Kinh Trung AH137 : Kinh Thế Gian

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như Lai đã tự mình giác ngộ về thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai biết[2] thế gianNhư Lai tự giác ngộ về sự tập khởi của thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai đoạn trừ thế gian tập. Như Lai tự giác ngộ sự diệt tận của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai chứng ngộ thế gian diệt. Như Lai tự giác ngộ đạo tích[3] của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai tu thế gian đạo tích.

“Nếu có tất cả những gì cần đuơc hiểu biết một cách toàn diện[4], tất cả những gì điều đó Như Lai đã biết, thấy, giác, ngộ, chứng đắc. Vì sao vậy? Như Lai từ đêm chứng ngộ Vô thượng chánh đẳng chánh giác cho đến ngày hôm nay vào lúc ban đêm sẽ đi vào tịch diệt trong Vô dư Niết-bàn giới[5]; trong khoảng thời gian giữa đó, nếu những gì được nói ra, được ứng đối từ chính miệng của Như Lai, tất cả những điều ấy đều là chắc thật, không hư vọng, không ra ngoài sự Như[6], cũng không phải là điên đảo. Đó là sự chắc thật, là sự chân thật.

“Nếu nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao vậy? Như Lai ở giữa đại chúng nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của Sư tử[7].

“Đối với tất cả thế gian, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ trời đến người, Như Lai là Phạm Hữu[8]. Như Lai là Bậc Chí Lãnh[9] vì không phiền cũng không nhiệt. Như Lai là Bậc Chân Thật không hư vọng[10].”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

Biết tất cả thế gian;
Ra khỏi mọi thế gian;
Thuyết tất cả thế gian;
Trọn thế gian như thật[11]
Đấng Tối Tôn Đại Hùng
Giải thoát mọi triền phược,
Diệt tận hết thảy nghiệp,
Sanh tử đều giải thoát.
Là trời cũng là người,
Thảy đều quy mạng Phật. 
Cúi đầu lễ Như Lai
Đại dương sâu vô cực.
Chư Thiên, thần Hương âm[12],
Kính lạy Đấng Đã Biết.
Chúng sanh trong tử sanh,
Đều cúi đầu quy phục,
Cúi đầu lễ Trí sĩ; 
Quy mạng Đấng Thượng Nhân;
Không trần lụy, vô ưu,
Vô ngại, các giải thoát;
Vì vậy, hãy vui thiền,
Sống viễn ly tịch tịnh.
Hãy tự mình đốt đèn,
Vì Như Lai khó gặp[13].
Không gặp thời Như Lai,
Đời sống trong địa ngục.
 
 

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi Phật thuyếthoan hỷ phụng hành.

Chú thích

[1] Tương đương Pāli A.4.23 Loka-sutta; tham chiếu It. 112 Loka.

[2] Bốn Thánh đế, tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo.

[3] Đạo tích 道 跡; Pāli: paṭipāda, phương pháp, hay đường lối thực hành.

[4] Nhất thiết tận phổ chánh hữu 一 切 盡 普 正 有 (?) Có lẽ là (…) chánh tri, thay vì chánh hữu. Tham chiếu Pāli: yam… sadevakassa lokassa… sadevamanussasāya diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññataṃ pattaṃ pariyesitaṃ anuvicaritaṃ manasā sabbaṃ taṃ tathāgatena abhisaṃbuddhaṃ, thế giới này bao gồm Thiên giớicho đếnchư Thiên và nhân loại, những gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt đến, được tầm cầu, được suy xét bởi ý; tất cả những cái ấy đều được Như Lai giác ngộ.

[5] Vô dư Niết-bàn giới 無 餘 涅 槃 界. Pāli: anupādisesā nibbānadhātu.

[6] Bất ly ư như 不 離 於 如. Pāli nói: sabbaṃ tam tatheva hoti, no aññathā, tất cả những điều ấy chính thực là như vậy, không thể khác.

[7] Pāli khác hẵn: nói như vậy thì cũng làm như vậy (…) cho nên gọi là Như Lai. Yathāvādī tathākārī (…) tathāgato vuccati.

[8] Phạm Hữu 梵 有được hiểu là “Bậc Tối Diệu” (Pāli: Brahmabhūta, S.IV. Pp-95, M.I. P.111), không được đề cập trong bản Pāli.

[9] Chí lãnh hữu 至 冷 有, cực kỳ mát lạnh, vì đã dập tắt các thứ lửa. Pāli:?

[10] Chân đế bất hư hữu 真 諦 不 虛 有, không rõ Pāli. Đoạn văn Pāli được coi tương đương: (…) Tathāgato abhibhū anabhibhūti aññadṛatthudaso vasavattī, Như Lai là Vị chiến thắng, Vị không thể bị đánh bại, là Vị thấy tất cả, biết tất cả, tự do tự tại.

[11] Pāli: sabhaṃ loke yathātatham, (biết) tất cả thế gian một cách như thật.

[12] Hương âm thần 香 音 神, hay nhạc thần, hay Càn-thát-bà; Pāli: Gandhabba.

[13] Vô ngã tất thất thời 無 我 必 失 時.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 4

Post Views: 257