Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Bệ-lan-nhã[2], trú trong vườn Hoàng lô[3].
Bấy giờ Phạm chí Bệ-lan-nhã tuổi cao tác lớn, tuổi thọ gần dứt, mạng sống gần tàn, tuổi đã một trăm hai mươi, chống gậy mà đi. Vào buổi xế trưa, Phạm chí ấy thong dong đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, chống gậy đứng trước Đức Phật và nói:
“Này Cù-đàm, ta nghe Sa-môn Cù-đàm lúc thiếu thời, tuổi còn quá trẻ, vừa mới xuất gia học đạo, thế mà nếu có danh đức Sa-môn Phạm chí nào đích thân đi đến vẫn không kính lễ, cũng không tôn trọng, cũng không đứng dậy, không mời các vị ấy ngồi. Này Cù-đàm, việc ấy quả không thể được.”
Thế Tôn đáp:
“Này Phạm chí, Ta chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí nào từ loài Người cho đến Trời đi đến, khiến Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời các vị ấy ngồi. Này Phạm chí, nếu có ai đến mà muốn Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời ngồi, thì đầu của vị ấy chắc chắn vỡ thành bảy mảnh.”
Phạm chí lại nói:
“Cù-đàm vô vị[4].”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Phạm chí, có sự kiện khiến Ta vô vị, nhưng không phải như lời ông nói. Nếu có vị của sắc, vị của tiếng, vị của hương, vị của xúc, thì những thứ ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là kiện khiến Ta vô vị, nhưng không như lời ông nói.”
Phạm chí lại nói:
“Cù-đàm không sợ hãi[5].”
Đức Thế tôn đáp:
“Này Phạm chí, có sự kiện khiến Ta không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói. Nếu có sợ hãi sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì Như Lai đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là sự kiện khiến Như Lai không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói.”
Phạm chí lại nói:
“Cù-đàm không nhập thai[6].”
Đức Thế Tôn đáp:
“Có sự kiện khiến Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói. Nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với sự mang thai trong tương lai mà đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, Ta nói rằng vị ấy không đầu thai. Như Lai đối với sự mang thai trong tương lai đã vĩnh viễn đoạn trừ, tuyệt diệt, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, cho nên Ta không đầu thai. Đó là sự kiện Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói.
“Này Phạm chí, Ta ở trong chúng sanh này đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị phủ kín trong vỏ trứng vô minh, thì Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy, Ta là bậc nhất.
“Cũng như gà mái sanh trứng, mười hoặc mười hai trứng, luôn luôn nghĩ, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn bảo bọc. Một thời gian sau, giả sử gà mái buông trôi; gà con ở bên trong, hoặc dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng chân mà chọi, phá vỡ trứng chui ra an ổn, đối với các gà con khác, nó là bậc nhất. Ta cũng như thế, Ta ở trong chúng sanh này, đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị bọc kín trong vỏ trứng vô minh. Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy Ta là bậc nhất.
“Này Phạm chí, Ta ôm cỏ khô đi đến cây Giác thọ, rãi cỏ xuống gốc cây, trải ni-sư-đàn lên mà ngồi kiết già, quyết ngồi ngay ngắn, thề cho đến khi dứt sạch các lậu mới thôi. Rồi Ta ngồi ngay ngắn cho đến khi dứt sạch các lậu. Sau khi ngồi ngay ngắn, Ta ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đạt được Thiền thứ nhất, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ nhất, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên đến Niết-bàn.
“Lại nữa, này Phạm chí, sau khi Ta giác quán dứt sạch, bên trong tịch tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đạt được Thiền thứ hai, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ hai, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Phạm chí, Ta ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trú chánh niệm, chánh trí mà thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là Thánh xả, có niệm, an trụ lạc, đạt được Thiền thứ ba, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ chứng đắc Tâm tăng thượng thứ ba, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Phạm chí, Ta diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt được Thiền thứ tư, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ tư, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Phạm chí, Ta đã chứng định tâm thanh tịnh như thế, không uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Túc mạng trí thông và chứng đắc, nhớ vô lượng đời trước mà Ta đã trải qua, có hành động và có dung mạo thế nào. Nghĩa là Ta nhớ lại một đời, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành, kiếp hoại, vô lượng kiếp thành và hoại, chúng sanh kia tên như thế, thuở xưa trải qua đó. Ta từng sanh ở đó, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt tuổi thọ như thế, chết nơi này sanh nơi kia, chết chỗ kia sanh chỗ này; Ta sanh nơi này, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, thọ khổ và an lạc như thế, trường thọ như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt mạng sống như thế. Bấy giờ là lúc vào khoảng đầu, chứng đắc minh đạt thứ nhất này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Túc mạng trí.
“Lại nữa, này Phạm chí, Ta đã chứng đắc định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Lậu tận thông và chứng đắc. Ta biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ,’ biết như thật rằng ‘đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng: ‘Đây là lậu’, biết như thật rằng ‘đây là lậu tập, lậu diệt, lậu diệt đạo.’ Ta biết như thế, Ta thấy như thế, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi giải thoát liền biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Bấy giờ là vào lúc cuối đêm, Ta chứng đắc minh đạt trí thứ ba này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, trí phát sanh, mê ám tiêu tan, minh thành tựu, vô minh hoại diệt, minh phát sanh. Đó là Ta chứng đắc minh đạt Lậu tận trí.
“Lại nữa, này Phạm chí, nếu có ai với sự thuyết giảng chân chánh mà thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh ra trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh, vị ấy là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín, nên biết rằng vị thuyết giảng chân chánh ấy chính là Ta. Vì sao? Vì Ta thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh ấy, Ta là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín.”
Nghe vậy, Phạm chí xứ Tỳ-lan-nhã liền bỏ gậy xuống, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch Thế Tôn:
“Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn thật vĩ đại, Thế Tôn tối thượng, Thế Tôn cao tột, Thế Tôn chánh đẳng, Thế Tôn không có ai bằng, Thế Tôn không có một ai so sánh, Thế Tôn không chướng ngại, Thế Tôn là bậc không gây chướng ngại! Bạch Thế Tôn, con nay nguyện đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí xứ Tỳ-lan-nhã và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
[1]Bản Hán, quyển 40. Pāli, A. 8. 11. Verañjā. Hán, biệt dịch, No.75.
[2]Bệ-lan-nhã 鞞籣若. Pāli: verañjā, tên thôn.
[3]Hoàng lô 黃蘆. Pāli: naḷerupucimanda-mūla, dưới gốc cây Nelerupucimanda, không biết cây gì.
[4]Pāli: arasarūpo bhavaṃ gotamo, Tôn giả Gotama không có sắc vị (không thực chất). No.75: Sa-môn Cù-đàm này nhác nhớn.
[5]Hán: Cù-đàm vô khủng bố 瞿曇無恐怖; No.75 cũng vậy. Pāli: nibbhogo bhavaṃ Gotamo, Tôn giả Gotama là người không biết hưởng thụ. Nibbhoga (không thọ dụng), các bản Hán đều đọc là nibbhaya, không sợ hãi.
[6]Pāli: apagabbho bhavaṃ Gotamo.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 3