TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 4
Sợ hãi và khiếp đảm
Bhayabherava Sutta – Fear and dread.
The Buddha describes to a bradhmin the qualities required of a monk who wishes to live alone in the forest. He then relates an account of his own attempts to conquer fear when striving for enlightenment.
Phật mô tả cho một bà la môn biết những đức tính cần thiết mà một tỳ kheo phải hội đủ nếu muốn sống độc cư ở rừng núi. Rồi Ngài kể lại cách Ngài chinh phục sự sợ hãi khi Ngài đang còn nỗ lực để đạt giác ngộ.
Bà la môn Janussoni đến thăm Phật trong rừng Kỳ đà và ca tụng Phật đã giúp ích nhiều cho các tỳ kheo, vì quả thực rất khó kham nhẫn đời sống ở rừng núi. Theo ông, rừng núi làm rối loạn tâm trí tỳ kheo nào chưa chứng các thiền. Phật xác nhận lời nói của bà la môn, và dạy sở dĩ tỳ kheo khó kham nhẫn đời sống viễn ly ở núi rừng, nổi lên sợ hãi, là vì còn có 16 ô nhiễm:
– không thanh tịnh thân, khẩu, ý, mạng;
– nhiều tham dục, sân hận ác ý, hôn trầm, trạo cử;
– hoài nghi, khen mình chê người, run rẩy sợ hãi, ham lợi;
– lười biếng, thất niệm, tán loạn, ngu đần.
Phật không có những lỗi như trên mà có những đức ngược lại, nên Ngài rất an ổn khi sống ở rừng núi. Phật cho biết lúc còn tu tập, vào những đêm không trăng, Ngài cố đến những nơi nổi tiếng nhiều ma để thử. Mỗi khi cơn sợ hãi nổi lên, Ngài vẫn giữ nguyên tư thế để diệt trừ nỗi sợ trong tâm. Ngài không làm như người ta thường làm mỗi khi bị khiếp đảm là đổi tư thế (như bỏ chạy), hoặc tưởng tượng đêm là ngày, vì Ngài cho đó là hành động si ám. Ngài là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng nhân loại và chư thiên.
Nhờ chân chính quán sát bản thân không lỗi, Ngài cảm thấy tự tin khi sống ở núi rừng, tinh tấn tu tập chứng bốn thiền và ba minh. Canh một, Ngài chứng Túc mạng trí, nhớ được tất cả đời trước của mình; canh hai chứng Thiên nhãn minh, thấy sự sống chết của tất cả chúng sinh tùy theo hành nghiệp, gọi là Sinh tử trí hay Tùy nghiệp thú trí. Và cuối cùng canh ba Ngài chứng Lậu tận minh, hoàn toàn giải thoát, thành Phật.
Sau khi đạt thành chính giác, Phật vẫn cư trú trong rừng núi vì hai lý do: tự thân Ngài cảm thấy thoải mái, và vì lòng thương tưởng hậu lai (nêu gương).
III. CHÚ GIẢI
Ba nghiệp: [hành động cố ý về] thân, lời, ý.
Ba minh [trí]: túc mạng, sinh tử [còn gọi thiên nhãn minh, hay tùy nghiệp thú trí], lậu tận.
Ba độc: tham, sân, si.
Bốn thiền
Bốn chân lý
Năm triền cái: tham dục, sân, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi.
-ooOoo-
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 30