Toát Yếu trung Bộ 027 : Tiểu kinh dụ dấu chân voi

Toát Yếu trung Bộ 027 : Tiểu kinh dụ dấu chân voi

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 27

Tiểu kinh dụ dấu chân voi

  1. TOÁT YẾU

Cùlahatthipadopama Sutta – The shorter discourse on the simile of the elephant’s footprint.

Using the analogy of a woodsman tracking down a big bull elephant, the Buddha explains how a disciple arrives at complete certainty of the truth of his teaching. The sutta presents a full account of the step by step training of the Buddhist monk.

Bản kinh ngắn về ví dụ dấu chân voi.

Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn để giải thích làm cách nào đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy.

  1. TÓM TẮT

Bà la môn Janussoni hỏi du sĩ Pilotika lý do vị này tôn sùng Phật. Pilotika đưa ra bốn dấu hiệu về sự tối thượng của Phật, giống như bốn dấu chân của một con voi chúa, đó là Ngài đã hàng phục được những người uyên bác nhất trong bốn chúng: sát đế lợi (giới quân sự), bà la môn (giới học giả), gia chủ (giới tại gia), và sa môn (giới xuất gia). Tất cả đều xác nhận “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, tăng chúng khéo hành trì”, và họ trở thành đệ tử Phật. Sau khi nghe vậy, bà la môn Janussoni đi đến yết kiến Phật và kể lại ví dụ trên. Phật dạy ví dụ ấy chưa được đầy đủ, và Ngài giảng đến mức nào mới có thể kết luận “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác… ” Như một thợ rừng thiện xảo, thấy dấu chân voi, thấy những vật cao bị cọ xát, bị ngà voi cắt chém, nhưng chưa vội đi đến kết luận “đây là một con voi đực to lớn” cho đến khi lần theo dấu chân, thực sự trông thấy voi đực. Người theo Phật cũng thế, sau khi nghe Pháp, thấy tại gia là ràng buộc, phát tâm xuất gia từ bỏ gia đình, viên mãn giới, thành tựu chính niệm, gột rửa năm triền cái, chứng và trú thiền thứ nhất cho đến thứ tư. Đó là những vết cắt chém thứ nhất của Như lai, nhưng chưa đủ để kết luận. Vị ấy hướng tâm đến Túc mạng trí, nhớ hết các đời trước, là vết cắt chém thứ hai. Vị ấy hướng tâm đến Sinh tử trí, với thiên nhãn thuần tịnh thấy được sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp, là vết cắt chém thứ ba, nhưng vị thánh đệ tử cũng không đi đến kết luận “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác… ” Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí, tuệ tri Khổ, Tập, Diệt, Đạo; thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tự biết “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời sống này nữa.” Đến đây, vị thánh đệ tử mới đi đến kết luận: “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chúng tăng khéo hành trì.” Như vậy, ví dụ Dấu chân voi mới thực được nói một cách rộng rãi đầy đủ.

III. CHÚ GIẢI

Theo sử liệu xứ Tích lan, kinh này là bản kinh đầu tiên mà thượng tọa Mahinda đã giảng khi Ngài mới đến nước này.

Không đi đến kết luận về Ba ngôi báu, bởi vì bốn thiền và tuệ thuộc thế gian (túc mạng trí, biết các đời trước của mình, và sinh tử trí, biết việc sống chết của kẻ khác) thì ngoại đạo cũng có như Phật giáo. Kinh này hiển thị rằng, chỉ khi vị đệ tử đắc quả A la hán, việc làm đã xong, mới có thể đi đến kết luận thực chính xác về Tam bảo.

  1. PHÁP SỐ

Ba ngôi báu, ba quy y, ba minh, ba lậu. Bốn sự thật, bốn thiền. Năm triền cái, năm thiền chi. Sáu căn.

  1. KỆ TỤNG

Như người tìm tượng vương
Thấy dấu chân voi lớn
Chưa kết luận vội vàng
Vì thợ săn thiện xảo
Biết có loại voi cái
Thấp lùn, mà lớn chân.
Đi lần theo dấu chân
Thấy cành cao xơ xác
Bị ngà voi chém cắt
Người kia vẫn nghĩ rằng
“Có thể là voi cái
Với ngà lớn, chân to.”
Thợ săn chưa dừng lại
Cứ rừng sâu lần dò.
Thấy cành cao gãy đổ
Voi chúa đang đi lại
Dáng dấp thật ung dung
“Tượng vương đang ở đó.”
Người đệ tử xuất gia
Thành tựu thánh Giới uẩn
Từ bỏ năm triền cái
Chứng và trú bốn thiền
Dấu chân, vết cắt này
Của một con voi lớn
Nhưng chưa đủ kết luận
Tam bảo chính là đây.
Dù chứng túc mạng minh
Hoặc đắc sinh tử trí
Vẫn chưa đủ kết luận
Vì ngoại đạo thua gì.
Chỉ đến khi lậu tận
Sinh tận, phạm hạnh thành
Việc cần làm đã xong
Thành bậc A la hán
Kết luận này chính xác:
Thế tôn Chính đẳng giác
Pháp được Ngài khéo giảng
Chúng tăng khéo hành trì.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 60

Post Views: 303