Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Niết-bàn có tập[2] chứ không phải không tập. Tập của Niết-bàn là gì? -Giải thoát là tập.
“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là tập.
“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.
“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yếm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn là tập.
“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.
“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.
“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.
“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.
“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.
“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.
“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Hộ giới là tập.
“Hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.
“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.
“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.
“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.
“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Khổ là tập.
“Khổ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của khổ là gì? Già chết là tập.
“Già chết cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của già chết là gì? Sanh là tập.
“Sanh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sanh là gì? Hữu là tập.
“Hữu cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hữu là gì? Thủ[3] là tập.
“Thủ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ là gì? Thọ[4] là tập.
“Thọ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ là gì? Xúc[5] là tập.
“Xúc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của xúc là gì? Sáu xứ là tập.
“Sáu xứ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sáu xứ là gì? Danh sắc là tập.
“Danh sắc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của danh sắc là gì? Thức là tập.
“Thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thức là gì? Hành là tập.
“Hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hành là gì? Vô minh là tập.
“Như vậy, duyên[6] vô minh có hành; duyên hành có thức; duyên thức có danh sắc; duyên danh sắc có sáu xứ; duyên sáu xứ có xúc; duyên xúc có thọ; duyên thọ có ái; duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già chết; duyên già chết có khổ. Tập khổ mới có tín; tập tín mới có chánh tư duy; tập chánh tư duy mới có chánh niệm chánh trí; tập chánh niệm chánh trí mới có thủ hộ các căn, hộ trì giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Có tập giải thoát mới chứng đắc Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích
[1] Không thấy Pāli tương đương.
[2] Xem cht.5, kinh 51 trên. Tham chiếu kinh 42 trên.
[3] Hán: thọ 受, thường nói là thủ. Pāli: upādāna.
[4] Hán: giác覺, thường nói là thọ. Pāli: vedanā.
[5] Hán: canh lạc更樂, thường nói là xúc. Pāli: phassa.
[6] Tham chiếu cht.9 kinh 54 trên.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 4