Toát yếu trung Bộ 012 : Đại kinh Sư tử hống

Toát yếu trung Bộ 012 : Đại kinh Sư tử hống

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 12

Đại kinh Sư tử hống

  1. TOÁT YẾU

Mahàsìhanàda Sutta – The greater discourse on the lion’s roar.

The Buddha expounds the ten powers of a Tathàgata, his four kinds of intrepidity, and other superior qualities which entitle Him to “roar his lion’s roar in the assemblies”.

Bài kinh dài nói về tiếng rống sư tử.

Phật giảng về Mười lực của một đức Như lai, Bốn vô úy và những đức thù thắng khác; nhờ đó Ngài đủ tư cách “rống tiếng rống sư tử” trong các hội chúng.

  1. TÓM TẮT

Tôn giả Xá lợi phất đi khất thực, về bạch lại với Phật lời rêu rao của Sunakkhatta vừa mới bỏ tu: “Sa môn Gotama không có tri kiến thù thắng, thuyết pháp do mình tạo ra sau khi suy luận, trắc nghiệm. Pháp ấy nhắm đến một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành đến chỗ đoạn tận khổ đau.” Phật mỉm cười dạy: “Kẻ ngu ấy vì phẫn nộ muốn chỉ trích mà lại hóa ra ca tụng Như lai.” Phần còn lại của Kinh này cho thấy sự chỉ trích của Sunakkhatta là sai lạc. Những ai có lòng tin tuyệt đối sẽ thấy ngược lại, Phật là đấng có mười lực, bốn vô úy và nhiều năng lực khác. 

  1. Tùy pháp về Như lai
  2. Phật đủ mười hiệu là Như lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vân vân. 
  3. Ngài đã chứng các thần thông như biến hóa, thiên nhĩ thông, tha tâm thông…
  4. Nhờ đã thành tựu mười lực và bốn vô úy, mà Như lai tự nhận địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống sư tử giữa các hội chúng và chuyển bánh xe Pháp.
  5. Những pháp Ngài đã tuệ tri: như bốn sinh, năm thú và con đường đưa đến đấy; niết bàn và đường đưa đến niết bàn.
  6. Phật kể lại những khổ hạnh Ngài đã tu tập: như hành hạ thân xác, hạnh bần uế, hạnh yểm ly, hạnh độc cư; trong cả 4 hạnh ấy không ai sánh được với Ngài, nhưng cuối cùng Ngài từ bỏ vì chúng không đưa đến chứng đắc trí tuệ.
  7. Cuối cùng, Ngài bác bỏ những chủ trương sai lầm của ngoại đạo: như chủ trương chúng sinh đạt thanh tịnh nhờ luân hồi, nhờ tái sinh, nhờ an trú (trong một loại tái sinh nàođó), nhờ tế tự, nhờ thờ lửa. Phật cho biết không có cõi luân hồi nào ở đấy Ngài đã không trải qua một thời gian khá dài, không có cõi nào Ngài chưa từng tái sinh, an trú, chỉ trừ cõi trời Tịnh cư. Nếu Ngài tái sinh vào cõi Tịnh cư thì Ngài đã không trở lại thế gian này. Ngài cũng đã làm tất cả những việc tế tự, thờ lửa trong một thời gian dài lúc còn làm vua dòng Sát đế lợi, hay làm Bà la môn giàu có [nhưng không ích lợi gì].

Ngoại đạo cho rằng khi còn trẻ tuổi, người ta có trí tuệ, biện tài, nhưng về già thì lú lẫn. Ở trong giáo pháp của Phật thì không thế, Ngài có bốn đệ tử đã trên trăm tuổi mà vẫn đầy đủ trí tuệ biện tài. Và bản thân Ngài cũng thế, dù tuổi đã tám mươi, Ngài vẫn thừa sức giảng dạy cho những vị trí tuệ biện tài bậc nhất, và trí tuệ Ngài không sút giảm dù có phải bị gánh trên giường đi chỗ này chỗ kia (khi đã quá già yếu). Ai nói về đức Như lai một cách chân chính sẽ nói rằng: “Ngài là vị hữu tình không còn si ám, sinh ra đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chư thiên và loài người.” Một điểm lý thú là kết luận kinh này. Tôn giả Nagasamala lúc ấy đang đứng sau lưng Phật mà quạt cho Ngài. Sau khi nghe Phật kể về thời gian tu khổ hạnh, về những gì Phật đã thành tựu, tôn giả cả cảm khái đến rởn ốc, và bạch Phật: “Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn. Sau khi nghe kinh này, lông tóc con dựng ngược. Bạch Thế tôn, kinh này tên gì?” Phật dạy, “Thế thì hãy gọi là kinh Lông tóc dựng ngược.”

III. CHÚ GIẢI

Sunakkhata, Phật giảng dạy vị này trong Kinh Sunakkhata, Trung bộ kinh 105, có lẽ trước khi ông gia nhập tăng đoàn. Việc thối thất của ông được nói trong Kinh Pàtika thuộc trường bộ 24. Ông bất mãn bỏ về vì Phật không biểu diễn thần thông cho ông xem, cũng không giải đáp cho ông về khởi nguyên các pháp. Cốt lõi lời chỉ trích của Sunakkhata là Phật đắc đạo nhờ tư duy chứ không phải nhờ trí tuệ siêu việt; và theo ông ta, mục đích diệt tận đau khổ không bằng có được các loại thần thông.

Tạp nhiễm, sankilesa – là dự phần vào thối giảm, “thanh tịnh” vodàna, là dự phần vào tăng tiến; “xuất khởi” – vutthàna – vừa có nghĩa tịnh hóa vừa có nghĩa ra khỏi một thiền chứng.

Mười danh hiệu Phật: Như lai, A la hán, Chính đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn.

Mười lực là:

  1. Trí biết thị xứ phi xứ [do thấy rõ tương quan nhân quả, nên biết được cái gì có thể xảy đến, không thể xảy đến.]
  2. Trí biết nghiệp báo trong cả ba thời quá, hiện, vị lai.
  3. Biết con đường đưa đến các cảnh giới.
  4. Biết tất cả yếu tố tạo thành thế gian [nói rõ trong kinh Trung bộ 115.]
  5. Biết chí hướng sai biệt của các loại hữu tình; biết các hạng chúng sinh thượng, trung, hạ, chúng thu hút lẫn nhau do luật đồng thanh đồng khí.
  6. Biết căn mạnh hay yếu nơi chúng sinh – tức 5 căn tín tấn niệm định tuệ.
  7. Tuệ tri sự tạp nhiễm, thanh tịnh, sự xuất khởi các thiền chứng về thiền, giải thoát, định.
  8. Trí biết tất cả kiếp trước của bản thân gọi là túc mạng trí.
  9. Trí biết sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp hay sinh tử trí.
  10. Lậu tận trí, sạch hết tất cả nhiễm ô.

[Hán văn: 1. Tri thị xứ phi xứ lực; 2. Tri tam thế nghiệp báo lực; 3. Tri nhất thiến đạo trí lực; 4. Tri thế gian chủng chủng tính lực; 5. Tri tha chúng sinh chủng chủng dục lực; 6. Tri tha chúng sinh chư căn thượng hạ lực; 7. Tri chư thiền tam muội lực; 8. Túc mạng trí; 9. Sinh tử trí; 10. Lậu tận trí.]

Bốn vô úy:

  1. Phật không lo sợ bất cứ ai trên đời chỉ trích Ngài chưa chứng mà mạo nhận.
  2. Không sợ ai chỉ trích Ngài chưa đoạn trừ lậu hoặc mà tự cho đã đoạn trừ.
  3. Những gì Ngài dạy chướng ngại đạo chắc chắn là chướng ngại, không sợ ai nói ngược lại.
  4. Pháp Ngài dạy chắc chắn dẫn đến đoạn tận đau khổ, không ai có thể bảo là không.

Nagasamala là thị giả Phật trong 20 năm đầu sau khi Ngài ra giáo hoá.

  1. PHÁP SỐ

Bốn khổ hạnh: khổ hạnh, bần uế, viễn ly, độc cư.

Bốn vô úy

Bốn sinh: noãn, thai, thấp, hóa.

Năm thú: năm chỗ mà sự tái sinh hướng đến, là trời (gồm a tu la), người, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh.

Sáu thông

Tám giải thoát được kể trong các kinh Trung bộ 77 và 137.

Tám hội chúng: Sát lợi, bà la môn, gia chủ, sa môn, tứ thiên vương, ma vương và phạm thiên, tam thập tam thiên.

Chín định là 4 thiền, 4 không và diệt thọ tưởng.

Mười danh hiệu Phật

Mười lực

Mười hai nhân duyên

  1. KỆ TỤNG
  2. Nguyên nhân thuyết kinh này
    Một người từ bỏ Pháp
    Tên Su-na-khat-ta
    Rêu rao: “Go-ta-ma
    Không có thượng nhân pháp
    Ngài chỉ có giảng dạy
    Một con đường diệt khổ
    Chính Ngài đã tỏ ngộ
    Khiến tận diệt khổ đau.”
    Xá lợi phất thuật lại
    Phật nghe, chỉ mỉm cười:
    “Kẻ ngu muốn chê bai
    Trở thành khen Như lai.”B. Mười lực Phật
    Đối với kẻ ngu si
    Sẽ không có tùy pháp:
    “Ngài là đức Như lai
    Đầy đủ mười tôn hiệu:
    Là bậc A la hán
    Là đấng Chính đẳng giác
    Là đấng Minh hạnh túc
    Thiện thệ, Thế gian giải
    Là đấng Vô thượng sĩ
    Đấng Điều ngự trượng phu
    Đấng Thiên nhân sư, Phật
    Thế tôn, quý nhất đời.
    Đối với kẻ ngu si
    Sẽ không có tùy pháp
    Về mười Như lai lực
    Phật như thật chứng tri:
    Ngài có thần túc thông
    Biến hình nhiều thể loại
    Ngài đắc thiên nhĩ thông
    Nghe đủ tiếng các loài.
    Ngài có tha tâm thông
    Tự tâm biết tâm khác
    Đi sâu vào tâm niệm
    Của vô số sinh loài
    Với mười Như lai lực
    Phật rống tiếng Sư tử
    Chuyển xe Pháp thanh tịnh
    Thành địa vị Ngưu vương.
    “Thị xứ phi xứ lực”
    Việc có, không xảy ra
    Phật đều biết tỏ tường
    Nhờ liễu tri nhân quả.
    “Biết nghiệp báo ba đời”
    “đường đến các cảnh giới”
    “Các căn tính chúng sinh”
    Cùng “khuynh hướng mọi loài.”
    “Biết căn tu mạnh, yếu”
    – tinh tấn niệm định tuệ –
    “Biết các thiền, giải thoát”
    – chư thiền tam muội lực.
    Ngài đắc “túc mệnh trí”
    biết các đời trước mình
    Và đắc “sinh tử trí”
    Biết sống chết chúng sinh
    Cuối cùng “lậu tận trí”
    Là trí sạch ô nhiễm
    Như lai đã thân chứng
    Thành Vô thượng bồ đề.
    Ngài rống tiếng sư tử
    Chuyển xe Pháp thanh tịnh
    Ở giữa tám hội chúng:
    Sát lợi, Bà la môn
    Gia chủ và sa môn
    Hội chúng Tứ thiên vương
    Ma vương và Phạm thiên
    Cùng Tam thập tam thiên.
    Giữa tám hội chúng ấy
    Ngài thuyết pháp vô ngại
    Nhờ đắc mười tự tại
    Và bốn Không sợ hãi:C. Bốn vô úy
    Không sợ ai chỉ trích
    “Chưa chứng nói đã chứng”
    Vì Như lai hoàn toàn
    Thâm nhập pháp sở chứng.
    Không sợ ai chỉ trích
    “Chưa đoạn nói đã đoạn”
    Vì Như lai thực sự
    Đã trừ sạch nhiễm ô.
    Không sợ ai bác bỏ
    “Chướng đạo, chướng gì đâu?”
    Vì Như lai biết rõ
    Có dục, không giải thoát.
    Không sợ ai phản bác
    “Pháp Ngài không giải thoát”
    Vì Pháp Như lai dạy
    Thực tận diệt khổ đau.D. Bốn sinh, Năm thú
    “Trứng sinh” và “thai sinh”,
    “Thấp sinh” và “hóa sinh”
    – Hóa sinh ở nhiều cõi –
    Ấy là bốn sinh loài.
    Năm cõi là địa ngục,
    Bàng sinh và ngạ quỷ
    Loài người và chư thiên,
    Đây năm cõi tái sinh.
    Như lai biết thấy rõ
    Cõi nào đợi nghiệp nào
    Ngài cũng tuệ tri được
    Niết bàn và hành lộ.E. Bốn khổ hạnh: khổ, bần uế, độc cư, yểm ly
    Không một khổ hạnh nào
    Phật không từng tu tập
    Như ngoại đạo đang hành
    Và vượt xa hơn chúng.
    Không hạnh ở dơ nào
    Phật chưa từng sống qua
    Như ngoại đạo đang sống
    Ngài vượt họ rất xa.
    Ngài đã từng độc cư
    Nơi tuyệt dấu người ta
    Sống yểm ly, tỉnh giác
    Trải tâm từ lan xa.
    Ở trong bãi tha ma
    Đêm nằm gối xương ngủ
    Mục đồng đến khạc nhổ
    Trú xả, không kêu ca.
    Vì Ngài ăn quá ít
    Thân chỉ còn xương, da
    Dù khổ hạnh tối đa
    Không chứng thượng nhân pháp.
    Bởi thế, đây toàn là
    Sai lầm của ngoại đạo
    Mà Phật đã trải qua
    Các đời kiếp lâu xa:
    Tái sinh vô số lần,
    Tế tự và thờ lửa
    Tái sinh cõi này kia
    Với hy vọng giải thoát.
    Phật chứng lý Trung đạo
    Từ bỏ các cực đoan
    Hưởng lạc và ép xác
    Trường tồn và đoạn diệt
    Đạt hoàn toàn giải thoát
    Và trí tuệ biện tài
    Không tranh chấp cùng ai
    Vì không còn thủ trước.
    “Không bị si chi phối
    Ngài đã sinh ra đời
    Vì hạnh phúc an lạc
    Cho tất cả muôn loài
    Vì lòng thương tưởng đời
    Cả chư thiên, loài người.”
    Một hữu tình như vậy
    Chính là đức Như lai.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 18

Post Views: 202