Toát yếu Trung bộ 070 : Kitagiri

Toát yếu Trung bộ 070 : Kitagiri

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 70

Kitagiri

  1. TOÁT YẾU

Kìtàgiri Sutta – At Kìtàgiri.

The Buddha admonishes a group of disobedient monks, in the course of which he presents an important sevenfold classification of noble disciples.

Ở Kìtàgiri.

Phật giáo giới nhóm tỳ kheo bất tuân, và trình bày một phân loại quan trọng về bảy hạng hiền thánh.

  1. TÓM TẮT

Kinh này Phật dạy nhân hai tỳ kheo ở Kìtàgiri không chịu giữ giới từ bỏ ăn ban đêm [1] Khi nghe Phật chế giới này, họ bảo: “Nhờ ăn chiều, ăn sáng và ăn phi thời mà chúng tôi cảm thấy có sức, ít bệnh. Sao chúng tôi lại bỏ hiện tại để chạy theo tương lai?”

Phật cho gọi hai tỳ kheo này [2] đến và dạy: “Ðối với một người khi cảm thọ lạc [3] mà các bất thiện pháp đoạn diệt, thiện pháp tăng trưởng thì Phật dạy nên chứng trú lạc thọ ấy. Ngược lại đối với một người, khi cảm thọ lạc, mà các thiện pháp đoạn diệt, bất thiện pháp tăng trưởng thì nên từ bỏ lạc thọ ấy [4] Ðối với khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ cũng vậy. Vì sự việc này Như Lai đã biết, đã chứng, đã liễu giải với trí tuệ, nên Ngài dạy trường hợp nào cần từ bỏ, trường hợp nào cần an trú một cảm thọ lạc, khổ hay bất khổ bất lạc. [5]

Không phải đối với tất cả các tỳ kheo, Phật đều dạy có việc cần phải làm nhờ không phóng dật. Vì đối với các vị đã chứng lậu tận, đã tu hành viên mãn, đã thành đạt lý tưởng thì không có việc gì cần phải làm nhờ không phóng dật. Bởi vì những vị này không thể trở thành phóng dật. Nhưng với các tỳ kheo còn học, tâm chưa thành tựu, thì còn có việc phải làm nhờ không phóng dật.

Có bảy hạng người [6]:

  1. Câu phần giải thoát,
    2. Tuệ giải thoát,
    3. Thân chứng,
    4. Kiến đáo,
    5. Tín giải thoát,
    6. Tùy pháp hành,
    7. Tùy tín hành.

Câu phần giải thoát [7] là vị đã đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc và vô sắc pháp, và sau khi thấy với trí tuệ, đã tận trừ tất cả lậu hoặc.

Tuệ giải thoát [8] đã tận trừ lậu hoặc nhưng không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát.

Thân chứng [9] có chứng đắc các tịch tịnh giải thoát nhưng chỉ đoạn trừ một số lậu hoặc.

Kiến đáo [10] không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, chỉ đoạn trừ một số lậu hoặc.

Tín giải thoát [11] có chứng đắc tịch tịnh, đoạn trừ một số lậu hoặc, lòng tin đối với Như Lai đã được xác định.

Tùy pháp hành [12] có các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ nhưng không chứng đắc tịch tịnh giải thoát, lậu hoặc không được đoạn trừ, các pháp do Như Lai tuyên thuyết chỉ được vị nầy chấp nhận một ít.

Tùy tín hành không chứng đắc tịch tịnh giải thoát, lậu hoặc không được đoạn trừ, nhưng có lòng tin và lòng thương Phật. Năm vị sau này còn có việc phải làm nhờ không phóng dật.

Trí tuệ không được hoàn thành tức khắc mà nhờ học từ từ, hành từ từ, tu tập tuần tự. Ấy là các giai đoạn:

– trước hết khởi lòng tin, rồi đến gần, kính lễ;
– lắng tai nghe pháp; thọ trì pháp; suy tư ý nghĩa;
– chấp thuận pháp sau khi suy tư;
– khởi lên ước muốn; nỗ lực; cân nhắc; tinh cần;
– chứng được chân lý tối thượng; thể nhập chân lý với trí tuệ [13].

Nhưng nếu không có lòng tin [14], tất cả những gì sau đó cũng không.

Ðối với đệ tử có lòng tin bậc đạo sư, có bốn tùy pháp [15]:

  1. Vị ấy nghĩ, bậc đạo sư là Thế tôn, đệ tử là tôi. Thế tôn biết, tôi không biết.
    2. Ðối với vị ấy, giáo pháp hưng thịnh và có nhiều sinh lực.
    3. Vị ấy khởi lên ý nghĩ: dù chỉ còn da xương, dù máu thịt khô héo, mong ta sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng [16].
    4. Vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả: chính trí trong hiện tại, và nếu còn dư y, chứng quả Bất hoàn.

III. CHÚ GIẢI

  1. Xem chú thích 1, kinh 66. Phù hợp với kinh 66, luận giải thích: Lúc đầu Phật cấm ăn sau ngọ, rồi về sau cấm ăn ban đêm. Ngài làm việc này vì quan tâm đến tỳ kheo yếu đuối trong tăng đoàn, có thể mệt mỏi nhanh chóng nếu đồng thời cấm cả 2 bữa ăn.
  2. Trong Luật tạng, 2 tỳ kheo này được mô tả là những vị không có tàm quý, hư hỏng và thường vướng vào đủ loại hành vi quấy đưa đến sự hoen ố tín đồ. Tại Kìtàgiri họ trục xuất, và sự bất tuân của họ đã đưa đến sự chế ra học giới tăng tàn số 13.
  3. Lời này được nói cốt ám chỉ đến lạc thú ăn về đêm, một điều không đưa đến thực hành phận sự tỳ kheo.
  4. Loại lạc thọ đầu là niềm vui liên hệ đời sống tại gia, loại sau là niềm vui căn cứ trên sự từ bỏ. Tương tự, 2 câu sau nói đến ưu và xả dựa trên đời sống tại gia và dựa trên sự từ bỏ. Xem kinh 137.
  5. Ba đoạn này cốt nói lý do vì sao Phật dạy cần phải từ bỏ tất cả cảm thọ liên hệ đến đời sống tại gia và phát triển những cảm thọ liên hệ đến viễn ly.
  6. Ở đây sự phân thành 7 hạng hiền thánh không chỉ căn cứ trên sự chứng đạo đắc quả như 4 đôi 8 vị, mà theo sự nổi bật của một trong các căn tín tấn niệm định tuệ.
  7. Câu phần giải thoát có nghĩa là vị ấy giải thoát thân vật lý nhờ các thiền chứng vô sắc, và thoát khỏi thân tâm lý nhờ đạo lộ A La Hán. Ðịnh nghĩa:”Vị ấy tiếp xúc với thân thể và trú trong 8 giải thoát, những ô nhiễm của vị ấy được đoạn trừ nhờ thấy với trí tuệ.” Kinh sớ nói bậc Câu phần giải thoát bao gồm những người đắc quả A La Hán sau khi xuất một trong 4 định vô sắc, và người đắc quả sau khi xuất diệt tận định.
  8. Tuệ giải thoát: vị này bao gồm những người đắc quả A la hán hoặc như một bậc càn tuệ, sukkha – vipassaka, hoặc sau khi xuất một trong 4 thiền.
  9. Thân chứng: hạng này bao gồm sáu hạng người – từ người chứng quả Dự Lưu đến A la hán đạo. Người này chứng các thiền vô sắc và sau đó chứng niết bàn. Luận nhấn mạnh rằng một thiền chứng vô sắc kể cả diệt tận định, là cần thiết để gọi là bậc thân chứng. Ðịnh nghĩapug thay vào tám giải thoát.
  10. Kiến đáo: bao gồm 6 người như trên, từ bậc Dự Lưu cho đến A la hán đạo, nhưng không chứng các thiền vô sắc. Pug định nghĩa vị này là người đã hiểu rõ 4 chân lý và đã quán sát với trí tuệ những giáo lý mà đức Như Lai tuyên thuyết.
  11. Tín giải thoát: Luận nói hạng này cũng bao gồm 6 người như trên. Pug định nghĩa vị này cũng như bậc kiến đáo, nhưng chưa quán sát giáo lý với trí tuệ như bậc kiến đáo.
  12. Luận nói hạng tùy pháp và tùy tín là những người trên đạo lộ Dự Lưu, hạng đầu đặt nặng trí tuệ, hạng sau đặt nặng đức tin.
  13. Theo luận, với thân tâm lý vị ấy chứng niết bàn – chân lý tối hậu – và thâm nhập bằng trí tuệ thuộc đạo lộ siêu thế.
  14. Nghĩa là những tỳ kheo này chưa có đủ đức tin cần thiết để theo sự tu tập mà Phật đã chế định.
  15. Theo luận, 4 tùy pháp là giáo lý Tứ diệu đế. Tuy nhiên ở đây không thấy nói gì đến Tứ diệu đế.
  16. Phật cho thấy người đệ tử lý tưởng là người khơi dậy nghị lực và quyết tâm tu tập: “Ta sẽ không đứng dậy khi chưa đắc quả A la hán.”
  17. PHÁP SỐ

Ba thọ, bảy hạng người, bốn tùy pháp về Như Lai.

  1. KỆ TỤNG

Có hai vị tôn giả
Ở Kìtàgira
Không chấp hành học giới
Từ bỏ ăn ban đêm.
Lại còn nói do đây
Mà có sức, ít bệnh
Sao lại bỏ hiện tại
Ðể chạy theo tương lai?
Phật dạy những vị này :
“Nên chứng trú lạc thọ
Nếu bất thiện đoạn diệt
Và thiện pháp tăng trưởng
Nhưng nếu sự hưởng lạc
Làm thiện pháp đoạn diệt
Bất thiện pháp tăng trưởng
Hãy bỏ lạc thọ ấy.
Ðối với cảm thọ khổ
Và bất khổ bất lạc
Cũng nên hiểu như vậy
Vì Phật đã chứng tri.
Với trí tuệ, Ngài biết
Trường hợp nào nên bỏ
Trường hợp nào nên trú
Một trong ba cảm thọ.
Phật dạy một số người
Tu hành chưa hoàn tất
Còn có việc phải làm
Nhờ hạnh không phóng dật
Bậc la hán lậu tận
Ðã tu hành thành mãn
Không thể thành phóng dật
Thì hết việc cần làm
Tu hành có bảy hạng
Là: Câu phần giải thoát
Tuệ giải thoát, thân chứng
Kiến đáo, tín giải thoát
Tùy pháp, tùy tín pháp
Câu phần đắc tịch tịnh
Siêu quá sắc vô sắc
Và tận trừ lậu hoặc.
Tuệ giải thoát hết mê
Nhưng không chứng tịch tịnh
Thân chứng có tịch tịnh
Nhưng chưa trừ lậu hoặc.
Kiến đáo không chứng đắc
Các tịch tịnh giải thoát
Và cũng chỉ đoạn trừ
Một phần các lậu hoặc
Tín giải thoát có chứng
Các tịch tịnh giải thoát
Ðoạn vài phân lậu hoặc
Lòng tin Phật bền chắc
Tùy pháp hành có căn
Tín, tấn, niệm, định, tuệ
Nhưng không chứng tịch tịnh
Lậu hoặc chưa đoạn trừ
Tùy tín hành không chứng
Các tịch tịnh giải thoát
Lậu hoặc chưa trừ diệt
Nhưng có tin, thương Phật.
Năm vị sau cùng này
Còn có việc phải làm
Nhờ hạnh không phóng dật
Học giáo pháp Như lai.
Trí tuệ được hoàn thành
Nhờ học hành tuần tự
Trước hết khởi lòng tin
Và đến gần bậc trí
Kính lễ, lóng tai nghe
Thọ trì pháp được giảng
Rồi tư duy ý nghĩa
Thấy đúng bèn thuận theo
Khởi ước muốn tu hành
Rồi nỗ lực, cân nhắc
Và tinh tấn hành thiền
Chứng nhập với trí tuệ
Nhưng nếu không đức tin
Khởi đầu của mọi sự
Thì những gì sau đó
Cùng cầm bằng như không.
Ðệ tử có lòng tin
Sẽ có bốn tùy pháp :
Ðạo sư là Thế tôn
Con quay về nương tựa.
Giáo lý Ngài giảng dạy
Là pháp vị cam lồ
Làm dịu cơn nóng bức
Giữa sa mạc tử sinh.
Dù chỉ còn da xương,
Dù máu thịt khô héo
Mong con đủ tinh cần
Chứng những gì chưa chứng.
Một đệ tử như vậy
Hiện tại đắc chính trí
Hoặc nếu còn dư y
Sẽ chứng quả Bất hoàn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 28

Post Views: 293