Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Đại Duyên (mahànidàna Sutta)

Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Đại Duyên (mahànidàna Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh 

Kinh Đại Duyên (Mahànidàna Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết Pháp Thoại này cho đại đức ÀNANDA tại bộ lạc KURU, có tên là KAMMÀSSADHAMMA.

Duyên Khởi:

Do đại đức ÀNANDA đã suy niệm về Pháp Liên Quan Tương Sinh và đã tán thánh pháp này trước đức Phật.

Chánh Kinh:

Đức Phật thuyết giảng pháp LIÊN QUAN TƯƠNG SINH

Đức Phật nhấn mạnh rằng, “Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu Giáo Pháp này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống ngọn cỏ MUNJA và lau sậy BABBAJA, không thể nào ra khỏi Khổ Xứ, Ác Thú, Đọa Xứ, Sanh Tử.”

Trước tiên, đức Phật khải thuyết từ Già và Chết là do duyên Sanh, Sanh do Hữu, Hữu do Thủ, Thủ do Ái, Ái do Thọ, Thọ do Xúc, Xúc do Danh Sắc, Danh Sắc do Thức, Thức do Danh Sắc (tại đây không thấy đề cập đến ba Chi, Vô Minh, Hành, và Lục Xứ).

Như vậy, do duyên Danh Sắc, Thức được sanh; do duyên Thức, Danh Sắc được sanh; do duyên Danh Sắc, Xúc được sanh; do duyên Xúc, Thọ được sanh; do duyên Thọ, Ái được sanh; do duyên Ái, Thủ được sanh; do duyên Thủ, Hữu được sanh; do duyên Hữu, Sanh được sanh; do duyên Sanh, Lão Tử được sanh; do duyên Lão Tử, Sầu Bi Khổ Ưu Não được sanh. Đây là toàn bộ Khổ Uẩn tập khởi.

Ngoài ra, đức Phật còn đề cập thêm một số chi phần hợp theo Pháp Hiệp Thế Chế Định, như đề cập đến do duyên Thọ, Ái được sanh; do duyên Ái, Tầm Cầu được sanh; do duyên Tầm Cầu, Lợi được sanh; do duyên Lợi, Quyết Định (sở dụng của Lợi) được sanh; do duyên Quyết Định, Tham Dục được sanh; do duyên Tham Dục, Đắm Trước được sanh; do duyên Đắm Trước, Chấp Thủ được sanh; do duyên Chấp Thủ, Lận Sắt được sanh, do duyên Hà Tiện, Thủ Hộ được sanh; do duyên Thủ Hộ, một số Ác Pháp, Bất Thiện Pháp phát sanh, như là chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ.

Đức Phật nói đến những lời tuyên bố và không tuyên bố của thế gian về Ngã, sự liên hệ giữa Ngã và các Cảm Thọ

1.    Những lời tuyên bố về Tà Kiến Bản Ngã (Thân Kiến) 

  • Bản Ngã hữu sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã hữu sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã vô sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã vô sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị

2.    Những lời không tuyên bố về Tà Kiến Bản Ngã (Thân Kiến)

  • Bản Ngã hữu sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã hữu sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã vô sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị
  • Bản Ngã vô sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị

3.    Đức Phật bác bỏ những quan niệm về bản ngã qua các cảm thọ. 

Có ba loại cảm thọ, đó là Lạc thọ, Khổ thọ, và Bất Khổ Bất Lạc thọ. Cả ba loại cảm thọ này đều là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận.

Không thể chấp nhận quan niệm, “Ngã của tôi là Thọ,” “Ngã của tôi có cảm thọ.” “Ngã của tôi không phải là Thọ,” “Ngã của tôi không phải không có cảm thọ.”

Khi vị tỳ khưu không quan niệm Ngã là Thọ, không quan niệm Ngã không phải Thọ, không quan niệm: “Ngã của tôi là Thọ, Ngã của tôi có khả năng cảm thọ,” khi ấy vị tỳ khưu này sẽ không chấp trước một điều gì ở trên đời, vì không chấp trước nên không sợ hãi, vì không sợ hãi nên hoàn toàn tự mình tịch diệt.

Vị tỳ khưu này biết, “Sanh đã tận. Phạm Hạnh đã thành.  Những việc  cần làm đã làm. Sau đời này, không còn đời khác nữa.”  Khi liễu tri  được như thế thì sẽ được giải thoát.

Đức Phật thuyết bảy trú xứ của Thức, hai loại Xứ, và tám Giải Thoát

1.    Có bảy trú xứ của Tâm Thức

THÂN DỊ TƯỞNG DỊ: Thân hình khác nhau, tư tưởng khác nhau, như là Nhân Loại, Chư Thiên, và một số trong Địa Ngục.

THÂN DỊ TƯỞNG ĐỒNG: Thân hình khác nhau, nhưng tư tưởng giống nhau, như là các vị Phạm Chúng Thiên ở tầng Sơ Thiền.

THÂN ĐỒNG TƯỞNG DỊ: Thân hình giống nhau, nhưng tư tưởng khác nhau, như là các vị Quang Âm Thiên ở tầng Nhị Thiền.

THÂN ĐỒNG TƯỞNG ĐỒNG:   Thân hình giống nhau, tư tưởng giống nhau, như là các vị Biến Tịnh Thiên ở tầng Tam Thiền.

KHÔNG VÔ BIÊN XỨ: Vượt khỏi mọi sắc tưởng, đoạn trừ tất cả hữu đối tưởng, không còn suy tư đến bất luận một dị loại tưởng, như là các vị Không Vô Biên Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

THỨC VÔ BIÊN XỨ: Vượt khỏi Không Vô Biên Xứ, chỉ có tưởng “Thức là vô biên,” như là các vị Thức Vô Biên Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

VÔ SỞ HỮU XỨ: Vượt khỏi Thức Vô Biên Xứ, chỉ có tưởng “Vô Sở Hữu” (lấy đề mục “không có chi cả” làm cảnh giới), như là các vị Vô Sở Hữu Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

2.    Có hai loại xứ

VÔ TƯỞNG HỮU TÌNH XỨ ở cõi Sắc Giới.

PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ ở cõi Vô Sắc Giới.

Với bảy trú xứ của Tâm Thức và hai loại Xứ, một vị tỳ khưu như thật hiểu biết được sự tập khởi, sự đoạn trừ, phước vị, hoạn nạn, xuất ly khỏi chúng, nhờ không còn chấp thủ, vị tỳ khưu này được giải thoát, vị tỳ khưu này được gọi là Tuệ Giải Thoát.

3.    Có tám giải thoát

  1. Tự mình có Sắc, thấy các Sắc Pháp
  2. Không biết tự mình có Sắc, thấy các Sắc ngoài tự thân
  3. Tâm mạnh hướng đến thanh tịnh
  4. Chứng và trú vào Hư Không Biên Xứ
  5. Chứng và trú vào Thức Vô Biên Xứ
  6. Chứng và trú vào Vô Sở Hữu Xứ
  7. Chứng và trú vào Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
  8. Chứng và trú vào Thiền Diệt (Diệt Thọ Tưởng Định)

Khi một vị tỳ khưu thuận tùng thể nhập tám giải thoát này, có thể nhập và xuất khỏi bất cứ giải thoát nào khi nào mình muốn, chỗ nào mình muốn, và dài bao lâu mình muốn. Với các Lậu Hoặc được đoạn trừ, vị tỳ khưu này chứng và an trú trong tám giải thoát và tuệ giải thoát, không còn Lậu Hoặc ngay trong thời hiện đại, tự mình thâu đạt và chứng ngộ.

Kết Luận:

Khi chấm dứt thời Pháp Thoại, đại đức ÀNANDA hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 31