I. Nội dung kinh

(Subha sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


(Download file MP3
– 2.44 MB – Thời gian phát: 14 phút 12 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Tụng phẩm I

1. Như vậy tôi nghe. Một thời, Ðại đức Ananda ở tại Sàvatthi (Xá-vệ), tại rừng Jetavana (Kỳ-đà), vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), sau khi đức Thế Tôn nhập diệt không bao lâu. Lúc bây giờ thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta ở tại Sàvatthi vì một vài công việc.

2. Rồi thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta gọi một thanh niên Bà-la-môn khác:

– Này thanh niên Bà-la-môn, hãy đi đến chỗ Sa-môn Ananda ở, thay mặt ta hỏi thăm Sa-môn Ananda có ít bệnh ít não, khinh an, khí lực an ổn: “Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta hỏi thăm Tôn giả Ananda có ít bệnh ít não, khinh an, khí lực an ổn”, và nói thêm: “Hân hạnh thay, nếu Tôn giả Ananda có lòng từ mẫn đến tại trú xứ của thanh niên Subha Todeyyaputta”.

3. – Tôn giả, xin vâng.

Thanh niên Bà-la-môn vâng lời thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta đến tại chỗ của Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên những lời chúc tụng thân hữu xã giao với Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn ấy nói với Tôn giả Ananda: “Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta hỏi thăm Tôn giả Ananda ít bệnh ít não, khinh an, khí lực an ổn. Hân hạnh thay, nếu Tôn giả Ananda có lòng từ mẫn đến tại trú xá của thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta”.

4. Khi được nói vậy Tôn giả Ananda nói với thanh niên Bà-la-môn ấy:

– Này thanh niên Bà-la-môn, nay không phải thời, vì hôm nay tôi vừa mới uống thuốc. Ngày mai tôi sẽ đến, vừa hợp thời, hợp nghi.

Rồi thanh niên Bà-la-môn ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, đến tại chỗ của thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta; khi đến xong, liền thưa với thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta:

– Chúng tôi đã thay mặt Tôn giả thưa với Tôn giả Ananda: “Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta hỏi thăm Ðại đức Ananda có ít bệnh ít não, khinh an, khí lực an ổn. Hân hạnh thay, nếu Tôn giả Ananda có lòng từ mẫn đến tại trú xá của thanh niên Bà-la-môn, Subha Todeyyaputta”. Này Tôn giả, khi được nói vậy Sa-môn Ananda nói với tôi: “Này thanh niên Bà-la-môn, nay không phải thời, vì hôm nay tôi mới vừa uống thuốc. Ngày mai, tôi sẽ đến, vừa hợp thời hợp nghi”. Này Tôn giả, sự việc đã như vậy, khiến Tôn giả Ananda đã có cơ hội ngày mai đến.

5. Và Tôn giả Ananda, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, với vị Tỷ-kheo người xứ Cetiya làm vị Sa-môn tùy hành, đến tại chỗ ở của thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta, sau khi đến, liền ngồi tại chỗ đã soạn sẵn. Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đến trước Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên những lời chúc tụng thân hữu và xã giao với Tôn giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta nói với Tôn giả Ananda:

– Tôn giả Ananda đã lâu ngày là thị giả của Tôn giả Gotama, sống gần và ở một bên Ngài. Tôn giả Ananda chắc biết Tôn giả Gotama đã tán thán những pháp nào và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy. Tôn giả Ananda, những pháp Tôn giả Gotama tán thán là những pháp gì và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy?

6. – Này thanh niên Bà-la-môn, Thế Tôn tán thán ba pháp uẩn và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy. Ba pháp ấy là gì? Chính là Thánh giới uẩn, Thánh định uẩn, Thánh tuệ uẩn. Thế Tôn tán thán ba pháp uẩn ấy. Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo những pháp ấy.

– Tôn giả Ananda, thế nào là Thánh giới uẩn, Tôn giả Gotama tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy?

7. – Này thanh niên Bà-la-môn, ở đây Như Lai sanh ra đời, vị A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác… như vậy này thanh niên Bà-la-môn là Tỷ-kheo đầy đủ giới đức. (Xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40 – 63).

8. – Này thanh niên Bà-la-môn, đó là Thánh giới uẩn Thế Tôn tán thán và Ngài đã khích lệ khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy. Và còn pháp uẩn khác cao thượng hơn cần phải hành trì?

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda, thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda, Thánh giới uẩn này thật viên mãn, không phải không viên mãn; Tôn giả Ananda, tôi không thấy Thánh giới uẩn viên mãn này ở những Sa-môn, Bà-la-môn nào ngoài giáo hội này. Tôn giả Ananda, và nếu những Sa-môn, Bà-la-môn khác có thấy Thánh uẩn này tự nơi mình, các vị này cũng đã thỏa mãn với pháp ấy: “Hành trì như vậy là đầy đủ, chứng đạt như vậy là đầy đủ. Ðó là mục đích Sa-môn hạnh của chúng tôi, không có gì cao thượng hơn cần phải hành trì nữa!” Nhưng Tôn giả Ananda còn nói: “Còn pháp uẩn cao thượng hơn cần phải hành trì”.

Tụng phẩm II

1. Tôn giả Ananda, thế nào là Thánh định uẩn, Tôn giả Gotama tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo y chỉ mọi người theo pháp ấy?

– Này thanh niên Bà-la-môn, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?… Không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

(xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 64 – 76).

13. Này thanh niên Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ðó là thiền định của vị ấy.

14. Này thanh niên Bà-la-môn, lại nữa Tỷ-kheo ấy diệt tầm diệt tứ… thấm nhuần.

(xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 77-78)…

Ðó là thiền định của vị ấy.

16. Lại nữa, này thanh niên Bà-la-môn, ly hỷ trú xả… thấm nhuần. (Xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 79-82)… Ðó là thiền định của vị ấy.

19. Này thanh niên Bà-la-môn, đó là Thánh định uẩn Tôn giả Gotama tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy và còn pháp uẩn khác cao thượng hơn cần phải hành trì.

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda! Thánh định uẩn này thật viên mãn, không phải không viên mãn; Tôn giả Ananda, tôi không thấy Thánh định uẩn viên mãn này ở những Sa-môn, Bà-la-môn nào ngoài giáo hội này. Tôn giả Ananda, và nếu những Sa-môn khác có thấy Thánh định uẩn này tự nơi mình, các vị này cũng đã thỏa mãn với pháp ấy: “Hành trì như vậy là đầy đủ. Ðó là mục đích Sa-môn hạnh của chúng tôi. Không còn gì cao thượng hơn cần phải hành trì nữa”. Nhưng Tôn giả Ananda còn nói: “Còn pháp uẩn cao thượng hơn cần phải hành trì”.

20. Tôn giả Ananda, thế nào là Thánh tuệ uẩn, Tôn giả Gotama tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy?

– Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm… và bị trói buộc (xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 83-84).

22. Này thanh niên Bà-la-môn, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến, vị ấy biết: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta nương tựa và bị trói buộc”. Ðó là trí tuệ của vị ấy.

23. Với tâm định tĩnh… không thiếu một căn nào (xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 85-86). Ðó là trí tuệ của vị ấy.

25. Với tâm định tĩnh… Sau đời sống hiện tại, không có đời sống nào khác nữa (xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 87-98).

36. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đưa đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: “Ðây là khổ”, Tuệ tri như thật: “Ðây là nguyên nhân của khổ”, tuệ tri như thật: “Ðây là sự diệt khổ”, tuệ tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến diệt khổ”, tuệ tri như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, tuệ tri như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, tuệ tri như thật: “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, tuệ tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”, nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Ðó là trí tuệ của vị ấy.

37. Này thanh niên Bà-la-môn, đó là Thánh tuệ uẩn, Thế Tôn tán thán và Ngài đã khích lệ, khuyến đạo, y chỉ mọi người theo pháp ấy. Không còn pháp nào cao thượng hơn cần phải hành trì.

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda, thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda! Tôn giả Ananda, Thánh tuệ uẩn này thật viên mãn, không phải không viên mãn. Tôn giả Ananda, tôi không thấy Thánh tuệ uẩn viên mãn này ở những Sa-môn, Bà-la-môn nào ngoài giáo hội này. Không còn pháp nào cao thượng hơn cần phải hành trì. Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Tôn giả Ananda, con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp, và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Ananda nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Source link

II. Phần lược giảng

Từ bussas

  1. KINHSUBHA
  2. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO KINHSUBHAĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?

Vào một thời kia, sau khi đức Phật đã nhập Niết-bàn, Đại-đức A-nan (Ànanda) ngụ tại chùa Kỳ-viên (Jetavana), vườn ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), thuộc nước Xá-vệ (Sàvatthi). Bấy giờ có thanh-niên Bà-la-môn tên là Subha (Tu-bà) muốn đến thỉnh hỏi Ngài A-nan, vị thị-giả sống gần bên đức Phật, biết rõ các pháp nào được đức Phật tán-thán và khuyến-khích mọi người tuân theo. Nhơn đó, Ngài A-nan tới nhà Subha để giảng Kinh nầy, nhắc lại đầy-đủ các chi-tiết về các pháp Giới, Định, Huệ, đã được đức Phật giảng rõ trong Kinh Sa-Môn Quả.

  1. NỘI-DUNG KINHSUBHA.

Kinh Subha tương-đối ngắn hơn các Kinh khác thuộc Trường-Bộ Kinh. Nội-dung nhắc lại lời Phật giảng về Giới, Định, Huệ trong hai bản Kinh Phạm-Võng và Sa-Môn Quả.

A.- Ý chánh: Kinh Subha trình-bày về: thánh-giới-uẩn, thánh-định-uẩn, và thánh-huệ-uẩn, đã được đức Phật tán-thán và khuyến-khích nên tuân theo.

B.– Phân đoạn: Kinh Subha chia ra làm hai phần:

1.- Thanh-niên Bà-la-môn Subha thỉnh ngài A-nan đến nhà để cúng-dường và nghe giảng pháp.

2.- Ngài A-nan giảng về ba thánh-uẩn:

a.- Thánh-GIỚI-uẩn gồm có tiểu-giới, trung-giới, đại-giới, (được Phật nói rõ trong Kinh {Phạm-Võng), để được giới-hạnh đầy-đủ.

b.- Thánh-ĐỊNH-uẩn gồm có việc hộ-trì các căn, dẹp năm triền-cái và tu-tập các cấp Thiền-định (được Phật nói rõ trong Kinh Sa-Môn Quả) khiến cho nội-tâm định-tĩnh.

c.- Thánh-HUỆ-uẩn hướng tâm định-tĩnh đến lậu-tận-trí, tuệ-tri như thật thế nào là Khổ, nguyên-nhân của Khổ, sự diệt-tận Khổ và con đường đưa đến diệt-khổ, cùng các lậu-hoặc.

Đó là các pháp được Phật khích-lệ, khuyên mọi người tuân theo. Chẳng còn pháp nào cao-thượng hơn cần phải hành-trì.

  1. HỌC KINHSUBHALÀ DỊP ÔN LẠI BA MÔN-HỌC GIỚI, ĐỊNH, HUỆ.

Khi ôn lại ba môn vô-lậu-học Giới, Định, Huệ, cần phải nắm vững các điều sau đây:

1.- Về Giới: tiểu-giới có năm giới căn-bản và các giới bát-quan, thập-thiện; trung-giới có các tà-hạnh cần tránh (chẳng tích-trữ đồ-vật, chẳng du-hí, chẳng bàn chuyện phiếm…); đại-giới có các tà-mạng chẳng được dùng làm nghề sanh-sống (xem bói, xem tướng, làm môi-giới…)

2.- Về Định: phải hộ-trì các căn, dẹp bỏ năm triền-cái trước, rồi tập bốn cấp Thiền (từ Sơ-thiền đến Tứ-thiền), và năm cấp Định (từ Không vô-biên-xứ đến Diệt-tận-định) thì nội-tâm mới hoàn-toàn định-tĩnh.

3.- Về Huệ: khi tâm hoàn-toàn định-tĩnh, mới hướng tâm đến trí-huệ tối-thượng, để học-tập, hiểu rõ và noi theo Tứ-Diệu-Đế.

Nên ghi nhớ: Tinh-túy của Đạo Phật chính là ba môn học vô-lậu: Giới-ĐỊnh-Huệ.

(TN. MTL, 2006-02-23).

-ooOoo-

III. Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 88

Post Views: 699