Toát Yếu Trung Bộ 065 : Bhaddàli

Toát Yếu Trung Bộ 065 : Bhaddàli

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 65

Bhaddàli

  1. TOÁT YẾU

Bhaddàli Sutta – To Bhaddàli.

The Buddha admonishes a recalcitrant monk and explains the disadvantages of refusing to submit to the training.

Giảng cho Bhaddàli.

Phật quở trách một tỳ kheo ươn ngạnh và giải thích những bất lợi của sự không tuân theo học giới.

  1. TÓM TẮT

Phật gọi các tỳ kheo và dạy nên ăn ngày một bữa như Ngài, (ăn chỉ ngồi một lần, nhất tọa thực, đứng lên rồi thì không ăn thêm gì nữa) sẽ có sức, ít bệnh, nhẹ nhàng, an vui [1]. Khi nghe vậy tôn giả Bhaddàli phản đối, bạch Phật ông không thể làm như vậy, vì ông sẽ lo lắng, ân hận [2]. Phật đề nghị nếu thế thì khi khất thực được, ông hãy ăn một phần, dành lại một phần để ăn sau. Bhaddàli cũng không chịu làm cách ấy, bảo rằng làm vậy ông cũng vẫn lo lắng ân hận [3]. Như vậy, khi Phật công bố học giới này [4], tôn giả Bhaddàli cũng công bố giữa chúng tăng rằng ông không thi hành giới ấy. Do cãi Phật nên ông tránh gặp Phật suốt ba tháng mùa mưa.

Khi Phật sắp du hành, các tỳ kheo khuyên ông đi sám hối. Sau khi quở trách, Phật nhận sự sám hối của Bhaddàli và nêu lên cho ông thấy những bất lợi như sau:

  1. Tất cả bốn chúng nhóm họp trong ba tháng đều biết thượng tọa Bhaddàli không thực hành trọn vẹn các học giới.
  2. Trong khi mọi người đều tuân giữ lời Phật dạy, tỳ kheo Bhaddàli đã tuyên bố sự bất lực của mình.
  3. Ngay cả một tỳ kheo đã đắc câu phần giải thoát [5], cũng sẽ vâng lời khi Phật bảo lấy thân mình làm ván cho Ngài bước qua vũng bùn [6], huống nữa tỳ kheo Bhaddàli chưa đạt đến địa vị nào trong bảy vị: tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín thắng giải, tùy pháp hành, tùy tín hành, đã chứng tỏ sự trống rỗng của mình.

Nếu tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới mà muốn sống độc cư ở trứ xứ hoang vắng để chứng pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh, sẽ không đạt mục đích, vì bị sự quở trách của bậc Ðạo sư, chư thiên, các đồng phạm hạnh có trí, và của tự tâm. Ngược lại nếu tỳ kheo thực hành trọn vẹn học giới, tu tập tại trú xứ hoang vắng thì nếu muốn, có thể chứng bốn thiền ba minh, thành bậc lậu tận la hán vì không bị những sự quở trách như trên.

Bhaddàli hỏi Phật trường hợp nào tỳ kheo được giải tội nhanh chóng, trường hợp nào khôngđược giải tội nhanh chóng. Phật dạy, có tỳ kheo phạm tội, thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, nhưng khi bị cử tội thì tránh né vấn đề, ngang ngược chống đối, tỏ sự phẫn nộ bất mãn, không nghĩ tôi phải làm gì cho chúng tăng hoan hỉ, thì chúng tăng không giải tội nhanh chóng. Có tỳ kheo ít khi phạm giới tội, nhưng khi phạm, bị tăng cử tội không có thái độ như trên, lại nghĩ phải làm gì cho tăng hoan hỉ, thì chúng tăng chóng giải tội người này. Lại nữa, khi biết người nào chỉ còn rất ít lòng tin, lòng thương [7] đối với đại chúng, thì vì không muốn cho chút ít lòng tin và lòng thương ấy bị đoạn diệt, chúng tăng cũng không thường xuyên cử tội người ấy. Ví như người ta sẽ cẩn thận giữ gìn một con mắt còn lại.

Bhaddàli hỏi tiếp: Tại sao ngày xưa ít học giới mà nhiều người ngộ nhập chính trí, bây giờ nhiều học giới mà ít người ngộ nhập. Phật dạy những nguyên nhân là:

  1. Hữu tình thối thất, diệu pháp sắp diệt;
  2. Khi hữu lậu pháp hiện khởi trong tăng chúng, Phật mới chế ra giới luật [8].
  3. Sở dĩ hữu lậu pháp sinh là vì tăng đoàn đã lớn mạnh, đạt đến địa vị kỳ cựu, danh dự, đa văn, lợi lộc.

Rồi Phật hỏi Bhaddàli có nhớ ví dụ lương chủng mã mà Ngài đã dạy lúc tăng chúng còn ít người. Bhaddàli thưa không, bởi vì từ lâu đã không thực hành học giới cho trọn vẹn. Phật lại quở trách ông chẳng những vì không giữ giới, mà còn vì không lóng tai nghe pháp.

Và Ngài nhắc lại sự huấn luyện một tỳ kheo trong giáo pháp Ngài: Như con ngựa tốt của vua được luyện qua nhiều giai đoạn, tập quen với yên cương, tập diễn hành đủ kiểu như đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, phi nước đại… khi đã thuần, lại cho đeo đồ trang sức để trở thành báu vật của vua. Cũng vậy tỳ kheo thành tựu 10 pháp vô học [9] sẽ thành ruộng phước vô thượng ở đời: chính tri kiến… chính trí, chính giải thoát [10].

III. CHÚ GIẢI

  1. Ðiều này ám chỉ pháp ăn của Phật chỉ 1 bữa trong ngày trước ngọ. Theo Giới Biệt Giải thoát, tỳ kheo bị cấm ăn từ buổi trưa cho đến bình minh hôm sau. Nhất tọa thực là pháp hành mà Phật khuyên chứ không bắt buộc.
  2. Luận nói: Vị ấy lo lắng mình không thể trọn đời sống phạm hạnh.
  3. Sự lo lắng của vị ấy vẫn tiếp diễn vì vị ấy còn phải ăn xong những đồ còn thừa trước ngọ.
  4. Ðây là học giới cấm ăn ngoài thời gian ấn định.
  5. Bảy danh từ dùng trong đoạn này là cách phân chia 7 hạng thánh, được giải thích trong kinh 70.
  6. Phật không bao giờ ra lệnh cho đệ tử như vậy, điều này chỉ nói để tỏ rõ hành vi ươn ngạnh của Bhaddàli.
  7. Vị ấy tồn tại nhờ có phần nào tin tưởng và yêu mến đối với bậc thầy theo cách thế gian. Vì các tỳ kheo khác giúp đỡ vị ấy nên vị ấy vẫn ở lại trong đời sống xuất gia và có thể cuối cùng trở thành một đại tăng đắc được thắng trí.
  8. Ðoạn này ám chỉ một nguyên tắc cố định là, Phật không chế ra giới luật khi chưa có trường hợp vi phạm.
  9. Một bậc vô học có nghĩa là A la Hán. 10 yếu tố này là yếu tố làm nên quả vị A la Hán.
  10. Chính trí là tri kiến thuộc về quả vị A la Hán, chính giải thoát là sự giải thoát khỏi tất cả ô nhiễm, nơi một vị A la Hán.
  11. PHÁP SỐ

Bảy bậc hiền thánh, mười thánh đạo.

  1. KỆ TỤNG

Phật dạy các tỳ kheo
Nên giữ nhất tọa thực
Chỉ ngồi ăn một lần
Sẽ ít bệnh, an vui.
Bhaddàli bạch Phật
– Không thể làm vậy đâu
Nếu chỉ ăn một bận
Con ân hận lo rầu.
Phật lại đưa đề nghị:
“Vậy khi khất thực được
Ngươi nên ăn phân nửa
Chừa phân nửa ăn sau.”
– Bạch Phật làm như thế
Con tiếc nuối, lo âu.
Do cãi lời Phật dạy
Nên ông tránh gặp Ngài.
Khi Phật sắp du hành
Tôn giả cầu sám hối
Vì đã không thực hành
Trọn vẹn các học giới.
“Tỳ kheo không giữ giới
Muốn độc cư rừng núi
Mong chứng pháp hơn người
Sẽ không thể chứng được
Không đạt được mục đích
Vì bị sự quở trách
Của Ðạo sư, chư thiên
Tự mình cũng trách mình.
Người giữ giới trọn vẹn
Tu tập nơi hoang vắng
Có thể chứng ba minh,
Thành lậu tận La hán.
Bhaddàli hỏi Phật
– Khi nào thì chúng tăng
Chóng làm pháp giải tội
Khi nào không chóng giải?
“Có tỳ kheo phạm tội,
Thường xuyên hoặc thỉnh thoảng,
Nhưng khi bị cử tội
Lại ngang ngược chống đối,
Và tránh né vấn đề
Tỏ phẫn nộ bất mãn,
Không nghĩ: Phải làm sao
Ðể cho tăng hoan hỉ,
Có kẻ phạm lỗi lầm
Bị chúng tăng cử tội
Không phẫn nộ chống đối
Lại mong tăng hoan hỉ,
Với hạng tỳ kheo trước
Không giải tội nhanh chóng
Với hạng tỳ kheo sau
Tăng giải tội rất nhanh.
Lại có người xuất gia
Nhưng đối với tăng chúng
Chỉ còn lại rất ít
Lòng tin và thương tưởng
Tăng không thường cử tội
Một con người như thế
Vì không muốn đoạn dứt
Chút tin yêu còn lại
Như kẻ bị thui chột
Sẽ cẩn thận giữ gìn
Con mắt còn sót lại
Tăng để yên kẻ này.”
Bhaddàli lại hỏi:
– Do nhân gì duyên gì
Xưa học giới rất ít
Mà nhiều người chứng ngộ
Nay quá nhiều học giới
Người ngộ nhập hiếm hoi?
“Vì hữu tình thối thất
Diệu pháp sắp diệt mất;
Vì nhiễm ô sinh khởi
Trong tăng chúng lớn mạnh
Danh dự, lợi lộc nhiều
Ta chế giới điều phục.
Và này Bhaddàli
Khi tăng chúng còn ít
Ta giảng lương chủng mã
Ngươi còn nhớ hay không?”
– Thưa không, bạch Thế tôn
Bởi vì đã từ lâu
Con không hành trọn vẹn
Các học giới Phật chế.
“Chẳng những vì như thế
Mà còn do nghe Pháp
Ngươi đã không lóng tai
Này hỡi Bhaddàli.”
– Thưa vâng bạch Thế tôn
Ngài nhắc lại cho con
Phật dạy Bhaddàli
Phép luyện lương chủng mã
Như con ngựa giống tốt
Ðược luyện nhiều giai đoạn
Trước tập quen yên cương
Sau điều chỉnh tốc độ
Tập diễn hành đủ kiểu
Cho đến khi thuần thục,
Lại cho đeo trang sức
Thành báu vật của vua.
Tỳ kheo được huấn luyện
Ly dục ly bất thiện
Chứng và trú sơ thiền
Cho đến chứng tứ thiền
Thành tựu được 10 pháp
Của một bậc vô học
Là lậu tận La hán
Ruộng phước của nhân thiên.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 272