Toát yếu Trung bộ 146 : Giáo giới Nandaka

Toát yếu Trung bộ 146 : Giáo giới Nandaka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 146

Giáo giới Nandaka
(Nandakovada Sutta)

  1. TOÁT YẾU

Advice from Nandaka.

The venerable Nandaka gives the nuns a discourse on impermanence.

Lời khuyên dạy của tôn giả Nandaka.

Tôn giả giảng cho ni chúng một bài pháp về vô thường.

  1. TÓM TẮT

Bà di mẫu đến nơi Phật để cầu giáo thọ. Phật hỏi tôn giả A Nan nay là phiên ai đi giáo giới cho tỷ kheo ni. Tôn giả A Nan đáp, là phiên của tôn giả Nandaka nhưng tôn giả không chịu đi. Phật cho gọi tôn giả buộc phải đi giáo giới cho ni. Tôn giả vâng lời.

Sau khi khất thực về, ăn xong, Ngài đến trú xứ của ni chúng. Ngài dặn trước thủ tục nói Pháp là vấn đáp và cho phép đặt câu hỏi. Ni chúng tán đồng với đề nghị ấy.

Rồi tôn giả hỏi: Con mắt là thường hay vô thường? Cái gì là vô thường thì khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ, bị biến hoại, thì có nên xem đấy là tôi và tự ngã của tôi không? Hỏi như vậy về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức. Các tỷ kheo ni đều đáp là vô thường, khổ, không nên xem là tôi và của tôi. Tôn giả bảo, như vậy là cái thấy đúng với chánh trí tuệ của thánh đệ tử.

Rồi Ngài lấy ví dụ một ngọn đèn dầu cháy với dầu, bấc, ngọn lửa, ánh sáng đều vô thường, biến hoại. Nếu có ai bảo ánh sáng ngọn đèn ấy là thường trú thì có đúng không? Các ni đáp không, bởi vì ánh sáng ấy xuất phát từ những thứ vô thường là dầu, bấc, ngọn lửa. Tôn giả dạy: Cũng vậy, cảm thọ do duyên sáu nội xứ, mà 6 nội xứ đã vô thường, biến hoại nên cảm thọ cũng không thường hằng.

Ví dụ 2: Cây cổ thụ với rễ, thân, cành đều vô thường. Nếu ai bảo tuy vậy cái bóng cây thì thường, nói vậy có đúng không? Không đúng. Cũng vậy, sáu ngoại xứ là vô thường, nên ai nói các cảm thọ duyên sáu ngoại xứ là thường thì không đúng.

Ví dụ 3: Như một con bò đã bị cắt mọi dây gân, khớp bên trong, da bị lột và phủ trùm lại trên thân nó. Có thể bảo con bò còn nguyên vẹn được chăng? Không được. Tôn giả bảo: Thịt ám chỉ 6 nội xứ, da chỉ 6 ngoại xứ. Dây thịt dây gân và khớp bên trong là hỷ và tham. Con dao đồ tể là thánh trí tuệ. Với thánh trí tuệ này có thể cắt đứt phiền não, nội kết.

Rồi tôn giả dạy tu bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) hướng đến ly tham, đoạn tận. Khi sung mãn bảy giác chi thì sẽ tự chứng vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Sau thời pháp, chúng ni đảnh lễ tôn giả xong, đi đến yết kiến Phật. Phật biết tâm họ chưa thỏa mãn nên sai tôn giả Nandaka đến giáo giới lần thứ hai. Sau lần thứ hai, họ đến lễ Phật, và Phật biết tất cả họ đều đã đắc quả, người tối thiểu cũng đắc quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, và chắc chắn sẽ được giải thoát.

III. CHÚ GIẢI

Kinh này dạy hai cách quán vô ngã:

– Một là nêu lên tính vô thường của mọi sự, nhất là năm uẩn thân tâm; rồi đặt câu hỏi vô thường là khổ hay vui; một cái gì đã vô thường, khổ thì có nên xem là ta hay của ta không? Ðương nhiên là không nên.

– Cách thứ hai là phân tích sáu nội xứ (mắt tai mũi lưỡi thân ý), sáu ngoại xứ (sắc thanh hương vị xúc pháp) và sáu thức liên hệ, tất cả đều vô thường, nên cảm thọ hay cái tôi phát sinh từ đấy cũng không thể là thường. Như từ ngọn đèn mà dầu, bấc, ngọn lửa đều vô thường thì ánh sáng cũng vô thường. Thấy như vậy là thấy với chánh trí để đoạn tận khổ đau.

  1. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Bà di mẫu bạch Phật
Ðể thỉnh cầu giáo thọ.
Phật hỏi phiên vị nào
Ði giáo giới cho ni.
Tôn giả A Nan thưa,
Phiên tôn giả Nanda
Nhưng vị ấy từ khước.
Phật cho gọi tôn giả
Dạy hãy đi giáo giới.
Tôn giả phải vâng lời
Ðến trú xứ ni chúng
Dùng cách thức hỏi đáp
Ðể trình bày diệu pháp
Và cho đặt câu hỏi
Ni chúng rất tán đồng.
Trước hỏi về sáu căn:
Con mắt thường, vô thường?
Cái gì đã vô thường
Vậy là khổ hay vui?
Cái gì vô thường, khổ,
Bị biến hoại, hủy diệt
Có nên xem của tôi
Là tôi, tự ngã tôi?
(Tai, mũi, lưỡi, thân, ý
Sáu ngoại xứ, sáu thức
Cũng hỏi đáp như vậy.)
Các tỷ kheo ni đáp
Tất cả mười tám thứ
Ðều vô thường, khổ, không
Chẳng nên xem của tôi
Là tôi, tự ngã tôi.
Các chị thấy như vậy
Là thấy đúng chánh trí
Của bậc thánh đệ tử.
Rồi tôn giả ví dụ
Ngọn đèn cháy với dầu,
Bấc, ngọn lửa, ánh sáng
Ðều vô thường, biến hoại.
Nếu có ai bảo rằng
Ánh sáng đèn là thường
Thì có đúng hay không?
Thưa không, ánh sáng ấy
Xuất phát từ vô thường
Là dầu, bấc, ngọn lửa.
Cũng vậy, các cảm thọ
Do duyên sáu nội xứ,
Luôn thay đổi biến hoại
Nên thọ cũng không thường
Hoặc như cây cổ thụ
Với rễ, thân, cành lá
Ðều luôn luôn thay đổi
Nếu ai bảo tuy vậy
Cái bóng cây là thường,
Nói vậy có đúng không?
Ni đáp là không đúng.
Cũng vậy, sáu ngoại xứ
Sắc thanh… vốn vô thường
Thọ từ đấy sinh ra
Làm sao thường hằng được?
Như đồ tể mổ bò
Trong cắt hết gân khớp
Ngoài lột hết bộ da
Trùm lại trên thân nó
Còn nguyên chăng thân bò?
Ni chúng đáp rằng không.
Thịt chỉ 6 nội xứ,
Da là sáu ngoại xứ.
Gân và khớp bên trong
Dụ cho hỷ và tham.
Con dao của đồ tể
Ví như thánh trí tuệ
Cắt đứt các phiền não
Những trói buộc trong tâm.
Các chị hãy tu tập
Niệm, trạch pháp, tinh tấn,
Hỷ, khinh an, định, xả
Bảy chi phần giác ngộ
Hướng ly tham, đoạn diệt.
Bảy giác chi sung mãn
Sẽ tự chứng vô lậu
Tâm và tuệ giải thoát.
Thể theo lời Phật dạy
Tôn giả Nandaka
Giáo giới ni hai lần
Ai nghe đều đắc quả,
Tối thiểu là Dự lưu
Không còn bị đọa lạc,
Chắc chắn sẽ giải thoát.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 18

Post Views: 345