Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa[2].
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên[3] nói với các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo thỉnh cầu[4] các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các ngài nói với tôi, chỉ giáo tôi, ha trách tôi, xin đừng cật nạn tôi’. Vì sao vậy? Này chư Hiền, hoặc có một người hay có lời nói cộc[5], mang bản tánh nói cộc và do bản tánh nói cộc này mà các vị phạm hạnh không nói tới, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy[6].
“Này chư Hiền, thế nào là bản tánh nói cộc, mà nếu ai có bản tánh nói cộc, các vị phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy?
“Này chư Hiền, ở đây có người có ác dục và nhớ nghĩ đến dục[7]. Này chư Hiền, nếu là người có ác dục và nhớ nghĩ đến dục thì đó là bản tánh nói cộc. Cũng như thế, nhiễm và hành nhiễm[8], cố ý phú tàng[9], lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý [10], nói lời phẫn nộ, ha trách Tỳ-kheo ha trách[11], ha trách Tỳ-kheo khinh mạn[12], ha trách Tỳ-kheo phát lồ, nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. Chư Hiền nếu ai người vong ân, không biết ân, thì đó là người có bản tánh cộc. Này chư Hiền, đó là những bản tánh khiến nói cộc. Nếu ai có bản tánh nói cộc, các vị phạm hạnh không nói với, không chỉ giáo, không ha trách, trái lại cật nạn người ấy.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo hãy tự tư lương[13]. ‘Chư Hiền, nếu ai có ác dục, niệm dục thì tôi không ưa thích người đó và nếu tôi có ác dục, niệm dục thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy.
“Cũng như thế, ai nhiễm và hành nhiễm, cố ý phú tàng, lường gạt dối trá, xan tham, tật đố, vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý, nói lời phẫn nộ, ha trách Tỳ-kheo ha trách, ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, ha trách Tỳ-kheo phát lồ, nói lãng ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu ai vong ân, không biết ân thì tôi không ưa thích người ấy, và nếu tôi vong ân, không biết ân thì người ấy cũng chẳng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo hãy quán sát như vậy, không hành sự vong ân không biết ân. Nên học như vậy.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo không thỉnh cầu các Tỳ-kheo rằng: ‘Xin các ngài nói với tôi, chỉ giáo tôi, ha trách tôi, đừng cật nạn tôi’. Vì sao vậy? Chư Hiền, hoặc có một người dễ nói, đầy đủ bản tánh dễ nói[14], và do đầy đủ bản tánh dễ nói nên các bậc phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó.
“Này chư Hiền, thế nào là bản tánh dễ nói? Nếu có người đầy đủ bản tánh dễ nói thì các vị phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó. Chư Hiền, hoặc có người không ác dục, không niệm dục, đó là bản tánh dễ nói. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không ha trách Tỳ-kheo ha trách, không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, không ha trách Tỳ-kheo phát lồ, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. Chư Hiền, nếu ai không vong ân không biết ân, đó là có bản tánh dễ nói. Chư Hiền, đó là những bản tánh khiến dễ nói. Nếu ai đầy đủ bản tánh dễ nói thì các vị phạm hạnh khéo nói với, khéo chỉ giáo, khéo ha trách và không cật nạn người đó.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo nên tự tư lương. ‘Chư Hiền, ‘nếu có người không ác dục, không niệm dục, thì tôi ưa thích người đó; và nếu tôi không ác dục, không niệm dục thì người đó cũng ưa thích tôi’, Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không hành ác dục, không niệm dục. Nên học như vậy. Cũng như thế, không nhiễm và hành nhiễm, không cố ý phú tàng, không lường gạt dối trá, không xan tham tật đố, không vô tàm vô quý, không sân tệ ác ý, không nói lời phẫn nộ, không ha trách Tỳ-kheo ha trách, không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, không ha trách Tỳ-kheo phát lồ, không nói lãng ngoài đề để tránh né, không che giấu và hờn giận, không thù ghét phừng phực, không bằng hữu ác đồng bọn ác, không vong ân không biết ân. ‘Chư Hiền, nếu có người không vong ân không biết ân thì tôi thích người đó, và nếu tôi không vong ân không biết ân thì người đó cũng ưa thích tôi’. Tỳ-kheo nên quán sát như vậy, không vong ân không biết ân. Nên học như vậy.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát như vầy[15]: ‘Ta có ác dục, niệm dục hay không có ác dục, niệm dục?’ thì chắc chắn có nhiều lợi ích.
“Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không thể vui mừng. Do đó mong cầu đoạn trừ dục.
“Này chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, niệm dục tức thì vui mừng, rằng: ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.
“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì vui mừng rằng: ‘Mặt ta sạch’, nên vui mừng. Chư Hiền, cũng như vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không vui mừng và mong cầu đoạn trừ dục. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có ác dục, niệm dục thì vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’ nên vui mừng. Cũng như thế, ta nhiễm và hành nhiễm hay không nhiễm và hành nhiễm? Cố ý phú tàng hay không cố ý phú tàng? Lường gạt dối trá hay không lường gạt dối trá? Xan tham tật đố hay không xan tham tật đố? Vô tàm vô quý hay không vô tàm vô quý? Sân tệ ác ý hay không sân tệ ác ý? Nói lời phẫn nộ hay không nói lời phẫn nộ? Ha trách Tỳ-kheo ha trách hay không ha trách Tỳ-kheo ha trách? Ha trách Tỳ-kheo khinh mạn hay không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn? Ha trách Tỳ-kheo phát lồ hay không ha trách Tỳ-kheo phát lồ? Nói lãng ngoài đề để tránh né hay không nói lãng ngoài đề để tránh né? Che giấu và hờn giận hay không che giấu và hờn giận? Thù ghét phừng phực hay không thù ghét phừng phực? Bằng hữu ác và đồng bọn ác hay không bằng hữu ác và đồng bọn ác? Vong ân không biết ân hay không vong ân không biết ân? Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ‘ta có vong ân không biết ân’ thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.
“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì được vui mừng rằng ‘Mặt ta sạch sẽ’, cho nên vui mừng. Chư Hiền, cũng vậy, nếu khi Tỳ-kheo mà biết được ta có vong ân không biết ân, thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học tôn pháp’, cho nên vui mừng. Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an[16] nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh’.”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói như vậy, các thầy Tỳ-kheo nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích
[1] Bản Hán, quyển 23. Tương đương Pāli M.15. Anumāna-suttaṃ. Hán, tham chiếu No.50.
[2] Bản Pāli tương đương không có đoạn này.
[3] Bản Pāli: āyasmā moggallāno bhaggesu viharati suṃsumāragire, lúc bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền kiên trú ở giữa những người Bhagga, trong núi Suṃsumāra.
[4] Hán: thỉnh 請. Pāli: pavāreti: tự tứ.
[5] Hán: lệ ngữ, lệ ngữ pháp 戾語法. Pāli: dubbaca, dovacassakaraṇa dhamma.
[6] Có lẽ ở đây có một chi tiết liên hệ luật Tỳ-kheo, bị yết-ma mặc tẩn vì đều được gọi là “ác tính bất thọ nhân ngữ” (ngoan cố không nghe lời khuyên của các Tỳ-kheo) nên không được các Tỳ-kheo chấp nhận tự tứ. Bản Pāli: pavāreti… Bhikkhu vadantu maṃ āyasmanto vacanīyomhi āyasmantehi…atha kho naṃ sabrahmacārī na ceva vattabbaṃ maññanti, Tỳ-kheo thỉnh nguyện (tự tứ): chư Trưởng lão hãy nói với tôi; tôi cần được chư Trưởng lão nói… nhưng các đồng phạm hạnh nghĩ rằng vị ấy không đang được nói tới.
[7] Ác dục niệm dục 惡欲欲念. Pāli: pāpiccho hoti pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃgato, là người có ác dục, bị chi phối bởi ác dục.
[8] Nhiễm hành nhiễm 染行染; có lẽ Pāli: attukkaṃsako paravambhī, khen mình che người.
[9] Bất ngữ kết trụ 不語結住; có lẽ Pāli: makkhata (xem kinh 122).
[10] Sân tệ ác ý 瞋弊惡意; có lẽ Pāli: kodhahetu upanāhī, do nóng giận mà ôm lòng cừu hận.
[11] Ha Tỳ-kheo ha 訶比丘訶. Pāli: codito codakena codakṃ paṭipphareti, bị nêu tội kích ngược lại người nêu tội.
[12] Ha Tỳ-kheo khinh mạn 訶比丘輕慢, có lẽ Hán văn dịch đảo ngữ nên phải hiểu ngược lại. Pāli: codakaṃ apasādeti, khinh dễ người nêu tội.
[13] Pāli: attanāva attānaṃ evaṃ anuminitabbaṃ, nên tự mình suy xét về mình như vầy.
[14] Thiện ngữ, thành tựu thiện ngữ pháp 善語成就善語法. Pāli: so ca sovaco hoti, sovacassakaraṇehi samannāgato.
[15] Pāli: attanāva attānaṃ evaṃ paccavekkhitabbaṃ, tự mình phản tỉnh về mình như vầy.
[16] Hán: chỉ thân 止身.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 15