt vào ổ phục binh, chúng hoảng sợ, quay lại tháo chạy. Quân của Đế Thích nhân cơ hội, quay lại phản công. Cuối cùng bắt sống được thủ lãnh A-tu-la, trói dẫn về thiên cung.

Vì chỉ muốn hòa bình, Đế Thích bèn tổ chức hội luận với thủ lãnh A-tu-la, về công lý chiến tranh và hòa bình. Cuối cùng, Đế Thích lại chiến thắng trong luận chiến, Au-tu-la không còn cớ gây chiến nữa.

Kinh kết luận: Chư thiên và A-tu-la đánh nhau, là do bởi dục vậy.

11. Phẩm Ba trung kiếp:

Giữa thành kiếp và hoại kiếp, những chu kỳ tiến hóa và suy thoái của chúng sinh, lấy nhân loại làm tâm điểm, gọi là các trung kiếp. Mỗi trung kiếp được đánh dấu bằng sự kiện tăng hay giảm của tuổi thọ. Thoạt đầu, tuổi thọ trung bình nhân loại cực lâu là 8 vạn tuổi, giảm dần cho đến tuổi thọ trung bình chỉ còn 10 tuổi. Tuổi thọ càng giảm, sự phát triển về các mặt sinh dục và trí lực càng nhanh. Đó là một trung kiếp. Rồi từ 10 tuổi, tăng dần lên đến 8 vạn tuổi, như vậy hết một kiếp. Từ kiếp thành cho đến kiếp hoại, tựu trung có 20 đợt tăng giảm như vậy.

Khi kiếp giảm đến tuổi thọ trung bình chỉ 10 tuổi, đao binh tai nổi lên.Trong tâm mỗi con người bấy giờ chỉ độc nhất một niệm ác là giết. Cho nên, gặp ai là giết, như thợ săn gặp nai trên rừng. Ngọn cỏ lá cây đều biến thành vũ khí giết người lợi hại.

Phần lớn nhân loại bị tiêu diệt bởi đại họa này. Một số ít còn sống sót. Bấy giờ xảy ra tật dịch tai. Có lẽ do tàn sát nhau, chết nhiều quá không chôn cất hết, môi trường trở thành kịch độc, nên tật dịch lây nhiễm khởi lên, giết thêm hàng loạt con người nữa.

Số ít còn lại, có lẽ do bởi chiến tranh và tật dịch, nên thực phẩm trở thành khan hiếm, nạn đói xảy ra, giết thêm hàng loạt con người nữa.

Số ít còn lại bắt đầu tỉnh ngộ. Hoặc số ác tâm đã tàn sát lẫn nhau sạch hết rồi, số thiện ít ỏi còn lại trốn thoát các tai họa. Họ khuyến khích nhau tu thiện. Do thiện nghiệp được tích lũy, tuổi thọ càng lúc càng tăng, cho đến 8 vạn như trước kia.

Hết chu kỳ giảm rồi lại tăng. Hết chu kỳ tăng như vậy rồi lại giảm. Khi tăng tối đa, con người vì sung sướng quá, buông lung, dần dà quên mất tu thiện nên thoái hóa, đọa lạc. Cho đến giới hạn chót, lại hồi tỉnh, tu tập trở lại. Như vậy là vòng quay của thiện ác, tạo thành vòng quay của thế giới, sinh thành rồi hủy diệt. Diệt rồi lại sinh, lưu chuyển bất tận.

Tuy nhiên, chu kỳ tam tai kể trên không thống nhất trong các kinh luận. Chủ yếu có hai giải thích. Hoăc cả ba tai xảy ra liên tiếp trong một trung kiếp, đặc trưng là trung kiếp giảm. Hoặc cách khác, mỗi trung kiếp đặc trưng bởi tai họa, do đặc trưng bởi hoặc sân nhiều thì sinh đao binh tai; si nhiều thì sinh tật dịch tai; tham nhiều thì sinh cơ cẩn tai, đói kém. Tuy nhiên, những bất đồng này không quan trọng. Kinh điển chỉ cốt nhấn mạnh đến ý nghĩa vô thường, biến dịch, và sự thăng tiến hay thoái hóa do nguyên nhân thời đại của con người.

12. Phẩm Thế bản duyên:

Nội dung phẩm này gần đồng nhất với Kinh Tiểu duyên, chỉ có thuật chi tiết hơn. Như sự hình thành núi Tu-di, bốn châu thiên hạ. Nhưng cũng không chi tiết hơn các phẩm trên, mà chỉ chú trọng vào sự phát sinh và tiến hóa của con người và xã hội loài người, từ khởi thủy cho đến thời đức Thích Tôn.

Kinh cũng thiết lập phả hệ truyền thừa các đời vua, kể từ vị đầu tiên do dân bầu gọi là Đại bình đẳng chủ, truyền cho đến thời vua Tịnh Phạn và Thái tử Bồ tát Tất-đạt-đa và cuối cùng là La-hầu-la; nghĩa là phả hệ của dòng họ Thích của đức Thích Tôn.
Phật Việt, http://www.phatviet.com

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 105

Post Views: 507