Toát yếu Trung bộ 051 : Kinh Kandaraka

Toát yếu Trung bộ 051 : Kinh Kandaraka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 51

Kinh Kandaraka

  1. TOÁT YẾU

Kandaraka Sutta – To Kandaraka.

The Buddha discusses four kinds of persons found in the world – the one who torments himself, the one who torments others, the one who torments both himself and others, and the one who torments neither but lives a truly holy life.

Kinh nói cho Kandaraka.

Phật bàn đến bốn hạng người được tìm thấy trên đời: hạng người tự hành khổ, hạng người hành khổ người, hạng vừa tự hành khổ vừa hành khổ người, hạng không tự hành khổ, không hành khổ người mà lại sống một đời thực thánh thiện.

  1. TÓM TẮT

Du sĩ Kandaraka cùng cư sĩ Pessa con trai người huấn luyện voi, đến yết kiến Phật. Quan sát sự thanh tịnh của chúng tỳ kheo [1], du sĩ ca tụng Phật khéo hướng dẫn, và hỏi chư Phật trong quá khứ, tương lai có được những chúng tỳ kheo thanh tịnh như hiện nay không [2]. Phật xác nhận là có, trong chúng tỳ kheo này, có vị là a la hán lậu tận, việc tu hành đã thành mãn; có vị là bậc Hữu học khéo kiên trì giới luật, luôn an trú Bốn niệm xứ [3] để nhiếp phục tham ưu ở đời.

Pessa công nhận sự vi diệu của pháp tu này, vì thỉnh thoảng ông cũng tu quán bốn niệm xứ [4]. Ông tán thán Phật đã thấu hiểu về hạnh phúc và bất hạnh của chúng sinh. Với tư cách người huấn luyện voi, Pessa nhận xét rằng con voi có khi cũng quỷ quyệt nhưng không bằng người; con người quả thực rắc rối hơn loài thú [5], miệng nói khác, lòng nghĩ khác. Phật dạy thật có như vậy, và đề cập bốn hạng người [6] sống ở đời: hạng tự hành khổ, hạng làm khổ người, hạng làm khổ cả hai, hạng không làm khổ mình không làm khổ người, tự ngã trú vào Phạm thể [7].

Phật hỏi trong bốn hạng, Pessa thích ý hạng nào. Cư sĩ trả lời ba hạng đầu không đáng thích ý, chỉ có hạng thứ tư làm ông khoái. Nói xong ông từ giã Phật vì còn bận nhiều công việc.

Khi Pessa bỏ đi, Phật bảo chúng tỳ kheo rằng, giá mà Pessa ở lại thêm chốc lát, ông sẽ được lợi ích lớn, tuy vậy ông cũng đã khá được ích lợi từ cuộc luận đàm ngắn ngủi ấy [8]. Kế đến Phật giảng rộng cho chúng tỳ kheo về 4 hạng người:

hạng tự hành mình là những kẻ tu khổ hạnh [9] không đưa đến giải thoát.

hạng làm khổ kẻ khác là người hành những nghề nghiệp gây đau khổ cho người và vật.

hạng tự làm khổ và làm khổ người là kẻ theo ác giới [10].

hạng không làm khổ mình không làm khổ người là những vị xuất gia thành tựu giới, từ bỏ các nghiệp ác của thân, lời, hộ trì căn, tu 4 niệm xứ, chứng 4 thiền và 3 minh, thành bậc a la hán [11].

III. CHÚ GIẢI

  1. Kinh sớ: Vì tôn trọng Phật và theo luật, tỳ kheo không nói chuyện với nhau cũng không dám ho mỗi khi Phật thuyết pháp. Thân không giao động, tâm không xao lãng, họ ngồi vây quanh đức Thế tôn như những cụm mây vây quanh đỉnh núi Tu di. Du sĩ Kandaraka có lẽ thầm so sánh hội chúng tỳ kheo này với các hội chúng du sĩ được mô tả trong kinh 76.
  2. Theo kinh sớ, Kandaraka không có tri kiến về chư Phật quá khứ vị lai. Ông chỉ nói lên lời này để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với chúng tỳ kheo thanh tịnh, khéo được hướng dẫn. Nhưng Phật thì xác nhận lời của du sĩ trên căn bản thắng trí của Ngài.
  3. Bốn niệm xứ được đưa vào đây để chỉ rõ nguyên nhân uy nghi tịch tịnh của tăng chúng. Xem kinh số 10.
  4. “Chúng con cũng vậy, khi có cơ hội, chúng con cũng tu tập tứ niệm xứ; chúng con không hoàn toàn xao lãng thiền định.”
  5. Lời này ngụ ý rằng con vật đôi khi cũng láu cá và lừa bịp, nhưng sự khôn lanh của nó rất giới hạn, trong khi sự khôn lanh của con người thì vô cùng tận.
  6. Luận giải thích đoạn này được nói để tiếp theo lời Pessa rằng đức Thế Tôn biết rõ gì là an lạc gì là nguy hiểm cho hữu tình; vì Phật hiển thị 3 hạng người đầu hành xử đưa đến lợi lạc. Ðoạn này cũng có thể liên hệ đến lời ca tụng của du sĩ đối với tăng chúng; vì Phật sẽ hiển thị 3 lối Ngài không huấn luyện chúng tỳ kheo, và 1 lối theo đó chư Phật quá khứ hiện tại vị lai đều huấn luyện chúng tỳ kheo.
  7. Vị “không tự hành khổ, không làm khổ người, tự ngã trú vào Phạm thể “cảm thọ lạc thọ của các thiền, đạo, quả, và niết bàn. Phạm thể ở đây có nghĩa là thánh thiện hay thù thắng.
  8. Pessa đáng lẽ chứng quả Dự Lưu, nhưng anh đã rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy khi Phật chưa giảng xong bài Pháp. Tuy vậy anh cũng nhận được 2 lợi lạc: thêm lòng tin đối với tăng chúng, và hiểu thêm về Bốn niệm xứ.
  9. Ðoạn kinh về “tự hành khổ “nói chi tiết về những khổ hạnh mà nhiều người đương thời Phật đang tu tập, và chính Phật cũng đã từng tu trong thời gian nỗ lực đạt giác ngộ. Xem kinh 12.
  10. Ðoạn kinh về “tự làm khổ và làm khổ người “mô tả sự tu tập của người tự hành hạ mình với hy vọng được phước, bằng cách lập tế đàn trong đó nhiều con vật bị giết, nhiều kẻ làm công bị áp bức.
  11. Ðoạn kinh về hạng “không tự hành khổ, không làm khổ người “lại sống thánh thiện, cảm thọ thuần lạc thọ, ám chỉ bậc A la hán. Ðể hiển thị vị ấy không tự hành mình cũng không làm khổ người, đức Phật mô tả con đường tu tập của vị ấy để chứng quả.
  12. PHÁP SỐ

Ba nghiệp, ba minh, bốn chân lý, bốn niệm xứ, bốn hạng người, bốn thiền, năm triền cái.

  1. KỆ TỤNG

Bạn Kan-da-ra-ka
Cùng cư sĩ Pessa
Làm nghề huấn luyện voi
Cùng đến yết kiến Phật. 

Du sĩ ca tụng Phật
Khéo hướng dẫn chư tăng
Hỏi quá khứ vị lai
Chúng được như vậy chăng? 

Phật dạy: “Cả ba thời
Chư Phật cùng một Pháp
Tỳ kheo tu pháp này
Có vị thành La hán. 

Hoặc thành bậc Hữu học,
Khéo kiên trì giới luật,
An trú Bốn niệm xứ
Ðể nhiếp phục tham ưu.” 

Pessa tiếp lời Phật:
– Thế tôn khéo trình bày
Pháp Bốn niệm xứ này
Con thỉnh thoảng tu tập

Con quán thân nơi thân
Quán thọ nơi cảm thọ
Quán tâm ngay nơi tâm
Quán pháp nơi các pháp 

Chánh niệm và tỉnh giác
Ðể nhiếp phục tham ưu.
Thế tôn quả thấu suốt
Vui khổ của hữu tình.

Cởi mở thay, loài thú
Rắc rối thay loài người
Sống rối ren xảo quyệt
Lòng với miệng khác nhau. 

“Kẻ tự hành, hành người
Kẻ làm khổ cả hai,
Kẻ không làm ai khổ,
Ngươi thích ý hạng nào?”

– Bạch Phật, ba hạng đầu
Không làm con thích ý
Chỉ có hạng thứ tư
Làm con thấy khoái ý.

Biết chân khổ, ưa vui
Sao lại tự hành mình?
Và hành hạ kẻ khác?
Hoặc hành xác cả hai?

Hạng không khổ mình, người
Quả làm con thích ý.
Rồi Pessa cáo từ
Vì bận nhiều công việc.

Phật dạy chúng tỳ kheo:
“Nếu nán lại chốc lát
Kẻ huấn luyện voi ấy
Sẽ được nhiều lợi lạc.

Có kẻ tu khổ hạnh
Về cách ăn mặc ở
Ðều theo lối khổ sở
Ðây là tự hành mình.

Có hạng làm nghề ác
Sát sinh và trộm cắp
Hoặc tra tấn dã man
Là hành hạ người khác.

Làm khổ mình lẫn người
Là kẻ có tà kiến
Giết vô số sinh loài
Cùng phá hoại cây cối.

Mong tẩy sạch tội lỗi
Chúng dựng những tế đàn
Làm khổ người và vật
Bản thân cũng gian nan.

Không làm khổ mình, người
Xuất gia thành tựu giới,
Từ bỏ 10 nghiệp ác
Hộ trì 5 giác quan

Tu tập 4 niệm xứ
Chúng 4 thiền 3 minh
Ðạt vô thượng an ổn
Ðệ tử Phật, người này.”

-ooOoo

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 31

Post Views: 255