Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế [2] trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc [3] trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.
“Thế nào là không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm?
“Ở đây có một hạng người nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín [4] . Nếu hạng người nào nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Đó gọi là không nhổ sạch loại tâm tạp uế thứ nhất, nghĩa là đối với Thế Tôn.[5] Cũng vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn, [6] hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi mà sân nhuế, mạ lỵ, lăng nhục, xúc não, xâm hại, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín, đó là loại tâm tạp uế thứ năm không được nhổ sạch, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hanh.
“Thế nào là không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm?
“Ở đây có một hạng người thân chưa ly nhiễm, chưa ly dục, chưa ly khát, chưa ly ái. Nếu ai thân chưa ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải [7] trong nỗ lực tinh tấn,[8] và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ nhất, nghĩa là nơi thân.
“Lại nữa, nếu ai đối với dục mà không ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, vị ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ hai, nghĩa là nơi dục.
“Lại nữa, có một hạng người, đối với điều được nói tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái mà nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về sự thiếu dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa nói về duyên khởi; những điều như vậy được Tỳ-kheo hay Sa-môn nói, nhưng tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải, không tinh tấn, không tĩnh tọa, đó gọi là loại tâm phược thứ ba, nghĩa là đối với thuyết.
“Lại nữa, thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi. Nếu ai thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh cần và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa, thì đó gọi là loại tâm phược thứ tư, nghĩa là đối với sự tụ hội.
“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến, người đấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa, đó gọi là tâm phược thứ năm, nghĩa là đối với sự thăng tiến.
“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp tất thối vậy.
“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh.
“Thế nào là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm? Ở đây có một hạng người không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Nếu ai không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín, đó là hạng người thứ nhất vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn. Hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh được Thế Tôn khen ngợi mà không sân nhuế, không lăng nhục, không xúc não, không sân hại, có ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo nhổ sạch tạp uế trong tâm, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hạnh.
“Thế nào là khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm?
“Ở đây có một hạng người thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ nhất khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, nghĩa là đối với thân.
“Lại nữa, đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần, tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ hai khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với dục vậy.
“Lại nữa, có một hạng người, đối với những điều được thuyết giảng, tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái, nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về đoạn trừ, nói về vô dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi, những điều như vậy được thuyết giảng bởi Sa-môn hay Tỳ-kheo, mà người ấy tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ ba khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với thuyết vậy.
“Lại nữa, không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi. Nếu ai không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi, người ấy có tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ tư khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự không tụ hội.
“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại, nhưng mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại nhưng mong cầu thăng tiến, người ấy tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự thăng tiến vậy.
“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh. Vị ấy an trụ nơi mười chi này rồi, lại tu tập thêm năm pháp. Thế nào là năm?
“Tu dục, định thành tựu đoạn như ý túc, [9] y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt, y xả, thú hướng phi phẩm. Tu tinh tấn định, tâm định tư duy, thành tựu đoạn như ý túc, y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt y xả, thú hướng phi phẩm, và kham nhiệm là thứ năm. Vị ấy thành tựu kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này thành tựu tự thọ, [10] chắc chắn đạt đến tri, đến kiến, đến Chánh đẳng chánh giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.
“Cũng như gà sanh mười trứng, hoặc mười hai trứng, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn trông chừng. Giả sử con gà mái ấy buông trôi, nhưng bên trong đã có gà con nó sẽ lấy chân mà chọi, lấy mỏ mà mổ vỏ trứng, tự nó bình an chui ra. Nó là con gà con đệ nhất. Cũng vậy, Tỳ-kheo thành tựu, kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này, tự thọ, chắc chắn đạt đến tri kiến, đến chánh đẳng giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói, không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
1. Tương đương Pāli: M.16. Cetekhila-suttaṃ. Tham chiếu Tập Dị Môn Luận 12 (No.1536, Đại 26 tr.416b-19c: “Ngũ tâm tài, và ngũ tâm phược”.)
2. Uế 穢; Tập Dị Môn Luận, sđd., nt.: Tài 栽 cọc nhọn. Pāli: khīla
3. Phược 縳, xem cht. 1 trên. Pāli: cetasovinibandha.
4. Bất khai ý, bất giải ý, ý bất tĩnh 不 開 意 不 解 意 意 不 靜; Tập dị (sđd., nt.): Bất ngộ nhập, vô thắng giải, vô tịnh tín, Ý bất tĩnh 意 不 靜, ý không ổn định, không tin tưởng. Pāli: nādhimuccati na sampasīdati.
5. Tập Dị (sđd., nt.): “Đối với Đại sư mà cọc nhọn trong tâm chưa đoạn, chưa biến tri.”
6. Giáo 教. Trong bản Pāli, thứ ba, Saṃghe kaṅkhati, nghi ngờ Tăng, thứ tư, sikkhaøya kaṅkhati, nghi ngờ học giới.
7. Được hiểu là không có sự quyết tâm.
8. Nguyên Hán: tự phương tiện đoạn 自 方 便 斷.
9. Dục định tâm thành tựu đoạn như ý túc 欲 定 心 成 就斷 如 意 足, có thể dư chữ tâm, hoặc nói là Dục tam-ma-địa đoạn hành (hay thắng hành) (thành tựu thần túc). Thần túc thứ nhất xem kinh 86 trên.
10. Thành tựu tự thọ 成 就 自 受, với đầy đủ khả năng (?).
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 16