Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Thế gian thật sự có bốn loại thọ pháp[2]. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.
“Thế nào là thọ pháp hiện tại lạc, mà tương lai thọ quả báo khổ?
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm[3] mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục[4], duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.
“Cũng như vào tháng cuối mùa Xuân[5], giữa trưa rất nóng, hạt giống của dây leo, bị nắng đố nứt ra[6], rơi xuống gốc cây sa-la. Bấy giờ Thần cây sa-la nhân đó sanh ra sợ sệt. Khi ấy, chung quanh có các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống mà thấy tương lai có sự sợ hãi, có đủ tai họa như vậy, liền đi đến chỗ Thần cây mà an ủi rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nếu hạt giống này không bị nai ăn, khổng tước ăn, gió thổi đi, lửa thôn thiêu, cũng như không bị lửa đồng thiêu, cũng không hư hoại, chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng sâu, không bị vỡ nứt, không bị mưa, gió, nắng làm tổn thương; gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy sanh nhanh chóng. Thần cây kia liền suy nghĩ như vầy, ‘Vì những cớ gì các Thần cây xung quanh, các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’?’ Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị lửa thôn thiêu, không bị lửa đồng thiêu, cũng không bị hư hoại, không thành hạt giống, hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, không bị vỡ nứt, chẳng bị mưa, gió, nắng làm tổn thương, gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy mầm nhanh chóng, thành thân cây, cành lá mềm mại, thành đốt, sờ đến thích thú. Thân, cành, lá mềm mại thành đốt này sờ đến thích thú, xúc chạm vui sướng.
“Rồi cái này duyên vào cây mà thành cành lá to lớn, quấn lấy thân cây ấy, che phủ ở trên. Sau khi bị che phủ ở trên rồi, vị Thần cây kia mới suy nghĩ như vầy, ‘Các Thần cây xung quanh kia, Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị thiêu bởi lửa xóm, không bị thiêu bởi lửa đồng, không bị hư hại chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, cũng chẳng bị vỡ nứt, không bị mưa gió nắng làm thương tổn, gặp mưa lớn tưới nước liền nẩy sanh mầm nhanh chóng. Nhân vì hạt giống, duyên vì hạt giống mà chịu sự khổ cùng cực này, sự khổ trọng đại này’.
“Cũng vậy, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục, duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.
“Đó gọi là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ.
“Sao gọi là pháp thọ hiện tại khổ mà tương lai tho quả báo lạc?
“Hoặc có người mà bản tánh nặng đắm dục, nặng đắm nhuế, nặng đắm si, thường tùy tâm dục mà thọ khổ, ưu sầu. Tùy tâm giận dữ, tâm si mê mà thọ khổ, ưu sầu. Người ấy vì khổ, vì ưu sầu mà trọn suốt cuộc sống tu hành phạm hạnh, cho đến khóc lóc rơi lệ. Người kia thọ lãnh pháp này, đã thành tựu đầy đủ, thân hoại mạng chung tất sanh lên chỗ lành, sanh trên các cõi trời.
“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc.
“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo khổ?
“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí lõa hình, không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời[7], không làm khách được chào đón[8], không là khách được lưu[9], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai[10], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm[11], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ[12], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được[13], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nữa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ[14], hoặc ăn lúa cỏ[15], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la[16], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự[17], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải[18], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá[19], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bệân, hoặc để tóc vừa xỏa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm cỏ[20], lấy cỏ làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ đấng Tôn hựu Đại đức, chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức[21]. Vị ấy thọ pháp này khi đã thành tựu đầy đủ rồi, thân hoại mạng chung tất sanh tới chỗ ác, sanh trong địa ngục.
“Đó là thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ vậy.
“Sao gọi là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc?
“Hoặc có người bản tánh không nặng đắm dục, không nặng đắm sân nhuế, không nặng đắm si. Vị ấy không thường theo tâm dục mà thọ khổ ưu lo, không theo tâm sân nhuế mà thọ khổ ưu lo và không theo tâm si mà chịu khổ, ưu lo. Vị ấy do lạc, do hỷ, trọn cuộc đời mình tu hành phạm hạnh cho đến đạt được tâm hoan hỷ. Vị ấy thọ pháp này, đã thành tựu đầy đủ rồi, năm hạ phần kết dứt sạch, hóa sanh ở chỗ kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại cõi này[22].
“Đó là pháp thọ hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.
“Thế gian thật sự có bốn thọ pháp như vậy, do đó mà ta giảng thuyết”.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1]Tương đương Pāli, M.45 Cūḷa-dhammasamādhāna-sutta.
[2] Bốn thọ pháp 受法. Pāli: cattārimāni dahammasamādānāni.
[3]Hán: trang nghiêm nữ 莊嚴女. Pāli: te kho moḷibaddhāhi paribbājikāhi paricārenti, họ đi tìm lạc thú với các nữ du sĩ tóc quấn.
[4]Hán: tránh dục 諍欲, “tranh cãi với dục”. Có lẽ hiểu adhikaraṇa là tranh cãi, thay vì là nguyên nhân hay động cơ.
[5]Xuân hậu nguyệt. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, tháng cuối cùng mùa hạ.
[6]Hán: nhật chích sách bính日炙坼迸. Các bản chép khác nhau về nhóm từ này. Bản Cao-li, viết曰 thay vì nhật 日; bản Cao-li: bỉ 圮, bản Tống: ngạn岸, thay vì sách 坼. Pāli: māluvāsipāṭikā.
[7]Hán: bất lai tôn不來尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”
[8]Hán: bất thiện tôn 不善尊. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”
[9]Hán: bất trụ tôn不住尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!”
[10]Hán: bất hoài nhâm gia thực不懷妊家食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭiganṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.
[11]Hán: ác thủy惡水. Pāli: thusodaka, nước lên men.
[12]Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.
[13]Hán: thực nhất đắc食一得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.
[14]Hán: thái như菜茹. Pāli: sāka-bhakkho.
[15]Hán: bại tử稗子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.
[16]Hán: đầu-đầu-la頭頭邏. Pāli: daddula.
[17]Hán: chí vô sự xứ至無事處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mūla-palāhāro yāpeti.
[18]Hán: liên hiệp y連合衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.
[19]Hán: đầu-xá y頭舍衣. Pāli dussa, vải thô chưa nhuộm màu.
[20]Hán: thảo 草; Tống-Nguyên: quả; Minh: 果. Kinh số 18: ngọa quả臥果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.
[21]Hán: Học phiền nhiệt hành 學煩熱行. Pāli: ātāpanaparitāpanānuyogam anuyutto viharati, sống hành theo sự khổ hạnh ép xác.
[22]Vị A-na-hàm từ Dục giới chết tái sanh lên Tịnh cư thiên và Niết-bàn tại đó.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 10