Toát yếu Trung bộ 074 : Trường trảo

Toát yếu Trung bộ 074 : Trường trảo

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 74

Trường trảo

  1. TOÁT YẾU

Dìghanakha Sutta – To Dìghanakha.

The Buddha counters the disclaimers of a sceptic and teaches him the way to liberation through the contemplation of feelings.

Giảng cho Trường trảo.

Phật bác bỏ những lời tuyên bố của một kẻ theo chủ thuyết hoài nghi và dạy con đường giải thoát do quán cảm thọ.

  1. TÓM TẮT

Du sĩ Trường trảo [1] đến Phật, tuyên bố lý thuyết của ông là, tất cả đều không làm ông thích thú [2]. Phật hỏi lại, có phải tất cả là bao hàm luôn quan điểm này của ông. Du sĩ vẫn một mực khẳng định ông không thích thú bất cứ gì [3]. Phật dạy, đa số nói như vậy, nhưng về sau vẫn chấp thủ một quan điểm. Chỉ có một số ít sau khi thấy mâu thuẫn nội tại trong quan điểm mình, liền từ bỏ tất cả quan điểm [4].

Phật phân tích: Một số người tuyên bố: tất cả đều làm tôi thích thú. Một số người tuyên bố: tất cả đều không làm tôi thích thú. Một số người nói: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích [5]. Quan điểm đầu gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ. Quan điểm 2 gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ.

Khi nghe vậy, Trường Trảo cho rằng Phật tán dương quan điểm mình. Nhưng Phật bình tĩnh tiếp tục phân tích: Ai chủ trương: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích, thì các phần làm họ thích là gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ; phần làm họ không thích là gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ.

Người trí nhận thức rằng, nếu nói lên bất kỳ một quan điểm nào trong ba quan điểm trên [6], và cho đấy là sự thật, ngoài ra đều sai, thì sẽ chống lại hai hạng người chủ trương hai quan điểm kia. Tóm lại, có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến bực mình. Thấy thế, vị này hủy bỏ những tri kiến ấy.

Phật dạy Trường Trảo [7]: Thân này là sắc pháp do bốn đại tạo thành, do cha mẹ sinh, nhờ thực phẩm duy trì; nó vô thường, phân tán, hoại diệt. Khi quán sát thân này vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, vô ngã, thì tham dục đối với thân, sự ái luyến, phục tùng thân được trừ diệt.

Có ba thọ là lạc, khổ và bất khổ bất lạc, cả ba đều vô thường, hữu vi, duyên sinh; nên thánh đệ tử yểm ly cả ba thọ, do yểm ly, vị ấy ly tham, do ly tham, vị ấy được giải thoát. Với tâm giải thoát, tỳ kheo không nói thuận theo ai, không tranh chấp với ai, chỉ sử dụng danh từ thế gian nhưng không chấp thủ danh từ [8].

Nghe xong, tôn giả Xá lợi Phất không còn chấp thủ, giải thoát lậu hoặc [9], thành A la hán. Trường Trảo được mắt pháp thanh tịnh, dứt sạch hoài nghi, được tự tín không y cứ nơi người khác. Ông xin Phật nhận ông làm cư sĩ, từ nay đến mạng chung ông trọn đời quy ngưỡng.

III. CHÚ GIẢI

  1. Phạm chí Trường Trảo là cháu của tôn giả Xá Lợi Phất. Vào lúc ông đến nơi Phật, tôn giả Xá Lợi Phất chỉ mới xuất gia làm tỳ kheo 2 tuần, và đang còn là một bậc Dự Lưu.
  2. Theo luận giải, Trường Trảo là một người theo đoạn diệt luận, chấp đoạn diệt luận, và giải thích lời này là: “Không có một kiểu tái sinh nào tôi có thể chấp nhận được.” Tuy nhiên bản kinh này không đưa ra một bằng cứ cụ thể nào hỗ trợ cho lối giải thích này. Có lẽ đúng hơn, lời nói của Trường Trảo “không gì làm tôi chấp nhận được” là cốt để đặc biệt ám chỉ các quan điểm triết học khác, và như thế chứng tỏ Trường Trảo là một người hoài nghi triệt để thuộc loại mà kinh 76 đã mô tả một cách trào phúng là “lý luận trườn uốn như con lươn.” Lời của ông ta như vậy cũng như sự bác bỏ toàn diện tất cả quan điểm triết học.
  3. Sự trao đổi này theo các bản luận sớ, cần được hiểu như sau: Phật cho rằng, với câu hỏi của ông ta, Trường Trảo Phạm Chí có một mâu thuẫn nội tại. Vì ông không thể bài bác mọi sự mà không bác luôn cả quan điểm của ông, và điều này sẽ kéo theo lập trường ngược lại, nghĩa là ông có chấp nhận một điều. Tuy nhiên, mặc dù Phạm Chí Trường Trảo nhận ra ẩn ý của câu hỏi Phật đặt ra, ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của ông rằng không có gì làm ông chấp nhận được.
  4. Theo luận, câu đầu ám chỉ những người lúc đầu có 1 quan điểm chấp thường hoặc chấp đoạn, rồi sau theo những quan điểm hơi đổi khác về những kiến chấp ấy. Câu thứ 2 ám chỉ những người từ bỏ kiến chấp căn bản của mình nhưng sau đó không theo một quan điểm nào khác. Nhưng nếu Trường Trảo là một người hoài nghi triệt để, như có vẻ thế, thì lời của Phật có thể được hiểu là hiển thị một sự bất ổn nội tại trong lập trường của người hoài nghi: về phương diện tâm lý, thật không dễ chịu gì để ở mãi trong bóng tối hoài nghi. Như vậy phần đông những nhà hoài nghi, trong khi tuyên bố mình bác bỏ tất cả quan điểm, vẫn lén lút theo một quan điểm nhất định nào đó, trong khi một số ít từ bỏ hoài nghi luận của mình để tìm một con đường đưa đến tri kiến.
  5. Luận nói 3 quan điểm này là thường kiến, đoạn kiến và một phần thường một phần đoạn. Thường kiến thì gần với tham ái, chấp thủ vì nó xác nhận và thích thú hiện hữu dưới bất cứ hình thức tinh vi nào; Ðoạn kiến thì gần với vô tham, vô chấp vì mặc dù quan niệm sai lầm về tự ngã, đoạn kiến cũng đưa đến sự chán chường hiện hữu. Nếu quan điểm thứ hai được hiểu là hoài nghi luận tuyệt đối, thì nó cũng có thể được xem là gần với vô tham, vì nó biểu lộ sự vỡ mộng đối với hiện hữu, với một nền tảng lý thuyết, và như vậy tiêu biểu một bước tiến dò dẫm, mặc dù sai lầm, về hướng ly dục.
  6. Theo luận giải, giáo lý này cốt để chỉ cho Trường Trảo thấy nguy hiểm trong quan điểm của ông và do đó khuyến khích ông từ bỏ nó.
  7. Ở điểm này, Trường Trảo đã từ bỏ đoạn kiến. Bây giờ Phật bắt đầu dạy cho ông ta thiền quán. Trước hết quán vô thường của sắc pháp hay thân xác, rồi quán vô thường của các tâm pháp dưới đề mục cảm thọ.
  8. Luận trích một câu kệ nói rằng một vị A La Hán có thể sử dụng danh từ tôi và của tôi nhưng không có kiêu mạn nổi lên, cũng không lầm chúng ám chỉ một tự ngã. Xem thêm Trường Bộ Kinh 9 trong đó Phật nói về những lời phát biểu có sử dụng danh từ tôi: “Ðây chỉ là những tên gọi, thành ngữ, những lối nói, những cách chỉ định thường dùng trong thế gian, mà đức Như Lai sử dụng nhưng không lầm về chúng.”
  9. Theo Luận, sau khi tư duy về bài pháp Phật giảng cho người cháu, tôn giả Xá Lợi Phất phát triển tuệ quán, đắc A La Hán quả. Trường Trảo đắc quả Dự Lưu.
  10. PHÁP SỐ

Ba thọ, ba loại kiến chấp – thích tất cả, không thích gì, một phần thích một phần không.

  1. KỆ TỤNG

Du sĩ tên Trường Trảo
Tuyên bố lý thuyết ông
Là tất cả những gì
Ông đều không thích thú
Phật bèn hỏi lại ông
“Có phải rằng tất cả
Là bao hàm trong đó
Quan điểm này của ông”
Du sĩ vẫn khẳng định
Không thích bất cứ gì.
“Phần đông đều nói vậy
Nhưng vẫn có chấp thủ
Chỉ một số ít người
Thấy mâu thuẫn nội tại
Trong quan điểm của mình
Nên bỏ luôn quan điểm
Một số người tuyên bố
Tất cả tôi thích thú
Một số người tuyên bố
Tất cả tôi không thích
Một số người lại nói
Một phần thích, phần không
Quan điểm đầu gần tham
Gần trói buộc, chấp thủ
Người chủ trương không thích
Thì gần với không tham
Không trói buộc, không chấp.”
Trường Trảo nghe, khoái chí
Cho rằng Phật đồng ý
Với quan điểm của ông
Nhưng Phật cứ bình tĩnh
Phân tích tiếp vấn đề:
“Ai một phần thích thú
Còn một phần không thích
Thì cái phần thích thú
Là gần với tham dục,
Với trói buộc, chấp thủ;
Phần không thích, ly tham
Gần với không tham dục,
Không trói buộc, chấp thủ.
Người trí cần nhận thức
Nếu nói lên bất kỳ
Một trong ba quan điểm
Sẽ chống hai hạng người.
Kiến chấp là đối nghịch,
Ðối nghịch sinh tranh luận
Tranh luận sinh chống đối,
Chống đối sinh bực mình.
Khi thấy được như vậy
Từ bỏ mọi tri kiến
Nhưng đây là sự thật
Như Lai đã liễu tri:
Thân này gồm bốn đại
Do cha mẹ sinh ra,
Nhờ thực phẩm duy trì;
Nó vô thường, phân tán.
Khi quán sát thân này
Là vô thường, đau khổ,
Như bệnh, như cục bướu,
Mũi tên, điều bất hạnh,
Như tai ương, kẻ địch,
Là trống không, vô ngã
Thì sự ái luyến thân
Ðược hoàn toàn trừ diệt.
Có ba thọ: lạc, khổ
Và bất khổ bất lạc,
Cả ba đều vô thường
Hữu vi, do duyên sinh.
Thánh đệ tử yểm ly
Tất cả ba loại thọ,
Do yểm ly, ly tham,
Do ly tham, giải thoát.
Với tâm đã giải thoát,
Không nói thuận theo ai,
Không tranh chấp với ai,
Không chấp thủ danh từ.”
Nghe xong, Xá lợi Phất
Giải thoát hết chấp thủ,
Thành lậu tận la hán
Trường Trảo chứng Dự Lưu.
Ông xin Phật nhận ông
Làm đệ tử cư sĩ,
Từ nay đến mạng chung
Ông trọn đời quy ngưỡng.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 17

Post Views: 169