Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh A Ma Trú (ambattha Sutta)

Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh A Ma Trú (ambattha Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh A Ma Trú (Ambattha Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp Thoại này cho thanh niên AMBATTHA cùng với một số thanh niên đi theo, ở hương thất của Ngài, trong khu rừng ICCHÀNAKÀLA, thuộc một làng Bà La Môn ở KOSALA.

Duyên Khởi:

Bà La Môn POKKHARASÀDI muốn được xác minh lời đồn đãi của dân gian về 32 tướng tốt của đức Phật, nên đã sai người đệ tử có tên gọi là AMBATTHA đến để rõ thực hư. Với thái độ ngạo nghễ, ty liệt, và thô bạo của AMBATTHA, đức Thế Tôn đã giảng thuyết cho chàng thanh niên Bà La Môn được rõ biết về địa vị ưu thắng mà giai cấp Bà La Môn tự dành cho mình đã không có chân đứng trên thực tế.

Đức Phật nhấn mạnh địa vị và giá trị con người, không thể bằng cứ vào giai cấp mà phải dựa trên giới đức và trí đức của con người.

Chánh Kinh:

AMBATTHA xúc phạm đức Thế Tôn

Được sự hướng dẫn của chư tỳ khưu, AMBATTHA đi đến đức Phật với một thái độ vô cùng kiêu mạn và ty liệt. Đức Phật cho rằng thái độ như thế quả thật là vô giáo dục mặc dầu AMBATTHA tự cho đó là có giáo dục. Quá tức tối và phẫn nộ, AMBATTHA đã sanh tâm nhục mạ, phỉ báng, và công kích đức Thế Tôn do bởi AMBATTHA tự mãn về vị trí của mình là con của một gia đình quý tộc danh tiếng và là đệ tử của Bà La Môn:

  • Cho rằng dòng họ Thích Ca là đê tiện, hạ liệt do bởi không có tôn kính, lễ bái, và cúng dường Bà La Môn.
  • Cho rằng dòng họ Thích Ca là đê tiện, hạ liệt do bởi mãi nô đùa giỡn hớt với nhau mà không biết đón chào, lễ bái, và cúng dường một Bà La Môn đi đến.
  • Cho rằng dòng họ Thích Ca là đê tiện, hạ liệt do bởi ở trong giai cấp Sát Đế Lỵ, chỉ xứng là hầu hạ cho hàng Bà La Môn.

Với ba quan điểm trên, AMBATTHA đã buộc tội và phỉ báng dòng họ Thích Ca là đê tiện một cách quá đáng.

Đức Phật chỉ rõ nguồn gốc và dòng họ AMBATTHA

  • Xét theo phụ mẫu hệ về quá khứ thì dòng họ Thích Ca là thầy của AMBATTHA.
  • AMBATTHA xuất thân từ dòng họ KANHÀYANA.
  • Tổ tiên của dòng Thích Ca là vua OKKÀKA, có một nữ tỳ tên là DISÀ. Cô nữ tỳ này hạ sanh một đứa con da đen, khi vừa mới chào đời đã biết nói, nên có tên gọi là KANHA (ác quỷ). Lớn lên, KANHA trở thành một tu sĩ tài nghệ tinh thông và đến yêu cầu vua OKKÀKA gả công chúa KHUDDARÙPI cho chàng. Từ đó, KANHA là tổ phụ của dòng họ KANHÀYANA.

Đức Phật xác định vị trí và giá trị con người

Với một xã hội có đủ bốn giai cấp là Sát Đế Lỵ, Bà La Môn, Phệ Xá, và Thủ Đà La, đức Phật nói rằng, Sát Đế Lỵ chiếm địa vị tối thắng ở nhân gian. Tuy nhiên, với người có đầy đủ giới hạnh và trí đức thì đức Thế Tôn tuyên bố rằng, vị ấy chiếm địa vị tối thắng giữa người và trời. Giới hạnh và trí đức không thể luận chấp ở thọ sanh, ở giai cấp, ở kiêu mạn, và ở kết hạp (cưới hỏi), mà chính tự nơi mình tu tập, trau giồi phẩm hạnh cao thượng mà thành tựu và chứng đạt được. (Xem lại phần Kinh Sa Môn Quả về 13 điều lợi ích công đức).

      Có 4 nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu Vô Thượng Trí Đức

  • Với phương cách chỉ ăn những trái cây rụng mà sống.
  • Với phương cách chỉ ăn rễ và trái cây mà sống.
  • Với phương cách sống thờ lửa.
  • Với phương cách xây dựng một phước xá ở ngã tư đường với 4 cửa để tôn kính và cúng dường Sa Môn và Bà La Môn.

     Có 6 trường hợp không thể chấp nhận là một vị ẩn sĩ

  • Không vì thuộc lòng các chú thuật ở các vị ẩn sĩ khác, mà được gọi là một ẩn sĩ.
  • Không vì trau chuốt, khéo trang sức, và say đắm trong ngũ dục lạc, mà được gọi là một ẩn sĩ.
  • Không vì quá lo lợi dưỡng, mà được gọi là một ẩn sĩ.
  • Không vì có nữ giới phục vụ, hầu hạ, mà được gọi là một ẩn sĩ.
  • Không vì có người và vật đưa đón phục vụ, mà được gọi là một ẩn sĩ.
  • Không vì được che chở và bảo vệ bởi các thành lũy và những binh lính, mà được gọi là một ẩn sĩ.

Sau cùng với thần lực của đức Thế Tôn, nên chàng thanh niên AMBATTHA đã thấy rõ 32 tướng tốt của Ngài một cách trọn vẹn. Với lòng tôn kính, AMBATTHA cùng với các bạn thanh niên xin phép cáo từ đức Thế Tôn và về thuật lại câu chuyện cho Bà La Môn POKKHARASÀDI được rõ biết mọi việc.

Sự tán thán và quy ngưỡng của POKKHARASÀDI

Khi được nghe thuật lại, tức giận và bực bội, Bà La Môn POKKHARASÀDI đã đá AMBATTHA và đi đến sám hối với đức Phật. Cũng tương tự với AMBATTHA, đức Thế Tôn đã dùng thần lực làm cho POKKHARASÀDI thấy rõ đủ cả 32 tướng tốt, phát khởi đức tin, và hoan hỷ, nên POKKHARASA2DI đã tỏ ý thỉnh mời đức Thế Tôn và chư tỳ khưu tăng về nhà thiết lễ cúng dường trai tăng.

Pháp nhũ được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng tuần tự có năm chi:

  1. Thuyết về xả ly bố thí
  2. Giảng giải về trì giới
  3. Giảng giải về sự an vui ở các cõi Thiên Giới
  4. Giảng giải về sự nguy hại của ngũ dục lạc
  5. Quả báo của sự xuất ly

Cuối cùng an trú vào lý Tứ Đế đã làm cho Bà La Môn POKKHARASÀDI chứng đắc Pháp Nhãn, xa trần ly cấu, và tiêu trừ mọi nghi hoặc.

Kết Luận:

Lời tán thán của Bà La Môn POKKHARASÀDI với sự tự tín, phát tâm nương nhờ trọn đời, và quy ngưỡng Tam Bảo.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 19