Toát Yếu Trung bộ 056 : Ưu ba ly

Toát Yếu Trung bộ 056 : Ưu ba ly

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 56

Ưu ba ly

  1. TOÁT YẾU

The wealthy and influential householder Upàli, a prominent supporter of the Jains, proposes to go to the Buddha and refute his doctrine. Instead, he finds himself converted by the Buddha’s “converting magic”.

Giảng cho Upàli.

Gia chủ giàu có và nổi tiếng tên Upàli, một thí chủ quan trọng của giáo pháp Ni kiền tử, định đến bài bác chủ trương của Phật. Nhưng ngược lại, ông tự thấy mình bị cảm hóa bởi “pháp thuật cảm hóa” của Phật.

  1. TÓM TẮT

Trường khổ hạnh [1] (Dìghatapassi) thuộc pháp Ni kiền tử đến nơi Phật. Phật hỏi Ni kiền tử chủ trương có bao nhiêu pháp làm nên ác nghiệp.

Trường khổ hạnh đáp không chủ trương nghiệp, mà là phạt [2]. Thân phạt, khẩu phạt, ý phạt, ba thứ khác nhau.

Phật hỏi thứ nào quan trọng nhất, ông đáp thân phạt [3] quan trọng nhất. Phật hỏi lại ba lần và ông xác nhận cả ba lần.

Rồi Trường khổ hạnh hỏi lại. Phật nói Ngài không chủ trương phạt mà chủ trương nghiệp, là ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba thứ khác nhau nhưng ý là quan trọng nhất [4].

Trường khổ hạnh cũng hỏi lại ba lần để Phật xác nhận ý nghiệp là quan trọng nhất. Rồi ông cáo từ trở về thuật lại cuộc đàm thoại với Ni kiền tử.

Upàli đại thí chủ của Ni kiền tử được cử đến luận chiến với Phật, nhưng Trường khổ hạnh can ba lần, nói Sa môn Gotama có huyễn thuật lôi cuốn đệ tử ngoại đạo. Ni kiền tử không tin, cứ để Upàli đi. Khi được Phật kể lại cuộc đàm thoại với Trường khổ hạnh, Upàli cũng xác nhận lập trường của Ni kiền tử là ý nghiệp kém xa thân nghiệp.

Phật bảo nếu ông có thể đàm luận trong tinh thần tôn trọng sự thật thì ngài sẽ nói chuyện với ông. Sau khi Upàli chấp nhận điều kiện này, Phật đưa ra bốn ví dụ cho thấy ý là quan trọng.

Ví dụ thứ nhất liên hệ đến giới luật của Ni kiền tử không uống nước lạnh. Phật hỏi nếu một người vì giữ giới này mà phải chết, thì tái sinh ở đâu. Upàli đáp ở cõi trời Ý trước, vì chấp vào ý mà chết [5]. Phật chỉ cho thấy Upàli đã tự mâu thuẫn với lời nói trước. Tuy vậy Upàli vẫn thấy thân nghiệp quan trọng hơn.

Phật lấy ví dụ thứ hai là nếu Ni kiền tử hoàn toàn tự chế không dùng nước lạnh, hoàn toàn chú tâm vào sự chế ngự nước lạnh, hoàn toàn loại trừ nước lạnh, hoàn toàn thấm nhuần giới kiêng nước lạnh [6], nhưng lúc đi qua đi lại lỡ dẫm phải côn trùng, có phạm tội không. Upàli nói không phạm, vì không cố ý [7]. Phật cho thấy ông đã tự mâu thuẫn lần thứ hai.

Ví dụ thứ ba: Một người với đại thần thông lực, với tâm sân hận trong giây lát có thể giết toàn dân thành Nalanda không? Upàli nói một tâm sân hận có thể giết không những một thành mà nhiều thành Nalanda.

Ví dụ thứ tư, Phật hỏi ông có nghe những khu rừng của các vị ẩn sĩ đã trở thành rừng hoang trở lại vì tâm sân hận của các ẩn sĩ ấy không. Upàli xác nhận có nghe, và thưa rằng ông đã phục ngay từ ví dụ đầu tiên, nhưng vì muốn nghe biện tài của Phật về vấn đề này mà ôngđóng vai trò chống đối.

Ông ca tụng Phật và xin quy y, nhưng Phật dạy ông rằng người trí cần phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Upàli càng thán phục Phật, so với thái độ khoe khoang của các giáo chủ ngoại đạo khi được làm thầy ông.

Upàli lặp lại lời xin quy y, và Phật dạy ông hãy tiếp tục hỗ trợ cho Ni kiền tử như bấy lâu nay ông đã làm. Upàli rất cảm động trước lòng từ bi của Phật, khác với ngoại đạo chỉ muốn độc tôn, và lặp lại lời cầu xin quy y.

Khi ấy Phật giảng cho ông về bố thí, giới, các cõi trời, sự hạ liệt ô nhiễm của dục và lợi ích của xuất ly. Rồi Ngài giảng về Bốn thánh đế. Upàli ngay tại chỗ được mắt pháp [8] ly trần vô cấu, hoài nghi về Pháp [9] được tiêu trừ. Ông cáo từ Phật và về nhà căn dặn gia nhân từ nay khi các nam nữ Nigantha đến, hãy nói họ chờ ở cổng sẽ bố thí đồ ăn, nhưng hãy mời đệ tử Phật vào.

Khi nghe tin ấy, giáo chủ Nigantha đến gặp Upàli, nhưng không được mời ngồi chỗ tôn trọng như thường lệ. Ông chỉ trích Upàli đã điên rồ mắc phải huyễn thuật cảm hóa của Gotama. Upàli nói: “Thật tốt lành thay huyễn thuật cảm hóa ấy [10]. Mong sao tất cả bà con dòng họ, mọi giai cấp, toàn thế giới, kể cả chư thiên nhân loại, đều được huyễn thuật này lôi cuốn.”

Rồi Upàli ví dụ con khỉ con, có thể nhuộm được, nhưng không thể đập, ủi, làm thành mềm dịu; cũng vậy là lý thuyết Nigantha ngu si, chỉ ăn nhuộm với kẻ ngu, không với bậc trí. Ngược lại giáo lý Phật như vải mới có thể nhuộm, đập, ủi, làm thành mềm dịu; nghĩa là ăn nhuộm với người trí, không với kẻ ngu.

Khi được hỏi bây giờ Upàli là đệ tử của ai, Upàli đọc lên bài kệ dài ca tụng những đức tính của Phật. Nigantha không chịu nổi, ngay tại chỗ thổ ra huyết nóng [11].

III. CHÚ GIẢI

  1. Có nghĩa là khổ hạnh Cao vì ông ta rất cao.
  2. Pali Danda là cây roi dùng để trừng phạt và cuối cùng có nghĩa là hình phạt, ngay cả khi không có khí cụ. Ở đây dường như muốn nói Ni kiền tử xem thân hành khẩu hành ý hành là những khí cụ qua đó người ta tự hành hạ bằng cách kéo dài sự trói buộc vào sinh tử và hành hạ kẻ khác bằng cách làm hại họ.
  3. Ni kiền tử chủ trương thân, khẩu tạo nghiệp biệt lập với sự can thiệp của ý, cũng như khi gió thổi, những cành lay động và lá xào xạc không cần có tâm đi trước.
  4. Có lẽ Phật nói điều này vì trong giáo lý Ngài, thì tâm sở hay ý hành là chất liệu cốt yếu của nghiệp và khi không có ý – nghĩa là trường hợp một thân hành hay ngữ hành không cố ý – thì không tạo nghiệp. Nhưng Luận giải cho rằng khi Phật nói điều này là ám chỉ tà kiến có hậu quả cố định, và dẫn chứng Tăng Chi I như sau: “Này các tỳ kheo, ta không thấy pháp nàođáng quở trách cho bằng tà kiến. Tà kiến là đáng quở trách nhất trong tất cả các pháp.” Các loại tà kiến được mô tả trong kinh 60.
  5. Ni kiền tử không được dùng nước lạnh vì có chứa sinh vật. Do sự kiêng cử nước lạnh bằng thân và lời, họ giữ cho thân hành và ngữ hành thanh tịnh, nhưng nếu tâm họ khao khát nước lạnh thì ý hành của họ bất định, và như thế họ tái sinh và cõi “những vị trời bị ý trói buộc.”
  6. Lời này trong kinh Trường Bộ II được gán cho Ni kiền tử xem như lập thuyết của họ. Nanamoli nêu lên trong bản thảo rằng ở đây có lẽ muốn chơi chữ vì Vàri vừa có nghĩa nước vừa có nghĩa là 1 đường cong. Ðại đức Bodhi dịch căn cứ Luận Trường Bộ Kinh như sau: “Một Ni kiền tử chế ngự đối với tất cả loại nước; tránh tất cả ác; thấm nhuần với sự tránh tất cả ác.” Mặc dù lời này có ý quan tâm đến sự thanh lọc, nhưng giọng điệu khác hẳn giáo lý Phật.
  7. Phật nêu lên một mâu thuẫn trong lập luận của Ni kiền tử là một đằng họ cho “thân phạt” quan trọng nhất, một đằng lại xác quyết sự hiện hữu của ý hoàn toàn thay đổi tính chất đạo đức của 1 hành vi.
  8. Pháp nhãn là Dự lưu đạo. Câu “tất cả cái gì phải sinh ra đều phải hoại diệt” chỉ rõ cách thức đạo khởi lên. Ðạo lấy tịch diệt làm đối tượng, nhưng nhiệm vụ của nó là đi sâu vào, thâm nhập tất cả pháp hữu vi, những pháp phải chịu sinh diệt.
  9. Pháp được nói ở đây chính là Tứ diệu đế. Sau khi thấy được Tứ diệu đế, vị ấy đã cắt đứt kết sử hoài nghi và bây giờ có được cái thấy cao quý và giải thoát sẽ đưa người thực hành phù hợp với cái thấy ấy đạt đến sự diệt khổ hoàn toàn.
  10. Ưu Ba Ly nói điều này để ám chỉ quả Dự Lưu mà trước đây ông đã đắc.
  11. Ni kiền tử rất đau khổ vì mất đệ tử ngoại hộ, và sự buồn khổ của ông gây một xáo trộn cơ thể đưa đến kết quả là ông hộc ra máu tươi. Khi đã hộc ra máu tươi thì ít ai có thể sống được. Bởi thế người ta mang ông đến Pàvà trên 1 cái cáng và ở đấy ít lâu sau ông chết.
  12. PHÁP SỐ

Ba nghiệp, bốn sự thật, năm triền cái.

  1. KỆ TỤNG

Khổ hạnh Ni kiền tử
Ðến luận đàm với Phật
Về tầm mức quan trọng
Trong quá trình tạo nghiệp
Theo ông là “Thân phạt”
Phật thì dạy “ý nghiệp”
Trường khổ hạnh trở về
Thuật lại cuộc đàm thoại
Giáo chủ Ni kiền tử
Ðề cử Ưu ba ly
Ðại thí chủ của mình
Ðến luận chiến với Phật
Trường khổ hạnh can gián
– Sa môn Gotama
Có huyễn thuật lôi cuốn
Coi chừng sẽ thua to.
Ni kiền tử cả quyết:
– Không thể có chuyện ấy
Ưu ba ly sẽ thắng
Cồ đàm sẽ thua
Khi đến nơi, Phật bảo
“Muốn sáng tỏ vấn đề
Vì tôn trọng sự thật
Thì có thể đàm luận.”
Ưu ba ly chấp thuận
Phật hỏi: “Người giữ giới
Do kiêng cữ nước lạnh
Chết tái sinh chỗ nào?”
– Ở cõi trời Ý trước
Do vì chấp vào ý.
Phật bảo Ưu ba ly:
“Ông đã tự mâu thuẫn.”
Phật lại hỏi ông ta
“Người kiêng uống nước lạnh
Nhưng dẫm chết côn trùng
Thì có phạm tội không?”
Ưu ba ly: – Không phạm,
Vì không có cố ý.
Phật lại cho ông thấy
Ðã tự phản lại mình.
“Với gươm giáo, một người
Có thể giết nhiều người
Trong giây lát được không?”
– Thưa Cồ đàm, không thể.
“Người có đại thần thông
Trong giây lát nổi giận
Có thể giết bao nhiêu?”
– Giết cả toàn thế giới.
“Tại sao rừng ẩn sĩ
Ðã trở lại rừng hoang?”
Ưu ba ly trả lời
– Do tâm sân ẩn sĩ
Với ví dụ đầu tiên,
Con đã bị luận bại
Muốn nghe Thế tôn dạy
Nên con vờ chưa tin.
Ông xin quy y Phật
Phật dạy ông nghĩ kỹ
Trước khi làm quyết định
Xứng thái độ người trí.
Ưu ba ly bạch Phật:
– Các bậc đạo sư khác
Nếu được con xin theo
Sẽ rêu rao khoác lác
Thế tôn không như vậy
Con xin quy y Phật
Pháp và Tỳ kheo tăng
Xin trọn đời quy ngưỡng.
Phật bảo Ưu ba ly:
“Hãy tiếp tục cúng dường
Cho ai đến xin ông
Như các Ni kiền tử.”
– Ôi đức Phật từ bi
Khác xa kẻ độc tôn
Con bội phần hoan hỉ
Xin trọn đời quy y.
Phật giảng về bố thí,
Giới, và các cõi trời,
Sự hạ liệt của dục
Và lợi ích xuất ly.
Khi tâm ông thuần thục
Phật giảng Bốn thánh đế.
Ông đắc ngay Pháp nhãn
Về Pháp hết hoài nghi.
Ông cáo từ đức Phật
Về nhà dặn gia nhân
Mở cửa đón chư tăng
Ðóng cửa Ni kiền tử.
Giáo chủ Ni kiền tử
Ðến gặp Ưu ba ly
Không còn được tôn trọng
Ngồi cao như mọi khi.
Ni kiền tử tức tối
Trách ông thật ngu si
Ðể Cồ đàm dụ dỗ
Với huyễn thuật bùa mê.
– Vi diệu thay huyễn thuật
Ưu ba ly tiếp lời,
– Thật tốt lành, lợi ích
Huyễn thuật cảm hóa này
Mong bà con dòng họ,
Mong cho mọi giai cấp,
Mong cho cả thế gian
Ðược Cồ đàm dụ dỗ
Vì nhân loại chư thiên
Nhờ huyễn thuật cảm hóa
Của Thế tôn Như lai
Sẽ an lạc lâu dài.
Lý thuyết Ni kiền tử
Chỉ thích hợp kẻ ngu.
Nay tôi là đệ tử
Thế tôn Ðiều ngự sư.
Bậc tham ái tận trừ
Bậc trí tuệ tuyệt luân.
Nghe ca tụng Thế tôn
Nigantha thổ huyết.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 35

Post Views: 290