Toát yếu Trung Bộ 28 : Đại kinh dụ dấu chân voi

Toát yếu Trung Bộ 28 : Đại kinh dụ dấu chân voi

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 28

Đại kinh dụ dấu chân voi

  1. TOÁT YẾU

Mahàhatthipadopama sutta – The greater discourse on the simile of the elephant’s footprint.

The venerable Sàriputta begins with a statement of the four noble truths, which he then expounds by way of the contemplation of the four elements and the dependent origination of the five aggregates.

Bản kinh dài về ví dụ dấu chân voi.

Tôn giả Xá lợi phất khởi đầu bằng tuyên bố về Bốn chân lý, rồi giảng giải bốn chân lý qua pháp quán bốn đại chủng và lý duyên khởi về năm uẩn.

  1. TÓM TẮT

Tôn giả Xá lợi phất tuyên bố Bốn chân lý là lớn nhất trong tất cả thiện pháp, như dấu chân voi lớn nhất trong các dấu chân. Kế đến gồm các đoạn:

  1. Phân tích chân lý về Khổ với những khía cạnh của nó, đặc biệt là năm uẩn bị chấp thủ.
  2. Phân tích sắc uẩn do bốn đại tạo; lần lượt nói về bốn đại với hai khía cạnh trong và ngoài, nội đại chủng được phân tích chi tiết, đại chủng bên ngoài chỉ nói sơ qua để so sánh cho đầy đủ. Mỗi đại chủng được hiển thị như là một nền tảng để phát sinh tuệ quán “duyên sinh, vô thường, vô ngã” cùng các đức tính nhẫn, niệm và xả tương ưng với thiện.
  3. Trở lại phân tích các khía cạnh của Bốn chân lý, liên hệ năm thủ uẩn: Các sở tạo sắc – mắt tai mũi lưỡi thân ý – phải lành mạnh, có sự xúc chạm với ngoại pháp đối tượng của chúng, và ngoại pháp phải ở trong tầm, thì thức phần tương ứng – cái biết của mắt, tai… – mới xuất hiện. Những pháp do duyên khởi ấy chính là năm thủ uẩn. Thế tôn đã dạy: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy lý duyên khởi.” Sự tham đắm năm thủ uẩn là Khổ tập; sự nhiếp phục, từ bỏ dục tham là Khổ diệt.

III. CHÚ GIẢI

Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng: Luận giải “niệm Phật” là nhớ lời Phật dạy về ví dụ cái cưa trong kinh số 21; “niệm Pháp” là nhớ lời khuyên của Ngài trong ví dụ cái cưa; “niệm Tăng” là nhớ đến đức nhẫn cu/a vị tỳ kheo có thể kham nhẫn những sự nhục mạ không phẫn hận.

Xả tương ưng với thiện là xả do tuệ, tức thái độ không ưa không ghét trước những đối tượng đáng ưa ghét xuất hiện qua sáu cửa ngõ giác quan. Nói một cách tuyệt đối, xả này chỉ bậc A la hán mới có, vị tỳ kheo hữu học thì đang hướng về đức tính này.

Ai thấy Duyên khởi… Không thấy chỗ nào khác trong tạng Pàli dẫn Phật dạy lời này. Luận chú thích: “Ai thấy lý duyên khởi thì thấy các pháp do duyên khởi; ai thấy các pháp do duyên khởi thì thấy được lý duyên khởi.” Chú giải này tuy rõ hơn [ám chỉ năm thủ uẩn là pháp duyên khởi] song không bao hàm hết ý nghĩa sâu sắc của lời Phật dạy, theo đó có thể hiểu toàn thể của Pháp là Duyên khởi và toàn thể của Duyên khởi là Pháp.

  1. PHÁP SỐ

Bốn chân lý – Bốn đại chúng – Năm thủ uẩn – Sáu căn – Sáu trần – Sáu thức. Tám khổ.

  1. KỆ TỤNG

Trong tất cả dấu chân
Dấu chân voi lớn nhất
Cũng vậy tất cả thiện
Bốn chân lý gồm thâu.
Khổ đế nói vắn tắt
Chính là năm thủ uẩn
Sắc thọ tưởng hành thức
Làm nên thân và tâm.
Sắc là thân tứ đại:
Địa, thủy, hỏa, và phong
Trong ngoài đều biến chuyển
Để đi đến diệt vong.
Khi thấy rõ bốn đại
“Không tôi, không của tôi”
Sinh yểm ly, từ bỏ
Và xả được an trú.
Do căn trần tiếp xúc
Bèn có “thức” hiện sinh
Năm thủ uẩn duyên sinh
Là chân lý về Khổ
Muốn rõ biết nguồn cơn
Tham dục là nguyên nhân
Bỏ đam mê thủ uẩn
Khổ diệt, chứng niết bàn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 64

Post Views: 309