Toát Yếu trung Bộ 025 :Bẫy mồi

Toát Yếu trung Bộ 025 :Bẫy mồi

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 25

Bẫy mồi

  1. TOÁT YẾU

Nivàpa Sutta – the bait.

The Buddha uses the analogy of deer – trappers to make known to the Bhikkhus the obstacles that confront them in their effort to escape from Mara’s control.

Miếng mồi.

Phật dùng ví dụ những thợ bẫy nai để hiển thị cho tỳ kheo những chướng ngại họ gặp phải trong khi nỗ lực thoát khỏi sự khống chế của ma vương.

  1. TÓM TẮT

Thợ săn nai đặt mồi ngon cho nai đến không phải vì thương gì bầy nai, mà vì muốn hại. Cũng như thế là cạm bẫy ngũ dục mà ác ma [thiên ma] đặt để dụ người tu hành.

Phật đưa ra hình ảnh bốn đàn nai. Đàn thứ nhất tham ăn sa ngay vào mồi, nên bị kẻ giăng bẫy tóm trọn. Đàn thứ hai tránh vào rừng sâu, thiếu cỏ nước một thời gian dài không chịu nổi, trở ra vì đói khát tham ăn không coi chừng nên cũng sa vào cạm bẫy như đàn nai đầu. Đàn thứ ba, rút kinh nghiệm làm một chỗ nấp gần nơi giăng mồi để đến ăn một cách chừng mực rồi rút về chỗ ẩn. Người giăng bẫy không bắt được đàn nai, ra sức bao vây cuối cùng cũng tìm được nơi ẩn náu của chúng. Đến lượt bầy nai thứ tư, làm một chỗ nấp mà thợ săn không thể nào đến được, đến ăn mồi vừa phải rồi rút đi an toàn.

Đàn thứ nhất dụ cho những sa môn bà la môn tham đắm ngũ dục thế gian, bị ác ma tóm. Đàn thứ hai là sa môn bà la môn do tu khổ hạnh ép xác quá độ nên kiệt sức, không còn tinh tấn; do không còn tinh tấn, tâm giải thoát cũng bị kiệt quệ; do tâm giải thoát bị kiệt quệ, họ cũng sa vào thế lực ác ma như đàn đầu tiên. Đàn thứ ba dụ cho sa môn bà la môn không bị phóng dật theo ngũ dục như hai đàn trước, nhưng lại có tà kiến về thế giới thường vô thường, hữu biên vô biên, Như lai có, không tồn tại sau khi chết v.v. Tà kiến ấy ví như “một chỗ nấp mà thợ săn có thể tìm thấy”. Như vậy họ cũng không thoát khỏi thế lực ác ma. Đàn thứ tư dụ cho tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú bốn thiền, bốn định vô sắc, Diệt thọ tưởng, khiến ác ma không tìm thấy được đường đi lối về của mình vì vị ấy không còn tham đắm bất cứ gì trên đời.

III. CHÚ GIẢI

Tám định – 4 thiền 4 định – ở đây là căn bản cho tuệ. Khi tỳ kheo ở trong định này, ma vương không biết được tâm hành vị ấy. Tuy nhiên sự thoát khỏi ma lực ấy chỉ có tính cách giaiđoạn. Vị tỳ kheo chứng Diệt thọ tưởng, sạch lậu hoặc, vì không những tạm thời, mà vĩnh viễn giải thoát ảnh hưởng của ma; ma không thể đến gần vị ấy.

  1. PHÁP SỐ

Bốn thiền

Bốn không hay bốn vô sắc định

Năm dục trưởng dưỡng

Chín định thứ đệ, gồm bốn thiền bốn định và Diệt thọ tưởng.

  1. KỆ TỤNG

Khi thợ săn đặt mồi
Không vì thương đàn nai
Cốt làm chúng mê loạn
Vì miếng mồi ngon này.
Ác ma cũng giăng bẫy
Đặt mồi thơm ngũ dục
Mê loạn người tu hành
Cho vướng vào ma lực.
Đàn nai đầu tiên đến
Tham đắm các thức ăn
Sa ngay vào cạm bẫy
Làm mồi cho thợ săn.
Đàn nai khác thấy vậy
Sợ bỏ vào rừng sâu
Đến nơi không cỏ nước
Đói khát lại âu sầu.
Thân hình càng tiều tụy
Nai ra tìm thức ăn
Vì tham lam quá độ
Sa vào bẫy thợ săn.
Đàn nai thứ ba đến
Làm chỗ nấp gần mồi
Ra ăn vừa đủ sống
Vào ẩn nấp đợi thời.
Thợ săn lùng kiếm được
Chỗ ẩn nấp đàn nai
Gài bẫy giăng cùng khắp
Bắt trọn ổ không sai.
Chỉ đàn nai cuối cùng
Mới quả thực tinh khôn
Mồi ăn vừa đủ sống
Vào rừng sâu tẩu bôn.
Nai đi đâu về đâu
Thợ săn nào biết được
Đường đi không dấu vết
Đàn nai thoát khổ sầu.
Có hạng tu ham dục
Như đàn nai tham ăn
Bị ác ma tóm bẫy
Mồi ngũ dục bủa giăng.
Có hạng do khổ hạnh
Khiến thân tâm kiệt sức
Trở lại tham năm dục
Không thoát bẫy ác ma.
Hạng ba không hưởng lạc
Cũng không quá ép xác
Nhưng lại có tà kiến
Cũng gần với ác ma.
Ly dục trú bốn thiền
Và bốn định vô sắc
Cùng định Diệt thọ tưởng
Diệt trừ hết lậu hoặc.
Tỳ kheo thứ tư này
Làm ác ma mù mắt
Không ai tìm thấy được
Dấu vết của vị này.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 29

Post Views: 296