Toát yếu Trung bộ 124 : Bạc câu la

Toát yếu Trung bộ 124 : Bạc câu la

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 124

Bạc câu la
(Bakkula Sutta)

  1. TOÁT YẾU

The elder disciple Bakkula enumerates his austere practices during his eighty years in the Sangha and exhibits a remarkable death.

[Tôn giả Bạc câu la kể ra những khổ hạnh của Ngài suốt 80 năm sống giữa tăng và hiển bày một cái chết đặc biệt.]

  1. TÓM TẮT

Acela Kassapa bạn cũ của tôn giả Bakkula lúc còn tại gia, đến thăm Ngài và cuộc vấn đáp xảy ra. Theo sự trả lời của tôn giả, người bạn xác nhận Ngài có những điều kỳ diệu như sau. Một là trong tám mươi năm xuất gia [1], không bao giờ trong tâm Ngài khởi lên dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Hai là không nhận hoặc cắt may y phục trong thời may y Ca thi na [2]. Ba không nhận lời mời ăn, cũng không ngồi ăn dưới một mái nhà. Bốn, không bao giờ để ý tướng chung hay tướng riêng của một phụ nữ, hoặc giảng pháp cho họ dù chỉ bốn câu, hoặc đi đến khu vực của ni chúng, hoặc giảng pháp cho ni hay nữ cư sĩ. Năm là Ngài không từng truyền giới cho ai, là y chỉ sư cho ai, để ai hầu hạ. Sáu, Ngài không bao giờ tắm trong nhà tắm với bột tắm (xà phòng), không để ai chà xát thân thể, không bao giờ ốm đau dùng thuốc, không nằm giường, không an cư mùa mưa dưới một mái nhà trong thôn xóm. Bảy là, Ngài chỉ mắc nợ thí chủ trong bảy ngày đầu sau khi xuất gia, đến ngày thứ tám Ngài được thắng trí [3]. Sau khi xác nhận đấy là những điều kỳ diệu nơi tôn giả Bakkula, Acela Kassapa cũng xin xuất gia thọ đại giới [4] và không lâu sau đó ông cũng chứng quả A la hán như Ngài. Ðiều kỳ diệu cuối cùng là tôn giả Bakkula báo tin trước [5], rồi ngồi kiết già giữa đại chúng mà nhập Niết bàn [6].

III. CHÚ GIẢI

  1. MA: Tôn giả Bạc câu la đi tu năm tám mươi tuổi, tức vào lúc Phật nói kinh này thì Ngài đã 160 tuổi. Ngài được Phật xem là đệ tử có sức khỏe tốt nhất.
  2. Ðoạn này và những đoạn kế tiếp chứng tỏ tôn giả Bạc câu la là người tu khổ hạnh. Thời may y Ca thi na là thời gian sau mùa an cư khi chúng tỷ kheo dùng những vải vóc họ đã nhận được để may thành y phục.
  3. MA: Sau khi xuất gia, trong bảy ngày đầu Ngài vẫn còn là người bình thường, nhưng vào ngày thứ tám Ngài đắc quả A la hán cùng với các trí biện tài.
  4. MA: Vì đang tu khổ hạnh, tôn giả Bạc câu la không truyền giới xuất gia cho người khác, mà chỉ sắp xếp cho các vị khác truyền giới.
  5. MA: Tôn giả Bạc câu la xét rằng suốt đời Ngài đã không làm gánh nặng cho tỷ kheo khác, và cũng không muốn nhục thân trở thành gánh nặng sau khi chết, nên đã nhập thiền quán nội hỏa (lửa tam muội) để nhập niết bàn, bằng cách khiến cho toàn thân bốc cháy, chỉ còn lại xá lợi.
  6. MA: Kinh này được tụng đọc tại kỳ đệ nhị Kết tập xảy ra khoảng một trăm năm sau Phật niết bàn.
  7. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

A chê la Ca diếp
Bạn cũ Bạc câu la
Ðến thăm tôn giả này
Thấy những điều kỳ diệu:
Trong vòng tám mươi năm
Không bao giờ trong tâm
Ngài khởi lên dục tưởng,
Sân tưởng và hại tưởng
Ngài không nhận y phục
Hoặc cắt may quần áo
Trong thời gian may y.
Không nhận lời mời ăn
Không ngồi ăn trong nhà.
Không bao giờ để ý
Dáng dấp của phụ nữ
Hoặc giảng pháp cho họ
Dù chỉ nói vài câu,
Không bao giờ lai vãng
Các nơi ni cư trú
Hoặc giảng pháp cho ni
Không truyền giới cho người,
Hoặc làm y chỉ sư
Hoặc để người hầu hạ.
Không tắm trong nhà tắm
Với bột tắm (xà phòng)
Không để ai chà xát
Không bao giờ ốm đau
Nên không từng dùng thuốc
Không nằm ngủ trên giường
Không an cư mùa mưa
Dưới mái nhà thôn xóm.
Ngài chỉ nợ thí chủ
Bảy ngày đầu xuất gia
Ngày thứ tám đắc quả
Với thắng trí thần thông.
Sau khi đã thấy được
Những điều vi diệu ấy
Nơi Ngài Bạc câu la
A chê-la Ca diếp
Xuất gia thọ đại giới
Không bao lâu chứng quả
Thành vị A la hán.
Ðiều kỳ diệu cuối cùng
Mọi người được chiêm ngưỡng
Tôn giả Bạc câu la
Báo trước cho đại chúng
Ngồi kiết già giữa chúng
Nhập vô dư niết bàn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 23

Post Views: 274