Toát Yếu Trung bộ 068 : Nalakapana

Toát Yếu Trung bộ 068 : Nalakapana

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 68

Nalakapana

  1. TOÁT YẾU

Nalakapàna Sutta – At Nalakapàna.

The Buddha explains why, when his disciples die, he declares their level of attainment and plane of rebirth.

Ở Nalakapana.

Phật giải thích tại sao Ngài công bố sự chứng đắc và cõi tái sinh của các đệ tử khi họ chết.

  1. TÓM TẮT

Phật ngồi giữa trời với các tôn giả A Na Luật, Nan Ðề, Kim Tỳ La, Ly Bà Ða, A Nan Ðà và một số đông tỳ kheo. Ngài hỏi họ có hoan hỉ trong đời sống phạm hạnh không. Tôn giả A Na Luật đáp chúng con rất hoan hỉ trong đời sống phạm hạnh.

Phật khen họ đang tuổi thanh xuân với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, lại xuất gia từ bỏ gia đình không vì lệnh của vua, của kẻ trộm cướp, không vì nợ nần, không vì sợ hãi, không vì mất kế sinh kế, mà chỉ vì mong chấm dứt toàn bộ khổ uẩn.

Phật khuyên hãy tu tập thiền định, ly dục, ly bất thiện pháp. Khi đã chứng được hỉ lạc do ly dục sinh [1] hay một trạng thái khác an tịnh hơn [2] , thì các triền cái không còn xâm chiếm tâm và an trú.

Phật hỏi các tôn giả ấy nghĩ về Phật như thế nào. Họ đáp: “Chúng con nghĩ các lậu hoặc đãđược Như Lai đoạn trừ, do vậy Như Lai sau khi phân tích thọ dụng một pháp, sau khi phân tích kham nhẫn một pháp, sau khi phân tích đoạn trừ một pháp.” Phật xác nhận như vậy.

Khi nói về tái sinh [3] của các tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đã chết, Ngài không vì mục đích lường gạt quần chúng, vị mục đích lợi lộc danh xưng, mà chỉ vì muốn cho người nghe được hạnh phúc an lạc lâu dài.

Khi Thế tôn tuyên bố về một tỳ kheo có giới hạnh như vậy, trí tuệ như vậy đã mệnh chung vàđã an trú chánh trí [4], đệ tử nhớ đến những điều ấy bèn chú tâm trên như thật và sống an vui.

III. CHÚ GIẢI

  1. “Hỷ lạc do ly dục sanh” có nghĩa là sơ thiền và nhị thiền “an tịnh hơn thế nữa” là những thiền cao hơn và 4 đạo.
  2. Xem kinh số 2. Ðây là những cách tu tập của bậc hữu học để đề phòng sự sanh khởi những ô nhiễm tiềm tàng chưa được trừ bỏ.
  3. Ðiều này ám chỉ thắng trí của Phật có thể biết cảnh giới tái sinh của các đệ tử.
  4. Chánh trí là trí của bậc A La Hán.
  5. PHÁP SỐ

Năm triền cái, 5 hạ kết sử, bảy cách trừ lậu hoặc.

  1. KỆ TỤNG

Thế tôn ngồi giữa trời
Cùng chúng đông đệ tử
Các tỳ kheo nổi tiếng
A Na Luật, Nan Ðề…
“Các ngươi an vui chăng
Với đời sống phạm hạnh?”
A Na Luật bạch rằng :
– Chúng con rất hoan hỉ.
“Lành thay, hi hữu thay
Các ngươi còn ít tuổi
Với tóc còn đen nhánh
Mùa xuân của đời người
Có khả năng hưởng thụ
Ðủ mọi thứ dục lạc,
Lại từ bỏ gia đình
Ðể sống đời phạm hạnh
Không vì tuân lệnh vua
Không vì bị nợ nần
Không vì mất sinh kế
Hoặc bị người cưỡng bức
Chỉ vì mong chấm dứt
Toàn bộ khổ uẩn này.
Các ngươi hãy nỗ lực
Tu tập các thiện pháp.
Hãy tu thiền ly dục
Và ly bất thiện pháp
Ðể chứng được hỉ lạc
Do ly dục sanh ra
Khi chứng được sơ thiền
Và các thiền trên nữa
Thì triền cái không còn
Xâm chiếm trú tâm ngươi.”
Phật hỏi các tôn giả
Nghĩ thế nào về Phật
– Chúng con nghĩ lậu hoặc
Ðược Như Lai tận trừ
Nên sau khi phân tích
Có pháp Ngài thọ dụng
Có việc Ngài kham nhẫn
Hoặc từ bỏ, đoạn trừ.
Phật dạy: “Chính như vậy.”
Và Ngài nói tái sinh
Của một số đệ tử
Sau khi họ từ trần
Không để bịp quần chúng
Vì lợi lộc tiếng tăm
Mà chỉ muốn người nghe
Ðược lợi ích an lạc.
Khi Thế tôn tuyên bố
Người có giới như vậy
Và trí tuệ như vậy
Ðã an trú chánh trí
Ðệ tử nghe lời này
Thấy tu hành hiệu quả
Chú tâm trên như thật
Và sống được an vui.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 292