Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Na-nan-đại, trong khu rừng xoài của Ba-hòa-lị.[2]
Bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù, mang guốc thế tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi, thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí bèn nói rằng, ‘Chư Hiền nên biết, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí nói lại bằng những lời dịu dàng rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.
Rồi Cư sĩ Bô-lị-đa trong khi du hành khắp nơi, thong dong tản bộ đến chỗ Đức Phật, chào hỏi xong, chống gậy đứng ngay trước Phật.
Thế Tôn hỏi:
“Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”
Cư sĩ Bô-lị-đa bạch rằng:
“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự, mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”
Thế Tôn nói:
“Ngươi có hình tướng, biểu hiệu như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”
Thế Tôn lại ba lần nói rằng:
“Này Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì ngồi.”
Cư sĩ Bô-lị-đa cũng ba lần bạch Phật rằng:
“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”
Thế Tôn trả lời rằng:
“Ngươi có hình tướng, biểu hiện như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”
Rồi Thế Tôn hỏi:
“Ngươi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như thế nào?”
Cư sĩ Bô-lị-đa đáp:
“Tất cả những tài vật trong nhà, tôi đều cho con cái hết rồi tôi sống vô vi, vô cầu, chỉ đi lấy thức ăn để duy trì mạng sống mà thôi. Tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như vậy.”
Thế Tôn nói:
“Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật, sự đoạn tuyệt các tục sự không phải như vậy. Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật có Tám chi đoạn tuyệt tục sự.”
Lúc bấy giờ Cư sĩ Bô-lị-đa bèn bỏ gậy, xếp dù, cởi guốc tục, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:
“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật, thế nào là Tám chi đoạn tuyệt tục sự?”
Thế Tôn nói:
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát, y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho, y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ nói láo, y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước, y trên không nhuế hại mà đoạn trừ nhuế hại, y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch, y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai giết chóc phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta giết chóc, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai giết chóc như vậy, sẽ chịu quả báo này, trong đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên y trên lìa sát mà đoạn trừ sát chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa sát hại mà đoạn trừ sát hại. Như vậy là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai lấy của không cho tất phải chịu quả báo ác trong đời này và đời sau. Nếu ta lấy của không cho, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai lấy của không cho phải chịu ác báo trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tà dâm tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tà dâm ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương thảy đều nghe đồn tiếng xấu của ta. khi thân hoại mạng chung phải đi đến ác thú, sanh trong địa ngục. Ai tà dâm tất phải chịu ác báo này trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai nói láo tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta nói láo ấy là tự hại mà cũng xuyên tạc phỉ báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai nói láo tất phải chịu ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta nên y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tham trước tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tham trước ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai tham trước tất phải thọ ác báo này trong đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta hại nhuế ấy là tự hại, mà cũng là hủy báng xuyên tạc người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo đời này và đời sau. Nếu ta đố kỵ thù nghịch ấy là tự hại và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch.
“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tăng thượng mạn tất thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta có tăng thượng mạn ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai có tăng thượng mạn tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên y cứ không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn chăng?’ Rồi vị ấy y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.
“Đó là Tám chi đoạn tuyệt tục sự trong Thánh pháp luật.”
Cư sĩ hỏi rằng:
“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật chỉ như vậy là đoạn tuyệt tục sự hay còn những điều khác nữa?”
Thế Tôn nói:
” Trong Thánh pháp luật không chỉ có chừng đó đoạn tuyệt tục sự, mà còn Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ.”
Bô-lị-đa Cư sĩ nghe xong, bèn cởi khăn trắng chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?”
Thế Tôn đáp rằng:
“Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian [3] đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.
“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu quạ diều ấy không chịu xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”
“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Không vậy, Cù-đàm.”
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.
“Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”
“Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Không vậy Cù-đàm.”
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, ‘Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểâm, hãy nên xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, ‘Này, mổ đi! Này mổ đi!’ Như vậy chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, ‘Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
“Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.
“Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chen gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, ‘Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy’. Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn, bèn tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt, những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, ‘Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt’. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?’ Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?’, bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”
“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Không vậy, Cù-đàm.”
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.
“Đó gọi là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác, đạt đến chứng ngộ.
“Này Cư sĩ, rồi vị ấy có giác có quán, đã dứt,[4]nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy ly hỷ, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân thọ lạc, điều mà Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng diệt, không lạc không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
“Rồi vị ấy với định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và chứng ngộ lậu tận trí thông, biết như thật ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Khi nói pháp này Bô-lị-đa Cư sĩ viễn ly trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ thấy pháp, đắc pháp, chứng giác bạch tịnh pháp, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, bèn cúi đầu đảnh lễ chân Phật bạch:
“Bạch Thế Tôn, con nay quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, từ hôm nay suốt trọn đời, tự quy y cho đến lúc mạng chung.
“Bạch Thế Tôn, con trước đây mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù và mang guốc tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí, bèn nói như vầy, ‘Chư Hiền, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí ấy bèn những lời dịu dàng nói với con rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.
“Bạch Thế Tôn, con lúc bấy giờ các vị ấy thật sự vô trí, lại đặt vào chỗ trí, thật sự vô trí mà thờ tự, thật sự vô trí mà cúng thực, thật sự vô trí mà phụng sự như người trí. Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay chúng Tỳ-kheo và đệ tử Thế Tôn, đây mới thật sự là có trí, xứng đáng đặt ở chỗ trí, thật sự có trí xứng đáng thờ tự, thật sự có trí xứng đáng cúng thực, thật sự có trí xứng đáng phụng sự người trí tuệ.
“Bạch Thế Tôn, con nay lại lần nữa tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung. Bạch Thế Tôn, con trước kia kính tín kính trọng các Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, kể từ hôm nay đoạn tuyệt. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Bô-lị-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
1. Tương đương Pāli: M.54. Potaliya-suttaṃ.
2. Ba-hòa-lị-nại viên 波 和 利 奈 園 (Pāli: Pāvārikambavana). Bản Pāli nói: tại thôn Āpaṇa, Anguttarāpa.
3. Thế gian ẩm thực 世 間 飲 食. Pāli: Lokāmisupādānā: Sự chấp thủ vật dục trần gian.
4. “Có giác có quán” là Sơ thiền, “giác quán đã dứt” là ở Nhị thiền. Ở đây không nói đến Sơ thiền. Pāli lược bỏ cả bốn thiền.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 10