Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Ma Ha Lê (mahàli Sutta)

Giáo Án Trường Bộ Kinh – Kinh Ma Ha Lê (mahàli Sutta)


Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Ma Ha Lê (Mahàli Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho một số đông sứ giả Bà La Môn ở nước KOSALA và nước MAGADHA, cùng với OTTHADDA MAHÀLI và một số dân chúng thuộc dòng họ LICCHAVI, tại giảng đường Trùng Các, rừng Đại Lâm, thành VESÀLI.

Duyên Khởi:

Do được nghe đồn đãi rất nhiều về đức Thế Tôn, nên một số đông sứ giả Bà La Môn ở nước KOSALA và nước MAGADHA với những công việc còn đang bận rộn tại thành VESÀLI, cũng như OTTHADDA MAHÀLI cùng với một số vị thuộc dòng họ LICCHAVI rất mong muốn được yết kiến đức Phật và nghe pháp.

Chánh Kinh:

MAHÀLI vấn hỏi đức Thế Tôn về nguyên nhân nào SUNAKKHATTA không chứng đắc được Thiên Nhĩ Thông

Do Nhân nào và Duyên nào, SUNAKKHATTA người thuộc dòng họ LICCHAVI, khi ở gần bên đức Phật tu tập và chứng đắc được Thiên Nhãn Thông, thấy được những thiên sắc mỹ diệu, làm cho thích thú và phấn khởi. Nhưng tại sao lại không thể chứng đắc được Thiên Nhĩ Thông, để được nghe những thiên âm mỹ diệu như thật có, để làm cho thích thú và phấn khởi.

Đức Phật giải thích cho MAHÀLI

  • Với tác ý tu tập nhứt hướng (một trong những hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, ngang). Với mục đích chỉ đắc chứng Thiên Nhãn Thông để thấy được những thiên sắc mỹ diệu, thích thú và phấn khởi, nhưng không có tác ý hướng về mục đích tu tập chứng đắc Thiên Nhĩ Thông; do vậy, không thể nghe được những thiên âm mỹ diệu thù thắng, để làm cho thích thú và phấn khởi (như trường hợp của SUNAKKHATTA).
  • Với tác ý tu tập nhứt hướng nhưng với mục đích chứng đắc Thiên Nhĩ Thông, để được nghe những thiên âm mỹ diệu, làm cho thích thú và phấn khởi.
  • Với tác ý tu tập nhị hướng, nghĩa là với hai mục đích chứng đắc Thiên Nhãn Thông và Thiên Nhĩ Thông; do vậy, mới thấy được những thiên sắc mỹ diệu và được nghe luôn những thiên âm mỹ diệu thù thắng, để làm cho thích thú và phấn khởi.

Tuy nhiên, đức Phật không mong muốn các vị tỳ khưu chỉ lo tu tập với sự chứng đắc Thiền Định để có được những sự việc trên.

Đức Phật chỉ dạy tu hành BÁT CHÁNH ĐẠO để chứng đắc ĐẠO QUẢ và  giải thoát

  1. Do muốn chứng đắc được những pháp cao thượng và thù thắng là “Đạo Quả” giải thoát, một vị tỳ khưu đã sống đời Phạm Hạnh, dưới sự chỉ dạy của đức Thế Tôn, và tu hành Bát Chánh Đạo đặng diệt trừ 10 Kiết Sử (SAMYOJANA – trói buộc):
  • Chánh Kiến
  • Chánh Tư Duy
  • Chánh Ngữ
  • Chánh Nghiệp
  • Chánh Mạng
  • Chánh Tinh Tấn
  • Chánh Niệm
  • Chánh Định
  1. Với Bát Chánh Đạo, một vị tỳ khưu sống đời Phạm Hạnh và tu tập chứng đắc tầng Thánh thứ nhất là SƠ ĐẠO và SƠ QUẢ (thành bậc Dự Lưu, Tư Đà Hườn, Thất Lai), đoạn trừ được ba hạ phần Kiết Sử là Thân Kiến, Hoài Nghi, và Giới Cấm Thủ, không còn bị đọa vào Tứ Ác Thú, chắc chắn chứng quả vị giải thoát.
  2. Tiếp tục tu tập, một vị tỳ khưu đã đoạn diệt ba hạ phần Kiết Sử đầu tiên, lại nỗ lực tu tập Bát Chánh Đạo, sẽ làm giảm nhẹ hai hạ phần Kiết Sử là Tham thô thiển và Sân thô thiển, chứng đắc tầng Thánh thứ hai là NHỊ ĐẠO và NHỊ QUẢ (thành bậc Tu Đà Hàm, Nhất Lai).
  3. Tiếp tục tu tập Bát Chánh Đạo, vị tỳ khưu ấy đoạn tuyệt hai hạ phần Kiết Sử còn lại là Tham vi tế và Sân vi tế, chứng đắc tầng Thánh thứ ba là TAM ĐẠO và TAM QUẢ (thành bậc A Na Hàm, Bất Lai). Khi còn ở Nhân Loại, chưa được chứng đắc quả vị A La Hán, và khi thân hoại mạng chung, thì được tục sinh về cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên Sắc Giới (thành vị Hóa Sanh) và giải thoát Níp Bàn tại nơi đấy.
  4. Tiếp tục tu tập Bát Chánh Đạo, vị tỳ khưu ấy đoạn trừ năm thượng phần Kiết Sử còn lại (Ái Sắc Giới, Ái Vô Sắc Giới, Ngã Mạn, Phóng Dật, và Vô Minh), diệt trừ các Lậu Hoặc (Tứ Lậu gồm có Dục Lậu, Hữu Lậu, Kiến Lậu, và Vô Minh Lậu), giải thoát và giải thoát tri kiến, chứng đắc tầng Thánh thứ tư là TỨ ĐẠO và TỨ QUẢ (thành bậc A La Hán, Vô Sinh).

Đức Phật bác bỏ những suy niệm về mạng căn và thân thế vì không đem lại  lợi ích và không thiết thực

Khi hai người xuất gia có tên gọi là MANDISSA, một vị du sĩ, và JALIYA, đệ tử của DÀRUPATTIKA, đã đi đến khu vườn GHOSIRÀRÀMA, tại thành phố KOSAMBI, vấn hỏi đức Phật về “mạng căn và thân thể” là một hay là khác. Đức Phật cho biết rằng, chỉ có những người chưa có chứng đạt đến Quả Vị rốt ráo (chỉ có chứng và đắc Tứ Thiền), mới ưa thích đề cập đến vấn đề này, còn đối với đức Phật, cho dù Ngài rõ biết vấn đề này, nhưng Ngài không muốn đề cập đến vì vô ích và không thiết thực.

Kết Luận:

OTTHADA MAHÀLI, người thuộc dòng họ LICCHAVI, đã hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.



Nguồn : Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 15