Kinh Trung AH156 : Kinh Phạm Ba-La-Diên

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có nhiều Phạm chí nước Câu-sa-la[2], vào lúc xế trưa, quanh quẩn đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên và thưa:

“Này Cù-đàm, chúng tôi có điều muốn hỏi, ông có nghe chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Các ông hỏi gì thì hỏi.”

Nghe thế, các Phạm chí hỏi:

“Này Cù-đàm, bây giờ còn có Phạm chí học pháp Phạm chí cổ đại[3] hay đã vượt khỏi pháp Phạm chí cổ đại rồi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Nay không còn Phạm chí học pháp Phạm chí cổ đại, Phạm chí đã vượt khỏi pháp Phạm chí cổ đại từ lâu rồi.”

Nghe thế, các Phạm chí hỏi:

“Này Cù-đàm, tại sao nay không còn Phạm chí học pháp Phạm chí cổ đại và các Phạm chí vượt khỏi pháp Phạm chí cổ đại từ bao giờ?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ trả lời:

Vì xưa có Phạm chí,

Tự chế ngự, nhiệt hành[4],

Bỏ năm công đức dục,

Hành Phạm hạnh thanh tịnh.

Phạm hạnh và giới hạnh,

Khiến tâm tính nhu thuận,

Rộng lượngtâm không hại,

Nhẫn nhục thủ hộ ý.

Thuở xưa có pháp này

Phạm chí chẳng thủ hộ.

Phạm chí không thủ hộ,

Của cải, tiền lúa gạo.

Tụng đọc là tài sản,

Thủ hộ kho tàng này.

Sắc áo đủ các loại,

Nhà cửa và giường chõng,

Dân các nước, các thành,

Học Phạm chí như vậy[5].

Phạm chí này chớ hại,

Thủ hộ tất cả pháp, 

Đi đến cửa nhà người,

Không ai ngăn cản họ.

Lần lượt xin từng nhà,

Xin ăn theo từng bữa.

Những Phạm chí tại gia,

Trông thấy, thích bố thí.

Bốn tám năm đã tròn, 

Tu Phạm hạnh thanh tịnh,

Mong Minh, Hạnh chóng thành;

Cổ Phạm chí như vậy.

Không lấy trộm của cải,

Cũng không hề sợ hãi,

Thương mến đùm bọc nhau,

Và cùng sống hòa hợp.

Bởi không có phiền não,

Pháp liên hệ oán, dâm,

Tất cả các Phạm chí,

Không thể hành như vậy.

Nếu có hạnh bậc nhất,

Phạm chí quyết mong cầu.

Các pháp dâm dục ấy,

Không thực hành, dù mộng.

Nhân các phạm hạnh ấy,

Tự xưng “Ta là Phạm”

Biết họ có hạnh ấy,

Bậc có tuệ sẽ biết.

Giường thưa, chiếc áo mỏng,

Cơm, sữa cốt sanh tồn,

Khất cầu đều như pháp,

Trai tự, hành bố thí,

Hiến tế, chẳng cầu khác,

Chỉ cầu xin nơi mình.

Lúc tổ chức trai thí,

Người ấy không giết bò;

Như cha mẹ, anh em,

Và các người thân khác,

Xem người, bò cũng vậy.

Nhân đó sanh khoái lạc.

Ăn uống, thân khoẻ mạnh,

Nhờ vậy mà yên vui.

Biết được nghĩa lý này,

Không ưa giết hại bò.

Mềm mại, thân lực lớn,

Tinh sắc, được khen ngợi.

Ân cần tự cầu lợi,

Như vậy, Phạm chí xưa.

Phạm chí vì lợi mình,

Biết nên làm, phải tránh.

Cõi này, trong tương lai,

Người ấy nhất định thoát.

Tuần trăng đã quá tuần,

Xứng ý xin cầu thân.

Đêm dài mãi du hí,

Những người vợ phấn son.

Đàn bò, quây trước mặt,

Vợ đẹp nối sau lưng,

Dục vi diệu ở đời.

Phạm chí thường ước mong.

Ngựa xe trang bị đủ,

Tài nghệ giỏi vá may,

Hôn nhân và nhà cửa,

Phạm chí thường ước mong.

Họ tạo triền phược ấy,

Chúng tôi từ kia lại,

Đại vương[6] mở cuộc chay,

Đừng để mất tài lợi.

Nhiều tài vật lúa gạo,

Hoặc có dư tiền tài,

Đại vương tương ưng đó[7],

Phạm chí và cưỡi xe[8];

Tế voi và tế ngựa,

Tế ngựa được suốt thông[9],

 
 

Tụ tập làm trai thí,

Thí cho Bà-la-môn.

Họ do đó được lợi,

Say mê đắm tài vật,

Họ khơi dậy lòng dục,

Càng dục càng say mê,

Cũng như ao nước rộng,

Và vô lượng tài vật,

Cũng vậy, người có bò,

Các vật dụng sanh sống,

Họ tạo triền phược ấy,

Chúng tôi từ kia lại.

Đại vương mở cuộc chay,

Đừng để mất tài lợi;

Nhiều tài vật lúa gạo,

Nếu ngài có nhiều bò,

Đại vương tương ưng đó,

Phạm chí và ngựa xe.

Bò vô lượng trăm ngàn,

Vì trai tự mà giết,

Đầu, sừng không não hại,

Bò heo thời xưa kia.

Đi đến nắm sừng bò,

Cầm dao bén mà giết.

Gọi bò và gọi cha,

La sát tên là Hương,

Họ hô hoán phi pháp,

Khi cầm dao đâm bò,

Pháp ấy hành trai thí,

Vượt qua tại trước nhất.

Không hữu sự mà giết,

Viễn ly pháp suy thoái,

Thời xưa có ba bệnh,

Dục vọng, đói và già.

Do thù nghịch với bò,

Khởi bệnh chín mươi tám,

Thù nghịch ấy như vậy,

Nên kẻ trí rất ghét.

Nếu người thấy như vậy,

Ai mà không oán ghét;

Như vậy, trong đời này,

Vô trí thấp hèn nhất.

Mỗi, mỗi vì dục, tranh,

Như vợ rủa xả chồng.

Sát-lợi, Phạm chí nữ,

Người thủ hộ chủng tánh,

Vi phạm pháp chủng tánh,

Tự do theo dục vọng.

“Như vậy, này Phạm chíhiện tại không còn Phạm chí học pháp Phạm chí cổ đại. Phạm chí đã vượt khỏi pháp Phạm chí cổ đại từ lâu rồi.”

Nghe vậy, các Phạm chí nước Câu-sa-la thưa:

“Bạch Thế Tôn, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã rõ. Nay chúng con tự đem mình quy y Phật, Pháp, và chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận chúng con làm những Ưu-bà-tắc từ nay và đến trọn đời; chúng con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Phạm chí nước Câu-sa-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.


[1]Pāli, Sn. 2. 7. Brahmaṇadhammika-sutta.

[2]Câu-sa-la 拘汳羅. Pāli: Kosala.

[3].Cố phạm chí pháp 故梵志法. Pāli: porāṇānaṃ brāhmaṇānaṃ brāhmaṇadhamma, pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thượng cổ.

[4]Hán: nhiệt hành 熱行; Pāli: tapassin, khổ hành giả.

[5]Pāli: nānārattehi vatthei sayanehi āvasathehi ca phitā janapadā raṭṭhā te namassiṃsu brahmaie, bằng các loại vải vóc, giường chõng, nhà cửa, nhân dân từ các nước giàu có đến lễ những người Bà-la-môn.

[6]Trong bản Pāli: Okkāka (Cam Giá vương), Tổ tiên của dòng họ Thích-ca.

[7]Hán: Đại vương tương ưng thử 大王相應此. Câu này và câu kế tiếp, bản Hán tối nghĩa. Pāli: tato ca rājā saññatto (brahmaṇehi): Vua được khuyên bảo bởi các người Bà-la-môn. Pāli: saññatta: khuyến cáo, trong bản Hán đọc là samyutta: tương ưng.

[8]Pāli: brahmaṇehi rathesabho, bởi những người Bà-la-môn, và chúa binh xa. Bản Hán phân tích ngữ pháp không giống bản Pāli. Trong bản Pāli, brahmaṇehi, cách ba số nhiều, tác nhân của saññatto (dẫn cht.6 trên); rathesabho, chủ cách, đồng cách với rājā: nhà vua là chúa của binh xa.

[9]Pāli: tato ca rājā saññatto brāhmaṇehi rathesabbho assamedhaṃ purisamedhaṃ sammāpāsaṃ vācapeyyaṃ maggaḷaṃ, do sự khuyên bảo của các Bà-la-môn, nhà vua, chúa của binh xa, cử hành các tế lễ: tế ngựa, tế người, tế quăng gậy, tế rượu Soma, tế lễ vô già (không hạn chế ). Xem các cht. 6,7 trên.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 7

Post Views: 257