(Download file MP3 – 10.11 MB – Thời gian phát: 58 phút 55 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Tụng phẩm II
1. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: “Quả này của ta do nghiệp gì, báo này của ta là do nghiệp gì mà hiện tại ta có thần lực như vậy, có oai lực như vậy?”.
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: “Quả này là do ba loại nghiệp, báo này là do ba loại nghiệp mà hiện tại ta có thần lực như vậy. Ðó là Bố thí, Tự điều, Tự chế”.
2. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến đi đến cao đường Ðại Trang Nghiêm, đứng trước cửa và nói lớn tiếng cao hứng ngữ sau đây:
Hãy dừng lại, tư tưởng dục vọng!
Hãy dừng lại, tư tưởng sân hận!
Hãy dừng lại, tư tưởng não hại!
Ðến đây thôi, tư tưởng dục vọng!
Ðến đây thôi, tư tưởng sân hận!
Ðến đây thôi, tư tưởng não hại!
3. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến bước vào cao đường Ðại Trang Nghiêm, ngồi trên sàng tọa bằng vàng, ly dục, ly ác pháp, chứng và an trú trong thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Rồi diệt tầm và tứ, chứng và an trú trong thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú vào thiền thứ ba. Rồi xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú vào thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
4. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm, bước vào cao đường bằng vàng, ngồi trên sàng tọa bằng bạc, an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận không sân… với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên không hận không sân.
5. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến có tám vạn bốn ngàn kinh thành, và kinh thành Kusàvati (Câu-xá-bà-đề) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn lâu đài, và lâu đài Dhamma là đệ nhất. Tám vạn bốn ngàn cao đường, và cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn sàng tọa, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thú trắng của con sơn dương được che bởi những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ.
Tám vạn bốn ngàn con voi, với những trang sức bằng vàng, được che chở bằng lưới vàng, và tượng vương Uposatha (Bố-tát-đà) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn con ngựa, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới vàng, và mã vương Valàhaka (Vân Mã vương) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, bằng vai vàng, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta (Nhạc thanh xa hay Chiến thắng kỳ) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn châu ngọc và bảo châu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn phụ nữ và hoàng hậu Subhaddà (Thiện Hiền phi) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn gia chủ và gia chủ báu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn người giòng Sát-đế-lỵ và tướng quân báu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay (Dukùla), với sừng đầu nhọn bịt đồng.
Tám vạn bốn ngàn vải Koti (Cu-chi) với sắc chất tinh diệu, như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung.
Tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa (Thàlipàka), buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm.
6. Lúc bấy giờ, này Ananda, có tám vạn bốn ngàn voi sáng chiều đến phục vụ cho vua Ðại Thiện Kiến. Rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: “Nay tám vạn bốn ngàn con voi này sáng chiều đến phục vụ cho ta. Nay ta hãy để cho chúng đến, cứ cách một trăm năm thời bốn vạn hai ngàn con đến”.
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến bảo Tướng quân báu:
– Này Hiền giả, nay tám vạn bốn ngàn con voi này, sáng chiều đến phục vụ ta. Nay hãy để cho chúng đến, cứ cách một trăm năm, mỗi lần cho bốn vạn hai ngàn con đến.
– Tâu Ðại vương, vâng!
Này Ananda, vị tướng quân báu vâng lời vua Ðại Thiện Kiến. Này Ananda, từ đó về sau, cứ mỗi một trăm năm, bốn vạn hai ngàn con voi lần lượt đến với vua Ðại Thiện Kiến.
7. Này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm ngàn năm, hoàng hậu Subhaddà suy nghĩ: “Cách đây đã lâu, ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay ta hãy đi để thăm vua Ðại Thiện Kiến”.
Này Ananda, rồi hoàng hậu Subhaddà nói với các cung nữ:
– Các Ngươi hãy gội đầu, mặc áo vàng. Cách đây đã lâu, chúng ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay chúng ta sẽ đi yết kiến vua Ðại Thiện Kiến.
– Tâu Hoàng hậu, vâng!
– Này Ananda, các cung nữ vâng lời hoàng hậu Subhaddà (Thiện Hiền phi), gội đầu, mặc áo vàng và đi đến hoàng hậu Subhaddà.
Này Ananda, rồi hoàng hậu Subhaddà cho gọi Tướng quân báu:
– Này Khanh, hãy cho sắp đặt bốn loại binh chủng. Cách đây đã lâu chúng ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay chúng ta sẽ đi yết kiến vua Ðại Thiện Kiến.
– Tâu Hoàng hậu, vâng!
Này Ananda, tướng quân báu vâng lời hoàng hậu Subhaddà, cho sắp đặt bốn loại binh chủng và tâu Hoàng hậu:
– Tâu Hoàng hậu, bốn loại binh chủng đã sắp đặt xong. Hãy làm gì Hoàng hậu nghĩ là phải thời.
8. Này Ananda, hoàng hậu Subhaddà cùng với bốn loại binh chủng và các cung nữ đi đến lâu đài Dhamma, leo lên lâu đài ấy, đến tại cao đường Ðại Trang Nghiêm và đứng dựa vào cánh cửa của cao đường này.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: “Nay tiếng gì ồn ào như vậy, như cả một quần chúng đông đảo?” Vua bèn bước ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và thấy hoàng hậu Subhaddà đang đứng dựa vào cửa. Thấy vậy, vua liền nói với hoàng hậu Subhaddà:
– Hoàng hậu hãy đứng ở đây, chớ có vào!
9. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến liền bảo một người hầu cận:
– Ngươi hãy nhắc giường bằng vàng ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và đặt trong khu rừng cây sàla bằng vàng.
– Tâu Ðại vương, vâng!
Này Ananda, người ấy vâng lời dạy của vua Ðại Thiện Kiến, nhắc sàng tọa bằng vàng ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và đặt trong khu rừng cây sàla bằng vàng.
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến nằm xuống, trong dáng điệu con sư tử, về phía bên hữu, một chân đặt dài trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác.
10. Này Ananda, hoàng hậu Subhaddà suy nghĩ: “Các căn của vua Ðại Thiện Kiến thật là sáng suốt, màu da thật là thanh tịnh, trong sáng. Mong rằng vua Ðại Thiện Kiến chớ có mệnh chung!”.
Rồi hoàng hậu tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
– Tâu Ðại vương, tám ván bốn ngàn kinh thành này với kinh thành Kusàvati là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và tượng vương Uposatha là đệ nhất, những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và mã vương Valàhaka là đệ nhất, những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, bằng vải vàng với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn gia chủ này và gia chủ báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với họ. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này và tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với họ. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
11. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến nghe hoàng hậu Subhaddà nói vậy liền trả lời:
– Ðã từ lâu Hoàng hậu nói với ta với những lời dễ chịu, hòa ái và dịu dàng. Thế mà nay, trong lần cuối cùng này, Hoàng hậu lại nói với ta bằng những lời không dễ chịu, không hòa ái, không dịu dàng!
– Tâu Ðại vương, thiếp phải nói với Ðại vương thế nào?
– Này Hoàng hậu, Hoàng hậu phải nói với ta như thế này:
“Tất cả mọi sự vật khả ái, khả lạc đều thay đổi, không có thực thể, chịu sự biến hóa. Ðại vương chớ có mệnh chung với tâm quyến luyến chúng. Ðau khổ thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến. Ðáng trách thay, sự mệnh chung còn ái luyến.
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn kinh thành này với kinh thành Kusàvati là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che chở bởi những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng toạ này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và tượng vương Uposatha là đệ nhất, những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này với những trang sức bằng vàng, được che chở với lưới bằng vàng và mã vương Valàhaka là đệ nhất, những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những đồ trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn phụ nữ này là phụ nữ báu đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người thuộc giòng họ Sát-đế-lỵ này là tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buối sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
12. Này Ananda, khi nghe nói vậy, hoàng hậu Subhaddà buồn khóc, rơi nước mắt và tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
– Tâu Ðại vương, tất cả mọi sự vật khả ái, khả lạc đều thay đổi, không có thực thể, thực sự biến hóa. Ðại vương chớ có mệnh chung với tâm quyến luyến chúng. Ðau khổ thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến! Ðáng trách thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và tượng vương Uposatha là đệ nhất. Những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vang và mã vương Valàhaka là đệ nhất. Những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy tử bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những đồ trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn phụ nữ này và phụ nữ báu là đệ nhất đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn gia chủ này và gia chủ báu là đệ nhất đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
“Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này với tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu, như vải gai, vải bông, vải lụa, vải nhung này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
13. Này Ananda, không bao lâu, vua Ðại Thiện Kiến mệnh chung. Này Ananda, giống như một người gia chủ hay con một người gia chủ, sau một bữa cơm thịnh soạn trở nên buồn ngủ, cũng tương tự như vậy cảm giác của vua Ðại Thiện Kiến khi mệnh chung. Này Ananda, sau khi mệnh chung, vua Ðại Thiện Kiến sanh lên thiên phú cõi Phạm thiên. Này Ananda, trải tám vạn bốn ngàn năm, vua Ðại Thiện Kiến sống sung sướng đời sống của một hoàng tử, trải tám vạn bốn ngàn năm làm một phó vương, trải tám vạn bốn ngàn năm làm một vị quốc vương, trải tám vạn bốn ngàn năm làm gia chủ, sống phạm hạnh trong lâu đài Dhamma. Ngài tu tập bốn Thần túc như vậy, sau khi thân hoại mạng chung. Ngài được sanh lên cõi Phạm thiên.
14. Này Ananda, các ngươi có thể nghĩ: “Thời ấy, vua Ðại Thiện Kiến là một vị khác”. Này Ananda, chớ có quan niệm như vậy. Thời ấy chính Ta là vua Ðại Thiện Kiến.
Tám vạn bốn ngàn kinh thành với kinh thành Kusàvati là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn lâu đài với lâu đài Dhamma là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn cao đường với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn sàng tọa ấy bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che chở với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa ấy đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và tượng vương Uposatha là đệ nhất. Những con voi ấy đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn con ngựa với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và mã vương Valahaka là đệ nhất. Những con ngựa này đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và cỗ xe tên Vijayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn phụ nữ này với phụ nữ báu là đệ nhất đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn gia chủ này với gia chủ báu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này với tướng quân báu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung này đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ta.
15. Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn kinh thành ấy, chỉ có một kinh thành mà Ta ở vào thời ấy, đó là kinh thành Kusàvati.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn lâu đài ấy, chỉ có một lâu đài mà Ta ở thời ấy, đó là lâu đài Dhamma.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn cao đường ấy, chỉ có một cao đường mà Ta ở thời ấy, đó là cao đường Ðại Trang Nghiêm.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn sàng tọa ấy, chỉ có một sàng tọa mà Ta dùng thời ấy, đó là sàng tọa bằng vàng, hay bằng bạc, hay bằng ngà, hay bằng gỗ kiên cố.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn con voi ấy, chỉ có một con voi mà Ta cỡi thời ấy, đó là tượng vương Uposatha.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa ấy, chỉ có một con ngựa mà Ta cỡi thời ấy, đó là con mã vương Valàhaka.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe ấy, chỉ có một cỗ xe mà Ta cỡi thời ấy, đó là cỗ xe Vejayanta.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn phụ nữ ấy, chỉ có một phụ nữ hầu hạ Ta thời ấy, đó là phụ nữ của giòng Sát-đế-lỵ hay giòng Velàmikàni.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn loại vải Koti ấy, chỉ có một loại vải sắc chất tế nhị mà Ta mặc thời ấy, đó là vải gai, vải bông, vải lụa hay vai nhung.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa ấy, chỉ có một loại cháo sữa mà Ta dùng thời ấy, đó là cơm và đồ ăn.
16. Này Ananda, tất cả các pháp hữu vi ấy nay đã vào quá khứ, hoại diệt và biến hóa. Này Ananda, các pháp hữu vi, vô thường là như vậy, không kiên cố là như vậy, không đáng tin tưởng là như vậy; vì rằng, này Ananda, tất cả các pháp hữu vi cần phải nhàm chán, cần phải thoát ly, cần phải giải thoát.
17. Này Ananda, nay Ta nhớ lại, như thế nào tại chỗ này thân Ta đã được chôn tất cả là sáu lần; và khi Ta sống làm một vị Chuyển Luân vương, dùng chánh pháp trị nước, một vị pháp vương, trị vì bốn thiên hạ, vị chinh phục, che chở cho quần chúng, đầy đủ bảy món báu, đó là lần thứ bảy. Này Ananda, Ta không thấy một địa phương nào, trong thế giới loài Người và chư Thiên, trong thế giới Ma vương hay thế giới Phạm thiên, trong giòng họ Sa-môn hay Bà-la-môn mà trong địa phương ấy, Như Lai sẽ bỏ thân này lần thứ tám.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi thuyết xong, Thiện Thệ, bậc Ðạo Sư nói lại bài kệ như sau:
Tất cả pháp hữu vi,
Thật sự là vô thường,
Khởi lên rồi diệt mất,
Thường tánh là như vậy.
Chúng được sanh khởi lên,
Rồi chúng lại hoại diệt.
Hạnh phúc thay khi chúng
Ðược tịnh chỉ an lạc.
Vào một thời kia, đức Phật nằm giữa hai cây Ta-la song thọ trong khu rừng gần thành Câu-thi-na (Kusinàrà), và sắp nhập Niết-bàn. Tôn-giả A-nan xin đức Phật đừng diệt-độ ở nơi hoang-dã nầy, mà nên chọn một đô-thị khác to lớn hơn. Đức Phật bác-bỏ đề-nghị ấy và nhơn đó giảng Kinh Đại Thiện-Kiến-Vương.
Trong bản Kinh nầy, đức Phật nói thành Câu-thi-na ngày xưa chính là thủ-đô Câu-xá-bà-đế (Kusàvatti), huy-hoàng, tráng-lệ do vua Đại-Thiện-Kiến (Mahà-Sudassana) trị-vì theo Chánh-Pháp và vị Chuyển-Luân Thánh-vương nầy vốn là tiền-thân của đức Phật.
Kinh nầy khá dài, được đức Phật nói lên với dụng-ý chỉ rõ cho Tôn-giả A-nan thấy nơi hoang-dã của khu rừng Ta-la nầy xưa kia là cố-đô Câu-xá-bà-đề rất huy-hoàng, tráng-lệ.
A.- Ý Chánh: Đức-độ và uy-phong của vua Đại-Thiện-Kiến khi xưa trị nước theo Chánh-Pháp, tại đô-thành Câu-xá-bà-đề (Kusavatti) tráng-lệ, nay là khu hoang-dã của rừng Ta-la, nơi đức Phật nhập Niết-Bàn.
B.- Phân đoạn: Kinh chia ra hai chương:
– Kinh-đô Kusàvatti rộng đến 12 do-tuần, có bảy bức thành và bảy hàng cây Ta-la bằng vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ… bao-bọc chung quanh, …
– Vua Đại Thiện-Kiến có bảy báu (xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia-chủ báu và tướng-quân-báu) và bốn đức như-ý (thân-tướng đẹp, sống lâu, ít bị tai-ương, được mọi người kính-yêu);
– Vua Đại Thiện-Kiến cởi xe báu đi chinh-phục khắp bốn châu thiên-hạ, các chư-hầu đều thần-phục;
– Lâu-đài Dhamma, chỗ vua ngự, có hàng ngàn căn phòng, trang-hoàng rực-rỡ bằng vàng, bạc…
– Vua bước vào cao-đường Đại-Trang-Nghiêm và bắt đầu tu-tập Thiền-định cùng bốn tâm vô-lượng;
– Sau đó nhiều năm, Vua sai khiên giường nằm ra khỏi cao-đường và đặt trong khu rừng Ta-la, và chờ giờ mệnh chung;
– Hoàng-hậu Subhaddà đến thăm và khuyên vua nên ”ái-luyến đời sống” với mọi sự-vật khả-ái, khả-lạc;
– Đức Vua trách Hoàng-hậu: ”Mọi sự-vật khả-ái, khả-lạc đều thay đổi, không có thực-thể, chịu sự biến-hoá. Đau-khổ thay, sự mệnh-chung với tâm còn ái-luyến.” Rồi sau đó chẳng bao lâu, Vua mất, và được sanh lên cõi Phạm-thiên.
Để kết-thúc bản Kinh, đức Phật nói với A-nan:
”Nầy Ananda, tất cả các pháp hữu-vi ấy nay đã vào quá-khứ, hoại-diệt và biến-hoá. Nầy Ananda, các pháp hữu-vi, vô-thường là như vậy, không kiên-cố là như vậy, không đáng tin-tưởng là như vậy … Ta nhớ lại như thế nào, tại chỗ nầy thân Ta đã được chôn tất cả là sáu lần, và khi Ta sống làm một vị Chuyển-luân Thánh-vương, dùng Chánh-Pháp trị nước, … chinh-phục bốn thiên-hạ, … che chở cho quần-chúng, đầy-đủ bảy món báu, đó là lần thứ bảy. Nầy Ananda, Ta không thấy một điạ-phương nào, trong thế-giới loài Người và chư Thiên, … mà trong điạ-phương ấy, Như-Lai sẽ bỏ thân nầy lần thứ tám.”
(TN. Mtl, 2006-03-07).
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 68