Kinh Trung AH139 : Kinh Tức Chỉ Ðạo

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới thành tựu giới hãy thường xuyên đi đến một nghĩa địa[2] mà quán sát các tướng trạng tử thi: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng bộ xương khô. Vị ấy sau khi ghi nhận kỹ những tướng trạng tử thi này rồi trở về trụ xứ của mình, rửa sạch tay chân, trải ni-sư-đàn trên giường, ngồi kiết già và suy niệm về các tướng trạng này: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng những đốt xương dính liền. Vì sao vậy? Nếu Tỳ-kheo tu tập bằng các tướng trạng này sẽ đoạn trừ nhanh chóng những bệnh tham dụcsân nhuế trong tâm.”

 

Rồi Đức Thế Tôn nói bài tụng này:

Những niên thiếu Tỳ-kheo,
Chưa đạt thành niệm trụ[3]
Hãy đến bãi tha ma
Để trừ dâm dục ý.
Để tâm không hận thù,
Thương yêu cả chúng sanh,
Tràn đầy khắp mọi phương.
Hãy quán sát thân thể,
Quán sát tướng xám xanh
Và rữa nát, hư hoại;
Quán sâu, quạ rỉa thân,
Xương phơi bày từng đốt.
Tu tập những tướng này,
Rồi trở về trụ xứ,
Gội rửa sạch chân tay,
Trải giường ngồi ngay thẳng;
Hãy quán sát như chân,
Trong thân và ngoài thân,
Chứa đầy đại tiểu tiện;
Tim, thận, gan và phổi,
Nếu khi đi trì bình[4]
Đến nơi thôn ấp người,
Như tướng mang giáp trụ,
Hãy chánh niệm trước mắt.
Nếu thấy sắc khả ái
Tinh sạch, liên hệ dục;
Thấy vậy quán như chân,
Chánh niệm pháp luật Phật.
Trong đây không xương, gân,
Không thịt, cũng không máu;
Không thận, tim, gan, phổi;
Không đàm, giải, não, óc,
Địa đại thảy đều không;
Thủy đại cũng bất thực;
Hỏa đại cũng là không; 
Phong đại cũng chẳng thực.
Nếu có cảm thọ nào,
Tinh sạch liên hệ dục,
Tất cả đều lắng tịnh;
Quán sát bằng thật tuệ.
Như vậy tinh cần hành.
Thường niệm bất tịnh tưởng;
Đoạn trừ dâm, nộ, si,
Vô minh cũng dứt tuyệt;
Hưng khởi thanh tịnh minh,
Tỳ-kheo vượt khổ tế.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyếthoan hỷ phụng hành.

CHU THICH

[1]Tham chiếu Sn.(1.11) Vijiya-sutta và đối chiếu kinh số 98 trên.

[2]Tức chỉ đạo 息止道. Pāli: Sīvathikā.

[3]Nguyên Hán: ý chỉ意止. Pāli: satipaṭṭhāna.

[4]Phân vệ 分衛, phiên âm. Pāli: piṇḍapāta.

 
 

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 10

Post Views: 404