Toát yếu Trung bộ 014 : Tiểu kinh khổ uẩn

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 14

Tiểu kinh khổ uẩn

  1. TOÁT YẾU

Cùladukkhakkhandha Sutta – The shorter discourse on the mass of suffering.

A variation of the preceding, ending in a discussion with Jain ascetics on the nature of pleasure and pain.

Bản kinh ngắn về đống khổ.

Một dạng như kinh số 13, kết thúc bằng một cuộc đàm luận với những người Kỳ na giáo tu khổ hạnh, về bản chất của lạc và khổ.

  1. TÓM TẮT

Màhanàma hỏi Phật, vì nguyên nhân gì thỉnh thoảng ông vẫn bị tham sân si xâm chiếm mặc dù đã biết đấy là cấu uế của tâm, và hỏi có pháp nào trong ông chưa đoạn khiến ông vẫn bị tham sân si chi phối. Phật dạy, pháp ấy chính là dục. Vì ông chưa đoạn dục, để cho dục lèo lái ông nên ông vẫn sống trong gia đình, thụ hưởng các dục. Phật cho biết dục vui ít, khổ não nhiều, nguy hiểm lại còn nhiều hơn. Về dục, nên biết rõ vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly. Nhưng nếu thấy rõ như vậy với trí tuệ chân chính, mà chưa chứng được hỷ lạc thiền định hay các pháp thù thắng hơn, thì vẫn còn bị dục chi phối. Đó là kinh nghiệm bản thân của Phật.

Kế tiếp, Phật kể cho Mahànàma nghe mẩu đối thoại của Ngài với những người theo phái Ni kiền tử thực hành nhiều khổ hạnh, cảm thọ những đau khổ khốc liệt để chuộc tội lỗi quá khứ, vì tin như vậy sẽ được giải thoát.

Phật hỏi họ năm điều: Họ có biết được trong quá khứ họ có hiện hữu hay không? Trong quá khứ, họ có làm ác nghiệp hay không? Trong quá khứ, họ đã làm những ác nghiệp gì? Họ có biết đã trừ được bao nhiêu đau khổ, còn lại bao nhiêu đau khổ chưa trừ không? Họ có biết đoạn trừ ngay trong hiện tại những bất thiện và hoàn thành các thiện pháp không? Các người đệ tử theo phái khổ hạnh đều không biết. Nhưng vì họ tin nhân quả nghiệp báo, Phật kết luận: “Vậy thì những người xuất gia trong Ni kiền tử phải từng là những kẻ ác ôn ghê gớm” (cho nên mới phải hành thân hoại thể để chuộc tội).

Nhưng người Ni kiền tử lại nói: “Hạnh phúc thành tựu nhờ đau khổ. Nếu hạnh phúc thành tựu nhờ hạnh phúc, thì vua Bình sa (Bimbisara) sẽ hơn tôn giả Gotama, vì vua đang sống hạnh phúc hơn tôn giả Gotama.” Ni kiền tử lầm lạc khoái lạc giác quan là hạnh phúc, nên khi Phật hỏi liệu vua Bình sa có thể làm như Ngài, ngồi yên bất động trong nhiều ngày mà vẫn cảm thấy thuần túy lạc thọ, thì Ni kiền tử phải công nhận Phật sống hạnh phúc hơn vua.

III. CHÚ GIẢI

Mahànàma có họ với Phật, ông là anh của Anuruddha và Ananda. Theo Sớ giải, ông đã chứng quả Bất hoàn, nghĩa là chỉ có suy giảm tham sân si chứ chưa đoạn tận. Vì ông lầm tưởng khi vào đạo lộ Bất hoàn là đã đoạn tận tham sân si, nên mới ngạc nhiên khi thấy trong tâm ông thỉnh thoảng chúng lại sinh khởi.

Phật đưa vào đây câu chuyện về khổ hạnh cốt để nói, giáo lý Ngài là Trung đạo, tránh xa hai cực đoan hưởng thụ và ép xác.

  1. PHÁP SỐ

Ba độc: tham, sân, si.

Ba pháp: vị ngọt, nguy hiểm, xuất ly.

Bốn thiền

  1. KỆ TỤNG
  2. Nguyên nhân của cấu uế là dục
    Từ lâu con đã hiểu
    Lời dạy của Thế tôn
    Tham sân si cấu uế
    Vẫn xâm chiếm tâm con.
    “Pháp nào con chưa đoạn
    Khiến cấu uế xâm nhập
    Và chiếm cứ tâm con
    Xin Thế tôn chỉ dạy.”
    Này Ma-ha-na-ma
    Vương tử dòng Thích ca
    Dục trong người chưa đoạn
    Do đời sống tại gia.B. Thay dục lạc bằng thiền lạc
    “Dục vui ít khổ nhiều
    Nguy hiểm càng nhiều hơn
    Dù tuệ tri như vậy
    Và chí muốn xuất ly
    Nhưng chưa chứng thiền lạc
    Hoặc pháp thù thắng hơn
    Thì dục vẫn chi phối
    Và xâm chiếm tâm ngươi.”C. Khổ hạnh vô ích
    Phật bác Ni kiền tử
    Để hiển thị Trung đạo
    Lìa xa hai cực đoan
    Hưởng lạc và ép xác.
    Ni kiền tử chủ trương
    Cần hành hạ thân xác
    Chuộc tội lỗi quá khứ
    Đời sau được an lạc.
    Nhưng vì không thể biết
    Đời trước làm tội gì
    Đã chuộc được bao nhiêu
    Còn bao nhiêu chưa chuộc.
    Nếu thực sự khổ đau
    Do ác nghiệp về trước
    Thì chắc Ni kiền tử
    Đã tạo nhiều phi phước.
    “Dù có nói thế nào
    Hạnh phúc không thể đạt
    Nhờ con đường hưởng lạc
    Mà phải nhờ ép xác.
    Nếu hiện tại hưởng lạc
    Mà tạo được nhiều phúc
    Thì Tần bà sa la
    Sẽ hạnh phúc hơn Phật.”
    Phật hỏi Ni kiền tử
    “Phải chăng người đã nghĩ
    Vua Tần bà sa la
    Đang hạnh phúc hơn ta?”
    “Thưa Cồ đàm, chính phải
    Hay là như thế nào
    Thực tình, tôi không rõ
    Xin Ngài làm sáng tỏ.”
    “Này ngươi Ni kiền tử
    Vua có ngồi một mình
    Với thuần túy lạc thọ
    Suốt ngày đêm được chăng?”
    “Không, có lẽ là không.”
    “Ta có thể nhiều ngày
    Im lặng, thân bất động
    Vẫn hoàn toàn hạnh phúc.”
    Ni kiền tử kết luận
    “Nếu sự tình là vậy
    Thì Thế tôn hạnh phúc
    Hơn Tần bà sa la.”
    Và Ma-ha-na-ma
    Tin nhận lời Thế tôn
    Rằng hỷ lạc thiền định
    Thù thắng hơn dục lạc.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 24

Post Views: 203