Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Ba Lê (pàtika Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Ba Lê (Pàtika Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết Pháp Thoại này tại Tịnh Xá của du sĩ BHAGGAVA, trong thành ANUPIYA, ở giữa bộ lạc MALLA.

Duyên Khởi:

Do du sĩ BHAGGAVA đem câu chuyện một đệ tử của đức Phật, có tên là SUNAKKHATTA, thuộc bộ lạc LICCHAVI, đã tuyên bố từ bỏ đức Thế Tôn.

Chánh Kinh:

Đức Phật trả lời về vấn đề từ bỏ của SUNAKKHATTA

1.    Về vấn đề Thần Thông

Thật sự không phải là vấn đề từ bỏ, mà chỉ là những vấn đề Tà Kiến, mà SUNAKKHATTA đã nuôi dưỡng và khai thác vì không được thỏa mãn như ý muốn, nên mới đề cập đến vấn đề từ bỏ đức Thế Tôn và ra đi.

Vấn đề Thần Thông, vấn đề khởi nguyên thế giới là những vấn đề cho dù đức Phật tuy có thực chứng, thực chứng tri, nhưng Ngài không chú trọng vì không lợi ích và không liên quan đến chỗ tận diệt khổ đau, đưa đến giải thoát khổ đau.

Đức Phật kể lại câu chuyện của lõa thể KORAKKATTIYA và lõa thể KANDARAMASUKA sống ở VESÀLI, cùng với lõa thể PÀTIKAPUTTA sống ở VESÀLI.

Lõa thể KORAKKHATTIYA tu theo hạnh chó, đi bốn chân, bò lết trên đất, lấy miệng mà ăn các vật thực. Đức Phật cho biết sau bảy ngày sẽ bị trúng thực mà chết, sẽ bị quăng trong nghĩa địa đặt trên đống cỏ BÌRANA, và sau khi chết sẽ tái tục thuộc loại KÀLAKANJÀ, một trong loại ASURÀ thấp kém nhất.

Lõa thể KANDARAMASUKA phát nguyện thọ trì bảy giới hạnh như sau đến trọn đời:

  • Theo hạnh lõa thể, không mặc quần áo.
  • Sống Phạm Hạnh, không có hành dâm.
  • Tự nuôi sống với rượu và thịt, không phải với cháo và cơm.
  • Không bao giờ đi qua tháp UDANA, phía Đông thành VESÀLI.
  • Không bao giờ đi qua tháp GOTAMAKA, phía Nam thành VESÀLI.
  • Không bao giờ đi qua tháp SATTAMBA, phía Tây thành VESÀLI.
  • Không bao giờ đi qua tháp BAHUPUTTA, phía Bắc thành VESÀLI.

Nhờ tuân thủ bảy giới hạnh này, mà được sự cúng dường tối thượng, được danh xưng tối thượng tại làng VAJJI. Đức Phật cho biết không bao lâu, lõa thể KORAKKHATTIYA sẽ sống mặc áo và lập gia đình, ăn cơm cháo, đi vượt qua các tháp ở VESÀLI, và bị chết mất hết cả danh xưng.

Lõa thể PÀTIKAPUTTA sống ở VESÀLI, được cúng dường và danh xưng tối thượng ở làng VAJJI, khởi lên tư tưởng muốn thách đố đức Phật đấu pháp Thượng Nhân Thần Thông nhờ trí lực của mình. Tuy nhiên, đức Phật cho biết rằng, PÀTIKAPUTTA không dám đối diện với Ngài. Vì PÀTIKAPUTTA không có Tàm Quý, nói sai sự thật, như đã nói không đúng sự thực về việc thọ sanh của vị tướng quân AJITA là sẽ phải thác sanh vào Đại Địa Ngục, nhưng thực ra là được thọ sanh về cõi Tam Thập Tam Thiên.

Tất cả những sự việc mà đức Phật đã tuyên bố trước, đều có xảy ra đúng như thực, đến cả ba vị lõa thể này.

2.    Về vấn đề khởi nguyên thế giới

Đức Phật rõ biết khởi nguyên thế giới, nhưng Ngài không có chấp trước, tự thân thấu hiểu được sự an tịnh, và chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Ngài không rơi vào lầm lỗi.

Có một số Sa Môn, Bà La Môn tuyên bố về khởi nguyên thế giới:

  • Theo truyền thống là do Tự Tại Thiên (ISSARA) tạo ra, do Phạm Thiên (BRAHMA) tạo
  • Theo truyền thống là do nhiễm hoặc vì dục lạc, do bởi những hạng Chư Thiên gọi là KHIDDÀPADOSIKÀ (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc), mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, Chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân thể của chúng.
  • Theo truyền thống là do nhiễm hoặc bởi tâm trí, do có những hạng Chư Thiên gọi là MANOPADOSIKÀ (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí), sống lâu với thời gian và nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày, nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân tâm chúng mệt mỏi. Các hạng Chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân của chúng.
  • Theo truyền thống là do sự Vô Nhân sanh, từ Vô Tưởng Hữu Tình. Khi một Tưởng niệm khởi sanh lên, thời các Phạm Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân Phạm Thiên của mình.

Đức Phật xác nhận một vài quan niệm sai lầm của ngoại đạo

Ngoại đạo bài xích đức Phật một cách không thật, trống không, hư ngụy, giả dối, và cho rằng, “Sa Môn GOTAMA và các tỳ khưu là điên đảo vì  Sa Môn GOTAMA đã tuyên bố là khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là bất tịnh.”

Tuy nhiên, sự thật là đức Phật đã tuyên bố như sau: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là thanh tịnh.”

 Sự xác nhận này thật vô cùng quan trọng, vì ở đây, đức Phật đã chứng minh thái độ lạc quan, tích cực, hướng thiện, đầy lòng tin tưởng giáo lý của Ngài, để trả lời những câu thiển cận cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế, tiêu cực.

Kêt Luận:

Khi đức Thế Tôn dứt lời Pháp Thoại này, du sĩ BHAGGAVA hoan hỷ tín thọ lời dạy của Ngài.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 15