Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Kiên Cố (kevaddha Sutta)

Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Kiên Cố (kevaddha Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Kiên Cố (Kevaddha Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho một vị cư sĩ trẻ tuổi, tên là KEVADDHA, tại NÀLANDÀ, trong khu vườn PAVÀRIKAMBA.

Duyên Khởi:

Cư sĩ KEVADDHA đi đến yêu cầu đức Phật ba lần để cho vị tỳ khưu hiện bày Thượng Nhân Pháp, thần thông biến hóa để gây lòng tin cho đông đảo quần chúng đang cư trú tại NÀLANDÀ. Và đức Phật đã bác bỏ lời yêu cầu hiện bày Thượng Nhân Pháp cho các vị cư sĩ áo trắng.

Chánh Kinh:

Đức Phật nêu quan điểm của Ngài về ba loại thần thông (thắng trí)

Có ba loại thần thông mà đức Phật đã tự giác chứng và tuyên thuyết: Biến Hóa Thần Túc Thông, Tha Tâm Thần Thông, và Giáo Hóa Thần Thông.

  1. Biến Hóa Thần Túc Thông: Còn gọi là Thắng Trí với nhiều phép lạ như là một thân hiện ra nhiều thân, đi ngang qua vách núi, ngang qua hư không, thăng thiên độn thổ, đi trên nước không chìm, ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với hai bàn tay rờ chạm mặt trời, mặt trăng, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.
  2. Tha Tâm Thần Thông: Còn gọi là Thắng Trí, hiểu biết tư tưởng của người khác, nói lên Tâm, nói lên Tâm Sở, nói lên sự suy tầm, nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác.
  3. Giáo Hóa Thần Thông: Tức là Thắng Trí, những lời giảng dạy giáo hóa theo Tam Vô Lậu Học, GIỚI–ĐỊNH–TUỆ.

Đức Phật đã chứng đạt ba loại Thắng Trí trên, tuy nhiên, Ngài đã bác bỏ hai loại Thắng Trí đầu, mà chỉ tán thán duy nhất loại Giáo Hóa Thần Thông.

Ngài cho biết rằng với một người thông thạo chú thuật GANDHÀRÌ thì cũng có thể biến hóa được nhiều phép lạ như loại Thần Túc Thông. Chính do đó, đức Phật thấy sự nguy hiểm trong sự Biến Hóa Thần Túc Thông, khởi tâm nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ Biến Hóa Thần Túc Thông.

Ngài cũng cho biết với một người thông thạo chú thuật MANIKÀ thì cũng có thể biết được tâm tánh của các loài hữu tình khác, của các người khác, như loại Tha Tâm Thần Thông. Chính do đó, đức Phật thấy sự nguy hiểm trong sự hiện bày Tha Tâm Thông, khởi tâm nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ Tha Tâm Thần Thông.

Duy chỉ có Giáo Hóa Thần Thông là thù thắng vi diệu (tương tự trong bài kinh Quả Báo Sa Môn).

Đức Phật thuật chuyện vị tỳ khưu tìm hiểu dấu tích của Tứ Đại sau khi biến  diệt hoàn toàn

  1. Thuở xưa, vì muốn hiểu biết Tứ Đại sẽ đi về đâu sau khi đã biến diệt hoàn toàn, một vị tỳ khưu đã nhập Định, và trong Định Tâm đã đi đến các Thiên Giới để vấn hỏi các Chư Thiên trong các tầng Thiên Giới.
  2. Từ Tứ Thiên Vương Thiên, vị tỳ khưu vấn hỏi về Tứ Đại sẽ đi về đâu sau khi đã biến diệt hoàn toàn. Các vị Tứ Thiên Vương Thiên đều không được rõ biết và giới thiệu lên cõi Tam Thập Tam Thiên (Đao Lợi Thiên).
  3. Tương tự như thế, từ Thiên Chủ SAKKA ở cõi Đao Lợi Thiên
  • đến Thiên Tử SUYÀMO ở cõi Dạ Ma Thiên,
  • đến Thiên Tử SANTUSITA ở cõi Đâu Xuất Đà Thiên,
  • đến Thiên Tử SUNIMMITA ở cõi Hóa Lạc Thiên,
  • đến Thiên Tử VASAVATTI ở cõi Tha Hóa Tự Tại.
  1. Tương tự như thế, đi đến cõi Phạm Thiên Sắc Giới, vị tỳ khưu ấy đến vấn hỏi các vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, cũng đều không rõ biết dấu tích của Tứ Đại sau khi đã biến diệt hoàn toàn.
  2. Và cuối cùng, vị Đại Phạm Thiên đã nói với vị tỳ khưu ấy, “Đã làm sai, đã lầm lẫn khi bỏ qua đức Thế Tôn, hướng đến người khác, để trả lời câu hỏi ấy. Hãy đi đến vấn hỏi đức Thế Tôn thì sẽ được rõ biết vấn đề này.”

Đức Phật điều chỉnh câu hỏi và giải đáp thắc mắc

  1. Với sự kiện quay trở về cõi Nhân Loại và đi đến vấn hỏi đức Phật, cũng ví như chuyến đi buôn trên biển cả với những con chim tìm thấy bờ, khi được thả ra, nó bay khắp mọi phương hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để bay đến bờ, nêu không thấy được bờ thì chim sẽ quay trở lại con tàu. Cũng như thế, vị tỳ khưu này đã đi cùng khắp các tầng Chư Thiên Dục Giới cho đến Phạm Thiên Sắc Giới Thiên, tuy nhiên, vẫn không tìm được câu trả lời thích hợp, nên cuối cùng đã đi đến đức Phật và nêu lên câu hỏi ngõ hầu được giải đáp thắc mắc.
  2. Đức Phật đã điều chỉnh lại câu hỏi như sau:
  • “Chỗ nào mà Thủy Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, dài ngắn, thô tế, tịnh và bất tịnh, không có chân đứng?”
  • “Chỗ nào cả Danh và Sắc tiêu diệt hoàn toàn?” Và đây là câu trả lời cho câu hỏi này:
  • “Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, Thủy Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, không có chân đứng.”
  • “Ở đây, cũng vậy, dài ngắn, thô tế, tịnh và bất tịnh không có chân đứng.”
  • “Ở đây, Danh và Sắc tiêu diệt hoàn toàn.”
  • “Khi Thức diệt ở đây, mọi thứ đều diệt tận.”

Và như thế, đức Phật cho biết rằng, “ Tứ Đại và Tứ Đại Chủng không có chân đứng trong Tâm của vị A La Hán. Khi Thức diệt, thì Tứ Đại Chủng bất tịnh, và Danh Sắc tiêu diệt hoàn toàn.”

Kết Luận:

Cư sĩ trẻ tuổi KEVADDHA hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 31