Toát yếu Trung bộ 101 : Kinh Devadaha

Toát yếu Trung bộ 101 : Kinh Devadaha

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 101

Kinh Devadaha

  1. TOÁT YẾU

Devadaha Sutta.

At Devadaha. The Buddha examines the Jain thesis that liberation is to be attained by self-mortification, proposing a different account of how striving becomes fruitful.

[Phật xem xét chủ trương của Kỳ na giáo cho cần khổ hạnh mới đạt giải thoát, và đề nghị một giải thích khác, làm thế nào để tinh cần đem lại kết quả.]

  1. TÓM TẮT

Tại thị trấn Devadaha của bộ tộc Sakya (Thích Ca), Phật thuật lại cho chúng tỳ kheo việc Ngài luận bại chủ trương của lõa thể ngoại đạo Nigantha (Ni Kiền Tử).

  1. Ngoại đạo Ni Kiền Tử chủ trương: Tất cả cảm thọ vui, khổ, trung tính đều do nghiệp quá khứ [1]. Nếu diệt nghiệp quá khứ (bằng khổ hạnh), không tạo nghiệp mới, thì tất cả nghiệp chấm dứt. Do nghiệp đoạn, khổ đoạn; do khổ đoạn, cảm thọ đoạn; do cảm thọ đoạn, tất cả khổ sẽ chấm dứt [2]. Phật dạy, vì họ không biết gì về đời quá khứ, không biết thiện pháp hiện tại; nên thật không hợp lý chủ trương như vậy [3]. Ví như người bị trúng tên độc cảm thọ đau đớn lúc y sĩ mổ xẻ, lúc vật dụng dò tìm chạm da thịt, lúc mũi tên được rút ra, lúc đốt miệng vết thương, lúc đắp thuốc. Khi vết thương lành, người ấy phải nhớ đã trải qua những đau khổ như thế nào, và cũng biết hiện tại mình đã khỏi bệnh, an vui.
  2. Các Ni Kiền Tử nói: Nigantha tự xưng có tri kiến toàn diện luôn tồn tại khi đi đứng ngủ thức. Ông đã dạy tu khổ hạnh để làm mòn ác nghiệp cũ, hộ trì thân khẩu ý để tương lai không tạo ác nghiệp. Chúng tôi hoan hỉ tin nhận lý thuyết ấy. Phật dạy những gì ta tin tưởng, hoan hỉ chấp thuận, nghe đồn, xét thấy có lý, chấp nhận một quan điểm – cả năm điều ấy có thể đúng hoặc sai.
  3. Vì chỉ có đau đớn khốc liệt khi có tha thiết tinh cần, không tinh cần thì không khổ, nên nói cảm thọ do nhân các nghiệp quá khứ là sai. Lại nữa, khổ hạnh không thể làm cho nghiệp hiện báo [4] thành sanh báo và ngược lại; nghiệp có khổ báo thành nghiệp lạc báo và ngược lại; nghiệp đã chín [5] thành chưa chín và ngược lại; nghiệp nhiều báo thành ít báo và ngược lại; nghiệp có báo thành nghiệp không báo [6] và ngược lại.
  4. Phật kết luận: Ni Kiền Tử đáng bị chỉ trích vì mười điểm: Nếu cảm giác khổ vui do nghiệp quá khứ, thì quá khứ họ đã làm nhiều phi pháp; nếu do tạo hóa [7] họ đã có một tạo hóa hung ác; nếu do kết hợp các điều kiện [8], họ đã kết hợp ác duyên; nếu do sinh loại [9], họ bị ác sinh loại; nếu do tinh tấn hiện tại, họ đang thực hành tà tinh tấn. Nếu khổ vui không do năm nguyên nhân ấy, Ni Kiền Tử vẫn đáng bị chỉ trích, vì vô cớ tự chuốc khổ.
  5. Tinh tấn có kết quả là khi vị tỷ kheo không để tự ngã bị khổ thắng lướt, không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không bị nó chi phối [10]. Vị ấy biết hai cách diệt trừ tham dục (nhân khổ) là tinh cần và xả [11]. Vì khi tinh cần thì không có tham dục; cũng thế khi tu xả. Ví như có người sầu khổ vì nhiệt tình ái mộ một cô gái, khi biết vậy bèn xả tâm luyến ái và từ đấy đâm ra dửng dưng dù thấy nàng nói cười với bất cứ ai. Sự tinh cần chống lại ái dục trong trường hợp ấy được gọi là tinh tấn hợp pháp. Lại nữa nếu tự thấy lạc thọ khiến bất thiện tăng, thiện giảm, ngược lại tinh cần khiến thiện tăng [12], bất thiện giảm; vị tỷ kheo sẽ khổ hạnh vừa đủ để nhiếp phục tự ngã, như thợ làm tên nung tên cho dễ uốn. Sự tinh cần có kết quả là như cuộc đời Phật từ khi xuất gia đến lúc thành đạo.
  6. Và Phật kết luận có mười trường hợp Như Lai đáng được tán thán, ngược lại với mười điều đáng chỉ trích của Ni Kiền Tử: Nếu lạc khổ do nghiệp quá khứ, Như Lai đã làm thiện hành nên nay được tối thắng lạc; nếu do tạo hóa, Như Lai đã được sinh bởi một tạo hóa toàn thiện; nếu do duyên hợp, Như Lai đã kết thiện duyên; nếu do sinh loại, Như Lai đã được thiện sinh; do tinh cần hiện tại, Như Lai đã thiện tinh tấn. Với năm giả thuyết ngược lại Như Lai cũng đáng được tán thán.

III. CHÚ GIẢI

  1. Trong Tương ưng 36, 21 và Tăng chi 3, 61, Phật cũng bác bỏ thuyết này của Kỳ na giáo, cho cảm thọ vui khổ là do nghiệp quá khứ. Giáo lý Phật thừa nhận có thứ cảm thọ không do nghiệp quá khứ mà do nghiệp hiện tại, và còn có thứ cảm thọ không có tác dụng nghiệp và cũng không phải là hậu quả nghiệp.
  2. Ðây là chủ trương của Ni Kiền Tử, như trong kinh số 14.
  3. Thuyết Ni Kiền Tử không hợp lý vì chính sự tha thiết tinh cần (khổ hạnh) khiến cảm thọ đau đớn không phải là nghiệp quá khứ.
  4. Nghiệp hiện báo là hành động có hậu quả ngay trong đời này.
  5. Nghiệp hiện báo đã chín cũng đồng nghĩa với nghiệp hiện báo, nghĩa là phải chịu hậu quả ngay bây giờ. Nghiệp chưa chín đồng nghĩa với nghiệp sanh báo nghĩa là phải chịu hậu quả ở đời kế tiếp. Nhưng có sự phân biệt như sau. Tất cả nghiệp nào có quả báo trong cùng một đời đều được gọi là hiện báo, song chỉ có những nghiệp đem lại quả báo trong vòng bảy ngày mới được gọi là nghiệp đã chín.
  6. Nghĩa là một nghiệp không có cơ hội đem lại quả báo.
  7. Issaranimmànehetu. Thuyết này của hữu thần giáo bị Phật bác bỏ trong kinh Tăng chi 3, 61.
  8. Sangatibhàvahetu, ám chỉ học thuyết của Makkhali Gosàla (Mạt già lê), bị bác bỏ dông dài trong kinh Trung 60 và Tăng chi 3.
  9. Abhijàtihetu, một tín điều của Makkhali Gosàla.
  10. Thuyết Trung đạo của Phật, tránh cực đoan khổ hạnh ép xác và cực đoan say đắm nhục lạc.
  11. Kinh sớ giải thích nguồn gốc khổ là tham ái, được gọi thế vì đấy là gốc rễ của khổ bao hàm trong năm uẩn. Ðoạn kinh này đưa ra hai cách diệt tham ái là nỗ lực tinh cần và buông xả. Sự tàn tạ của nguồn gốc, theo Kinh sớ, là đạo lộ siêu thế. Ðoạn kinh này muốn ám chỉ cách tu tập của một vị lợi tuệ đi trên con đường vui (sukhapatipadà khippàbhinnà).
  12. Ðoạn này hiển thị lý do Phật cho phép chư tỷ kheo tu khổ hạnh đầu đà một cách vừa phảiđể vượt qua những nhiễm ô. Những khổ hạnh trong đạo Phật không phải để làm tiêu mòn nghiệp cũ và thanh luyện tâm hồn như Kỳ na giáo và ngoại đạo chủ trương. Theo Kinh sớ, đoạn này hiển thị sự tu hành của một tỷ kheo có tuệ chậm lụt đi trên con đường gian nan (dukkhapatipadà dandhàbhinnà).
  13. PHÁP SỐ
  14. KỆ TỤNG
  15. Ở Deva-daha
    Thị trấn tộc Sakya
    Phật thuật lại tỏ tường
    Luận bại Ni Kiền Tử.
    Pháp này nói khổ vui
    Ðều do nghiệp quá khứ
    Nghiệp đoạn cảm thọ đoạn
    Thọ đoạn, dứt khổ đau.
    Nhưng vì không thể biết
    Ðời quá khứ ra sao
    Ðã tạo nghiệp thế nào
    Ðến mức nào hết khổ?
    Làm sao trong hiện tại
    Thành tựu các hạnh lành?
    Không biết những việc ấy
    Thuyết họ thành vô căn.
    Như người trúng tên độc
    Chịu đau lúc mổ xẻ
    Lúc dò tìm tên độc,
    Lúc rút mũi tên ra,
    Lúc đốt nung, đắp thuốc
    Khỏi bệnh phải nhớ ra
    Khổ đau càng cay đắng
    An vui thêm mặn mà.2. “Ni Kiền Tử toàn trí
    Có tri kiến toàn diện
    Lúc đi đứng ngủ thức.
    Dạy khổ hạnh nghiệp tiêu.
    Hộ trì thân khẩu ý,
    Tương lai khỏi tạo ác
    Nghiệp đoạn sẽ dứt khổ
    Tôi hoan hỉ lời này.”
    Phật dạy điều ta tin
    Hoặc hoan hỉ chấp thuận,
    Hoặc nghe nhiều người nói,
    Hoặc xét thấy hay ho,
    Hoặc chấp nhận quan điểm
    Ðều có thể lầm to.
    Và Ngài bác chủ trương
    Thọ do nghiệp quá khứ.
    Vì ngay trong hiện tại
    Họ chịu khổ khốc liệt
    Khi tha thiết tinh cần,
    Không tinh cần không khổ.3. Khổ hạnh không thể chuyển
    Hiện báo thành sanh báo
    Khổ báo thành lạc báo
    Ðã chín thành chưa chín
    Nhiều báo thành ít báo
    Có báo thành không báo
    Vì không chuyển được gì
    Nên Khổ hạnh vô ích.4. Nếu cảm giác khổ vui
    Là do nghiệp quá khứ
    Thì chắc Ni Kiền Tử
    Ðã làm nhiều phi pháp
    Nếu do một tạo hóa
    Tạo hóa ấy hung ác
    Nếu do nhiều duyên hợp,
    Ni Kiền bị ác duyên
    Nếu do sáu sinh loại
    Họ thuộc ác sinh loài
    Nếu do nghiệp hiện tại,
    Ni Kiền nỗ lực sai.
    Nếu cảm giác khổ vui
    Không do năm nhân ấy,
    Ni Kiền vẫn đáng chê
    (Vì vô cớ chuốc khổ).5. Tinh tấn có kết quả
    Là khi vị tỷ kheo
    Nhận lạc thọ hợp pháp
    Bất động trước khổ vui.
    Vị ấy biết rõ rằng
    Tham dục không khởi lên
    Khi tinh cần nỗ lực
    Hoặc khi tu tập xả
    Ví như có một người
    Say đắm một nữ nhân
    Do nhiệt tình ái mộ
    Nên mất ngủ mất ăn
    Ðau khổ vì hờn ghen
    Trái tim chàng tan nát
    Những khi thấy cô nàng
    Vui đùa cùng kẻ khác.
    Sau thấy sự tai hại
    Bèn dứt bỏ mê say
    Tâm an nhiên tự tại
    Mặc ai cười với ai.
    Phật đưa ví dụ này
    Hiển thị có hai cách
    Ðể trừ diệt tham ái
    Nguyên nhân của khổ sầu:
    Một là tu tập xả
    Không ái luyến tham cầu
    Hai tinh cần nỗ lực
    Khi vướng lụy mắc câu.
    Tinh cần tiêu ái dục
    (Nguyên nhân của khổ đau)
    Là tinh cần hợp lý
    Trong pháp Phật nhiệm mầu.
    Lại nữa nếu trú lạc
    Mà ác tăng, thiện giảm
    Nên khổ hạnh hợp lý
    Ðể nhiếp phục bản thân.6. Như Lai đáng tán thán
    Vì cả mười trường hợp:
    Dù khổ vui hữu tình
    Do nghiệp cũ hay không.
    Như Lai đã thiện hành
    Nay gặt Niết bàn lạc
    Không như ai làm ác
    Khiến nay phải hành xác;
    Dù khổ vui hữu tình
    Do, không do tạo hóa:
    Như Lai đã được tạo
    Bởi tạo hóa thiện hiền.
    Dù khổ vui hữu tình
    Do, không do các duyên:
    Như Lai thiện kết hợp
    Tối thắng lạc hiện tiền.
    Dù khổ vui hữu tình
    Do, không do sinh loại:
    Như Lai sinh loại lành
    Nay được Niết bàn lạc.
    Dù khổ vui hữu tình
    Do, không do tinh tấn:
    Như Lai khéo tinh tấn
    Nay được Niết bàn vui.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 32

Post Views: 292