Toát yếu Trung bộ 035 : Tiểu kinh Saccaka

Toát yếu Trung bộ 035 : Tiểu kinh Saccaka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 35

Tiểu kinh Saccaka

  1. TOÁT YẾU

Cùlasaccaka Sutta – The shorter course to Saccaka.

The debater Saccaka boast that on debate he can shake the Buddha up and down and thump him about, but when he finally meets the Buddha their discussion takes some unexpected turns.

Bản kinh ngắn giảng cho Saccaka.

Saccaka, người giỏi biện luận thuộc phái khổ hạnh Ni kiền tử khoe khoang rằng ông ta có thể tranh biện với Phật làm Ngài phải run lên, vần quanh Ngài. Nhưng cuối cùng khi ông gặp Phật, cuộc đàm luận đã có những chuyển biến bất ngờ.

  1. TÓM TẮT

Ni kiền tử Saccaka, tính ưa tranh luận, thường khoe mình có thể đánh bại tất cả giáo chủ. Ông cùng một số đông dân chúng Licchavis đến nơi Phật, cốt cho những người này chứng kiến tài biện bác của ông.

Mở đầu, ông hỏi Phật dạy đệ tử những gì. Phật trả lời, Ngài dạy các tỳ kheo rằng 5 uẩn là vô thường, vô ngã. Tất cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã, đó là giáo huấn của Ngài.

Saccaka phản bác lời ấy bằng một ví dụ: như đất là chỗ nương của tất cả cây cỏ, cũng vậy tự ngã con người nương tựa vào năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức, mà làm các việc thiện hay ác.

Phật gạn hỏi: Có phải ông chủ trương sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã của ta? Saccaka xác nhận như vậy, và còn thêm rằng tất cả đại chúng đây ai cũng xác nhận điều ấy [nghĩ rằng cái gì đa số chấp nhận thì không thể sai lầm].

Phật hỏi Saccaka, có phải vua có quyền đối với thần dân của ông ta không? Saccaka đáp phải.

Phật: Ông nói sắc, thọ… là tự ngã của ông, vậy ông có quyền hành gì đối với sắc, thọ… hay không? Saccaka làm thinh.

Phật hỏi đến lần thứ hai, thứ ba, ông buộc lòng phải trả lời không.

Phật dạy ông đã nói trái với lời trước.

Khi ấy Phật hiển thị cho Sacca thấy:

  1. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, cái gì vô thường là khổ, cái gì đã vô thường, khổ, thì thực không hợp lý để xem là tôi và của tôi. Do vậy, 5 uẩn là vô thường, khổ, vô ngã.
  2. Ai ái luyến khổ, chấp trước khổ, xem nó là tôi và của tôi, thì không thể liễu tri khổ, không trừ diệt được khổ.
  3. Như người tìm cầu lõi cây mà chặt về một cây chuối hoàn toàn không lõi, Sacca cũng vậy, đã tự tỏ ra trống rỗng.

Saccaka chấp nhận mình bị luận bại, và hỏi Phật đệ tử Ngài chấp hành giáo lý ấy như thế nào để đạt giải thoát.

Phật trả lời có hai hạng: Có đệ tử tuệ tri tất cả sắc, tho, tưởng, hành, thức, quá khứ vị lai hiện tại, thô hay tế, trong hay ngoài, đều không phải là tôi, của tôi, hay tự ngã của tôi; hạng ấy thành tựu vô úy. Có đệ tử sau khi thấy chân chính với trí tuệ, giải thoát tất cả chấp thủ, thành tựu ba vô thượng là vô thượng kiến, vô thượng đạo và vô thượng giải thoát. Vị ấy chỉ kính lễ Như lai, bậc đã giác ngộ, đã điều phục, đã tịch tĩnh, đã vượt qua, đã chứng niết bàn.

III. CHÚ GIẢI

Thành tựu vô úy, đoạn tận nghi hoặc, là bậc hữu học.

Giải thoát tất cả chấp thủ chỉ bậc A la hán.

Ba vô thượng: Kiến vô thượng chỉ tuệ thế gian và siêu thế; vô thượng đạo là sự thực hành tuệ ấy; và vô thượng giải thoát là kết quả của thực hành.

Hoặc có thể giải thích cả ba hoàn toàn siêu thế:

Vô thượng kiến là cái thấy chân chính thuộc A la hán đạo;
Vô thượng đạo là bảy địa vị còn lại;
Vô thượng giải thoát là quả vị A la hán.

Hoặc 1 là tri kiến Niết bàn; 2 là các yếu tố thuộc đạo; 3 là quả tối cao.

  1. PHÁP SỐ

Ba pháp ấn, Năm uẩn.

  1. KỆ TỤNG

Ni kiền tử Sacca
Đến hỏi Gotama
Dạy gì cho đệ tử
Xin Ngài hãy nói ra?
Phật ôn tồn đáp lại:
Tỳ kheo được giảng dạy
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Là vô thường, vô ngã.
Tôn giả Go-ta-ma
Như các giống cây cỏ
Đều nương tựa vào đất
Mà hưng thịnh, tăng trưởng,
Tự ngã của con người
Cũng nương tựa năm uẩn
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Làm các nghiệp dữ lành.
Phải chăng ông muốn bảo
Sắc thọ tưởng hành thức
Là tự ngã của ta?
Đúng thế, Gotama.
Không những mình tôi nói
Mà cả đại chúng đây
Cùng có quan điểm ấy:
Năm uẩn là tự ngã.
Không nói tới đại chúng
Hãy nói quan điểm ông.
– Như vầy, thưa tôn giả:
Năm uẩn là tự ngã.
Ông có quyền trên chúng
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Bảo nó phải như vầy
Không được như thế khác?
Ni kiền tử ngơ ngác
Phật hỏi lần thứ ba
Ông phải đáp rằng không
Mâu thuẫn lời nói trước.
Này hỡi Ni kiền tử
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Là thường hay vô thường?
Vô thường, thưa tôn giả.
Vô thường vui hay khổ?
Là khổ, thưa tôn giả.
Vậy có hợp lý chăng
Xem là tôi, của tôi?
Ai ái luyến tự ngã
Tham đắm đống khổ này
Có thể liễu tri khổ
Và trừ diệt khổ chăng?
Thưa không, bạch tôn giả.
Thật tôi đã sai lầm
Khi đến đây tranh luận
Như xin hỏi Gotama
Đệ tử tuân chỉ giáo
Thành tựu như thế nào?
– Bậc hữu học đoạn nghi
Thấy như thật mọi sắc
Và thọ tưởng hành thức
Không tôi, không của tôi
Không tự ngã của tôi
Thành tựu được vô úy.
Lại có những đệ tử
Nhờ thấy được như trên
Tận trừ các chấp thủ
Đạt vô thượng giải thoát.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 43

Post Views: 326