Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Đại Diễn Tôn (mahàgovinda Sutta)

Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Đại Diễn Tôn (mahàgovinda Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Đại Diễn Tôn (Mahàgovinda Sutta)

Xuất Xứ:

Bài kinh này xuất khởi do Càn Thát Bà PANCASIKHA đến yết kiến đức Phật ở núi GIJJHAKÙTE (Linh Thứu), tại RÀJAGAHA, vào lúc đêm gần mãn.

Duyên Khởi:

Càn Thát Bà PANCASIKHA xin phép đức Phật được thuật lại buổi hội họp của Hội Chúng Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, có Phạm Thiên SANAMKÙRA đến dự, và Thiên Chủ SAKKA đã giải thích Tám Pháp như thật của đức Thế Tôn cho Hội Chúng Thiên lắng nghe.

Chánh Kinh:

Nội dung buổi họp của Hội Chúng Thiên ở cõi Tam Thập Tam Thiên cùng  với Phạm Thiên SANAMKUMÀRA

Sau khi cùng nhau đảnh lễ đức Thế Tôn cùng với Chánh Pháp vi diệu, Thiên Chủ SAKKA đã giải thích Tám Pháp như thật của đức Thế Tôn như sau:

  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư dấn thân trong đời vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và Nhân Loại. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư khéo léo thuyết giảng Chánh Pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thế gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ có người hữu trí tự mình giác ngộ. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư khéo léo phân tích, giải thích các pháp “Thiện – Bất Thiện,” “Tội – Không Tội,” “Cần phải thuận theo – Cần phải né tránh,” “Hạ Liệt – Cao Thượng,” “Đen – Trắng đồng đẳng.” Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư khéo giải thích về “con đường đưa đến Níp Bàn cho các đệ tử, Níp Bàn và con đường phối hợp thành một,” như nước sông Hằng phối hợp và cùng chảy với nước sông YAMUNA. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư biết sống chung một niềm hòa hợp lạc trú với những chúng Thiện Hữu Hữu Học đang đi trên nẻo Đạo (hành Đạo) và những bậc Lậu Tận đã hoàn tất Thánh Đạo. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư biết sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn, thánh hạnh, thuần tịnh. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy, thành tựu các Pháp và tùy Pháp. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.
  1. Đức Thế Tôn là một vị Đại Sư đã đoạn tận mọi nghi hoặc, thành tựu mọi suy tư về tâm nguyện và tối sơ Phạm Hạnh. Thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, một vị Đại Sư có đầy đủ đức tánh như vậy.

Thiên Chủ SAKKA khẳng định với Hội Chúng Thiên ở Tam Thập Tam Thiên là chỉ có duy nhất một bậc Chánh Đẳng Giác hiện hữu trong đời, không thể có hai, cũng không có trước và sau. Đức Thế Tôn hiện hữu trong đời đem hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và Nhân Loại.

Sau đó, Phạm Thiên SANAMKUMÀRA xuất hiện và được Thiên Chủ SAKKA giải thích lại Tám Pháp như thật của đức Phật. Sau khi nghe xong, Phạm Thiên SANAMKU–MÀRA thuật lại một câu chuyện tiền thân của đức Phật là Bà La Môn MAHÀ GOVINDA.

Câu chuyện Bà La Môn MAHÀ GOVINDA

MAHÀ GOVINDA là thanh niên JOTIPÀLA, con của quốc sư GOVINDA, thời đức vua DISAMPATI. Sau khi thân phụ mệnh chung, thanh niên JOTIPÀLA tiếp nối sự nghiệp của cha, chăm lo việc triều chính.

MAHÀ GOVINDA có bảy thân hữu, hoàng tử RENU và sáu vị Sát Đế Lỵ, và có bốn mươi người vợ đồng đẳng với

Không bao lâu, đức vua DISAMPATI băng hà, MAHÀ GOVINDA cùng sáu vị Sát Đế Lỵ cung nghinh hoàng tử RENU nhiếp chánh vương vị.  Và chính MAHÀ GOVINDA đã khéo chia lãnh thổ ra làm bảy phần đồng đều cho bảy vị Sát Đế Lỵ như sau:

  • Vua RENU giữ phần Quốc Độ trung ương
  • DANTAPURA cho dân KÀLINGÀ
  • POTANA cho dân ASSAKA
  • MAHÌSSATÌ cho dân AVANTÌ
  • RORUKA cho dân SOVÌRANA
  • MITHILÀ cho dân VIDEHÀ
  • CAMPÀ cho dân ANGA
  • BÀRÀNASÌ cho dân KÀSINA

MAHÀ GOVINDA đã chỉ dạy vương chánh cho bảy vị Sát Đế Lỵ này, dạy chú thuật cho bảy vị triệu phú Bà La Môn và bảy trăm vị tịnh hạnh.

Do suy niệm những lời truyền tụng, cho rằng: “MAHÀ GOVINDA đã tự thân nói chuyện, thảo luận với Phạm Thiên,” không đúng như thật, nên MAHÀ GOVINDA xin với vua RENU cùng tất cả thân hữu của mình, được đi an tịnh tu tập Thiền Định với Bi Phạm Trú trong bốn tháng mùa mưa, mong cầu được thấy và thảo luận với Phạm Thiên.

Nhờ sự chuyên chú tu tập chân thành, Phạm Thiên SANAMKUMÀRA đi đến MAHÀ GOVINDA để đem lợi ích, giải đáp những thắc mắc về vị lai.

“Nay Ta hỏi Phạm Thiên, SANMAKUMÀRA! Ta hỏi điều nghi ngờ,

Người khác đều muốn biết! An trú tại chỗ nào,

Để chứng quả bất tử?

Chính tại Phạm Thiên Giới, Này ngươi Bà La Môn.

Ai bỏ ngã, ngã sở,

Tâm chuyên chú nhứt cảnh. Tu tập Đại Bi Tâm,

Thoát ly mọi xú uế. Lánh xa mọi tà dục, An trú ở nơi đây.

Để chứng quả bất tử,

Chính tại Phạm Thiên Giới.” 

Này Phạm Thiên, trong loài người cái gì là xú uế?

“Loài người bị gì che, Bị trói buộc cái gì?

Phải chịu sanh đọa xứ, Bị đóng cửa Phạm Thiên. Phẫn nộ và vọng ngữ, Gian manh và lừa đảo! 

Hà tiện và quá mạn, Tật đố và dục cầu!

Nghi ngờ và hại người, Tham, sân, si, kiêu mạn. Những tánh này trói buộc, Khiến con người xú uế.

Phải chịu sanh đọa xứ,

Bị đóng cửa Phạm Thiên.”

Qua cuộc đối thoại, MAHÀ GOVINDA liễu tri, khởi lên ý nguyện xuất gia và đi đến vua RENU xin được như nguyện. Cũng như vậy, MAHÀ GOVINDA đi đến sáu vị Sát Đế Lỵ thân hữu, bảy vị triệu phú Bà La Môn, bảy trăm vị tịnh hạnh, và bốn mươi người vợ của mình, MAHÀ GOVINDA đều nói lên sở nguyện và quyết định là trong bảy ngày sẽ xuất gia cho dù bị khuyên can rất nhiều. Cuối cùng, MAHÀ GOVINDA đắc kỳ sở nguyện và tiến tu Tứ Phạm Trú.

Sau khi Bà La Môn MAHÀ GOVINDA xuất gia thì có rất nhiều người cũng xuất gia theo và nương nhờ tu tập. Không bao lâu sau, đoàn thể Hội Chúng này thông suốt giáo lý của MAHÀ GOVINDA. Tất cả đều  nỗ lực tu tập và khi thân hoại mạng chung, tất cả đều được sanh về Thiện Thú, từ Càn Thát Bà cho đến Phạm Thiên Giới.

Đức Phật nhận diện Bà La Môn MAHÀ GOVINDA

Chính là tiền thân của đức Phật.

Và đức Phật nhấn mạnh tu tập Tứ Phạm Trú, chỉ đưa đến cảnh giới Phạm Thiên, không đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, và Níp Bàn. Với con đường Bát Thánh Đạo hoàn toàn đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, và Níp Bàn.

Kết Luận:

Càn Thát Bà PANCASIKHA hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Phật, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về đức Phật, và biến mất tại chỗ.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 17