Toát Yếu Trung Bộ 026 : Thánh cầu

Toát Yếu Trung Bộ 026 : Thánh cầu

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 26

Thánh cầu

  1. TOÁT YẾU

Ariyapariyesana Sutta – the noble search.

The Buddha gives the Bhikkhus a long account of his own quest for enlightenment from the time of his life in the palace up to his transmission of the Dhamma to his first five disciples.

Sự tầm cầu cao thượng.

Phật kể cho chúng tỳ kheo về sự tầm cầu giác ngộ trong đời Ngài, từ khi còn ở trong cungđiện cho đến khi truyền Pháp cho năm đệ tử đầu tiên.

  1. TÓM TẮT

Một số đông tỳ kheo đang hội họp ở tịnh thất của bà la môn Rammaka khi Phật đến. Ngài hỏi họ đang bàn chuyện gì, họ trả lời đang luận bàn về đức Thế tôn. Phật khen và dạy, khi tỳ kheo tụ hội chỉ có hai việc nên làm: hoặc bàn luận về Pháp, hoặc giữ sự im lặng của bậc thánh. Và Ngài giảng giải về hai sự tầm cầu. Một là trong khi mình đang bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm, lại đi tìm cầu những thứ cũng bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm; đó là vợ con, tôi tớ, vàng bạc, của cải…. Hai là khi thấy mình bị già chết, khổ sầu, ô nhiễm, bèn đi tìm những thứ vượt ngoài già chết, khổ sầu, ô nhiễm…. đạt đến niết bàn, thoát khỏi mọi khổ ách.

Phật kể lại, trong lúc tuổi trẻ, tóc còn đen nhánh, do thấy mình bị sinh, già chết, khổ sầu, ô nhiễm, nên Ngài đã ra đi tìm cái không già chết, khổ sầu, ô nhiễm. Lúc đầu, Ngài theo họcđạo sĩ Alara Kalama. Chỗ chứng đắc cao nhất của vị này là Vô sở hữu xứ. Sau một thời gian, Ngài cũng chứng được Vô sở hữu xứ, được thầy xem ngang hàng, mời ở lại cùng lãnh đạo đồ chúng, nhưng Ngài đã bỏ đi vì thấy Vô sở hữu xứ chưa phải Niết bàn. Vị thầy thứ hai là Uddaka Ramaputta, cho rằng chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ là tối cao. Ngài cũng nhanh chóng đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, được Uddaka khen ngợi, mời ở lại cùng lãnh đạo, nhưng Ngài đã từ chối vì biết Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chưa phải là Niết bàn. Ngài rađi đến tụ lạc Uruvela xứ Ma kiệt đà, vào khu rừng khả ái ở bên sông để tinh tấn thiền định. Ngài đã chứng được cái không sinh, già, bệnh, chết, khổ sầu, cái không ô nhiễm; đạt đến Niết bàn, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

Ngài suy nghĩ, Pháp Ngài chứng được thật sâu kín, siêu lý luận, chỉ bậc trí thấu hiểu; đối với quần chúng đam mê khoái lạc, rất khó thấy pháp Duyên khởi này, rất khó hiểu thấu sự tịnh chỉ tất cả hành, từ bỏ sinh y, đạt đến ái diệt, ly tham, Niết bàn. Nếu thuyết pháp mà quần chúng không hiểu thì chỉ thêm phiền não. Do vậy tâm Ngài do dự không muốn thuyết pháp. Khi ấy Phạm thiên xuất hiện, cầu thỉnh Ngài vì chúng sinh mà mở cửa Pháp cam lồ vi diệu. Phật lại quán thấy có ba hạng chúng sinh, như ba hạng hoa sen: Có hạng còn chìm nghỉm; có hạng vươn lên ngang mặt nước; nhưng cũng có hạng đã vượt khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Chúng sinh cũng vậy, có hạng nhiều nhiễm bụi đời, có hạng ít nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, có hạng độn căn. Khi ấy Ngài quyết định ra thuyết pháp. Và hai người đầu tiên Ngài nghĩ đến là hai vị thầy của Ngài trước kia; nhưng chư thiên cho Ngài biết Alara Kalamađã từ trần cách đó bảy ngày, còn Uddaka Ramaputta vừa mới tạ thế. Khi ấy Ngài đi đến vườn Lộc uyển ở Ba la nại tìm năm anh em Kiều Trần Như để hóa độ. Trên đường đi, Ngài gặp ngoại đạo Upaka. Vị này trông thấy sắc diện thanh khiết của Phật, khen ngợi và hỏi Ngài thờ ai làm thầy. Khi nghe Phật trả lời Ngài không có thầy, Ngài đã tự chứng thành bậc Chínhđẳng giác trên đời không ai bằng, ngoại đạo Upaka lắc đầu bỏ đi. Khi đến vườn Lộc uyển, Ngài tìm gặp năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp cho họ.

Ngài giảng về năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc. Những sa môn bà la mônnào bị chúng trói buộc thì phải rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai bị sập bẫy thợ săn vì tham ăn. Những sa môn bà la môn nào biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm dục thì không bị chúng trói buộc, không rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai không sập bẫy. Vị ấy có thể tu chứng bốn thiền, bốn không và Diệt thọ tưởng định, vượt khỏi tầm mắt của Ác ma, như nai không bị sập bẫy, vượt khỏi tầm tay thợ săn, có thể tung tăng trong rừng.

III. CHÚ GIẢI

Sự im lặng của bậc Thánh: Theo Luận giải kinh Trung bộ, “im lặng như thánh” là nhị thiền (không còn tầm tứ) và đề mục thiền căn bản của hành giả – ví dụ quán tứ niệm xứ. Người nào chưa đắc nhị thiền thì nên giữ sự “im lặng của bậc thánh” bằng cách bám sát đề mục thiền căn bản của mình.

Sinh y – upadhi: Nghĩa gốc là nền tảng, cơ sở. Luận kể ra nhiều loại sinh y là năm uẩn, các đối tượng của dục lạc, các ô nhiễm, và nghiệp. Đại đức Bodhi diễn dịch sinh y là “đối tượng chấp thủ” hoặc chính sự chấp thủ. Niết bàn là sự từ mọi sinh y với cả hai nghĩa ấy.

Vàng bạc là thứ không bị sinh già bệnh chết sầu bi khổ… nhưng theo Luận, nó vẫn bị ô nhiễm vì có thể pha lẫn với kim loại kém giá trị hơn nó.

Vô sở hữu xứ – base of nothingness: Định thứ ba trong bốn định vô sắc – immaterial attainments, thuộc thiền chỉ – serenity meditation. Mặc dù là những chứng đắc cao siêu, bốn thiền bốn định vẫn còn thuộc thế gian, không đưa đến Niết bàn. Tuổi thọ ở Vô sở hữu xứ – chỗ tái sinh của thiền giả chứng Vô sở hữu – là sáu mươi ngàn kiếp, sau đó vẫn phải rơi xuống các cõi thấp và chịu luân hồi sinh tử, chưa thoát khỏi lưới bẫy của Ác ma.

Pháp, theo Luận giải, chính là Bốn chân lý cao cả. Pháp này gồm hai điểm cốt yếu là Duyên khởi và Niết bàn. Duyên khởi bao gồm Khổ và Tập trong bốn chân lý, Niết bàn là Diệt và Đạo.

Không muốn thuyết pháp: Luận nêu lên câu hỏi ở đây là, tại sao Bồ tát đã từ lâu phát nguyện tìm đạo để cứu chúng sinh, mà bây giờ tâm Ngài lại do dự. Lý do là, chỉ sau khi đắc đạo, Ngài mới thấy rõ sức mạnh của vô minh phiền não trong tâm chúng sinh, và sự sâu xa vi diệu của Pháp. Hơn nữa, Ngài chờ Phạm thiên cầu thỉnh mới ra nói Pháp, là cốt cho những người thờ Phạm thiên thấy được giá trị của Pháp và mong mỏi lắng nghe.

Ngoại đạo Upaka: Luận nói ông này sau khi gặp Phật rồi bỏ đi, đã yêu một cô gái con thợ săn và cưới nàng. Chỉ sau khi bị đau khổ vì tình, Upaka mới trở lại tìm Phật. Ông đã gia nhập tăng đoàn, chứng quả thứ ba – Bất hoàn – và sinh vào cõi trời Avìha, nơi ông đắc quả A la hán.

Sa môn bà la môn…. Đoạn này đề cập trở lại sự tầm cầu bất đáng nói ở đầu Kinh là tầm cầu năm dục, cốt để hiển là “tầm cầu cao thượng” hay thánh cầu, mà trong đời sống xuất gia vẫn có thể có những tầm cầu bất đáng, những tầm cầu đưa đến sinh già bệnh chết sầu khổ ô nhiễm.

  1. PHÁP SỐ

Bốn thiền, Bốn không, Năm dục trưởng dưỡng, Chín định thứ đệ.

  1. KỆ TỤNG

Tịnh thất Ra-ma-ka
Chúng tỳ kheo tụ tập
Đang bàn luận về Phật
Thì Thế tôn đến liền.
Khi biết chuyện, Phật khen:
Tỳ kheo lúc nhóm họp
Chỉ nên bàn luận Pháp
Hoặc như thánh mặc nhiên.
Có hai sự tầm cầu:
Thánh cầu và phi thánh.
Sinh, già, bệnh, chết, sầu,
Ô nhiễm là phi thánh.
Tìm năm dục trưởng dưỡng
Gọi là phi thánh cầu
Trong khi mình đã khổ
Lại rước thêm khổ đau.
Thế nào là thánh cầu?
Xưa kia khi hành đạo
Xét nguy hiểm của “sinh”
Ta đi tìm vô sinh.
Xét nguy hiểm của già
Ta tìm cái không già
Xét nguy hiểm của bệnh
Ta tìm cái không bệnh
Xét nguy hiểm của chết
Ta tìm cái bất tử
Tự mình bị khổ sầu
Ta tìm cái không sầu
Tự mình bị ô nhiễm
Ta tìm cái không nhiễm
Đạt niết bàn vô thượng
An ổn thoát khổ ách.
Ta cạo bỏ râu tóc
Trong độ tuổi thanh xuân
Và từ bỏ gia đình
Đi tìm cái chí thiện.
Thầy đầu tiên ta gặp
Chứng Vô sở hữu xứ
Cho thế là tối cao.
Tín tấn niệm định tuệ
Trong ta lại thiếu sao?
Ta nỗ lực tinh cần
Chứng Vô sở hữu xứ.
Thầy vô cùng khen ngợi
Xem ta người ngang hàng
Mời trông coi đệ tử
Nhưng ta lại ra đi
Vì thấy rõ pháp ấy
Không hướng đến yểm ly
Không đưa đến niết bàn
Chỉ đến Vô sở hữu.
Kế tiếp ta đã gặp
Út đa Ra-ma tử
Vị này chỉ tuyên bố
Phi tưởng phi phi tưởng.
Ta cũng đắc pháp ấy
Biết chưa phải tối thượng
Nên ta lại ra đi
Tìm vô thượng niết bàn.
Tại xứ Ma kiệt đà
Trong khu rừng ven sông
Ta tinh cần tinh tấn
Đạt giải thoát bất động
Đây đời sống cuối cùng.
Ta chứng cái không sinh
Không già, bệnh, chết, sầu
Chứng cái không ô nhiễm:
Niết bàn khỏi khổ ách.
Rồi ta lại suy nghĩ
“Sao ta nói chính pháp
Được chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân
Khó chứng ngộ pháp này
Đi ngược dòng, thâm diệu
Kẻ ái nhiễm vô minh
Không thấy được pháp này.”
Bấy giờ vị Phạm thiên
Hiện xuống trước mặt ta
Chắp tay mà cầu thỉnh:
“Tại xứ Ma kiệt đà
Hiện ra pháp bất tịnh
Do suy tư tác thành.
Hãy mở cửa bất tử
Cho chúng được nghe pháp
Mà bậc thánh vô uế
Đã chân chính giác ngộ.
Như đứng trên tảng đá
Tại chót đỉnh núi cao
Đưa mắt nhìn chúng sinh
Quần chúng dưới chân mình.
Cũng vậy đấng Thiện thệ
Biến nhãn không sầu muộn
Lên lầu cao Chính pháp
Nhìn xuống đám quần sinh
Bị sinh già áp bức
Bị ưu tư sầu khổ
Anh hùng, hãy đứng lên
Bậc Chiến thắng chiến trường
Vị trưởng đoàn lữ khách
Đấng thoát ly nợ nần
Hãy thuyết vi diệu pháp
Sẽ có người nhờ nghe
Mà thâm hiểu diệu nghĩa.”
Tại khu vườn Lộc uyển
Gặp nhóm năm tỳ kheo
Ta giảng về năm dục
Vị ngọt cùng nguy hiểm
Và xuất ly khỏi chúng
Ai bị dục trói buộc
Không thoát khỏi ác ma.
Tỳ kheo lìa ác dục
Chứng trú tám giải thoát
Cho đến diệt tận định
Ác ma không thấy được.
Như nai được tự do
Thoát tầm thợ săn bẫy.

(Lời thỉnh của Phạm thiên viết theo một bài giảng của HT Thiện Siêu)

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 26

Post Views: 269