Toát yếu Trung bộ 125 : Ðiều ngự địa

Toát yếu Trung bộ 125 : Ðiều ngự địa

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 125

Ðiều ngự địa

  1. TOÁT YẾU

Grade of the Tamed.

By analogy with the taming of an elephant, the Buddha explains how he tames his disciples.

[Phật giảng cách huấn luyện đệ tử với ẩn dụ luyện voi.]

  1. TÓM TẮT

Vương tử Jayasena [1] đến xin Sa di Aciravata dạy cho mình Pháp ông đã được nghe, theo đó, một tỷ kheo nhiệt tâm tinh cần có thể đắc định. Sa di từ chối, nhưng trước sự năn nỉ của vương tử, ông bảo tôi sẽ nói Pháp mà tôi đã được nghe và học, nhưng nếu ông không hiểu ý nghĩa thì cũng không được hỏi. Vương tử bằng lòng. Sau khi nghe sa di nói Pháp, vương tử bảo làm gì có chuyện một tỷ kheo không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần lại có thể đắc định, và vương tử ra về. Sa di đến hầu Phật, thuật lại mọi sự.

Phật dạy dĩ nhiên vì Jayasena đang sống trong dục lạc, bị dục lạc nhai nghiến nên không thể hiểu những gì cần phải xa lìa các dục mới hiểu được. Rồi Phật lấy ví dụ con voi [2] chưa được thuần hóa không thể đạt đến địa vị chỉ có thể đạt bởi voi thuần; và ví dụ về một người đứng trên đỉnh núi tả phong cảnh trên đỉnh cho một kẻ đang đứng dưới chân núi, kẻ sau này vì bị ngọn núi che tầm mắt nên không thể thấy gì và sẽ cho người đứng trên là nói dóc. Cũng vậy vương tử đối với sa di là như con voi rừng với con voi đã luyện, như người đứng dưới núi với kẻ đứng trên đỉnh. Khi người ở dưới cũng leo lên đỉnh thì sẽ thấy như bạn mình đã thấy, và biết mình đã bị chướng ngại nên không thấy được. Nhưng chướng ngại của vương tử lại còn nặng nề hơn nhiều, vì ông ta bị đống vô minh che khuất khi sống với dục lạc, và không thể thấy những gì cần được thấy nhờ ly dục. Và Phật bảo sa di: Nếu ông đưa ra hai ví dụ ấy thì chắc vương tử sẽ nghe theo ông, và cư xử phải phép. Sa di bạch Phật: Hai ví dụ này chính con cũng mới được nghe lần đầu, thì làm sao con có thể nói với ông vương tử một cách tự nhiên như Thế tôn dạy?

Khi ấy Phật giảng rộng ẩn dụ luyện voi để ví với sự đào luyện một người từ cương vị phàm phu cho đến bậc thánh. Như một vị vua bảo người thợ rừng cỡi trên một thớt voi chúa đi vào rừng, và khi trông thấy con voi nào thì cột nó vào cổ con voi chúa mà kéo ra khỏi rừng. Sau đó vua bảo người luyện voi hãy điều phục con voi mới tóm được ấy, cho hết những thói rừng rú của nó. Làm cho nó hết buồn sầu vì nhớ rừng và thích thú với làng mạc. Người luyện voi dùng lời khả ái dạy nó dần dần cho đến khi nó làm được những động tác nhặt lên, để xuống, đi tới đi lui đứng lên ngồi xuống và cuối cùng là tập cho nó bất động toàn thân, mặc cho bao nhiêu sự tấn công từ ngoài. Khi ấy con voi trở thành vương tượng kham nhẫn được mọi đau đớn do gươm giáo tên đạn và những tiếng động chát chúa. Nó trở thành xứng đáng cho vua dùng. Cũng vậy, một tỷ kheo sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, được Phật huấn luyện giữ giới, hộ trì căn, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác gột sạch tâm khỏi chướng ngại pháp, chính niệm tỉnh giác trong các uy nghi, chọn chỗ vắng ngồi thiền gột trừ năm triền cái, quán 4 niệm xứ để điều phục tham ưu liên hệ thế tục [3], cuối cùng chứng sơ thiền, nhị thiền [4] đến tứ thiền. Sau khi đắc một thiền chứng trong số này, vị ấy hướng tâm đến lậu tận và đắc quả A la hán. Vị tỷ kheo khi ấy nhẫn nhục chịu được nóng lạnh đói khát, từ bỏ tất cả tham sân si và lầm lỗi, xứng đáng sự lễ bái cúng dường của thế nhân. Như một con voi không được điều phục lúc sống thì khi chết, nó chết một cái chết không được điều phục, bất kể con voi ấy trẻ hay già. Một tỷ kheo cũng vậy.

III. CHÚ GIẢI

  1. Theo MA, thái tử là con vua Bimbisàra.
  2. Ẩn dụ giống như kinh 90.
  3. Ðể ý ở đây, bốn niệm xứ được giải thích ở chỗ thông thường dành cho bốn thiền.
  4. Vì sự trình bày ở đây bắt đầu bằng thiền thứ hai, nên đoạn trước đấy về tu bốn niệm xứ phải được ngầm hiểu là bao quát thiền thứ nhất.
  5. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Vương tử Jayasena
Hỏi Sa di ở rừng
Thế nào với nhiệt tâm
Tinh cần không phóng dật
Thì có thể đắc định
Xin đại đức nói nghe.
Sa di bảo vương tử:
Tôi sẽ nói cho ông
Nhưng nếu ông không hiểu
Ðừng hỏi nữa mất công.
Sa di nói Pháp xong
Vương tử không tin nhận
Cho chỉ là nói dóc
Và đứng dậy bỏ đi.
Sa di đến hầu Phật
Thuật lại hết sự tình.
Phật dạy lẽ đương nhiên
Kẻ sống trong dục lạc
Bị năm dục nhai nghiến
Làm sao hiểu những gì
Muốn hiểu cần yểm ly
Và lánh xa năm dục.
Như voi đã được luyện
Cư xử khác voi rừng
Như người dưới chân núi
Không thấy cảnh bao la.
Vương tử bị chướng ngại
To tát hơn cả núi
Là năm dục lôi kéo
Và đống lớn vô minh.
Nếu ông ví dụ vậy
Vương tử sẽ tin ngay
Và khi đã tin ông
Sẽ hành xử đúng cách.
Nhưng bạch đức Thế tôn
Làm sao con nói được
Khi con chỉ được nghe
Ví dụ ấy lần đầu?
Khi ấy Phật giảng rộng
Về ẩn dụ luyện voi
Tương tự cách đào luyện
Phàm phu thành bậc thánh.
Như vua bảo thợ săn
Cỡi tượng vương vào rừng
Thấy voi hãy tóm cổ
Dẫn ra khỏi rừng sâu
Rồi lại bảo anh nài
Luyện voi thành thuần thục.
Trước hết bỏ thói rừng
Thích thú với làng mạc
Dần tập nhiều động tác
Cuối cùng tập đứng yên
Toàn thân thành bất động
Trước mọi sự tấn công
Bấy giờ voi xứng đáng
Báu vật của vua dùng.
Thiện nam tử xuất gia
Ra khỏi nhà thế tục,
Giữ giới, hộ trì căn,
Uống ăn có tiết độ,
Cảnh giác các lỗi lầm
Ðứng đi trong chính niệm
Chọn chỗ vắng thiền tư
Gột trừ năm triền cái
Quán bốn chỗ tưởng niệm
Và chứng đắc bốn thiền.
Sau khi được thiền chứng
Hướng tâm đến lậu tận.
Vị tỷ kheo khi ấy
Nhẫn chịu mọi thử thách
Từ bỏ tham sân si
Ðáng lễ bái cúng dường
Bất kể trẻ hay già
Người sống không điều phục
Chết với tâm hoang mang
Của kẻ thiếu tỉnh thức
Dù thượng, trung, hạ tọa
Người sống có điều phục
Chết với tâm an nhiên
Như một người giác tỉnh.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 20

Post Views: 250