Toát yếu Trung bộ 147 : giáo giới Rahula tiểu kinh

Toát yếu Trung bộ 147 : giáo giới Rahula tiểu kinh

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 147

Giáo giới Rahula tiểu kinh
(Cularahulovada Sutta)

  1. TOÁT YẾU

The Shorter Discourse of Advice to Ràhula.

The Buddha gives Ràhula a discourse that leads him to the attainment of arahantship.

Bài kinh ngắn giảng cho La hầu la.

Phật giảng cho La hầu la một pháp thoại đưa Ngài đến chứng quả A la hán.

  1. TÓM TẮT

Một hôm Phật nghĩ đã đến lúc huấn luyện thêm cho tôn giả Rahula trong việc đoạn tận các lậu hoặc, vì tôn giả đã thuần thục trong 15 pháp đem lại giải thoát [tức là tín, tấn, niệm, định, tuệ; 5 tuệ quán vô thường, khổ, vô ngã, từ bỏ, đoạn tận; và năm pháp: bạn lành, giới, thảo luận, tinh tấn, và tuệ.]

Sau bữa ngọ trai, Ngài dạy tôn giả hãy đem theo tọa cụ, cùng với Ngài đi vào rừng Andha. Sau khi tôn giả đảnh lễ Phật và ngồi trên tọa cụ, Phật tuần tự hỏi tôn giả: Mắt, sắc, nhãn thức là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, đau khổ, thì có hợp lý để xem nó là của tôi, là tôi, hay tự ngã của tôi không? Tôn giả đều thưa không.

Với tai, mũi, lưỡi, thân, ý (căn); thanh, hương, vị, xúc, pháp (trần); nhĩ thức, cho đến ý thức (thức) cũng vậy (18 giới). Kế tiếp Ngài hỏi tương tự như trên về nhãn xúc cho đến ý xúc, và tôn giả cũng đáp như trên. Do xúc khởi lên thọ, tưởng, hành, thức, các pháp được khởi lênđều vô thường, khổ, không nên xem là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi.

Thế tôn kết luận: Do thấy biết như vậy, đa văn thánh đệ tử yểm ly căn trần thức, yểm ly xúc thọ tưởng hành. Do yểm ly, vị ấy ly dục; do ly dục, vị ấy giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết tâm đã giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.

Tôn giả Rahula hoan hỷ tín thọ lời Thế tôn dạy, tâm tôn giả giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ. Hàng ngàn chư thiên đã đi theo đức Phật cũng khởi lên Pháp nhãn ly trần vô cấu, thấy rằng: Tất cả những gì được khởi lên đều phải bị hoại diệt.

III. CHÚ GIẢI

Khổ là do xem là tôi và của tôi, một cái vốn dĩ rất vô thường, đau khổ là cái thân xác này với những thọ, tưởng, hành, thức khởi lên từ đấy. Nhưng tất cả cái gì có khởi lên là có chấm dứt, nhờ thấy rõ như vậy mà khởi tâm chán lìa, ly tham, giải thoát. Trí này dường như được gọi là sinh diệt trí.

  1. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Phật thấy Rahula
Ðã thuần thục các pháp
Giúp đem lại giải thoát
– Tín, tấn, niệm, định, tuệ –
Một hôm ngọ trai xong,
Ngài cho theo vào rừng.
Tại ngôi rừng Andha
Sau khi cùng an tọa
Phật hỏi tôn giả rằng
Con mắt, sắc, nhãn thức
Là thường hay vô thường?
Vô thường khổ hay vui?
Cái gì vô thường, khổ,
Thì có hợp lý chăng
Xem là tôi, của tôi,
Hay tự ngã của tôi?
Tôn giả đều thưa không.
Với tai, mũi, lưỡi, thân,
Ý; và đối tượng chúng
(thanh, hương, vị, xúc, pháp);
Nhĩ thức, cho đến ý thức
Tức 18 giới đều vậy.
Kế tiếp Ngài lại hỏi
Nhãn xúc đến ý xúc,
Tôn giả đáp như trên.
Do xúc khởi lên thọ,
Tưởng, hành, và thức,
Các pháp được khởi lên
Ðều vô thường, đau khổ,
Không nên xem của tôi,
Là tôi, tự ngã tôi.
Thế tôn bèn kết luận:
Do thấy biết như vậy,
Ða văn thánh đệ tử
Yểm ly căn trần thức,
Chán xúc thọ tưởng hành.
Do yểm ly, lìa dục;
Do lìa dục, giải thoát.
Và vị ấy biết được:
Tâm này đã giải thoát
Sanh tận, phạm hạnh thành
Việc nên làm đã làm
Không còn trở lui lại.
Ðức Thế tôn giảng xong
Tôn giả Rahula
Liền hoan hỷ tín thọ
Tâm giải thoát lậu hoặc
Hàng ngàn vị thiên nhân
Cùng theo họ vào rừng
Cùng khởi lên Pháp nhãn
Thấy tất cả những gì
Ðược sinh đều hoại diệt.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 44

Post Views: 339