Toát yếu trung bộ 076 : Sandaka

Toát yếu trung bộ 076 : Sandaka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 76

Sandaka

  1. TOÁT YẾU

Sandaka Sutta – To Sandaka.

The Venerable Ànanda teaches a group of wanderers four ways that negate the living of the holy life and four kinds of holy life without consolation. Then he explains the holy life that is truly fruitful.

Giảng cho Sandaka.

Tôn giả A nan giảng dạy cho một nhóm du sĩ bốn đường lối phủ nhận đời sống phạm hạnh – phi phạm hạnh trú – và 4 loại đời sống phạm hạnh bất an “bất an phạm hạnh.” Rồi Ngài giảng thế nào là đời sống phạm hạnh thực sự có hiệu quả.

  1. TÓM TẮT

Các du sĩ đang tụ họp lớn tiếng bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm [1] thì tôn giả A Nan đến. Họ im lặng để xin tôn giả thuyết pháp thoại của Phật cho nghe.

Tôn giả A Nan nói Thế tôn đã tuyên thuyết bốn pháp phi phạm hạnh trú và bốn pháp bất an phạm hạnh mà người trí không theo và nếu theo, sẽ không đạt đến thiện pháp [2]:

  1. Có đạo sư chủ trương rằng không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục của các nghiệp thiện ác, không đời này, đời sau, không mẹ, không cha, không có chúng sinh hóa sinh, trên đời không có sa môn tu hành chứng đắc và công bố về đời này đời sau. Một người gồm bốn đại [3] khi chết trở về với bốn đại; kẻ ngu cũng như người trí chết là hết. Người trí suy nghĩ, nếu vị tôn sư này nói đúng thì ta không cần ở lại tu tập, vì có tu hành cũng như không [4]. Ðây là phi phạm hạnh trú thứ nhất. (Thuyết vô hành)
  2. Lại có đạo sư có quan điểm như sau: tự làm hay sai bảo chém giết, trộm cắp, dâm dục, đều không có tội. Bố thí, nói thật cũng không tạo nên công đức gì. Ðối với thuyết này, người có trí cũng nghĩ như trên, không theo đạo sư ấy. Ðây là phi phạm hạnh trú thứ hai. (Thuyết vô nhân quả)
  3. Có đạo sư chủ trương: không do nhân duyên gì, hữu tình bị nhiễm ô, cũng không do nhân duyên gì hữu tình được thanh tịnh. Tất cả đều bị định mệnh chi phối, hưởng thọ khổ lạc y theo sáu sinh loài. Người có trí khi nghe vậy sẽ nghĩ, đạo sư này nếu nói đúng, thì ta không cần ở lại để tu tập. Ðây là phi phạm hạnh thứ ba. (Thuyết định mệnh)
  4. Có đạo sư có lý thuyết như sau: Có bảy thân [5] thường trú, bất động, không ảnh hưởng đến nhau: địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và nạn. Ở đây không có người giết hay người bị giết, khi người nào dùng gươm chặt đầu một người nào, cây gươm chỉ rơi vào bảy thân ấy. Sau một thời gian dài, kẻ ngu người trí sau khi luân hồi sẽ trừ tận khổ đau [6], như cuộn chỉ được tung ra sẽ kéo dài đến một mức nào đó thì chấm dứt. (Thuyết luân hồi tịnh hóa). Phật dạy, người trí không thể sống theo bốn phi phi phạm hạnh trú này, nếu sống theo cũng không thể thànhđạt chánh lý.

Kế đến tôn giả trình bày về bốn bất an phạm hạnh:

  1. Có bậc đạo sư tự xem đã chứng được toàn tri, dù khi đi đứng ngủ thức, tri kiến ấy vẫn liên tục không gián đoạn [7]. Nhưng vị ấy có khi vào một nhà trống không nhận được đồ ăn khất thực, hoặc bị chó cắn, gặp voi dữ, người dữ; và vị ấy phải hỏi tên người, địa danh. Khi ai hỏi đã nói toàn tri tại sao lại thế, vị ấy trả lời sự việc phải xảy ra như vậy nên đã xảy ra như vậy. Người có trí khi nghe lời ngụy biện của vị tôn sư này, sẽ thấy bất an nếu sống phạm hạnh với ông ta, nên bỏ đi.
  2. Có vị tôn sư xem truyền thuyết là chân thật; nhưng có phần nhớ đúng, có phần nhớ sai, nên khi vầy khi khác. Ðây là bất an phạm hạnh trú thứ hai.
  3. Có vị tôn sư giỏi suy luận biện bác, thuyết pháp theo ý mình. Nhưng có phần khéo lý luận, có phần không khéo, khi vầy khi khác.
  4. Có vị đạo sư đần độn ngu si, khi được hỏi vấn đề gì thì dùng lý luận trườn uốn như con lươn [8]. Ðấy là bốn kiểu tu hành bất an mà người trí không sống theo, nếu sống theo cũng không đạt chí thiện.

Như Lai xuất hiện ở đời, sau khi chứng ngộ với thượng trí, đã tuyên thuyết những gì Ngài thân chứng, dạy hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Người theo Phật sau khi từ bỏ 5 triền cái, chứng trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, thành vị A la hán. Vị ấy không thể phạm vào 5điều [9]: sát, đạo, dâm, vọng, và tàng trữ vật thực để hưởng dụng [10]. Một vị đã chứng lậu tận chỉ khi suy tư về vấn đề này [11], mới biết rằng các lậu hoặc đã được ta đoạn tận, chứ tri kiến ấy không an trú liên tục khi vị ấy đi đứng ngủ thức.

Khi ấy Sandaka hỏi trong giáo pháp này có được bao nhiêu vị đã giải thoát [12]; và Phật trả lời có vô số người đã thành bậc lãnh đạo tối thắng như vậy.

Du sĩ Sandaka nói thật là vi diệu, trong giáo pháp của Phật không có khen mình chê người, nhưng cả phần lý thuyết lẫn thực hành đã sản sinh nhiều vị lãnh đạo tối thắng như vậy, trong khi tà mạn ngoại đạo chuyên tự tán hủy tha, lại chỉ có ba vị lãnh đạo là Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và Makkhali Gosala [13] . Ông cùng đồ chúng của ông xin xuất gia theo Phật.

III. CHÚ GIẢI

  1. Tiracchànakathà có khi dịch “câu chuyện thú vật.” Tiracchàna có nghĩa đen là đi ngang, và mặc dù có nghĩa súc sinh hay bàng sinh, theo kinh sớ, ở đây ám chỉ cuộc nói chuyện đi nganghoặc đi thẳng góc với con đường đưa lên cõi trời hay đưa đến giải thoát.
  2. Bốn phi phạm hạnh trú là những giáo lý trên nguyên tắc, phủ nhận viễn ảnh đạt đến kết quả tối hậu của sự tu tập. Như kinh này hiển thị, những người chủ trương các thuyết này – ngược lại với nguyên tắc của chính họ – vẫn tuân giữ phạm hạnh và thực hành các khổ hạnh. Bốn bất an phạm hạnh không phá hủy nguyên tắc sống phạm hạnh, nhưng cũng không đưa ra viễn ảnh kết quả tối hậu của kỷ luật tâm linh.
  3. Ðoạn kinh kế tiếp nói rõ những chủ trương duy vật của quan điểm chấp không đã nêu trong kinh 60. Kinh Sa Môn Quả cho rằng quan điểm này là của Ajita Kesakambalin (Trường II).
  4. Lập trường ở đây dường như là, dù người ta không sống đời phạm hạnh, cuối cùng cũng sẽ gặt hái những quả báo như người có sống phạm hạnh, như phần còn lại của đoạn kinh sẽ nói rõ.
  5. Trong kinh Sa Môn Quả, quan điểm này được gán cho Pakudhakaccàyana (Trường II). Tuy nhiên trong kinh ấy, đoạn phân loại chi tiết, cho đến “người ngu và kẻ trí, cả 2 sẽ chấm dứt đau khổ” thì liên hệ đến thuyết vô nhân, và đặt ngay sau lập thuyết vô nhân đề ra trong kinh này. Toàn thể quan điểm được gán cho Makkhali Gosala. Vì rõ ràng có sự liên hệ giữa hai thuyết, và vì cả 2 tiêu biểu phong trào Ajìvaka do Makkhali Gosala lãnh đạo, dường như rằng sự bao hàm hệ thống phân loại này trong lý thuyết về 7 thân, là do một sai lầm trong giáo lý truyền khẩu. Bản kinh chính xác có lẽ là bản kinh được duy trì trong Trường Bộ kinh. Về Luận giải hệ thống phân loại này, xem Bodhi, kinh Sa Môn Quả.
  6. Lời này xác nhận lại quan điểm định mệnh về giải thoát đã được công bố ở trên.
  7. Ðây là lời công bố của đạo sư Ni kiền tử trong Trung Bộ Kinh 14, và ở kinh Tăng Chi 9, Ni kiền tử và Phú Lan Na Ca Diếp cũng công bố như vậy. Sự kiện rằng ông ta làm những phán đoán sai và phải đặt câu hỏi, chứng minh ngược lại lời công bố toàn tri của ông.
  8. Lập trường này được gọi là “trườn uốn như con lươn” (Amaràvikkhepa) bởi vì lý thuyết này rong duỗi chỗ này chỗ khác như một con lươn luồn vô luồn ra trong nước, không thể nào bắt được nó. Trong kinh Sa Môn Quả, lập trường này được gán cho Sanjaya Blatthi Putta (Trường II). Rất có thể rằng những nhà lý luận “như con lươn” này là một hạng hoài nghi triệt để, không tin toàn bộ viễn ảnh tri kiến về các vấn đề tối hậu.
  9. Theo Trường 29, có 4 việc khác bậc A la hán không thể làm, đó là: vị ấy không thể làm một tà nghiệp đạo do tham sân si sợ.
  10. Kinh sớ: vị ấy không còn chất chứa lương thực và những vật dụng khả lạc khác để hưởng thụ.
  11. Ðoạn này dịch theo bản in PTS.
  12. Niyyàtàro, Nanamoli dịch là hướng đạo, Horner dịch là Ðại đạo sư. Rõ ràng cả 2 đều theo tự điển nói danh từ này liên hệ đến chữ niyyàmakahoa tiêu. Nhưng niyyata do động từ niyyàti có nghĩa là đạt đến giải thoát tối hậu, do đó ở đây dịch là người đã giải thoát.
  13. Về 3 bậc thầy của Àjìvaka, xem Trung 36. Theo kinh sớ, câu putamatàya puttà, “những đứa con chết của bà mẹ” có nghĩa “Ông ta nghĩ, những người theo Ajìvaka đã chết; mẹ của chúng có những đứa con đã chết.”
  14. PHÁP SỐ

Ba minh, 4 phi phạm hạnh, 4 bất an phạm hạnh, 4 thiền; 7 thân – địa thủy hỏa phong khổ lạc mạn.

  1. KỆ TỤNG

Du sĩ đang tụ họp
Bàn những chuyện phù phiếm
Thấy tôn giả A Nan
Bèn xin nghe pháp Phật
Thế tôn đã tuyên thuyết
Bốn phi phạm hạnh trú
Bốn bất an phạm hạnh
Người trí không sống theo
Có đạo sư chủ trương
Không bố thí, tế tự,
Không có quả dị thục
Của các nghiệp thiện ác
Không có đời này, sau,
Không mẹ cũng không cha
Không có sự hóa sinh
Không tu hành chứng đắc
Con người gồm bốn đại
Chết trở về bốn đại
Kẻ ngu như người trí
Chết là xong một đời.
Người trí nên suy nghĩ,
Nếu tôn sư này nói đúng
Thì không cần theo ông
Vì tu cũng như không.
Có đạo sư lập thuyết:
Sát sinh, trộm cắp, dâm
Tự làm, bảo người làm
Ðều không có tội báo.
Bố thí hay nói thật
Cũng không công đức gì.
Người trí nghĩ như trên
Không theo đạo sư ấy.
Có đạo sư chủ trương:
Hữu tình nhiễm hay tịnh
Do định mệnh chi phối
Không do nhân duyên gì.
Tất cả hưởng khổ lạc
Y theo sáu sinh loài.
Nếu thầy này nói đúng
Cũng không cần theo tu
Có đạo sư lại nói
Có bảy thân thường trú
Gồm địa thủy hỏa phong
Khổ, lạc, mạn là bảy
Bảy thân không tương quan
Không người giết, bị giết
Khi dùng gươm chém chặt
Gươm rơi vào bảy thân
Sau một thời gian dài
Kẻ ngu như người trí
Sẽ trừ tận khổ đau
Như cuộn chỉ kéo hết.
Người trí không sống theo
Bốn phi phạm hạnh này
Và nếu có sống theo
Không thành đạt chánh lý.
Bốn bất an phạm hạnh:
Có thầy xưng toàn tri
Dù đi đứng ngủ thức
Tri kiến ấy liên tục.
Dù tuyên bố như vậy
Vị ấy đi khất thực
Nhè đi vào nhà trống
Bị chó cắn, voi rượt
Lại nhiều lúc phải hỏi
Tên người và địa danh.
Có ai hỏi toàn tri
Sao lại phải như thế,
Thì vị ấy trả lời
Sự việc phải như vậy
Có kẻ bị chó cắn…
Nên đã xảy ra vậy.
Nghe lời ngụy biện ấy
Người trí thấy bất an
Nếu sống đời phạm hạnh
Dưới vị tôn sư này.
Có vị trọng truyền thuyết
Xưa truyền lại đều chân
Trí nhớ có đúng sai,
Nên khi vầy khi khác.
Có thầy giỏi biện bác
Thuyết pháp theo ý mình
Nhưng có phần khéo biện
Cũng có phần không khéo
Lại có thầy liệt tuệ
Khi được hỏi điều khó
Lại tránh né trả lời
Lý luận kiểu con lươn
Ðây bốn lối tu hành
Là bất an phạm hạnh
Người trí không sống theo
Theo cũng không ích lợi
Như Lai hiện ra đời
Chứng ngộ với thượng trí
Tuyên thuyết pháp nhân chứng
Dạy phạm hạnh đầy đủ
Dạy bỏ 5 triền cái
Chứng trú thiền thứ nhất
Cho đến thiền thứ tư
Thành lậu tận la hán.
Vị này không thể phạm
Sát, đạo, dâm, vọng ngữ
Cùng vật thực tàng trữ
Ðể hưởng dụng cho mình.
Một vị chứng lậu tận
Khi tác ý mới biết
Tri kiến không liên tục
Dù đi đứng ngủ thức.
Sandaka lại hỏi
Trong giáo pháp Như Lai
Bao nhiêu vị lậu tận
Phật dạy có rất nhiều.
Du sĩ Sandaka
Tán thán Phật pháp tăng
Rồi cùng đồ chúng ông
Xin xuất gia theo Phật.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 12

Post Views: 167