Toát yếu Trung bộ 121 : Tiểu không

Toát yếu Trung bộ 121 : Tiểu không

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 121

Tiểu không
(Culasunnata Sutta)

  1. TOÁT YẾU

The Shorter Discourse on Voidness.

The Buddha instructs Ananda on the “genuine, undistorted, pure descent into voidness.”

[Bản kinh ngắn về Không tính. Phật dạy A nan về sự chứng nhập Tánh Không thuần túy không bị cong quẹo]

  1. TÓM TẮT

Phật xác nhận với tôn giả A nan rằng không những ngày xưa mà hiện tại, Ngài vẫn thường an trú trong Không tính [1], và giải thích ý nghĩa của sự trú Không như sau.

Như trong giảng đường không có voi ngựa, vàng bạc, đàn ông đàn bà… nhưng có một cái không phải không, đó là chúng tỷ kheo. Cũng vậy, tỷ kheo khi ở rừng không tác ý đến các tưởng về thôn xóm, về người, chỉ tác ý duy nhất đến tưởng rừng [2]. Khi ấy những phiền hà do thôn tưởng, nhân tưởng không có mặt, chỉ có sự phiền hà do duyên lâm tưởng [3]. Vị ấy nhận rõ là không, những gì không hiện hữu, và nhận cái gì hiện hữu là có hiện hữu. Ðây là sự thực hiện Tính không hoàn toàn chân thật, không cong quẹo. Lại nữa, tỷ kheo không tác ý đến cái tưởng Rừng, mà tác ý tưởng Ðất [4]. Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú, giải thoát trong địa tưởng, như một tấm da bò căng thẳng trên trăm cọc gỗ, không để ý đến chỗ lồi lõm hay cây cối núi sông ở trên đất. Vị ấy biết các ưu phiền do nhân tưởng, lâm tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sự nhất trí do duyên địa tưởng. Ðối với cái còn lại, vị ấy biết (do duyên sinh): Cái kia có, cái này có. Ðây là sự thực hiện Tính không hoàn toàn, chân thật, không cong quẹo. Kế tiếp, vị tỷ kheo không tác ý địa tưởng mà tác ý Không vô biên xứ tưởng [5].

Tâm vị ấy thích thú, hân hoan trong tưởng này, và biết ở đây chỉ có thuần một tưởng về Hư không vô biên, không có các ưu phiền do duyên lâm tưởng, địa tưởng. Cái gì không có mặt, vị ấy nhận là không có mặt, và cái còn lại thì biết do duyên sinh. Kế tiếp, vị ấy tác ý Thức vô biên xứ tưởng, thì các tưởng về rừng, đất, hư không không có mặt, chỉ có độc nhất một ưu phiền về tưởng Thức vô biên. Kế tiếp, tác ý Vô sở hữu xứ tưởng rồi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng như trên. Cuối cùng là tác ý Vô tướng tâm định [6].

Vị ấy biết các ưu phiền do duyên tưởng Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sáu nhập duyên mạng y cứ thân này là không phải không; và thấy nó cũng duyên sinh như trên. Và vị ấy thấy rõ cái gì do ý tạo ra, do duyên sinh thì phải vô thường, hoại diệt [7].

Nhờ vậy tâm giải thoát khỏi dục hữu vô minh lậu; tự biết tâm đã giải thoát, sinh tận, phạm hạnh thành, sau đời này không còn đời nào khác nữa. Ðây gọi là an trú tối thượng Không tính [8].

III. CHÚ GIẢI

  1. Sunnatàvihàra, Không trú. Kinh sẽ làm rõ dần rằng đây ám chỉ quả chứng về Tánh không, quả A la hán do tập trung quán tưởng khía cạnh Không của Niết bàn.
  2. MA: Vị ấy tác ý đến lâm tưởng do căn cứ vào một khu rừng, nghĩ: Ðây là một khu rừng,đây là một gốc cây, một hòn núi, một hang động.
  3. MA và MT đều giải thích đoạn này như sau: Sự phiền hà của ưa và chán khởi lên do nhận thức về con người, không hiện hữu ở đây; song vẫn còn có phiền hà gây nên bởi sự sinh khởi các pháp thô do vì thiếu sự an tịnh cần thiết.
  4. MA: Vị ấy từ bỏ tác ý về rừng và chuyên chú đến địa đại, vì người ta không thể đạt được gì, cận hành hay an chỉ, khi thiền quán về rừng. Nhưng đất thì có thể được dùng làm đề mục để quán kasina, trên căn bản này hành giả phát sinh thiền và tuệ để đắc quả A la hán.
  5. Sau khi dùng tưởng về đất để đắc bốn thiền, vị ấy khai triển biến xứ đất rồi bỏ tướng kasina để đắc Không vô biên xứ. Xem TTĐ chương X.
  6. Vô tướng tâm định, animitta cetosamàdhi. MA: Ðây là định của tâm có tuệ giác, được gọi vô tướng vì không có tướng thường vân vân.
  7. Xem Trung 52. MA gọi đây là tuệ phản quan (pativipassanà) nghĩa là áp dụng các nguyên lý của tuệ vào chính chức năng của tâm làm nhiệm vụ tuệ quán.
  8. Ở đây các từ vô thượng, tối cao (paramànuttarà) đã được thêm. MA nói đây là quả chứng Tánh không của A la hán.
  9. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Phật dạy với A nan
Ta thường trú Không tính
Và giải thích ý nghĩa
Của thứ lớp trú Không.
Như ở trong giảng đường
Không voi ngựa các thứ
Nhưng có cái không không
Ấy là chúng tỷ kheo.
Cũng thế khi ở rừng
Chỉ có tưởng về rừng
Không có tưởng gì khác
Khi ấy chỉ có mặt
Ưu phiền duyên lâm tưởng.
Những gì không hiện hữu
Biết rõ nó là không
Cái gì có hiện hữu
Nhận là do duyên tưởng.
Ðấy là thực hiện Không
Chân thật, không cong quẹo.
Kế tiếp bỏ tưởng Rừng
Ðể tác ý tưởng Ðất
Tâm vị ấy thích thú,
Hân hoan trong tưởng này,
Biết rõ các ưu phiền
Do duyên các tưởng khác
Bây giờ không có mặt
Chỉ còn lại ưu phiền
Sinh ra do tưởng Ðất.
Kế tiếp bỏ tướng Ðất
Quán Hư không vô biên
Tâm chỉ còn độc nhất
Không vô biên xứ tưởng.
Không có các ưu phiền
Do duyên các tưởng khác.
Cái gì không có mặt,
Nhận là không có mặt,
Cái gì còn có mặt
Biết rõ do duyên sinh.
Khi bỏ tưởng hư không
Quán Thức vô biên xứ
Tâm chỉ còn độc nhất
Thức vô biên xứ tưởng.
Bỏ tưởng Thức vô biên
Quán Vô sở hữu xứ
Tâm chỉ còn độc nhất
Vô sở hữu xứ tưởng.
Bỏ tưởng Vô sở hữu
Quán Phi tưởng phi phi tưởng xứ
Tâm chỉ còn độc nhất
Tưởng Phi tưởng phi phi.
Không để ý tưởng này
Nhập Vô tướng tâm định
Vị tỷ kheo rõ biết
Chỉ còn một ưu phiền
Là sáu nhập duyên thân
Tồn tại do sinh mạng
Cái gì không có mặt,
Nhận là không có mặt,
Cái gì còn có mặt
Biết rõ do duyên sinh.
Ðấy là thực hiện Không
Chân thật, không cong quẹo.
Vị tỷ kheo thấy rõ
Vô tướng tâm định này
Cũng do duyên mà sinh
Do ý hành tạo nên.
Cái gì do duyên sinh
Tất phải bị hoại diệt
Nhờ thấy rõ như vậy
Tâm vị ấy giải thoát
Dục, hữu, vô minh lậu
Tự biết tâm giải thoát,
Sinh tận, phạm hạnh thành
Sau đời sống hiện tại
Không còn đời khác nữa
Ðây gọi là an trú
Trong tối thượng Tính Không.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 8

Post Views: 178