Toát Yếu Trung bộ 066 : Ví dụ con chim cáy

Toát Yếu Trung bộ 066 : Ví dụ con chim cáy

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 66

Ví dụ con chim cáy

  1. TOÁT YẾU

Latukilopama Sutta – The Simile of the Quail.

The Buddha drives home the importance of abandoning all fetters, no matter how harmless and trifling they may seem.

Ví dụ con chim cáy.

Phật cho thấy sự quan trọng của việc từ bỏ mọi kết sử, dù chúng có thể mang vẻ vô hại, không đáng kể.

  1. TÓM TẮT

Tôn giả Ưu đà di bạch Phật: “Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều thiện pháp khi chế giới từ bỏ ăn phi thời.” Tôn giả đến bạch Phật, lúc mới nghe Phật dạy nên từ bỏ ăn phi thời ban ngày [1] ông rất buồn, khi nghĩ đến chuyện từ nay không được ăn những đồ ngon người ta cúng không đúng giờ ăn. Nhưng vì kính mộ Phật và vì tàm quý, ông đã từ bỏ ăn phi thời ban ngày; chỉ ăn chiều và sáng.

Nhưng khi Phật dạy từ bỏ ăn phi thời ban đêm, lúc đầu tôn giả cũng rất buồn như trên, nhưng vẫn từ bỏ vì ngưỡng mộ Phật và có tàm quý. Nhờ từ bỏ ăn phi thời ban đêm, tỳ kheo tránh được nhiều phiền não của sự khất thực về đêm, như bị té xuống vũng nước bẩn, bị phụ nữ bất chính quyến rủ, và riêng Tôn giả nhớ một lần khất thực ban đêm bị một phụ nữ mắng nhiếc tàn tệ. Bà đột nhiên trông thấy tôn giả xuất hiện trong bóng tối thì hoảng hốt té xỉu vì tưởng là con quỷ. Khi tôn giả nói không phải quỷ, mà tỷ kheo đến khất thực, bà liền mắng: “Vậy thì cha tỳ kheo chết đi, mẹ tỳ kheo chết đi [2].” Quả thực khi chế giới không ăn phi thời, Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều an vui.

Phật dạy tuy thế, có những người khi nghe Phật chế giới lại phàn nàn: Sa môn này quá đặt nặng sự cấm đoán, đoạn giảm. Sá gì những tiểu tiết nhỏ mọn ấy. Họ không chịu từ bỏ, bất mãn chống lại Phật và những tỳ kheo muốn thực hành học giới. Sự việc ấy trở thành một trói buộc mạnh mẽ vững chắc đối với họ. Ví như một con chim cáy nhỏ có thể chết vì vướng lưới làm bằng dây leo mong manh; không thể nói cái lưới ấy không nguy hiểm. Cũng vậy, khi tỳ kheo chống lại Phật và tăng chúng vì một học giới mà họ cho là nhỏ nhặt, thì việc ấy trở thành trọng đại vì lương tâm họ không an ổn. Ngược lại, người hoan hỉ từ bỏ khi Phật dạy từ bỏ điều gì, thì sống với tâm tư lắng dịu. Như vậy đối với họ, giới ấy không trở thành một trói buộc; ví như con voi lớn dù bị trói bằng dây da, chỉ cần chuyển thân là có thể cắt đứt.

Như có người sống đời khốn cùng với bà vợ xấu xí, ở cái chòi nát, giường nằm sút chân, chum gạo sứt mẻ, thèm muốn sự an lạc của hạnh sa môn, muốn cạo bỏ râu tóc đắp cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Nghĩ vậy nhưng anh ta không thể từ bỏ cái chòi mục nát, cái chum đựng gạo sứt mẻ, cái giường sút chân, và bà vợ lem luốc. Những thứ này trở thành một trói buộc vững chắc đối với anh ta. Như thế là chuyện bé thành to. Ngược lại có người con nhà giàu có, tài sản lớn, nhiều tiền lắm của, kho lẫm tràn trề, ruộng vườn chất đống, thê thiếp chất đống, tôi tớ chất đống. Khi thấy một tỳ kheo ăn xong ngồi thiền, vị ấy nghĩ an lạc thay sa môn hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc đắp y cà sa, thoát ly gia đình, sống không gia đình. Vị ấy sau khi xuất gia có thể từ bỏ ruộng vườn cò bay thẳng cánh, vô số vàng bạc, thê thiếp, tôi tớ… Những thứ này đối với vị ấy không thành một trói buộc vững chắc. Như thế là chuyện to thành bé.

Trên đời có bốn hạng [3] người sống hướng đến sự từ bỏ sinh y [4]:

  1. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không trừ đoạn, mà vẫn chấp nhận chúng. Hạng này còn bị trói buộc.
  2. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không chấp nhận chúng, mà cố đoạn trừ, chấm dứt. Hạng này vẫn còn bị trói buộc [5].
  3. Do thất niệm, thỉnh thoảng tư tưởng liên hệ sinh y khởi lên nhưng liền được trừ khử [6], như hai ba giọt nước nhỏ vào một ấm nước đun sôi cả ngày, giọt nước rơi chậm nhưng bị hòa tan một cách mau chóng. Hạng người này cũng còn bị trói buộc.
  4. Nghĩ rằng sinh y là nguồn gốc của đau khổ, nên giải thoát khỏi sanh y. Ðây là người không bị trói buộc [7].

Có năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc dễ chịu, hấp dẫn, do giác quan nhận thức. Bất cứ hỉ lạc nào do năm lạc, lạc ấy đáng sợ hãi, không nên thực hiện, không nên làm cho sung mãn.

Lạc thiền định gọi là yếm ly lạctịch tịnh lạcchánh giác lạc [8] , độc trú lạc, lạc ấy cần phải thực hiện, tu tập, làm cho sung mãn. Lạc ấy không đáng sợ hãi, nhưng cần vượt qua, không nên bám víu. Vị tỳ kheo hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với hỉ lạc do ly dục sinh. Thiền này còn giao động [9] vì tầm tứ, nên phải vượt qua [10] để chứng nhị thiền không tầm tứ. Nhị thiền còn dao động với hỷ lạc. Tam thiền dao động vì xả lạc. Tứ thiền không giao động, nhưng vẫn còn phải vượt qua chướng ngại tưởng, để chứng và vượt qua Không vô biên xứ, cho đến chứng và vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ để đạt Diệt thọ tưởng định [11].

Như vậy, không có sự trói buộc hay bám víu nào, dù rõ rệt như dục lạc hay tinh vi như thiền lạc, mà Phật không dạy cần phải vượt qua, từ bỏ.

III. CHÚ GIẢI

  1. Từ đoạn này và đoạn sau, ta thấy Phật hai lần hạn chế giờ ăn của các tỳ kheo: lúc đầu cấm ăn chiều nhưng cho phép ăn tối. Tuy nhiên, duyên khởi của học giới ba dật đề 37 không nói vậy. Ngược lại luật dường như khẳng định chuyện đương nhiên ai cũng biết là quá ngọ tỳ kheo không nên ăn, và Phật chế luật cấm tất cả bữa ăn quá ngọ.
  2. Lời này hoàn toàn là ngôn ngữ thông tục. Luận giải thích: Khi cha mẹ người ta còn sống, họ sẽ cho con mình đủ thứ đồ ăn và chỗ ngủ, chứ không để cho y phải đi lang thang tìm đồ ăn vào ban đêm.
  3. Phật giảng giáo lý này để phân tích hạng người từ bỏ những gì được dạy phải từ bỏ, thành ra 4 hạng khác nhau.
  4. Sinh yupadhi có 4 loại: Uẩn sinh y khandh’upadhi; phiền não sinh y kiles’ upadhi; thắng hành sinh y abhisankhàr’upadhi, và dục tăng trưởng sinh y kàmagun’upadhi.
  5. Phàm phuDự lưuNhất laivà Bất hoàn, đều có thể bao gồm dưới hạng người thứ nhất. Bậc Bất hoàn vì còn khát ái đối với hữu nên thỉnh thoảng cũng có thể hoan hỷ trong những tư tưởng hưởng lạc. Bốn vị này có thể bao gồm trong hạng thứ hai, phàm phu nhờ đạt đến đạo lộ siêu thế cũng có thể dập tắt những ô nhiễm đã khởi, khơi dậy sự tinh tấn, phát triển tuệ và đoạn trừ phiền não.
  6. Hạng này phân biệt với hạng trước chỉ do sự lừ đừ trong việc khơi dậy chính niệm để từ bỏ những ô nhiễm đã sinh khởi.
  7. Ðây là bậc A la Hán, người duy nhất đã tận trừ tất cả kiết sử.
  8. Lạc, Sukha ở đây có nghĩa hạnh phúc hơn là khoái lạc. Luận giải thiền lạc gọi là ly dục lạc, vì từ bỏ các khoái lạc giác quan; là viễn ly lạc vì đem lại hạnh phúc của đời sống độc cư xa lánh đám đông và xa lìa ô nhiễm; là tịnh chí lạc vì thiền lạc là để tịnh chỉ các ô nhiễm; là tuệ lạc vì nó có mục đích đạt đến chứng ngộ. Vì các thiền chứng dĩ nhiên chưa phải là trạng thái giác ngộ.
  9. Tất cả các trạng thái tâm ở dưới thiền thứ 4 đều được xếp vào loại tâm giao động. Trạng thái tâm ở thiền thứ 4 và cao hơn được gọi là bất động.
  10. Thật không nên bám víu vào nó với tâm tham ái, và cũng không nên dừng lại ở điểm này.
  11. Ðịnh diệt thọ tưởng không chỉ là 1 định chứng cao nhất trên nấc thang giá trị, mà ở đây còn bao hàm sự phát triển hoàn toàn tuệ quán đưa đến tột đỉnh là quả vị A la Hán.
  12. PHÁP SỐ

Bốn thiền, bốn không, bốn hạng người xuất gia hướng đến từ bỏ sanh y.

Năm dục tăng trưởng, năm thiền chi..

  1. KỆ TỤNG

Tôn giả Ưu đà di
– Khi độc tọa tư duy
Nghĩ nhờ thâm ân Phật
Thoát khổ não ưu bi.
Nhờ Ngài đã chế giới
Từ bỏ ăn phi thời
Khỏi bao nhiêu phiền não
Nhớ lại vẫn còn đau.
Phật dạy mặc dù vậy
Vẫn có người phàn nàn:
Sá gì việc nhỏ ấy
Thế tôn cũng cấm ngăn.
Họ không chịu nghe theo
Bất mãn chống lại giới
Sự việc ấy trở thành
Một trói buộc lớn lao
Ví như con chim cáy
Khinh thường lưới dây leo
Bị sa lưới mà chết
Dây mảnh không nguy sao?
Khi chống Phật và tăng
Vì một học giới nhỏ
Việc trở thành trọng đại
Vì lương tâm bất an
Nếu hoan hỉ từ bỏ
Ðiều Phật dạy từ bỏ
Thì tâm tư lắng dịu
Không có điều âu lo
Như với con voi lớn
Bị trói bằng dây da
Cũng không thành chướng ngại
Chuyển thân là thoát ra.
Có người sống cùng bần
Với vợ kém dung nhan
Với cái chòi rách nát,
Và giường ghế sút chân,
Với chum gạo sứt mẻ
Thấy sa môn nhàn nhã
Cũng muốn cạo râu tóc
Sống đời sống xuất gia.
Nhưng anh không bỏ được
Cái bà vợ lem luốc
Cái chum gạo sứt mẻ,
Chòi nát, giường sút chân.
Như vậy những thứ này
Thành trói buộc vững chắc
Chuyện bé trở thành to
Với người còn vướng mắc.
Ngược lại cũng có người
Xuất thân nhà giàu có,
Nhiều ruộng vườn của cải
Thê thiếp cùng kẻ hầu
Khi trông thấy tỳ kheo
Ăn xong lại ngồi thiền,
Thèm muốn sa môn hạnh
Cạo bỏ râu tóc liền
Từ bỏ trong phút chốc
Nhà cửa cùng ruộng vườn
Thê thiếp cùng tôi tớ
Không một chút vấn vương
Có đến bốn hạng người
Sống hướng về từ bỏ :
Hạng một còn chấp nhận
Tư duy liên hệ dục;
Hạng hai không chấp nhận
Khi tư tưởng khởi lên
Liên hệ đến thế tục
Liền từ bỏ, chấm dứt
Lại có kẻ thuần thục
Trong việc đoạn tư duy
Nhưng tư duy thế tục
Vẫn thỉnh thoảng khởi lên.
Khởi lên thì chậm chạp
Ðoạn trừ rất mau chóng,
Như hai ba giọt nước
Tan vào ấm nước sôi.
Cả ba hạng vừa rồi
Ðều chưa khỏi trói buộc.
Chỉ có một hạng người
Giải thoát khỏi sinh y
Là kẻ luôn nghĩ rằng
Ðây là nguồn gốc khổ,
Những sinh y trói buộc :
Người này được giải thoát.
Có năm dục trưởng dưỡng
Sắc thanh hương vị xúc
Hấp dẫn các giác quan
Ðược gọi là dục lạc
Lạc này là ô uế
Còn gọi phi thánh lạc
Lạc ấy đáng sợ hãi,
Không nên làm sung mãn.
Lạc ở trong thiền định
Là yếm lytịch tịnh,
Chánh giácđộc trú lạc,
Cần thực hiện luôn luôn.
Hỉ lạc ở sơ thiền
Cho đến lạc tam thiền
Ðều còn bị giao động
Cần phải được vượt qua
Hướng về sự tịch tịnh
Vượt qua Phi phi tưởng
Cho đến Diệt tận định
Mới tận diệt sầu ưu.
Vậy này Udayi
Còn có trói buộc gì
Dù lớn lao nhỏ nhặt
Ta chưa bảo bỏ đi?

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 306