Toát yếu Trung Bộ 010 : Niệm xứ

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 10

Niệm xứ

  1. TOÁT YẾU

Satipatthàna Sutta – The foundations of mindfullness.

This is one of the fullest and most important suttas by the Buddha dealing with meditation, with particular emphasis on the development of insight. The Buddha begins by declaring the four foundations of mindfullness to be the direct path for the realisation of Nibbàna, then gives detailed instructions on the four foundations: the contemplation of the body, feelings, mind and mind objects.

Nền tảng của chính niệm.

Đây là một trong những kinh quan trọng và đầy đủ nhất mà Phật dạy về thiền, đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển tuệ quán. Khởi đầu, Phật tuyên bố bốn niệm xứ là con đường thẳng tắt để thực chứng niết bàn. Sau đó Ngài chỉ dạy chi tiết về bốn niệm xứ là quán thân, cảm thọ, tâm và các pháp đối tượng của tâm.

  1. TÓM TẮT

Phật dạy bốn niệm xứ là con đường độc nhất đưa chúng sinh đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ niết bàn.

Bốn niệm xứ là: quán thân trên thân, quán cảm thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, và quán pháp trên các pháp.

  1. Quán thân: bao gồm 14 bài tập là: niệm hơi thở; quán bốn uy nghi hay thân hành; chính niệm tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh; quán bất tịnh; quán bốn đại; và chín pháp quán tử thi ở nghĩa địa qua các giai đoạn tan rã.
  2. Quán thọ: kể như một bài tập. Thọ là các cảm giác dễ chịu, khó chịu, trung tính về thân, tâm.
  3. Quán tâm: một bài tập: Tuệ tri tâm có hay không tham, sân, si, tán loạn, quảng đại; thâu nhiếp hay tán loạn; hữu hạn hay vô thượng; có định không định, có giải thoát không giải thoát.
  4. Quán pháp: gồm năm phân đoạn: 1- Năm triền cái; 2- Năm uẩn; 3- Sáu nội xứ; 4- Bảy giác chi; 5- Bốn thánh đế.

Vậy kinh này giảng tất cả 21 bài tập thiền quán. Mỗi bài tập lại gồm hai phần, phần luyện tập căn bản được giải thoát trước, và phần bổ túc dạy làm thế nào hướng sự tu tập ấy đến việc đào sâu tuệ giác. Phần này không thay đổi trong cả 21 bài tập, đó là đoạn “… Vị ấy sống quán tính sinh khởi trên thân, quán tính diệt tận trên thân, … an trú chính niệm, hy vọng hướng đến chính trí …, sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.”

Cuối cùng, Phật nêu lên kết quả việc quán Bốn niệm xứ để khuyến khích tu hành: đó là chứng quả A la hán hoặc Bất hoàn.

III. CHÚ GIẢI

Sớ giải kinh Trung bộ nói ekàyana magga có nghĩa là “con đường độc đạo vì không có ngõ tẻ “, là “con đường mà mỗi người phải tự bước đi không bầu bạn”, là “con đường dẫn đến mục tiêu duy nhất, đó là niết bàn”. Trong khi tu các thiền chứng và phạm trú có thể không đưa đến niết bàn vì những ngõ tẻ, thì bốn niệm xứ nhất định đưa đến niết bàn, mục đích tối hậu.

Sự lặp lại “quán thân trên thân” – kàye kàyànupassì – có mục đích xác định cho rõ ràng đối tượng quán là thân thể và chỉ thân thể mà thôi, không lẫn với những khái niệm khác như những cảm giác, ý nghĩ liên hệ đến thân ấy. Lại nữa, chỉ nên quán thân thể như là thân thể chứ không kèm theo các khái niệm như đàn ông, đàn bà, ngã, hay chúng sinh. Với thọ, tâm, pháp cũng thế. Ví dụ “tê” hoặc “ngứa” khi ngồi thiền là một cảm thọ, dễ kéo theo các cảm thọ khác như bực bội, v.v. hoặc kéo theo “hành” như suy nghĩ lung tung; nên cần phải dừng lại trên cảm thọ ấy mà thôi, gọi là “quán thọ trên thọ”.

Đại hành exalted mind, và vô thượng unsurpassed mind, được giải thích là tâm ở trong các cõi thiền và định chứng vô sắc. Tâm không đại hành và “hữu thượng” là tâm ở cõi dục. Tâm “giải thoát” là tâm tạm lắng dịu phiền não nhờ tuệ quán hoặc nhờ chứng các thiền. Vì sự tu tập Niệm xứ là giai đoạn chuẩn bị để đạt đến các đạo lộ giải thoát thuộc siêu thế, nên không thể hiểu “tâm giải thoát” nói trong bài tập này đã là giải thoát thuộc siêu thế.

Trong phần quán bảy giác chi, quán “trạch pháp giác chi” dhammavicaya, nghĩa là dùng chính niệm để thăm dò hiện tượng tâm vật lý đang diễn ra trong tâm hành giả.

  1. PHÁP SỐ

Một con đường duy nhất, ekamagga, là tứ niệm xứ quán.

Bốn đại

Bốn niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp.

Bốn sự thật

Bốn uy nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.

Năm triền cái

Năm thủ uẩn

Sáu nội ngoại xứ

Bảy giác chi

Mười giai đoạn tử thi

Ba mươi mốt uế vật: Tóc, lông, móng, răng, da; Thịt, gân, xương, thận, tủy; Tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi; Ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật; Đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ; Nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương; Nước tiểu.

  1. KỆ TỤNG

Có con đường độc nhất
– Bốn cơ sở tưởng niệm –
Khiến chúng sinh thanh tịnh
Diệt sầu não khổ ưu
Thành tựu được chính trí
Và chứng ngộ niết bàn.
Một, quán thân như thân
Hai, thọ như cảm thọ
Ba, quán tâm như tâm
Bốn, quán pháp như pháp.

A. Quán thân:
Quán thân mười bốn mục
Thực hành vào mọi lúc
Một, niệm hơi ra vào
Dài ngắn đều ý thức
Hai, quán bốn uy nghi
Lúc nằm ngồi đứng đi
Ba, rõ biết thân hành
Khi duỗi, co cúi, ngước.
Bốn, quán thân bất tịnh
Tóc lông móng răng da.
Năm, thân gồm bốn đại
Chẳng có gì là “ta”.
Và đây chín giai đoạn
Khi thân đã ra ma.
Một là thây trương phình
Còn đâu vẻ đẹp xinh?
Hai, côn trùng đục khoét
Không còn ra dáng hình
Ba, bộ xương dính thịt
Với bốn đường liên kết
Bốn còn máu và gân
Sâu kiến lại tranh phần
Năm là xương hết máu
Nhưng còn dính liền gân
Sáu, bộ xương rời rã
Rải rác khắp mộ phần
Bảy, xương màu vỏ ốc
Theo gió bụi thời gian
Tám, một đống xương tàn
Trên đường về cát bụi
Tung bay giữa không gian
Đây là giai đoạn cuối.
Quán sát thân thể này
Bản chất là như vậy
Sinh ra rồi già chết
Không thể nào khác hơn
Tỳ kheo sống chính niệm
Gột rửa hết tham ưu
Không nương tựa chấp trước
Bất cứ gì trên đời.

B. Quán thọ:
Kế đến, quán cảm thọ
Là cảm giác thân, tâm
Gồm ba loại: Khổ, vui,
Và không vui không khổ.
Tuệ tri từng cảm thọ
Là nghe ngóng theo dõi
Sinh, trú diệt của nó
Chính niệm, gột tham ưu.

C. Quán tâm:
Có tham, tuệ tri “tham”
Không tham, biết “không tham”
Với sân, si, cũng vậy;
Thâu nhiếp hay tán loạn;
Quảng đại, không quảng đại;
Hữu hạn hay vô thượng;
Có định hay không định;
Giải thoát, không giải thoát.
Tuệ tri các tâm ấy
Khi sinh khởi, diệt tận,
Tỳ kheo sống chính niệm
Để gột rửa tham ưu.

D. Quán pháp:
Quán pháp gồm năm mục
Một quán 5 triền cái
Tham, sân và ngủ gục
Trạo cử và hoài nghi.
Hai quán năm thủ uẩn
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Sinh khởi và đoạn diệt
Mỗi thứ cần biết rõ.
Ba quán sáu giác quan
Cùng với sáu đối tượng:
Tuệ tri kết sử sinh
Do trong ngoài tiếp xúc;
Tuệ tri kết sử diệt
Tương lai sẽ không sinh.
Tuệ tri các pháp ấy
Khi sinh khởi, diệt tận,
Tỳ kheo sống chính niệm
Để gột rửa tham ưu.
Bốn quán bảy giác chi:
Trước hết “Niệm” tuệ tri
Chưa sinh, cần sinh khởi
Đã sinh, hãy viên thành.
Trạch pháp, hỷ, tinh tấn
Khinh an, định và xả
Sáu giác chi còn lại
Cùng quán sát như trên.
Tuệ tri các pháp ấy
Khi sinh khởi, diệt tận,
Tỳ kheo sống chính niệm
Để gột rửa tham ưu.

E. Quán bốn thánh đế:
Tuệ tri “Đây là khổ”
“Đây là nguồn gốc khổ”
“Đây là sự diệt khổ”
“Đây là đường diệt khổ”
Tuệ tri các pháp ấy
Khi sinh khởi, diệt tận,
Tỳ kheo sống chính niệm
Để gột rửa tham ưu.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 272