Toát yếu Trung bộ 130 : Thiên sứ

Toát yếu Trung bộ 130 : Thiên sứ

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 130

Thiên sứ

  1. TOÁT YẾU

The Divine Messengers.

The Buddha describes the sufferings of hell that await the evil-doer after death.

Sứ giả thiêng liêng.

Phật mô tả những nổi khổ ở địa ngục đang chờ đợi kẻ làm ác sau khi chết.

  1. TÓM TẮT

Phật dạy chúng tỷ kheo rằng với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ngài thấy chúng sinh chết và tái sinh tùy theo nghiệp lành dữ. Những hữu tình thành tựu thiện hành về thân, lời, ý, có chính kiến, không phỉ báng các bậc thánh, chết tái sinh vào cõi tốt lành như cõi người cõi trời.

Ngược lại những hữu tình thành tựu ba loại ác hành về thân, lời, ý, có tà kiến, thường phỉ báng các bậc thánh, chết tái sinh vào những cõi xấu ác như ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục. Tại đây Yama [1] cho họ biết có năm thiên sứ [2] (sứ giả nhà trời) thường hiện ra giữa loài người là trẻ sơ sinh, người già, người bệnh, kẻ có tội bị trừng phạt, và xác chết; nhưng vì ham vui họ đã không ý thức rằng mình cũng bị chi phối bởi sinh, già, bệnh, chết, và có thể phạm tội ác, để lo làm các thiện hành về thân, khẩu, ý. Vì đã sống buông thả không lánh dữ làm lành nên giờ đây họ phải chịu hậu quả ác nghiệp do chính họ làm, không phải do ai khác. Sau khi bị Diêm vương thẩm vấn, họ bị các người canh giữ tra tấn bằng những cực hình làm họ đau đớn khốc liệt rồi lại bị quăng vào Ðại địa ngục [3] toàn bằng sắt nóng, địa ngục Phấn nị, địa ngục Than hừng, địa ngục Rừng gai, địa ngục Rừng lá gươm, địa ngục Sông vôi. Tại đấy khi đói, họ phải ăn hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Dù đau đớn khốc liệt, họ vẫn phải chết đi sống lại để chịu khổ và chỉ mạng chung khi ác nghiệp đã tiêu trừ. Phật dạy điều này chỉ có Ngài thấy biết, không nghe từ ai khác. Và Ngài kết thúc bằng một bài kệ nói mặc dù đã được thiên sứ báo động, kẻ ngu vẫn sống buông thả và phải chịu đau khổ dài lâu, còn bậc trí thấy vậy không bao giờ phóng dật, siêng tu diệu pháp, giải thoát khỏi chấp thủ và nhờ vậy chấm dứt sinh tử về sau, hiện tại được an lạc.

III. CHÚ GIẢI

  1. Yama là thần chết. MA nói ông ta là chúa tể của loài ma sở hữu một cung trời. Khi thì ông sống trên cung trời hưởng thọ thiên lạc, khi thì ông thọ quả báo của nghiệp; ông ta là một ông vua công chính. MA thêm rằng kỳ thực có đến bốn Yamas, mỗi ông trấn một trong bốn cổng (địa ngục?).
  2. Theo thần thoại PG, ba thiên sứ là người già, người bệnh, và xác chết, xuất hiện trước đức Bồ tát trong khi Ngài đang sống trong hoàng cung, khiến Ngài đâm chán, muốn xa lìa cuộc sống thế tục và đánh thức trong Ngài ước muốn tìm giải thoát. Xem Tăng chi 3, để thấy cái cốt lõi tâm lý mà có lẽ từ đó câu chuyện đã được triển khai.
  3. Sự mô tả địa ngục ở đây cũng được tìm thấy trong kinh 129.
  4. Bắt đầu từ chỗ này trong Kệ tụng dưới đây, chép nguyên văn lời kệ do Hòa thượng Minh Châu dịch.
  5. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Với thiên nhãn thanh tịnh
Phật thấy các hữu tình
Chết rồi lại tái sinh
Tùy theo nghiệp lành dữ.
Ai thành tựu thiện hành
Về thân, lời và ý,
Làm việc theo chính kiến
Không phỉ báng bậc thánh
Chết tái sinh cõi lành
Làm người, sinh thiên giới.
Ngược lại những hữu tình
Thành tựu ba ác hành
Về thân, lời, và ý
Lại thêm có tà kiến
Phỉ báng các bậc thánh
Chết sinh làm ngạ quỷ
Vào bàng sinh, địa ngục.
Diêm vương tra vấn họ
Về thiên sứ hiện ra:
Trẻ sơ sinh, người già
Người bệnh và xác chết
Phạm tội bị cực hình
Sao không biết chính mình
Sẽ lâm vào cảnh ấy
Ðể phát tâm tu hành
Vẫn buông lung thói ác?
Giờ đây ngươi phải chịu
Hậu quả của ác nghiệp
Do chính ngươi đã làm
Không phải do ai khác.
Diêm vương thẩm vấn xong
Người canh giữ địa ngục
Tra tấn kẻ làm ác
Những cực hình khốc liệt
Quăng vào Ðại địa ngục
Làm toàn bằng sắt nóng
Rồi địa ngục Phấn nị
Ðến địa ngục Than hừng
Qua địa ngục Rừng gai
Ðịa ngục Rừng lá gươm
Và địa ngục Sông vôi
Ðói ăn hoàn sắt nóng
Khát uống nước đồng sôi
Dù đau đớn dữ dội
Ðến chết đi sống lại
Sinh mạng vẫn kéo dài
Bao lâu chưa tiêu nghiệp
Ðiều này Phật thấy biết,
Không nghe từ một ai.
Ðối với bậc hiền trí
Ðược thiên sứ báo động [4]
Không bao giờ phóng dật
Trong diệu pháp bậc thánh.
Thấy sợ trong chấp thủ
Trong hiện hữu sinh tử
Ðược giải thoát chấp thủ
Sinh tử được đoạn trừ
Ðược yên ổn khoái lạc
Ngay hiện tại tịch tịnh
Hết oán hận sợ hãi
Thoát đau đớn khổ sầu.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 20

Post Views: 211