Kinh Trung AH159 : Kinh A-Già-Là-Ha-Na

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có Phạm chí A-già-la-ha-na, sau bữa cơm trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép, tôi mới dám trình bày.”

Thế Tôn đáp:

“Ông muốn hỏi gì tùy ý.”

Phạm chí liền hỏi:

“Thưa Cù-đàm, kinh điển của Phạm chí nương vào đâu mà tồn tại?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Kinh điển của Phạm chí nương vào con người mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, con người nương vào đâu mà tồn tại?”

“Con người nương vào lúa gạo mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, lúa gạo nương vào đâu mà tồn tại?”

“Lúa gạo nương vào đất mà tồn tại.”

Phạm chí lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, đất nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Đất nương vào nước mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, nước nương vào đâu mà tồn tại?”

“Nước nương vào gió mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, gió nương vào đâu mà tồn tại?”

“Gió nương vào hư không mà tồn tại?”

“Thưa Cù-đàm, hư không nương vào đâu mà tồn tại?”

“Hư không không có nương tựa, nhưng nhân mặt trờimặt trăng mà có hư không.”

“Thưa Cù-đàm, mặt trời và mặt trăng nương vào đâu mà tồn tại?”

“Mặt trời, mặt trăng nương vào Tứ thiên vương mà tồn tại.”

Phạm chí lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, Tứ thiên vương nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Tứ Thiên vương nương vào Tam thập tam thiên mà tồn tại?”

“Thưa Cù-đàm, Tam thập tam thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Tam thập tam thiên nương vào Diệm-ma thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Diệm-ma thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

 
 

“Diệm-ma thiên nương vào Đâu-suất-đà thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Đâu-suất-đà thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Đâu-suất-đà thiên nương vào Hóa lạc thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Hóa lạc thiên nương vào Tha hóa lạc thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Tha hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Tha hóa lạc thiên nương vào Phạm thiên mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Phạm thiên nương vào đâu mà tồn tại?”

“Phạm thiên nương vào Đại phạm mà tồn tại.”

“Thưa Cù-đàm, Đại phạm nương vào đâu mà tồn tại?”

“Đại phạm nương vào nhẫn nhụcôn hòa mà tồn tại.”

Phạm chí lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, nhẫn nhụcôn hòa nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Nhẫn nhục, ôn hòa nương vào Niết-bàn mà tồn tại.”

Phạm chí lại hỏi:

“Thưa Cù-đàm, Niết-bàn nương vào đâu mà tồn tại?”

Thế Tôn đáp:

“Ý muốn của Phạm chí nương vào những sự kiện không cùng nên ông nay đã hỏi Ta về sự không có giới hạn, nhưng Niết-bàn không nương vào đâu cả. Niết-bàn là tịch diệt, Niết-bàn là tối thượng. Này Phạm chí, vì mục đích này mà nhiều người theo ta mà tu hành Phạm hạnh.”

Phạm chí thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí A-già-la-ha-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.



 

[1]Không thấy Pāli tương đương.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 15

Post Views: 305