Toát Yếu trung bộ 105 : Thiện Tinh

Toát Yếu trung bộ 105 : Thiện Tinh

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 105

Thiện Tinh

  1. TOÁT YẾU

Sanakkhatta Sutta – To Sunakkhatta.

The Buddha discusses the problem of an individual’s overestimation of his progress in mediatation.

[Phật bàn thảo vấn đề cá nhân đánh giá quá mức sự tiến bộ của mình về thiền.]

  1. TÓM TẮT

Lúc Phật ở Vesali, có nhiều tỷ kheo đã tuyên bố chứng thánh quả. Tỷ kheo Thiện Tinh [1] đến hỏi Phật những vị tuyên bố như thế có thực sự đã chứng thánh hay chưa. Phật dạy một số chứng thật, một số chỉ tuyên bố như vậy vì tăng thượng mạn [2] (chưa chứng nói chứng). Chính vì số người sau này mà Phật thuyết pháp [3]. Nhưng cũng có người ngu si bày đặt câu hỏi để chất vấn, thì dù lúc đầu Như Lai có định nói pháp cho họ, sau cũng đổi ý [4]. Khi ấy tỷ kheo Thiện Tinh thỉnh Phật nói Pháp. Phật dạy như sau:

  1. Có hạng người thiên về vật chất thế gian [5]. Họ chỉ ưa nói chuyện vật chất thế gian, suy nghĩ những gì liên hệ năm dục, và khoái giao du với hạng người như vậy. Khi câu chuyện khởi lên liên hệ đến bất động thì họ không để ý, lóng tai hay cố tìm hiểu, cũng không khoái hạng người ưa nói về bất động. Như người xa quê ưa nghe chuyện liên hệ đến quê nhà mình. Cũng vậy, khi thấy một người không thích câu chuyện về bất động thì nên biết đấy là hạng bị trói buộc về vật chất thế gian.
  2. Một số người thiên nặng về Bất động [6] thì chỉ nói và suy tư những gì liên hệ đến bất động, và khoái giao du với hạng người tương tự. Họ không để tâm, không lóng tai hay cố tìm hiểu câu chuyện liên hệ vật chất thế gian và cũng không giao du hạng người này. Như lá khôđã lìa cành, không thể xanh trở lại. Cũng vậy, khi thấy một người thiên về bất động thì nên biết họ không bị trói buộc vì vật chất thế gian.
  3. Một số thiên nặng về Vô sở hữu xứ cũng như trên, không ưa nghe câu chuyện về vật chất hay bất động. Như hòn đá vỡ làm đôi không liền lại được. Cũng thế, khi thấy một người không bị trói buộc vì kiết sử bất động thì nên biết họ thiên về Vô sở hữu xứ.
  4. Một số người thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Họ không ưa thích nói chuyện, suy tư liên hệ đến Vô sở hữu xứ, không khoái giao du với hạng người này. Ví như một người đã ăn các món ngon chán chê, sau khi đã quăng bỏ thì không ưa ăn lại. Cũng vậy khi một người không bị trói buộc bởi kiết sử Vô sở hữu thì ta biết họ thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
  5. Một số thiên về chính Niết Bàn. Họ không thích hay nghe suy tư câu chuyện chỉ liên hệ Phi phi tưởng xứ, hay giao du hạng người này. Kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi họ đã bị cắt đứt như thân cây sa la. Mặc dù thiên về chính Niết Bàn, họ lại khởi lên ý nghĩ: Khát áiđã được vị Sa môn [7] gọi là mũi tên, nọc độc vô minh bị dục tham và sân làm cho lan khắp. Nay ta đã nhổ mũi tên khát ái, tẩy trừ độc vô minh. Ta là người hoàn toàn thiên hướng Niết bàn. Vì vọng tưởng về tự ngã [8] như thế, họ có thể khởi sự theo đuổi những việc bất đáng thuộc đối tượng giác quan, tâm họ bị tham dục xâm chiếm, và sẽ phải đau khổ cho đến chết. Ví như người bị trúng tên độc dược y sĩ giải phẫu dùng dao cắt miệng vết thương, dùng dụng cụ dò tìm mũi tên và rút ra được nhưng dấu vết mổ xẻ [9] vẫn còn. Bởi thế y sĩ dặn phải kiêng cử nắng gió bụi bặm, giữ vệ sinh, ăn đồ ăn thích hợp cho đến khi vết thương hoàn toàn bình phục. Nhưng vì không làm theo lời dặn nên vết thương lại làm độc, khiến người ấy đau như chết. Cũng thế, một người đã nhổ tên độc khát ái nếu còn chút tự mãn về việc này thì sẽ bị tham dục xâm chiếm trở lại khiến họ đau khổ gần chết. Vì trong Pháp Luật Như Lai thì một người xả giới hoàn tục cũng như chết, và phạm giới nặng thì như gần chết. Phật dạy vết thương dụ cho 6 xúc xứ; thuốc độc là vô minh; ái như mũi tên; vật dụng dò tìm là niệm; con dao là thánh trí tuệ; y sĩ giải phẫu là Phật. Tỷ kheo phải phòng hộ sáu xúc xứ vì khi đã rõ sanh y là nguồn gốc của đau khổ [10] vị ấy lìa sanh y như xa lánh ly nước ngọt có tẩm độc, hoặc xa một con rắn độc, nếu người ấy muốn sống, không muốn chết, muốn vui không muốn khổ [11].

III. CHÚ GIẢI

  1. Xem kinh 12.
  2. Adhimànena, tăng thượng mạn. Họ công bố chứng quả vì tăng thượng mạn, nghĩa là chưa chứng mà tự cho đã chứng.
  3. Kinh sớ: Cho họ biết rõ họ thuộc trình độ nào.
  4. Kinh sớ: Vì họ bị tham thúc đẩy, nên đức Như Lai không thuyết pháp cho họ. Ngài chỉ khởi lên ý hướng nói Pháp khi gặp những hành giả chân chính.
  5. Lokàmisa, chỉ năm dục là sắc thanh hương vị xúc.
  6. Anenja, bất động, chỉ các thiền chứng từ tứ thiền đến bốn vô sắc định. Nhưng vì hai định cao nhất được đề cập riêng, nên kinh này dường như chỉ xem tứ thiền và hai Không định đầu tiên (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ) là Bất động.
  7. Chỉ đức Phật.
  8. Trở lại vấn đề tự đánh giá quá mức, như mở đầu kinh.
  9. Bản PTS hoàn toàn ngược lại.
  10. Như kinh 66.
  11. Như kinh 46.
  12. PHÁP SỐ
  13. KỆ TỤNG

Khi Phật ở Vesali
Nhiều tỷ kheo tuyên bố
Họ đã chứng thánh quả
Khiến Thiện Tịnh hoài nghi.
Ông bèn đến hỏi Phật
Phật cho ông biết rằng
Một số đã chứng thật
Ngoài ra chỉ khoa trương
Ðấy là tăng thượng mạn
Chưa chứng đã nói chứng
Chính vì hạng người này
Mà Như Lai thuyết pháp
Nhưng Ngài Không định nói
Với kẻ chất vấn suông.
Rồi Ngài dạy Thiện Tinh
Ðặc tính năm hạng người.
Hạng thiên về vật chất
Hạng thiên về Bất động
Hạng thiên Vô sở hữu
Hạng Phi tưởng phi phi
Hạng chính hướng Niết bàn.
Chỉ nghĩ về năm dục
Giao du người trần tục
Câu chuyện về Bất động
Bị họ gác ngoài tai
Là hạng người thứ nhất
Bị trói vào vật chất
Ví như kẻ đi xa
Nhớ quê nhà dằng dặc.
Hạng thiên về Bất động
Nói, nghĩ và tương giao
Liên hệ đến bất động
Gác mọi chuyện thế gian
Như lá khô lìa cành
Không còn xanh trở lại.
Hạng thiên Vô sở hữu
Không ưa chuyện vật chất
Cũng chẳng màng Bất động
Như hòn đá vỡ đôi.
Phi tưởng phi phi tưởng
Thiên về định chứng này
Không thích nói, suy tư
Liên hệ Vô sở hữu.
Như người đã chán chê
Ðồ cao lương mỹ vị
Ðã quăng bỏ đi rồi
Không ưa ăn trở lại.
Hạng chính hướng Niết Bàn
Không màng chuyện Phi tưởng
Vì họ đã cắt đứt
Trói buộc của xứ này.
Nhưng vừa khởi tâm nghĩ:
Ta ái tận, niết bàn
Dục sẽ xâm chiếm tâm
Làm họ đau như chết.
Như người trúng tên độc
Ðược y sĩ mổ xẻ
Với dụng cụ dò tìm
Rút được mũi tên ra
Vì vết mổ còn tươi
Y sĩ dặn kiêng cữ,
Do không theo lời dặn
Người ấy phải đớn đau.
Người còn chút tự mãn
Ðã nhổ độc khát ái
Sẽ bị dục xâm chiếm
Khiến khổ đau dài dài
Trong Pháp Luật Như Lai
Xả giới cũng như chết
Khi biết rõ sanh y
Là nguồn gốc đau khổ
Tỷ kheo lìa sanh y
Như xa lìa rắn độc,
Muốn sống, không muốn chết,
Muốn vui, không khổ sầu.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 23

Post Views: 280