Toát Yếu Trung bộ 055 : Jivaka

Toát Yếu Trung bộ 055 : Jivaka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 55

Jivaka

  1. TOÁT YẾU

Jivaka Sutta – To Jivaka.

The Buddha explains the regulations he has laid down concerning meat-eating and defends his disciples against unjust accusatioins.

Giảng cho Jivaka.

Phật giảng những quy luật Ngài đã chế định về sự ăn thịt và bảo vệ các đệ tử khỏi bị lên án bất công.

  1. TÓM TẮT

Jivaka [1] hỏi Phật, ông ta nghe nói Sa môn Gotama biết con thú bị giết để làm thịt cúng dường cho mình mà vẫn dùng, lời nói đó có đúng không hay là xuyên tạc. Phật xác nhận đó là lời xuyên tạc, và dạy có ba trường hợp không được phép dùng thịt, đó là khi có thấy, nghe và nghi con vật ấy đã vì mình mà bị giết [2]. Khi một tỳ kheo sống biến mãn mười phương với bốn phạm trú từ, bi, hỉ, xả, và khi được cư sĩ mời ăn, vị ấy lúc ăn không tham đắm vị ngon, không hi vọng, thấy rõ tai họa của tham dục, ý thức sự xuất ly; lúc ăn không nghĩ đến tự hại, hại người, hại cả hai. Tỳ kheo ăn như vậy không lỗi. Khi ấy Jivaka tán thán Phật an trú tâm từ, nhưng Phật dạy rằng tham sân si đã được Như lai đoạn trừ tận gốc [3].

Ai vì Phật và chúng tăng mà giết hại sinh vật sẽ tạo nhiều phi công đức do năm nguyên nhân:

Thốt lên lời nói hãy dắt con vật này đến.
Con vật khi bị dắt đem giết rất buồn sầu sợ hãi;
Khi người ấy ra lệnh giết;
Con vật cảm thọ khổ ưu lúc bị giết;
Lúc người ấy cúng dường Phật và chúng Tăng một cách phi pháp.

Jivaka ca ngợi Phật và xin Phật nhận ông làm đệ tử [4].

III. CHÚ GIẢI

  1. Jivaka là đứa con bị bỏ rơi của một kỹ nữ được vương tử Vô Úy tìm thấy đem về nuôi. Ông học thuốc ở thành Takkasila và về sau được đề cử làm y sĩ chữa bệnh cho Phật. Ông chứng Dự lưu sau khi nghe Phật thuyết pháp.
  2. Ðoạn này nói rõ những quy luật về sự ăn thịt mà đức Phật đã đặt ra cho tăng chúng. Người ta sẽ thấy rằng Phật không đòi hỏi các tỳ kheo phải ăn chay, mà cho phép họ ăn thịt khi tin chắc rằng con vật ấy đã không bị giết cốt để cung cấp thịt cho mình. Thịt như vậy gọi là “thanh tịnh ở ba phương diện “, vì nó không được thấy, được nghe, hay được nghi là thịt của 1 con vật bị giết cốt để đãi tỳ kheo. Giới luật của Phật tử tại gia “không được sát sinh “sẽ ngăn cấm vị ấy giết thịt để cúng dường tỳ kheo nhưng không cấm mua thịt những con vật đã chết.
  3. Ở đây đức Phật chứng tỏ rằng Ngài an trú tâm từ không chỉ vì đã dập tắt ác ý bằng thiền quán về từ tâm như Phạm thiên, mà Ngài đã tận diệt gốc rễ của sân hận nhờ đã chứng đắc A la hán quả.
  4. Thật khó hiểu ở đây là Jivaka xin quy y làm đệ tử tại gia trong khi ông đã chứng quả Dự lưu. Có lẽ công thức này được sử dụng như 1 phương tiện tái xác nhận sự quy y Tam Bảo của một người, chứ không chỉ giới hạn vào sự quy y đầu tiên.
  5. PHÁP SỐ

Ba thứ tịnh nhục, bốn phạm trú.

  1. KỆ TỤNG

Jivaka hỏi Phật
Các trường hợp Phật dạy
Về ăn thịt, không ăn
(Tịnh nhục, bất tịnh nhục.)
Bất tịnh là vật sống
Nhìn thấy nó bị giết
Nghe kêu gào thảm thiết
Nghi nó chết vì mình
Ngược lại khi tỳ kheo
Sống biến mãn mười phương
Với từ, bi, hỉ, xả
Ðược mời thọ cúng dường
Khi ăn không tham đắm
Không hi vọng tơ tưởng,
Thấy tai họa tham dục,
Ý thức sự xuất ly;
Không nghĩ đến tự hại,
Không nghĩ đến hại người,
Không nghĩ hại cả hai
Như vậy ăn không lỗi.
Ai vì Phật và tăng
Mà giết hại sinh vật
Sẽ tạo nhiều phi phước
Do năm nguyên nhân này:
Nào khi sai bắt lợn
Nào lúc trói dắt đi
Nào lúc đâm thọc huyết
Nghe tiếng kêu ai bi
Nào lúc nó dãy chết,
Nào lúc đem cúng dường
Cho chúng tăng ăn dùng
Vật cúng dường phi pháp.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 17

Post Views: 275