Kinh Trung AH138 : Kinh Phước

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Đừng sợ hãi phước[2] mà hãy có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Vì những gì được gọi là phước thì cũng nói là lạc. Sự sợ hãi đối với phước là không có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Những gì là phi phước được nói là khổ.

“Ta nhớ lại trong thời quá khứlâu dài tác phước, lâu dài thọ báo mà ý niệm yêu thích. Thời quá khứ Ta hành từ tâm trong bảy năm mà trải qua bảy lần kiếp thành và kiếp hoại, không tái sanh trong thế gian này. Nếu thời kiếp hoại, Ta sanh lên cõi trời Hoảng dục[3]. Trong thời kiếp thành, Ta tái sanh trở xuống trong cung điện trống không của Phạm thiên và là Đại Phạm thiên trong cõi Phạm thiên đó. 

“Trong những trường hợp khác, ta trải qua một ngàn lần làm Tự Tại Thiên vương, ba mươi sáu lần làm Thiên Đế Thích và vô lượng lần làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc[4] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ[5].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao[6].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh[7].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề[8] làm đầu.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinhđứng đầu là Chánh pháp điện[9]. 

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[10].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma[11], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo gia-lăng-già-ba-hòa-la.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báuanh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lợi. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm thường dọn ra cho Ta ăn. 

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lợi, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối[12], hoặc áo gia-lăng-già-ba-hòa-la là Ta thường mặc.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.

 
 

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi Chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túcđại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’

“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

Quán sát phước báo này,
Diệu thiện, nhiều ích lợi.
Tỳ-kheo, Ta quá khứ 
Bảy năm tu từ tâm;
Bảy kiếp thành, kiếp hoại,
Không tái sinh cõi này.
Lúc thế gian hủy hoại, 
Ta sanh trời Hoảng dục.
Lúc thế gian chuyển thành, 
Ta sanh vào Phạm thiên;
Ở đó, Ta Đại phạm
Nghìn sanh, Tự Tại thiên;
Ba sáu lần Đế thích;
Vô lượng trăm Đảnh vương.
Sát-lợi Đảnh Sanh vương
Tối tôn trong loài người[13].
Đúng pháp, không dao gậy,
Thống trị cả thiên hạ.
Đúng pháp, không dối trá[14]
Chánh an lạc, dạy dân.
Đúng pháp, lần lượt truyền,
Khắp tất cả cõi đất.
Chỗ giàu sang, nhiều của,
Sanh vào chủng tộc ấy; 
Lúa gạo thảy tràn đầy’
Thánh tựu bảy trân bảo.
Do các phước lớn ấy,
Chỗ sanh đều tự tại.
Chư Phật ngự thế gian,
Những điều Phật ấy dạy;
Biết điều này kỳ diệu,
Thấy thần thông không ít.
Ai biết mà không tin,
Như vậy sanh trong tối.
Vì vậy hãy vì mình
Mong cầu đại phước hựu.
Hãy cung kính Chánh pháp;
Thường niệm Pháp Luật Phật.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyếthoan hỷ phụng hành.

 
 
CHU THICH
[1]Tham chiếu Pāli A.7.58 Pacala (ngủ gục), đoạn cuối.
[2]Pāli: mā bhikkhave puññānaṃ bhāyittha, sukkhass’etaṃ bhikkhave adhivacanaṃ, yad idaṃ puññaun ti, “đừng sợ phước; đồng nghĩa với lạc, đó là phước”.
[3]Hoảng dục thiên tức Quang âm thiên hay Cực quang thiên; Pāli: Ābhassara.
[4]Bạch châu lạc 白珠珞.
[5]Vu-sa-hạ tượng vương 于娑賀象王. Pāli: Uposathanāgarāja.
[6]Mao mã vương [馬+毛] 馬王. Pāli: Valāhaka-assarāja.
[7]Nhạc thanh xa 樂聲車. Pāli: Vejayanta-ratha, cỗ xe (= cung điện) Chiến thắng.
[8]Câu-xá-hòa-đề 拘舍惒提. Pāli: Kusāvati.
[9]Chánh pháp điện 正法殿. Pāli: Dhammapāsāda.
[10]Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加陵伽波惒邏波遮悉多羅那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.
[11]Sơ-ma y初摩衣; Pāli: khoma-pilotikā, vải lanh.
[12]Kiếp-bối y 劫貝衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).
[13]Pāli: Muddhābhisitto khattiyo manussādhipatī, làm vua Đảnh Sanh, thuộc dòng Sát-lợi, là bậc Nhân chủ.
[14]Như pháp bất gia uổng如法不加抂. Pāli: asāhasena dhammena, đúng theo pháp chứ không cưỡng chế.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 7

Post Views: 251